Đảo Chánh 1-11-63: Đại sứ Cabot Lodge và cái chết của anh em ông Diệm |
Tác Giả: Việt Báo | |||
Thứ Sáu, 20 Tháng 3 Năm 2009 01:18 | |||
Sáng 1 tháng Mười Một, buổi sáng ngày đảo chính, Đại sứ Lodge tháp tùng Đô đốc Harry Felt từ Honolulu đến thăm nước này theo lời mời của Tổng thống Diệm. Felt biết rằng một cuộc đảo chính đang được chuẩn bị ông hỏi Lodge xem nó sẽ tiến hành như thế nào. Lodge không cho Felt biết gì cả. Ông nói với Felt "Không có viên tướng Việt Nam nào dám làm việc đó cả". Sau khi Felt và Lodge gặp Diệm thì Diệm yêu cầu Lodge nán lại một chút để nói chuyện riêng. Diệm nói rằng "Tôi biết sắp có đảo chính nhưng tôi không biết ai làm việc đó". Diệm than phiền rằng có nhân viên Mỹ mưu đồ chống lại ông. Ông nói với Lodge rằng ông sẽ cho sứ quán tên những người Mỹ đó. Sau này, Lodge nhắc lại "Tôi nói rằng tôi muốn có tên những người đó và nếu có người Mỹ nào dính dáng với những việc làm không thích đáng thì tôi sẽ đưa họ ra khỏi Việt Nam". Cái trò hai mặt hiếm thấy này làm cho bất kỳ ai cũng phải huýt sáo. "Buổi sáng hôm đảo chính, trước khi nó bắt đầu, tôi nhận được một cú điện thoại của Lou", Phillips nói. "Anh ấy nói "Anh có ở lại chơi với Elyette với mấy đứa nhỏ không? Tôi nghĩ là hôm nay thì qủa bóng bay đấy". Một người trợ lý của Trần Văn Đôn nói Conein tới bộ chỉ huy quân đội Việt Nam ở sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dầu ông đã rời khỏi quân đội, nhưng Conein không muốn mạo hiểm bị bắt trong bộ quần áo dân sự, có thể bị bắn chết như một gián điệp nên ông đã mặc bộ quân phục Trung tá và đội cái mũ của Lực lượng Đặc biệt. Ông bỏ số tiền Việt Nam tương đương với bốn mươi hai ngàn đô-la vào cái cặp nhỏ để đem cho các viên tướng. Số tiền này được dùng để mua thức ăn cho quân đội tham gia đảo chính và để bồi thường thiệt hại cho gia đình những người chết trong đảo chính. Số tiền đó có được sử dụng đúng như dự định không thì cũng do các viên tướng thanh toán mà thôi. Conein mang lên xe gíp một số lựu đạn và một cây tiểu liên rồi phóng ra phi trường trước khi Trần Văn Đôn đi tiễn Đô đốc Felt trở về. Minh Lớn ngạc nhiên khi thấy Conein tới, nhưng Conein nói rằng do Đôn yêu cầu ông đến trình diện mấy ông tướng. Minh chỉ cho ông ngồi trên một cái bàn có điện thoại tại một văn phòng rộng. Các ông tướng ngồi bên gian phòng bên cạnh và thỉnh thoảng lại sang cho ông hay tình hình đang diễn ra. Cuộc đảo chính bắt đầu vào một giờ ba mươi chiều, khởi sự bằng một trận chạm súng ngắn gần cổng của bộ chỉ huy với Lực lượng Đặc biệt Việt Nam trung thành với Diệm. Viên tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và người em ông ta đã bị bắt và sau đó đã bị quân đảo chính bắn chết trong ngày. "Tôi có một cái máy điện đàm", Conein nói. "99 là mật mã đã thoả thuận trước để cho biết là cuộc đảo chính đã nổ ra. Thế là tôi liên lạc với sứ quán và cho họ số điện thoại của tôi để khi cần họ có thể tiếp xúc với tôi. Minh Lớn bước đến và nói với tôi "Conein, nếu chúng tôi thất bại thì ông đi với chúng tôi". Họ tính là nếu đảo chính thất bại họ sẽ chạy sang Campuchia. Chúng tôi có chín xe bọc thép. Chúng ta sẽ mở đường mà đi". Diệm đã phản ứng như ông đã phản ứng năm 1960, ông nhấc máy điện thoại và tìm người trung thành với mình trong các tư lệnh quân đội. Nhưng tình thế bây giờ đã khác. Những tướng lĩnh đã cứu ông lần trước lần này đã tham gia đảo chính. Ba giờ sau cuộc đảo chính bắt đầu, Diệm đã điện thoại tới sứ quán xem người Mỹ có giúp gì được cho họ không. Ông ta nói chuyện với Cabot Lodge, ông này ghi âm cuộc nói chuyện và điện báo cáo về Washington.
DIỆM: Một số đơn vị nổi loạn, tôi muốn biết thái độ của Hoa Kỳ như thế nào? CABOT LODGE: Tôi không nắm được tình hình đầy đủ để cho ông biết. Tôi có nghe tiếng súng nổ nhưng tôi không nắm được mọi sự kiện. Vả lại bây giờ là bốn giờ ba mươi ở Washington và chính phủ Hoa Kỳ không thể có ý kiến được. DIỆM: Nhưng ông có thể có một khái niệm nào đó. Dù sao tôi cũng là quốc trưởng. Tôi đã cố gắng làm nhiệm vụ của tôi. Bây giờ tôi cố gắng làm những gì mà nhiệm vụ và sự khôn ngoan đòi hỏi. Tôi tin tưởng ở nhiệm vụ trên hết. CABOT LODGE: Chắc chắn là ông đã làm nhiệm vụ của mình. Như tôi đã nói với ông sáng nay, tôi khâm phục lòng can đảm và cống hiến của ông cho đất nước. Không ai có thể tước bỏ công trạng của ông. Tôi lo cho sự an toàn cá nhân của ông. Tôi nhận được báo cáo là những người làm đảo chính đề nghị ông và em ông được đưa an toàn ra nước ngoài nếu ông chịu từ chức. Ông có nghe cái đó không? DIỆM: (ngừng một lúc) Ông có số điện thoại của tôi. CABOT LODGE: Vâng, nếu tôi có thể làm gì cho sự an toàn cá nhân của ông, xin ông gọi tôi. DIỆM: Tôi đang cố gắng lập lại trật tự. Phần lớn những bài viết về cuộc đảo chính, mặc dầu có khác nhau về chi tiết, đều đồng ý với nhau về những gì xảy ra sau đó. Diệm và Nhu từ chối đầu hàng. Họ vẫn dùng điện thoại để tập hợp sự ủng hộ. Đêm hôm đó, lợi dụng lúc tối trời, họ trốn khỏi dinh tổng thống bị bao vây đến nhà một nhà buôn người Hoa ở Chợ Lớn. Vào khoảng bảy giờ sáng ngày 2 tháng Mười Một họ chịu đầu hàng tại một nhà thờ đạo Thiên chúa. Các tướng đưa một xe bọc thép đi bắt họ và trên đường về tổng hành dinh quân đảo chính họ đã bị quân cận vệ của tướng Minh Lớn hạ sát. Tướng Michael Dunn, phụ tá đại sứ Lode kể: “Tôi là người Mỹ cuối cùng đã nói chuyện với Diệm khi ông ta còn sống.” Vai trò của Henry Cabot Lodge trong việc đầu hàng của Diệm ra sao? Theo tài liệu của Lầu Năm Góc và nhiều tài liệu khác, ông chẳng có làm gì cả. Cuộc nói chuyện của ông với Diệm buổi chiều hôm trước, tài liệu Lầu Năm Góc nói, "là buổi nói chuyện cuối cùng của người Mỹ với Diệm". Lodge theo thói quen đã đi nghỉ lúc chín giờ ba mươi tối. Những lần tường thuật như vậy nghe không hợp lý nếu người ta nhớ rằng Lodge đã nhấn mạnh với Diệm ông lo ngại cho an toàn của Diệm. "Nếu tôi có thể làm gì cho sự an toàn cá nhân của ông, xin ông cứ gọi tôi". Thế thì tại sao Diệm sợ bị giết khi lọt vào tay các viên tướng, lại không chịu liên lạc với Lodge? Diệm đã gọi Lodge một lần vào khoảng bảy giờ sáng ngày 2-11-1963, sau khi ông đã quyết định đầu hàng. "Lodge nói chuyện với Diệm hai lần" Mike Dunn nói. "Một lần vào buổi chiều và một lần vào buổi sáng hôm sau. Buổi sáng hôm đó, Diệm hỏi chúng ta có thể làm gì được không. Lodge bỏ máy xuống và đi tìm cái gì đó. Tôi vẫn giữ máy. Tôi là người Mỹ cuối cùng đã nói chuyện với Diệm khi ông ta còn sống, mặc dầu tôi nghĩ rằng Lodge sẽ trở lại máy và nói lời tạm biệt. Lodge đã nói với Diệm rằng sẽ cho Diệm cư trú và sẽ làm việc gì có thể làm được cho Diệm. Tôi muốn tới đó - trên thực tế, tôi đã hỏi Lodge rằng tôi có thể đến đó và mang họ ra không. Tôi nói, "Bởi vì chúng sẽ giết họ mất". Tôi nói với ông thẳng thừng như thế. Ông nói "Chúng ta không thề làm việc đó. Chúng ta không thể dính líu như vậy...", và vân vân. Tôi rất ngạc nhiên thấy rằng chúng ta không làm gì thêm cho họ cả". Có thể làm gì đó để cứu Diệm và Nhu không? "Phải", Dunn nói, "Tôi nghĩ là chúng ta phải có một quyết định cần thiết ngay tức khắc". Theo lời kể của Conein cho quyển sách này thì sự thật không phải như vậy. Theo Conein, Diệm đã ba lần gọi điện cho các tướng lĩnh trong buổi sáng hôm ấy. Lần thứ nhất, Diệm không chịu nói chuyện với người lãnh đạo cuộc đảo chính là Minh Lớn. Ông nói với một viên tướng khác. Diệm muốn có một sự dàn xếp theo đó ông sẽ từ bỏ quyền hành và đi khỏi đất nước trong danh dự. Ông được trả lời là ông phải nói chuyện với Minh Lớn mới được. Ông ta gọi lại và nói chuyện với Minh Lớn cũng với đề nghị ấy. Minh Lớn bác bỏ đề nghị đó và cuộc nói chuyện đã kết thúc trong giận dữ. Một lúc sau, Diệm gọi lại, chỉ yêu cầu được đưa ra sân bay an toàn và rời khỏi Việt Nam. Lúc đó, theo lời kể của Conein, Minh Lớn hỏi sứ quán có thể cho một cái máy bay cho Diệm và Nhu đi ra khỏi nước không. Conein gọi cho chi cục CIA và được đáp rằng phải mất hai mươi bốn giờ đồng hồ mới thu xếp được một chiếc máy bay có thể đưa hai anh em bay không ngừng tới nước tỵ nạn. Washington đã quyết định từ trước rằng Diệm không được dừng lại chỗ nào để lấy xăng vì như vậy ông ta sẽ có điều kiện để tổ chức một cuộc phản đảo chính chống lại các tướng lĩnh. Conein báo cho Minh Lớn như vậy. Báo cáo của Conein viết gửi cho bộ chỉ huy của CIA nhiều ngày sau cuộc đảo chính, và năm 1975 đã được trao cho tiểu ban của thượng nghị viện điều tra về việc ám sát các lãnh tụ nước ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn để viết cuốn sánh này, Conein có kể thêm nhiều chi tiết về bản báo cáo đó cũng như về việc ông ra điều trần trước quốc hội. Theo Conein thì các viên tướng đã cắt hết điện thoại trong vùng, chỉ chừa mấy chỗ quan trọng như sứ quán Mỹ, dinh tổng thống nhà Conein và một số ban chỉ huy quân sự. Như vậy, mặc dầu có những báo cáo nói ngược lại, Minh Lớn và các tướng khác vẫn tưởng là Diệm còn trong dinh tổng thống và gọi điện thoại tới đó. Họ không biết rằng Diệm đã bí mật tổ chức một đường dây điện thoại tới nhà ông bạn người Hoa, để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Trong mưu toan đảo chính năm 1960 những người chủ mưu vẫn để tổng đài trong dinh tổng thống hoạt động. Dinh tổng thống bị ném bom và bao vây nhưng đội bảo vệ của Diệm vẫn giữ vững. Chính là theo một điều kiện của Minh Lớn mà Diệm đã ra lệnh ngừng bắn, vào khoảng bảy giờ sáng. Theo lời Lou Conein, có hai nhóm kéo đến dinh tổng thống vào lúc bảy giờ để bắt Diệm. Một nhóm, gồm cả Minh Lớn đi từ sân bay qua sân đánh gôn ở phía sau dinh. Nhóm có xe bọc thép thì đi vào cổng chính. Conein viết trong bản báo cáo năm 1963 rằng một đội hộ tống đã được phái đến dinh tổng thống vào lúc tám giờ nhưng Diệm đã không còn đó nữa. Không có tư liệu nào từ những nhà nghiên cứu tài liệu của Lầu Năm Góc hay bất cứ ai khác nói về cú điện thoại của Diệm cho Lodge vào lúc bảy giờ sáng hôm ấy. Kỳ tới: Ba cú điện thoại: Chính Đại sứ Cabot Lodge giao anh em TT Diệm cho các tướng đảo chính? Bìa sách “Vụ Án Trần Ngọc Châu”, 504 trang, ấn phí 25 mỹ kim, hiện có tại các nhà sách. Bạn đọc và các đại lý xin liên lạc Việt Báo:
|