24 giờ của một ngày tù |
Tác Giả: Phan Vũ | |||
Thứ Bảy, 10 Tháng 4 Năm 2010 09:44 | |||
Tháng Tư, ngày 30, năm 1975, một màn đen khổng lồ rơi ụp xuống dân miền Nam, tước đi tự do và mọi nhân quyền. Cán bộ Cộng Sản tuyên huấn lớn tiếng nói với chúng tôi: “Các anh có tội với nhân dân và tổ quốc. Do đó các anh mất quyền công dân. Cải tạo tốt, được tha về, các anh phải làm đơn xin lại quyền công dân.” Tôi thầm nghĩ, có tội với nhân dân và với tổ quốc có nghĩa là hai cổ chân tôi mang hai cái còng sắt 10 ly suốt 24 giờ. Binh sĩ VNCH bị bắt đi tù cải tạo sau ngày 30 tháng 4, 1975. AFP/Getty Images. Mất quyền công dân có nghĩa là mất quyền công dân tự do. Làm đơn xin lại quyền công dân có nghĩa là xin quyền công dân Xã Hội Chủ Nghĩa. Tù cải tạo không làm vì quyền công dân Việt tự do không bị mất. Nằm trên sạp gỗ nhám đầy mạt cưa, dài 8 mét rộng 2 mét, đầu để trên ba lô quần áo, hai chân bị xâu lại bởi hai cái còng sắt 10 ly hình chữ U chụp vào cổ chân, hai đầu còng uốn cong thành chữ O, xuyên qua chữ O là một cây sắt 10 ly dài hơn 10 mét, khóa lại ở hai đầu bên ngoài tường gỗ. Mỗi xâu sắt có độ sáu tù nhân. Tôi có tội và tôi phải ở tù. Ðúng. Tự do và quyền con người mà tổ tiên Lạc Hồng để lại cho tôi và con cháu tôi đã mất. Tôi chấp nhận và không than vãn. Ðêm dài vì không ngủ được, vì tiếng khóc tỉ tê cảnh vợ không tiền mua gạo nuôi con, nuôi cha mẹ, con phải nghỉ học, ăn mày thức ăn cặn trước cửa hàng ăn uống. Không ngủ, vì rệp từ các khe gỗ bò ra hút máu, vì tiếng thét khi chuột cống cắn vào các mụt ghẻ đầy mủ, vì tương lai của mình, của vợ, và của con. Guồng máy chính quyền Sài Gòn bị xóa bỏ, thất nghiệp toàn bộ, xưởng thợ nhà máy ngừng hoạt động: nền kinh tế xuống mức số không. Quỹ hưu bổng không còn. Những chuyên viên kinh tế Cộng Sản được đào tạo tại Liên Xô và các nước Cộng Sản Ðông Âu trở thành những sinh viên kinh tế thị trường năm thứ nhất trước nền kinh tế phồn thịnh của miền Nam. Thời kỳ này, báo Sài Gon Giải Phóng đăng những bài học kinh tế năm thứ nhất do Lâm Võ Hoàng viết. Nước máy Sài Gòn đục như nước sông. Ngô Công Ðức viết bài báo chỉ trích. Hậu quả: tờ Ðiện Tín bị đóng cửa và nhà in bị hốt. Tôi nằm nhìn trời xanh, có ánh trăng, lúc thì trăng tròn, lúc thì trăng khuyết, trăng mọc lên rồi trăng lặn xuống. Tôi đếm sao, nhưng khe hở giữa tường gỗ và mái tôn quá hẹp, chỉ vỏn vẹn một chục ngôi sao. Có đêm trời đen như mực tàu, gió rít thổi như có tiếng than khóc nức nở từ đâu vang tới, mưa đổ như thác, giọt mưa đập mạnh như búa bổ trên tôn thiết, như có ai ném hận thù cho hả cơn giận. Cả trại đều thức dậy. Bảy giờ sáng. Tên du kích kéo dây xích 8 ly trên nền xi-măng, tiếng kéo lê kêu sột soạt, lách cách ma quái, rợn người, tù nhân mặt tái xanh, không biết Việt Cộng sẽ làm gì với dây xích. Một tên du kích mở khóa bên ngoài tường, kéo cây sắt ra khỏi các còng. Một tên khác mở toang cửa phòng giam, da mặt xanh mét như màu lá chuối non vì sốt rét. Vài tên du kích khác đứng trên sân, tay lăm lăm khẩu AK. Tên du kích gầy còm độ 16 tuổi, bước vào, kéo theo sợi dây xích, vòng vào cổ chân trái của người tù trong cùng và khóa lại. Sau khi khóa cổ chân người tù ngoài cùng, gần cửa ra vào, tên du kích ra lệnh: “Cầm bô, bước xuống, và ra sân.” Bô là một bình ni-lông một gallon (4 lít), khoét một lỗ lớn, đối diện với tay cầm, dùng để tiểu đại tiện. Xâu chuỗi sáu người tù sắp hàng dài trên sân, sợi dây xích nối liền sáu người tù với nhau, gió thổi bay bụi đỏ khắp sân. “Các anh bước tới!” tên du kích ra lệnh. “Ði tiếp, muốn trốn phải không?” Tiếng lách cách lên đạn vào nòng súng. Khi gần tới hố, mọi người thở phào: hố xí! Tôi bước lên hai tấm ván bìa ngang hai tấc, dài hai mét. Tôi ngồi xuống đi vệ sinh. Người bên cạnh tôi vừa thả vệ sinh xuống, tức thì một đám mây ruồi xanh bay qua mặt tôi. Sợ quá, tôi nhắm mắt lại. Có con đụng vào tay tôi, tôi vội xua tay. Thật là khủng khiếp! Khi nhìn xuống, tôi thấy một cái cần xé tre to, đầy bọ lúc nhúc. Tôi rùng mình, nhắm mắt lại: thật là ghê tởm! Nếu chẳng may một ai đó rơi vào cái cần xé đó... Trời ơi... Tôi không dám nghĩ tiếp. Cảnh tượng này đến với tôi năm tôi 42 tuổi. Hình ảnh khủng khiếp ghê rợn khó quên... “Sàigòn được giải phóng. Cách mạng đã thành công.” Dầu sao con bọ còn được tự do bò lết, không mang còng suốt ngày đêm như tôi. Chúng tôi là cá mòi nằm xếp lớp trong hộp gỗ. Con chó bỏ vào chuồng thì chủ nó mở xích cho nó. Cảnh sát trại tù đưa người tù nguy hiểm vào xà lim và khóa cửa, thì tù nhân đưa tay qua cửa sổ cho cảnh sát mở còng. Quân khủng bố Al Qeada bị nhốt tại trại Guantánamo có xà-lim sạch sẽ, mặc quần áo trắng, ngồi đọc kinh Koran. Cuối xà lim có một bàn cầu ngồi và cuộn giấy vệ sinh. Còn tôi, vệ sinh xong, tôi sử dụng giấy báo, khi giấy báo hết phải xé áo thung... Tù cải tạo đứng dậy, trở về phòng, bỏ dây xích và khóa ra, rồi mang còng vào. Mười lăm ngày, mới được xối vài gàu nước, giặt quần áo qua loa, rồi mang vào phòng mà phơi. TV FoxNews Channel chiếu một người lính Mỹ đẩy xe quần áo đã giặt máy, sấy khô, và trao lại cho tù nhân khủng bố. Thật là chua xót. Khi tôi ngước mắt nhìn ra phía trước, mười đầu súng AK đen ngòm chỉa thẳng vào người tôi. Ðêm ngày 24 tiếng đồng hồ quanh tôi có súng ngắm thẳng vào tôi, sẵn sàng nhả đạn: “giải phóng,.. ngày vui đại thắng...” Tôi thấy trên TV Sài Gòn, Tôn Ðức Thắng, Lê Duẫn, Lê Ðức Thọ... đứng trên ban công dinh Ðộc Lập, cười hớn hở trong khi cũng trên TV chiếu cảnh một sĩ quan cao cấp Hải Quân đi trình diện học tập làm tù nhân... các sĩ quan cấp tướng và tá khác tự tử đền nợ nước... nhiều hạ sĩ quan anh hùng tự giết mình để khỏi rơi vào tay địch. Tôi nhớ cảnh chiếu Thủ Tướng Nhật Tojo mổ bụng hara-kiri. Tôi cũng nhớ cái clip TT Nguyễn Văn Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, “thuyền trưởng và thuyền phó” một quốc gia, là những người lính “tháo chạy” đầu tiên ra khỏi Saigon trong khi Sirit Matak, người Cam-bốt cám ơn Ðại sứ Mỹ và ở lại đền tội. “I cannot, alas, leave in such a cowardly fashion... I have committed this mistake of believing in you, the Americans.” (Than ôi, tôi không thể bỏ trốn một cách nhục nhã như thế... Tôi đã phạm lỗi này là đã tin vào quý vị, những người Mỹ...) (Larry Berman, Prologue 3, No Peace, No Honor...) Tôi học sử Việt, Võ Tánh chết với Thành Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; Phan Thanh Giản uống độc dược vì không giữ được ba tỉnh Nam Bộ... Mười giờ sáng, cửa phòng mở ra. Một du kích, quần áo nhàu nát, vô phòng mang hai cái thau nhôm móp méo, cáu bẩn: một cái đựng cơm, còn thau kia đựng nước lèo mắm cá lõng bõng. Tôi được một chén cơm hẩm. Tôi múc một muỗng nước lèo, để vào miệng. Mùi thối của nước lèo làm nôn ọe. Tôi cố nuốt xuống nhưng miếng cơm cứ trào dội lên. Tôi thở dài. Thân thể tôi yếu dần, đi đứng lảo đảo. Tôi cố tập thể dục để giữ sức khỏe. Có tù nhân không đi đứng được mà phải bò. Ðúng là số phận nô lệ, người bại trận. Vũ Thư Hiên, tác giả cuốn sách Ðêm Giữa ban Ngày nhìn thấy chuột cống từ ống cống hôi thối bò lên ăn cơm tù của ông. Tâm tư của Vũ Thư Hiên chắc không khác tình tự của tôi trước đó. Tuy nhiên người bại trận Al Qeada được phục vụ ba bữa ăn: người lính Mỹ bưng cái khay đựng bánh mì, miếng thịt, một quả táo, có cái khăn trắng phủ kín, đem tới từng phòng xà lim. Dân trí cao vì kiến thức cao và hành động đối xử người với người cũng khác nhau... Ðộ ba giờ chiều, tiếng tù nhân sầm xì, có tù chết đem đi chôn. Nhìn qua kẽ hở giữa các tấm ván vách, tôi nhìn thấy bốn tù nhân khiêng một cái chiếu cỏ lác cuộn tròn, hai tù nhân một đầu chiếu. Có tiếng nói từ phòng kế bên: tù nhân là trung sĩ... người Kẻ Sặc, Hố Nai... trung sĩ trinh sát... Một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi, có lẽ một ngày ảm đạm nào đó tôi sẽ nằm trong một cái chiếu cói khác... Ðói khát, dơ bẩn sinh bịnh tật, không thuốc men chữa trị, rồi chết: cái chết tự nhiên trong bản phúc trình. Chấm hết. Cơm chiều xong, nhưng vẫn đói, tôi nằm suy nghĩ vẩn vơ về thân phận của tôi. Từ khi tôi lên 10, từ Phú Yên ra đến Thanh Hóa, các trường công đều đóng cửa. Tôi về quê Hà Trung, Thanh Hóa cày ruộng. Một phép lạ đã đưa tôi vào Huế học lại, ba tuần lễ trước ngày 19 tháng 12 năm 1946. Sau 2 tháng, quân đội Pháp trong Ðà Nẵng ra giải phóng Huế và tôi được tự do. Tại Saigon, tôi vừa đi làm vừa đi học để kiếm một nghề mà sống. Tiểu sử của nhà triết học và toán học Gaston Bachelard thúc đẩy tôi học cao (Gaston Bachelard là người bán hoa tại Paris. Năm 30 tuổi, ông mới đi thi tú tài và học lên tiếng sĩ toán và triết học) nhưng chiến tranh đã đưa tôi đi học cách giữ miền Nam và vì bại trận tôi đi vào nhà tù cải tạo. Thế hệ tôi, trước tôi, và sau tôi, cả miền Bắc và Nam, vào đấu trường để giết nhau - lịch sử Trịnh Nguyễn lại tái diễn. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, và đảng Cộng Sản nhờ xảo quyệt cướp chính quyền và cai trị bằng sắt máu. Chuyên chính, độc tài, và tần nhẫn đã thắng miền Nam. Chính sách của miền Nam yếu mềm - miền Nam không chủ trương giải phóng miền Bắc và chỉ bảo vệ lãnh thổ miền Nam. Trên võ đài, võ sĩ chỉ thế thủ nhất định là thua vì thế công là thế thủ của ta cộng thêm thế đánh của ta. Việt cộng pháo vào chợ Bến Thành trong khi Hồ Chí Minh được bảo đảm an toàn uống trà Thái Nguyên và hút thuốc Philip Morris tại phủ Chủ Tịch Hà Nội. Thật buồn cười... Vì những lý do nào Mỹ bở rơi Saigon? Tại sao họ không thích chúng ta? Nhưng có 58,000 lính Mỹ chết vì chúng ta, tại sao? Vậy ai ủng hộ chúng ta và ai chống chúng ta? Tôi không có câu trả lời. Tại sao một số cựu chiến binh Mỹ ném trả những huy chương mà họ đã phải đổ máu, mồ hôi, và cực khổ để có? Sinh viên Mỹ nghĩ gì khi treo cờ Giải Phóng Miền Nam? Tôi nghĩ nguyên do là họ không hiểu biết bản chất thật sự chiến tranh Việt Nam. Không ai giải thích cho họ hiểu biết, ngay cả Bùi Diễm và Nguyễn Kim Phượng, đại sứ VNCH tại Mỹ, cũng không có thuyết trình, giải bày trên TV Mỹ và báo chí Mỹ, hội luận, phản bác luận điệu sai lạc. Nguyễn Thái Bình, du học sinh đi từ Saigon đã cướp máy Mỹ trên đường về Việt Nam. Nay, năm 2000, tôi đã tìm ra nguyên do: Phim We Were Soldiers dựa theo sách We Were Soldiers Once... and Young, Tướng Lt. General Harold G. Moore viết, “In the broad, traditional sense that ‘we’ who went to war was all of us, all Americans, though in truth at that time the larger majority had little knowledge of, less interest in, and no great concern with what was beginning so far away.” (Theo nghĩa rộng và truyền thống, rằng ‘chúng ta’ đi đánh giặc là tất cả chúng ta, tất cả người Mỹ, mặc dầu sự thật vào thời điểm đó, đại đa số khá lớn hiểu biết rất ít, không có lợi ích nhiều, và không quan tâm lớn đến những sự kiện đang bắt đầu diễn ra ở một nơi quá xa.) (We were Soldiers Once... and Young, Prologue.) Nay, tôi cũng biết tại sao có 58,000 lính Mỹ chết - Tướng Moore viết tiếp, “...This is a love story, told in our own words and by our own actions... we went where we were sent because we loved our country. We were draftees, most of us, but we were proud of the opportunity to serve that country (Vietnam) just as our fathers had served in World War II and our older brothers in Korea.” (...đây là một chuyện tình, nói bằng ngôn ngữ riêng của chúng ta và bằng hành động riêng của chúng ta... chúng ta đi đến nơi mà chúng ta được gửi tới vì chúng yêu đất nước của chúng ta. Chúng ta đều là lính quân dịch, phần lớn trong chứng ta, nhưng chúng ta hãnh diện vì cơ hội chúng ta phục vụ xứ sở đó [tác giả nói là Việt Nam] đúng như cha ông chúng ta đã phục vụ trong Thế Chiến Thứ Hai, và anh chị lớn của chúng ta đã phục vụ tại Nam Hàn.) (Prologue) Thật là cao thượng! Tôi ngủ thiếp đi... Nhưng lúc 12 giờ khuya, tiếng la phát ra từ một căn tù, “Cán bộ, Cấp cứu! Cán bộ, có người tự tử!” Cán binh Việt Cộng tới quát tháo inh ỏi. Có tiếng đáp: “Anh này lấy cái đũa tre móc gân máu ở cổ.” Một thanh niên tự tử; thật là uổng cho tuổi thanh xuân đầy tương lai; sao lại chọn cái chết? Có lẽ anh ta chán nản, mất niềm tin cho cuộc sống mai sau. Tôi phải nhịn nhục để sống, nhất định tương lai sẽ xán lạn. Kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư thứ 35, chúng ta “người Mỹ Việt sống sót và con cháu” tụ tập quanh Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, mời gọi 58,000 vong linh Mỹ và 300,000 vong linh Việt về để vinh danh, mời gọi các thương phế binh Mỹ và Việt, và thân nhân Mỹ và Việt có cha, mẹ, chồng, vợ, con, và cháu đã hy sinh cho miền Nam đến để chúng ta tỏ lòng tri ân, cảm tạ.
|