Lý Anh Tông, hoàng đế đầu tiên đi tuần biển Đông |
Tác Giả: Lê Thái Dũng | |||||
Thứ Bảy, 18 Tháng 6 Năm 2011 04:37 | |||||
Những điều lý thú về các vị vua Việt Nam không chỉ được truyền tụng trong giai thoại dân gian, dã sử mà còn được chính sử ghi chép với không ít chi tiết.
Lê Thánh Tông đã hạ nhục bề tôi như thế nào? Là một minh quân nổi tiếng nhưng đã có lúc do không kiềm chế được sự tức giận, vua Lê Thánh Tông đã có hành động hạ nhục bề tôi một cách... bất ngờ. Bấy giờ vào cuối năm Canh Dần (1470), vua Chiêm là Trà Toàn liên tục cho quân quấy phá biên cương, sỉ nhục sứ thần Đại Việt. Vua Chiêm còn cho sứ sang nhà Minh vu cáo nước ta cướp hết đồ cống của nước Chiêm dâng cho nhà Minh; tâu thêm là vua Lê tự xưng là Hoàng đế, ngang với Thiên tử nhà Minh, chuẩn bị binh mã để thôn tính bờ cõi Bắc triều. Vì thế, Lê Thánh Tông đã dẫn hơn 70 vạn quân Nam chinh phạt Chiêm. Khi đại quân đến đất Nghệ An, một số viên quan làm không đúng chức phận khiến Lê Thánh Tông nổi giận trừng phạt. Sách Đại Việt sử ký toàn thưcho biết như sau: “Bọn Án sát sứ Đinh Thúc Thông, Phạm Vĩnh Dụ, Bùi Thúc Sử, Nguyễn Tài tâu bàn càn bậy. Vua cho gọi đến hành tại hỏi về tội hủ nho làm hỏng việc, bắt bỏ mũ xuống đái vào mũ để làm nhục”. Vua Kiến Phúc buộc người đỗ đạt phải ra làm việc Vua Kiến Phúc là vị vua thứ 7 của nhà Nguyễn, người ta thường gọi ông theo niên hiệu chứ ít ai biết miếu hiệu của ông là Nguyễn Giản Tông. Vị hoàng đế này ở ngôi 8 tháng thì mất đột ngột vào ngày mồng 6 tháng 4 năm Giáp Thân (1884) thọ 15 tuổi. Trước khi mất không lâu, vào tháng 2 năm đó vua Kiến Phúc đã ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử, buộc tất cả những người từng đỗ đạt đều phải ra làm việc tại các nha môn, công đường trên cả nước. Trong tờ dụ của mình nhà vua yêu cầu tất cả những người ở kinh đô và các tỉnh, đã đỗ tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài đều phải ra làm việc kể cả những người đã từng làm quan nhưng đã từ quan về quê; những người đã đỗ nhưng viện cớ không chịu ra làm quan. Để triệt để thi hành, vua lệnh cho các quan lại địa phương phải có trách nhiệm cấp ngựa triệu họ về kinh; ai vì ốm đau chưa về được, quan địa phương phải phái người đến tận nơi điều tra thực hư. Ai không tuân theo dụ này sẽ bị tước bỏ văn bằng; quan địa phương không khai báo nghiêm túc có ý che dấu, sẽ bị nghiêm trị. Ngoài ra, vua còn cho ngựa đi đón những người có khoa bảng nhưng đã bị giáng chức, cách chức đưa về kinh chờ lệnh bổ dụng. Giấc mộng giáng sinh lạ kỳ vua Khải Định Các vị quân vương xưa luôn coi mình có xuất thân tôn quý, được xưng tụng là “thiên tử” (con trời). Thế nên người đời và sử sách đã đặt ra nhiều thuyết lạ với những chi tiết li kỳ bao quanh sự ra đời của những vị vua để tăng thêm vẻ uy nghi, oai dũng của họ nhằm quy phục và cố kết lòng người trong thiên hạ. Các câu chuyện nhuốm màu huyền bí đó thường đều do sử sách và người đời thêu dệt, chứ không có một vị vua nào tự nói về điều này, ngoại trừ ông vua bù nhìn Khải Định. Trong một bản dụ ban bố với toàn quốc ngày 2 tháng 9 năm Bính Thìn (1916), vua Khải Định “khoe” rằng: “Tháng 9 năm Ất Dậu niên hiệu Đồng Khánh, Tiên mẫu bấy giờ đang có thai sắp sinh nở, ban đêm buồn ngủ chợt mộng thấy Long thần chui từ dưới đất lên, nước từ vòi phun ra ướt hết cả trong cung. Lát sau lại có bốn vị Thiên quan áo mũ cực kỳ chỉnh tề đứng thành hai hàng nghênh đón một đồng tử áo vàng, tóc dài rủ xuống, cùng bước lên bàn hương. Rồi vị đồng tử đó nhập vào bụng Tiên mẫu mà biến mất. Tiên mẫu hoảng hốt bừng tỉnh, rồi sau đó sinh ra quả nhân” (Theo Khải Định chính yếu sơ tập). Lý Anh Tông, hoàng đế đầu tiên đi tuần biển Đông Trong khi nhiều quốc gia lân bang cùng thời kỳ chỉ quan tâm đến lãnh thổ trên đất liền, các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt chú trọng đến biển, không chỉ nhằm khai thác hải sản và các nguồn lợi khác từ biển mà còn từng bước xác lập chủ quyền trên các hải đảo. Thậm chí có vị vua còn đi tuần thú ra biển để xem xét và người đầu tiên thực hiện việc đó là Lý Anh Tông, hoàng đế thứ 6 của triều Lý. Sử chép rằng, vào tháng 11 năm Tân Tị (1161) vua sai Thái úy Tô Hiến Thành “đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên bờ cõi xa” (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm Tân Mão (1171) “vua đi tuần ra cù lao ngoài biển, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của nhân dân và đường đi xa gần thế nào”; tháng 2 năm Nhâm Thìn (1172) “vua lại đi tuần ra cù lao ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về” (Đại Việt sử ký toàn thư). Qua các lần đi này, vua Lý Anh Tông đã soạn một cuốn sách lấy tên là “Nam Bắc phiên giới đề”. Trần Thánh Tông tranh áo với anh Vua có mọi thứ trong thiên hạ mà lại đi tranh một chiếc áo với anh mình thì kể cũng là chuyện lạ. Câu chuyện này liên quan đến vị hoàng đế thứ 2 của nhà Trần là Trần Thánh Tông, xảy ra vào năm tháng 10 năm Mậu Thìn (1269) Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết cụ thể như sau: “Mùa đông, tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng hoàng (tức Trần Thái Tông – TG). Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa điệu múa của người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói: ‘Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn mà chú hai cũng muốn cướp lấy chăng?’. Thượng cả cười nói: ‘Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau’. Khen ngợi hồi lâu rồi (thượng hoàng) cho Tĩnh Quốc chiếc áo ấy”. Hồ Quý Ly xưng đế khi còn chưa lên ngôi Trong kế hoạch từng bước cướp ngôi của nhà Trần, tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Án mới hơn 2 tuổi, rồi lại ép vua đi tu theo đạo Lão. Thái tử lên ngôi ngày 15 tháng 3 nhưng còn quá nhỏ nên sử sách sau này thường gọi là Trần Thiếu Đế.
Từ đó toàn bộ chuyện quốc gia đại sự đều do Hồ Qúy Ly quyết, ông tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt đại vương nhưng trên các văn bản ban lệnh thì đề là Trung thư thượng thư sảnh phụng nhiếp chính cai giáo hoàng đế thánh chỉ. Tháng 3 năm Canh Thìn (1400) Hồ Qúy Ly cướp ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, lập ra triều Hồ và lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Thế nhưng vào tháng 6 năm Kỷ Mão (1399) ông đã xưng đế, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 6, Quý Ly tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng đế, mặc áo màu bồ hoàng (màu vàng như nhị hoa xương bồ - TG), ở cung Nhân Thọ, ra vào theo lệ thiên tử, dùng 12 chiếc lọng vàng”. Lê Thái Dũng
|