Bí ẩn hậu cung triều vua Lê Thần Tông |
Tác Giả: Vĩnh Khang | |||||
Chúa Nhật, 20 Tháng 3 Năm 2011 08:52 | |||||
Lê Thần Tông (1607 – 1662) là vị vua hiếm có trong lịch sử 108 vua chúa Việt Nam, có 6 vợ thì 4 bà là người ngoại quốc.
Ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ rằng, mỗi bà thuộc một dân tộc: vợ thứ 2 là người Thái, vợ thứ 3 là người Mường, vợ thứ 4 là người Hán, vợ thứ 5 người Lào và vợ thứ 6 người Hoà Lan. Vợ cả từng lấy bác họ Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: "Vào năm Canh Ngọ 1630, niên hiệu Đức Long thứ 2, tháng 5, Vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Trước, Ngọc Trúc đã lấy người bác họ của Vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam, Vương đem Ngọc Trúc gả cho Vua. Vua lấy vào cung. Triều thần là Nguyễn Trực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe mà nói rằng: Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt...".
Khi nhập cung, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ có vai vế là trưởng bối, mà còn hơn vua Thần Tông đến mười hai tuổi. Song, ở ngôi vị quốc mẫu không được bao lâu, bà Ngọc Trúc đã mang theo con gái Ngọc Duyên (con của bà và Lê Trụ) rời cung, tu hành tại chùa Bút Tháp ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Linh mục Alexandre de Rhodes từng viết về bà hoàng Trịnh Thị Ngọc Trúc như sau: Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Katerina vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ. Vợ "út" lại là “bà đầm” Bà vợ thứ 6 của vua Lê Thần Tông là người Hoà Lan lai Triều Tiên tên Orona và đây cũng chính là bà hoàng đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Tài liệu ghi rằng, bà hoàng đó là con gái của Phó toàn quyền Hoà Lan tại Đài Loan. Trong chuyến cùng thương đoàn Hoà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Khi đó, nghe theo lời của bố, bà ở lại Việt Nam làm vương phi của vua Thần Tông. Những ngày ở Thăng Long, bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở kinh thành với hầu hết những người không biết tiếng... Trong cuốn sách Tường trình về Đàng ngoài, linh mục Alexandre de Rhodes viết: Chúa Đàng ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hoà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn... và người Hoà Lan đã đồng ý vì biết vua chúa Đàng ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng trong (chúa Đàng trong những năm đó đã công khai tỏ ra thù địch với người Hoà Lan... ). Từ việc liên minh có tính quân sự của Đàng ngoài với người Hoà Lan, người Hoà Lan đến miền Bắc Việt Nam làm ăn nhiều hơn. Đơn cử, công ty Đông Ấn của Hoà Lan đã liên tục lập những thương điếm ở Phố Hiến, ở Kẻ Chợ... mở mang thêm nhiều cuộc làm ăn buôn bán với Đàng ngoài. Trong bối cảnh cuộc sống xã hội như vậy, vua Lê Thần Tông, một người rất đẹp trai, sống mũi cao, da trắng, thông minh, học rộng, giỏi văn chương, đã lấy các bà vợ người Mường, Thái, người Lào và người Hán, thì có thêm vợ người Hoà Lan cũng là việc dễ hiểu”. Chuyện 6 bà hoàng nhập thần vào tượng Tương truyền, 6 pho tượng nhập thần của 6 bà vợ vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn (Thanh Hóa) là do 6 bà cùng lòng cùng sức bỏ tiền công đức ra làm, với nguyện ước mãi mãi bên nhau. Trong đó, tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên toà sen, còn các bà khác đội vương miện trong tư thế tọa thiền. Mỗi pho tượng thể hiển một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi bà đúng theo y phục dân tộc của từng người. Đặc biệt, y phục, váy áo của pho tượng tạc bà người Hoà Lan, dù là tượng thờ, cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực. Năm 1959, năm pho tượng vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền Nhà Lê - được xếp hạng Di tích lịch sử cấp nhà nước - chỉ cách chùa Mật Sơn chừng hơn cây số, thuộc địa phận phường Đông Vệ. Riêng tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
|