Quân Trường Hoài Niệm |
Tác Giả: Trịnh Quang Chiếu | |
Chúa Nhật, 01 Tháng 11 Năm 2009 17:32 | |
"Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, cố lên dù nhọc nhằn." Thân tặng các Bạn cùng khóa 8/68 Trong khắp các Quân, Binh Chủng. Thường mỗi quốc gia đều có một ngày Quân Lực, như nước Mỹ là ngày 15-5, còn nước ta vào ngày 19-6. Ngày này gợi nhớ lại những đứa con thân yêu của tổ quốc, từ các quân trường tung cánh chim bay đi khắp 4 vùng chiến thuật để thỏa chí "tang bồng hồ thỉ", không khỏi có chút bồi hồi. Hai chữ "quân trường" gợi cho ta nhớ lại báo Tiền Tuyến năm xưa đã viết: "Đây là lò luyện thép của thanh niên thời đại". Quả thật như vậy, vì ai có vào quân trường rồi mới hiểu được nỗi nhọc nhằn gian lao của chương trình huấn luyện chiến binh như thế nào. Rồi lúc ra ngoài đời, làm bất cứ việc gì cũng cảm thấy dễ dàng, vì quân trường đã rèn luyện cho chúng ta có một ý chí cương quyết, nhẫn nại, bền bỉ, sắt đá, để thích nghi với mọi tình huống. "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, cố lên dù nhọc nhằn, đem mồ hôi viết thành sử xanh" - Đây là trích đoạn trong bài hát "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu", mà các quân trường trên khắp 4 vùng chiến thuật bắt các khóa sinh đều phải thuộc nằm lòng và hát vang khi đi di hành. Tại mỗi vùng chiến thuật, có các Trung tâm huấn luyện quốc gia như vùng 1 có TTHL Đống Đa, vùng 2 có TTHL Lam Sơn, vùng 3 có TTHL Vạn Kiếp (Bà Rịa), vùng 4 có TTHL Chi Lăng (Châu Đốc). Còn lại, mỗi Sư Đoàn đều có các Trung tâm huấn luyện cơ hữu của sư đoàn để bổ sung quân số. Cũng vậy, tại mỗi tiểu khu đều có Trung tâm huấn luyện đào tạo các chiến sĩ Địa phương quân, Nghĩa quân cho Tiểu khu đó, như tại TK Định Tường (Mỹ Tho) có TTHL Tân Hiệp, cạnh quốc lộ 4, trên đường đi Bắc Mỹ Thuận và tại TK Ba Xuyên (Sóc Trăng) có TTHL Dù Tho v.. v.. Ngoài ra còn có các quân trường và trung tâm huấn luyện lớn, để đào tạo cán bộ cho các quân, binh chủng như TTHL Không Quân, TTHL Hải Quân ở Nha Trang - Các quân trường có tính cách chuyên môn như Trường Đại Học Chiến Tranh chính Trị, Trường Công Binh, Trường Truyền Tin, Trường Quân Cảnh, Trường Quân Y, Trường Quân Báo, Hành Chánh Tài Chánh v.. v.. Nổi bật trong các quân trường là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Đà Lạt, đào tạo các sĩ quan hiện dịch cho quân lực và Trường Bộ Binh Thủ Đức, đào tạo các sĩ quan trừ bị - Cũng cần kể thêm trường Pháo Binh Dục Mỹ đào tạo các sĩ quan 'đề lô ', tức tiền sát viên cho các tiểu đoàn tác chiến. Khi mãn khóa có màn biểu diễn bắn khói màu quốc kỳ, từ dàn pháo binh cơ hữu của trường trông rất đẹp mắt - Ngoài ra còn có một quân trường đặc biệt, với cái tên nghe cũng rất đặc biệt "Trung Tâm Tàn Phá Sắc Đẹp", đó là Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ, với khóa học Rừng Núi Sình Lầy vô tiền khoáng hậu. Cũng tại Nha Trang, còn có Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, nói đến quân trường này, ta nghĩ ngay đến pho tượng anh lính cầm súng đứng thế thao diễn nghỉ, và sau trường xa xa là dãy núi Hòn Khô, trông mường tượng như một cô gái đang nằm, nên mới có hai câu thơ bất hủ: "Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ, Nói đến các quân trường và TTHL của quân lực VNCH thật muôn hình, vạn trạng, nhưng trong phạm vi bài này, người viết chỉ đề cập đến trường Bộ Binh Thủ Đức mà thôi. Đây là một quân trường lớn đặc biệt, có hạng ở vùng Đông Nam Á, trường này chuyên đào tạo các sĩ quan Trung đội trưởng Bộ Binh cho các binh chủng. Trường Bộ Binh Thủ Đức tọa lạc trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, cách thủ đô Sàigòn 17 km - Ngược dòng thời gian thì khi xưa có hai trường sĩ quan trừ bị, một ở tại miền Bắc, tỉnh Nam Định và một tại miền Nam, Thủ Đức - Khóa đầu tiên khai giảng ngày 1-10-1951 và mãn khóa cuối tháng 5-1952. Tại Nam Định có 350 tân sĩ quan tốt nghiệp và tại Thủ Đức có 320. Sau 24 năm hoạt động, ba lần cải danh - Đầu tiên là trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, sau đó cải thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức và cuối cùng là Trường Bộ Binh Thủ Đức. Trước nhu cầu cấp bách của chiến trường, vào thượng tuần tháng 10-1961, Liên trường được cải tổ một lần nữa, một số trường chuyên môn được tách ra như: Trường Thiết Giáp, Vũ Thuật, và Thể Dục Quân Sự. Trường Bộ Binh đào tạo các khóa theo thứ tự, nhưng đến khóa 27, kể từ sau tết Mậu Thân 1968, các khóa không theo thứ tự như trước, mà bắt đầu đổi theo cách gọi mới - Khởi đầu từ số 1 và mang theo số của năm đào tạo - Thí dụ 1/68, 2/68.. 1/69, 2/69 v..v.. Vì nhu cầu chiến trường đòi hỏi cần nhiều sĩ quan chỉ huy, Trường Bộ Binh không đủ chỗ, vì thế giai đoạn 1 là giai đoạn thử thách làm quen với đời sống quân ngũ, các khóa sinh phải học 9 tuần ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung, giai đoạn này được gọi là "tân khóa sinh dự bị sĩ quan". Tại TTHL Quang Trung này, có các Tiểu Đoàn khóa sinh mang tên các anh hùng dân tộc như TĐ Trần Bình Trọng, mang bảng tên màu vàng, chữ đỏ - TĐ Nguyễn Huệ mang bảng tên màu xanh dương, chữ trắng, đây là TĐ nổi tiếng "hắc ám" nhứt vì hay phạt khóa đàn em tối đa, rồi đến TĐ Đinh Tiên Hoàng, đây là TĐ phần đông là giáo chức bị động viên sau tết Mậu Thân, họ chỉ học 9 tuần căn bản quân sự rồi biệt phái về dạy học, kế đó là TĐ Trần Quốc Toản, đây là TĐ binh sĩ quân dịch - Ngoài ra còn có một trung đội khóa sinh phi công cũng thụ huấn tại đây, đó là khóa 68A - Còn có một TĐ mệnh danh là "Tiểu Đoàn Hoàng Gia", đó là TĐ Gia Long mang bảng tên màu xanh lá cây, chữ vàng. Lúc chúng tôi thụ huấn có khóa đàn anh là khóa 7/68, thuộc TĐ Nguyễn Huệ, phạt chúng tôi rất là "gắt". Chẳng hạn như lúc đi xuống câu lạc bộ để tìm thức ăn, họ chận chúng tôi ngay trước cửa, hô "nghiêm", đằng sau quay, trước bước. Thế là chúng tôi bụng đói nằm trong doanh trại, gác tay lên trán thở dài, mới nhớ về dĩ vãng, thuở học ở trường trung học công lập Bạc Liêu, tôi có nghe hai câu thơ như sau : «Làm trai cho đáng nên trai, Về sau các cô nữ sinh cùng lớp mới chế thêm: «Anh đi học lớp sĩ quan Nhớ đến đây, tôi cảm thấy hết đói bụng và lên tinh thần ngay - Trong đầu tôi bỗng nhớ lại các cô bạn cùng lớp như: Hồng, Lan, Xuân v...v... có mái tóc thề chấm ngang vai, với chiếc áo dài nữ sinh màu trắng trinh nguyên, lòng tôi bỗng nhiên cảm thấy hết đói bụng. Nói đến TTHL Quang Trung là phải nhớ đến hai điều: Một là «chà láng», hai là «cá mối nhà bàn». Sáng sớm, lội xuống giao thông hào, lấy gà mèn chà các vách đất cho láng bóng, quả là một việc làm quái gở, nhưng đó chính là tạo cho ta một ý chí kiên nhẫn. Còn cá mối là một loại cá rẻ tiền, xương nhiều hơn thịt, do nhà thầu cung cấp cho quân trường. Ngày nào cũng súng Garant M.1 cầm tay chạy như ngựa, anh em nói trại ra: «Ga răng ôm mà mệt» - Còn súng M.16 nhẹ, gọn, nên cũng có câu tếu «em mười sáu», tuổi còn nhỏ nên ôm sướng hơn, «buồn vui đời lính» là thế. Trung tâm này có một khu tiếp tân, đó là vườn Tao Ngộ, nên có bản nhạc Vườn Tao Ngộ, nói lên tâm tình của thân nhân vào thăm khóa sinh thụ huấn tại đây. Vào những ngày chủ nhật chỗ này đông như ngày hội, các tà áo dài tha thướt đến thăm - Có một số khóa sinh không có thân nhân, họ gọi là «con bà phước» - Xong 9 tuần thụ huấn Quang Trung, các giáo chức được trở về nhiệm sở cũ tiếp tục dạy học, số khóa sinh còn lại được đoàn xe quân vận đưa lên Thủ Đức học tiếp giai đoạn 2. Khi đoàn xe vừa đậu trước vũ đình trường, các khóa sinh nhảy xuống, vai mang ba lô, tay xách túi quân trang bằng vải kaki màu vàng, nón sắt hai lớp, đứng xếp hàng theo lệnh của sĩ quan cán bộ - Sau khẩu lệnh: «Chạy» là chúng tôi phải chạy dưới trời nắng chang chang của mùa hè. Đó là «món ăn chơi» đầu tiên của quân trường Thủ Đức - Dọc đường các khóa sinh xỉu nằm lê lết, thở hổn hển, chờ khi đỡ mệt đứng dậy chạy tiếp..... Đã gọi là «huấn nhục» thì không có gì khổ cho bằng ở quân trường giai đoạn này, cho nên mới có danh từ: «địa ngục trần gian» là như thế! Sau khi trải qua nhiều bài học như căn bản bộ binh, tháo ráp vũ khí, đo vòng cao độ, đoạn đường chiến binh, đi giây tử thần, đi giây kinh dị, nhị thức bộ binh-thiết giáp v...v... và kể từ sau tết Mậu Thân, bài « kỹ thuật tác chiến trong thành phố » được lưu tâm đặc biệt để thích ứng với nhu cầu của tình thế, và cũng không thể nào quên được bài học cuối cùng là bài «di hành dã trại». Ban đêm, chúng tôi phải ra tuyến nằm ứng chiến theo chu vi của trường, chia ra làm nhiều tuyến A, B, C, D, v...v... Ai có nhiệm vụ canh gác thì thức, số còn lại ngủ, lúc ngủ súng phải ôm trong mình như ...ôm vợ. Nếu ban đêm SQ cán bộ đi tuần, lấy được súng đem về TĐ là bị phạt rất nặng, nên mới có câu «súng là vợ, đạn là con». Tan giờ học rảnh rỗi, tới khu sinh hoạt mua vài món đồ kỷ niệm, như bóp đựng tiền, hộp quẹt Zippo có in, gắn huy hiệu của quân trường rất đẹp, hoặc may lại các quần áo trận cho vừa vặn. Quay tới, quay lui là đến ngày ...mãn khóa - Nói đến ngày này là phải đề cập đến một nghi lễ hết sức quan trọng, đó là buổi lễ truy điệu các chiến sĩ đã vị quốc vong thân, được cử hành vào buổi tối trước ngày chính thức làm lễ mãn khóa. Khung cảnh trang nghiêm của vũ đình trường nơi có đài Tử Sĩ, cùng với bầu không khí linh thiêng, với những ánh đuốc chập chờn, khiến lòng người như chùng xuống khi nghĩ đến những hy sinh xương máu của các trang anh hùng hào kiệt đã đổ ra để bảo vệ quê hương - Buổi lễ được kéo dài với đêm canh thức của các Sinh Viên Sĩ Quan. Buổi sáng, Tiểu Đoàn SVSQ mãn khóa, trong quân phục đại lễ, sắp thành đội ngũ chỉnh tề trước vũ đình trường - Thời gian sau này, ít khi Tổng Thống xuống, mà thường là Tổng Trưởng Quốc Phòng hoặc Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng đến chủ tọa. Sau lễ rước quốc, quân kỳ, chào cờ, mặc niệm ....- Rồi Chỉ Huy Trưởng tường trình kết quả khóa học lên vị Chủ Tọa - Chủ Tọa ban huấn từ và giờ phút quan trọng nhất là lúc Sinh Viên Thủ Khoa ra lệnh : «Các SVSQ... Quỳ» Tiếng hô : « Xuống » đồng loạt vang lên cùng với động tác quỳ - Sau khi được vị chủ tọa gắn lon danh dự, Thủ Khoa đọc lời tuyên thệ, những tiếng « xin thề » được cả khóa lập lại. Sau đó Thủ Khoa bắn tên đi bốn hướng, tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ. Sau khi tất cả các SVSQ mãn khóa được các SQ thuộc LĐSV dại diện vị chủ tọa gắn lon xong - Tân sĩ quan Thủ Khoa ra lệnh: «Các tân sĩ quan ...đứng» - Các tân sĩ quan hô lớn «dậy» và cùng đồng loạt đứng dậy - Kế tiếp, đoàn quân diễn hành qua khán đài tại vũ đình trường theo tiếng nhạc do ban quân nhạc cơ hữu của trường trình tấu bài «Thủ Đức hành khúc»: «Cất tiếng lên nào hòa thành bài ca vui tươi, nắng sớm chan hòa gieo hương khắp bốn phương trời .... » Trong quân trường có những con đường mang tên các tỉnh khắp các miền nước Việt mến yêu như: Cần Thơ, BếnTre, Bạc Liêu, Phan Thiết, Đà Nẵng v...v.... Trong những giờ phút nghỉ ngơi, chúng tôi đi dạo qua các con đường mang tên tỉnh của mình cư ngụ, hầu mong tìm lại người quen đồng hương để làm bạn vì «mai đây trên con đường xuôi ngược, bạn về miền Trung, tôi ở miên Tây, thế gian dù có đổi thay, tình ta vẫn đẹp như ngày đầu tiên». Trong khoảng thời gian gần đến ngày mãn khóa, có các phái đoàn đại diện các quân binh chủng đến để thuyết trình về đơn vị của mình và giới thiệu nếu ai thích thì làm đơn tình nguyện như : Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân v... v.... Cái thú duy nhất ở quân trường là được ra khu tiếp tân để gặp thân nhân đến thăm. Đây đó tụm ba, tụm bảy trò chuyện - Rồi tiếng trầm trồ: Kìa các tà áo dài xanh, đỏ, tím vàng, với đôi mắt đẫm lệ vì nhớ «bồ» quá xá, đang áp mặt lên chàng sinh viên sĩ quan mang trên ngực «con cá vàng» - Đây là tiếng lóng của dấu Alpha gắn trên ngực áo - Áo anh ướt đẫm mồ hôi vì «nắng cháy da người, tuổi vui thiếu vui». Trước khi ra trường, phải đi chiến dịch chiến tranh chính trị ở các Tiểu Khu một tuần lễ, sau đó mới quay trở về làm lễ gắn lon Chuẩn úy. Vì nhu cầu chiến trường, nên khóa tôi hầu như về địa phương quân gần hết, vì lúc bấy giờ đang thành lập các Tiểu đoàn Địa phương quân tân lập. Vào thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lực lượng ĐPQ đào tạo sĩ quan riêng cho họ, được gọi là sĩ quan Bảo An, cũng học trong Thủ Đức, nhưng khi ra trường mang cấp bậc Thiếu úy. Sau này vì nhu cầu, sĩ quan chủ lực về phục vụ đơn vị ĐPQ luôn, vì họ không còn đào tạo sĩ quan riêng nữa. Dạo quanh các con đường của trường, mang tên khắp các tỉnh trong nước Việt mến yêu, điều đó như thầm nhắc các sinh viên sĩ quan hãy luôn cố gắng để khỏi phụ lòng người hậu phương nơi quê nhà mình cư ngụ. Gặp nhau lần chót quân trường Khoá 8/68
|