Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Henry Kissinger, con người tiền hậu bất nhất

Henry Kissinger, con người tiền hậu bất nhất PDF Print E-mail
Tác Giả: Võ Long Triều   
Thứ Tư, 20 Tháng 10 Năm 2010 21:04

Thử nhìn lại lịch sử thời Ðệ Nhị Thế Chiến khi các cường quốc bán đứng đồng mình chỉ vì quyền lợi của họ.

 Ðạo đức chính trị, lương tri con người thường nhường chỗ cho quyền lợi đi trước.


Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. (Hình: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images)

Trong cuộc phản công Ðức Quốc Xã, các nước đồng minh Mỹ, Anh, Liên Xô, Pháp, thỏa thuận với nhau là các lực lượng kháng chiến của những quốc gia bị Ðức Quốc Xã chiếm đóng phải nổi dậy tiếp tay với quân đội đồng minh.

Lúc đó hoàng gia Ba Lan tị nạn tại Luân Ðôn. Thủ Tướng Anh Winston Churchill khuyến cáo ông hoàng Ba lan phải ra lệnh cho tướng tư lệnh quân kháng chiến nổi dậy đánh bạt quân Ðức tái chiếm thủ đô Varsovie.

Khốn thay đồng minh Liên Xô tiến quân đến thủ đô dừng lại không vào thành tiếp thu. Trái lại chính Staline triệu gọi “Ủy Ban Cộng Sản Lublin” ra ngoài thành bàn chuyện lập chính phủ cộng sản.

Trong khi đó quân của Hitler phản công bao vây Varsovie, quân đội hoàng gia Ba Lan cạn lương thực, hết đạn dược, họ khẩn thiết kêu cứu đồng minh. Nhưng phi cơ của Mỹ và Anh Quốc, thời đó, chở lương thực và quân dụng từ Ý Ðại Lợi bay tới Varsovie không còn đủ xăng bay về. Anh.

 Mỹ yêu cầu Stalin cho phi cơ đồng minh tạm đáp trên phi trường của Liên Xô gần đó để lấy xăng. Staline từ chối thẳng thừng. Thủ Tướng Churchill đề nghị với Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman: “Chúng ta cứ ra lệnh cho phi cơ đồng minh hạ cánh trên sân bay của Liên Xô với tư cách là phương tiện di chuyển của quốc gia đồng minh chống phát xít Ðức.” Tổng thống Mỹ không tán thành vì sợ làm như vậy Staline sẽ bất bình.

Kết quả Staline chờ cho quân Ðức tái chiếm Varsovie giết hại hàng triệu quân và dân Ba Lan!

Tại hội nghị Potsdam ngày 17 tháng 7 năm 1945 sự đổi chác công khai bằng một tờ giấy nháp của Staline chuyền tay cho Churchill, viết rằng nếu Mỹ và Anh quốc nhường các nước Ðông Âu do Liên Xô chiếm đóng thì Liên Xô bằng lòng để Anh và Pháp lấy lại thuộc địa của họ ở Phi Châu và Á Châu.

Số phận của những nước nhược tiểu hẩm hiu, khi vì hoàn cảnh trở thành món hàng đổi chác bán buôn trên chính trường quốc tế, gây tai hại cho bao nhiêu dân tộc!

Năm 1965, thời kỳ chiến tranh lạnh, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ lớn nhỏ, đua nhau tuyên bố Việt Nam là tiền đồn chống cộng.

Rằng chẳng thà

Hoa Kỳ đưa giặc ra ngoài đất nước, ở các xứ đồng minh khác, thay vì chấp nhận đánh giặc trong xứ mình, do đó mới có 500,000 quân Mỹ lần lượt đổ bộ vào Nam Việt Nam be bờ cộng sản. Bảy năm sau Mỹ không cần chống cộng ở Á Châu, rút bỏ tiền đồn Việt Nam.

Năm 1972, Liên Xô và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ, Kissenger môi giới đưa cố Tổng Thống Mỹ Richard Nixon sang Tàu, thương lượng với Mao Trạch Ðông, Nếu Trung Quốc chịu bỏ đồng chí Liên Xô thì Mỹ bỏ chính sách Ðô-Mi-Nô be bờ cộng sản. Ðồng thời cũng rời bỏ Việt Nam Cộng Hòa.

Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai yêu cầu, nếu vậy xin quí ngài lật đổ chế độ miền Nam Việt Nam cho chúng tôi. Henry Kissenger trả lời: “Vì tự trọng chúng tôi không thể làm việc đó, nhưng quí ông hành động chúng tôi không can thiệp.” (Hồi ký Kissenger). Câu nói của Kissenger khai tử miền Nam Việt Nam.

Sau đó chính Kissenger đạo diễn cuộc thương thuyết hòa bình Paris, ép buộc Việt Nam Cộng Hòa phải ký vào hiệp định mà mọi điều khoản chỉ ràng buộc có một bên là chính quyền miền Nam. Ðiều này cả thế giới và mọi người Việt Nam đều biết. Kế tiếp là Trung Quốc thừa cơ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 mà Hải Quân Việt Nam kêu cứu với Ðệ Thất Hạm Ðội Mỹ hiện diện gần đó, nhưng Hải Quân Mỹ làm ngơ không can thiệp vì đã có chỉ thị.

Và bây giờ, cũng một Henry Kissenger đó lại phát biểu trong cuộc hội thảo tại Bộ Ngoại Giao với đề tài “Kinh nghiệm Hoa Kỳ tại Ðông Nam Á,” ông thú nhận rằng: Thất bại tại Việt Nam chủ yếu là do Hoa Kỳ.

Rồi ông tự dối lòng mình hay dối gạt người khác khi ông nói tiếp: “Mục tiêu của Hoa Kỳ là duy trì một miền Nam Việt Nam có thể sống còn được, trao cho họ cơ hội phát triển bản sắc riêng của mình, và đó chính là mục tiêu mà chúng tôi quan tâm mỗi ngày. Ðó chính là thực tế của đời sống.”

Một lời nói dối trơ trẽn, Ông đã từng bán đứng Việt Nam Cộng Hòa cho Chu Ân Lai, rồi bây giờ ông lại dám phát biểu: “Mục tiêu của Hoa Kỳ là duy trì một miền Nam Việt Nam có thể sống còn được.”

Ông cũng còn giả vờ tự khai dối rằng khi ông đề cập đến hội đàm Paris: “Tôi muốn nói rằng ông ta (Lê Ðức Thọ) mổ xẻ chúng tôi như là một nhà giải phẫu, sử dụng con dao mổ một cách hết sức tinh xảo.” Tạm thời ông Kissenger thú nhận thua trí Lê Ðức thọ để chạy tội vì chính ông đã dâng miền Nam cho Bắc Việt.

Thực tế sự gian xảo của ông Kissenger chắc chắn không thua Lê Ðức Thọ.

Người Pháp thường chế giễu những bạn bè thiếu thành thật bằng câu “sincérité successive” nghĩa là sự thành thực tùy lúc. Ngôn từ này có thể tặng cho ông Kissenger bởi vì ông thành thật hứa với Chu Ân Lai bỏ VNCH và mới đây ông cũng thành thật khai trước cử tọa Bộ Ngoại Giao rằng Hoa Kỳ muốn duy trì miền Nam Việt Nam.

Các thương thuyết gia của Việt Nam Cộng Hòa hãy còn sống để chứng minh phái đoàn Mỹ vừa thuyết phục, vừa ép buộc phía VNCH giùm cho Việt cộng, và những ngày cuối cuộc hội đàm, thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tướng Alexander Haig bay sang Saigon ép buộc cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như thế nào báo chí Việt Nam và ngoại quốc thời đó loan tin đầy đủ.

Hiện tại năm 2010, bà Ngọai Trưởng Hillary Clinton lại tuyên bố: “Quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt là ngoạn mục, và mười lăm năm sắp tới đây sẽ còn tốt đẹp hơn nữa, và Mỹ trở lại Á Châu là điều tự nhiên.”

Phải chăng vì chủ trương bành trướng quá đáng của Trung Quốc với tham vọng chiếm trọn biển Ðông nên Hoa Kỳ thức tỉnh lo ngại, bà Ngọai Trưởng Clinton phải khẳng định rằng: “Biển Ðông cũng là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.”

Trước kia Việt Nam là tiền đồn chống cộng trong chính sách be bờ cộng sản, bây giờ “quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt là ngoạn mục” với ý đồ tìm đồng minh, đối chọi với Trung Quốc để giành quyền di chuyển an toàn trên biển Ðông. Ðã vậy Mỹ còn hứa hẹn trong 15 năm tới quan hệ quân sự Mỹ-Việt còn tốt đẹp hơn nữa. Những lời hoa mỹ của bà Clinton, cộng với sự thú nhận của ông Kissenger: “Những thất bại tại Việt Nam chủ yếu là do Hoa Kỳ,” chỉ có mục đích trấn an đối tác Việt Nam rằng Mỹ sẽ trung thành ủng hộ Việt Nam và sẽ không phạm sai lầm như trong quá khứ. Tuy nhiên, khi tình thế biến đổi, hai cường quốc đó vì quyền lợi đất nước dân tộc mình thì họ sẵn sàng bỏ đồng minh như họ đã từng làm.

Phía cộng sản Hà Nội cũng muốn tìm một đối tượng có khả năng cân bằng với Trung Quốc để kết bạn, hy vọng sẽ làm giảm bớt áp lực của nước “láng giềng hữu nghị” và đồng chí “bạn bè tốt” đang lấn đất, chiếm hải đảo, cướp ngư thuyền, bắt ngư phủ của mình đòi tiền chuộc mạng! Liệu có giảm được áp lực hay không?

Bởi vì bao nhiêu năm hứa hẹn khắng khít, ràng buộc bằng 16 chữ vàng và bốn cái tốt, bây giờ cộng sản Hà Nội khó thay đổi chính sách. Bằng cớ phái đoàn quân sự Hà Nội vừa viếng các tàu chiến và hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thì Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng phải sang Tàu khẳng định ba không: Không liên lết, không ký hiệp ước quân sự, không cho phép đồn quân trên lãnh thổ của mình.

Thử lấy giả thuyết Trung Quốc bất bình, viện cớ người đồng chí không tôn trọng tinh thần “hợp tác toàn diện” của 16 chữ vàng, xua quân đánh chiếm Việt Nam, liệu Mỹ có can thiệp hay không? Chắc chắn là không! Bởi vì không có hiệp ước quân sự.

Tóm lại, sự khôn ngoan và thực tế dạy rằng chỉ có toàn dân, toàn quân hiệp lòng, hợp sức mới chống được thế lực bên ngoài để cứu lấy đất nước dân tộc mà thôi.

 Khi nào đảng cộng sản Hà Nội còn nắm giữ độc quyền, còn đàn áp quần chúng thì đảng chỉ là công cụ của ngoại bang. Bao nhiêu năm qua cộng sản Hà Nội chỉ làm tay sai khiếp nhược cho Trung Quốc, bây giờ dù có xoay trở gì thì cũng vướng mắc trong cái vòng “kim cô” của Bắc Kinh.

 Muốn giải cứu dân tộc chỉ có một con đường tự do dân chủ mới kết hợp được toàn dân, trong và ngoài nước, đoàn kết chống xâm lăng và xây dựng lại quê hương. Nếu đảng cộng sản không chịu thấy sự thật và chân lý đó thì sẽ có một ngày họ bị đào thải.