Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Tưởng Niệm cố GS Nguyễn Ngọc Huy

Tưởng Niệm cố GS Nguyễn Ngọc Huy PDF Print E-mail
Tác Giả: LS. Nguyễn Hữu Thống   
Chúa Nhật, 11 Tháng 10 Năm 2009 12:32

        Hôm nay chúng ta tập hợp nơi đây để tưởng niệm và vinh danh cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

 Nhân dịp này chúng tôi xin kể một vài kỷ niệm và tường trình một số công tác phối hợp mà chúng tôi đã thực hiện cùng với Giáo Sư Huy từ năm 1953 đến năm 1967. Anh em chúng tôi thuộc nhóm Quan Điểm đã vào Nam từ 1953, một năm trước Hiệp Định Geneva 1954.

        Vào thời điểm này Đảng Cộng Sản phát động chiến dịch đấu tố cải cách ruộng đất để tước đoạt tài sản của nông dân, đồng thời đàn áp giới trí thức tiểu tư sản tại nông thôn đặc biệt là các sĩ phu bất khuất theo chủ nghĩa dân tộc. Các vị này bị quy kết vào thành phần địa chủ chỉ vì có vài ba mẫu ta ruộng (khoảng 1 hecta) mà không tự tay canh tác.

        Chúng ta còn nhớ những câu thơ sắt máu của Xuân Diệu:

        Bầy choa quyết đấu cho tan chúng mày
        Bầy choa thắp đuốc đêm nay
        Đấu cho nát mặt vỡ mày chúng ra!

        Nát mặt vỡ mày không phải về nghĩa bóng mà theo nghĩa đen. Họ đào một hố sâu đến đầu người, bắt nạn nhân đứng dưới hố chỉ để hở đầu. Rồi dùng trâu kéo cái cày cày nát mặt nạn nhân. Trước cảnh thương tâm dã man này chúng tôi ý thức rằng cộng sản là chế độ man rợ nhất trong lịch sử loài người. Và chúng tôi đã vào Nam để tìm một con đường đi.

        Tiên khởi, trong nhóm Quan Điểm, ngoài một số trí thức văn nghệ sĩ như Tạ Văn Nho, Vũ Khắc Khoan và Mặc Đỗ, còn có 4 Luật Sư là các anh Nguyễn Phương Thiệp và Phạm Quỵ tại Nghệ Tĩnh; Nghiêm Xuân Hồng và tôi tại Hà Nội.

        Lúc này tại Trường Luật và Luật Sư Đoàn Sàigòn, những phần tử năng động trong Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình thường có khuynh hướng thiên bên kia vì thiếu ý thức và kinh nghiệm cộng sản, như Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Dương Trung Tín, Âu Trường Thanh, Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Văn Diệp v...v....

        Do đó chúng tôi chỉ tiếp xúc với nhóm Xã Hội Nhân Vị của ông Ngô Đình Nhu và nhóm Đại Việt của Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

        Trong Nhóm Đại Việt, anh Nguyễn Tôn Hoàn lo về tổ chức và phát triển Đảng. Các anh Nguyễn Ngọc Huy và Phạm Thái phụ trách đấu tranh tư tưởng và đấu tranh ý thức hệ với cộng sản. Cơ quan ngôn luận cửa Đại Việt là báo Đuốc Việt.

        Chúng tôi cũng xuất bản tuần báo Quan Điểm và nhật báo Tiếng Miền Nam. Mục tiêu chiến lược là phản kháng Hiệp Định Geneva trong đó có Bản Tuyên Ngôn Sau Cùng khuyến cáo hai miền Nam Bắc tổ chức tổng tuyển cử năm 1956. Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam không ký Hiệp Định Geneva nên không có nghĩa vụ pháp lý phải thi hành Hiệp Định này. Hơn nữa Tuyên Ngôn Sau Cùng chỉ là bản tuyên ngôn ý định (declaration of intent) không mang chữ ký của bất cứ phái đoàn nào (kể cả Bắc Việt), nên không có giá trị pháp lý.

        Trước hết chúng tôi lấy được hàng ngàn chữ ký trong bản “Quyết Nghị của Hai Ngàn Trí Thức Sài gòn-Chợ Lớn chống Hiệp Định Geneve”.

        Và trong 2 năm, trên các tuần báo Đuốc Việt, Quan Điểm và nhật báo Tiếng Miền Nam, chúng tôi đã đấu tranh chính trị, đấu tranh pháp lý để bác bỏ cuộc tổng tuyển cử 1956.

        Vì trong thời gian này nếu có tổng tuyển cử thì dân Miền Bắc sẽ chọn Hồ Chí Minh (vì tại Miền Bắc người dân không có quyền tự do tuyển cử). Mà Miền Bắc lại đông dân hơn Miền Nam nên Cộng Sản có ưu thế. Hơn nữa một số dân Miền Nam cũng không am tường về chiến lược Cộng Sản nên dễ bị mê hoặc về những lời tuyên truyền đường mật của Hồ Chí Minh. Trong những điều kiện tâm lý và chính trị nói trên, tổ chức tổng tuyển cử theo Hiệp Định Geneva là dâng Miền Nam cho Cộng Sản với một chế độ man rợ nhất trong lịch sử loài người.

        Tại Việt Nam Cộng Hòa, sau cuộc đảo chánh 1963 hệ thống phòng thủ ấp chiến lược bị phá vỡ, các cán binh cộng sản thừa dịp xâm nhập Miền Nam, gây xáo trộn tại đô thị và tổ chức quần chúng tại nông thôn.

        Để đối phó với nguy cơ này, chính quyền quốc gia phát động Chiến Dịch Bình Định Chiêu Hồi. Để chiêu mộ nông dân tại vùng xôi đậu và kêu gọi cán binh cộng sản phản tỉnh trở về chính nghĩa quốc gia.

        Các anh Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Tôn Hoàn điều khiển Bộ Bình Định; tôi và anh Nghiêm Xuân Hồng phụ trách Bộ Chiêu Hồi. Lúc này, với Chiến Dịch Cải Cách Điền Địa chia ruộng cho tá điền, mỗi gia đình được cấp phát miễn phí từ 1 đến 3 hecta (khoảng từ 3 đến 10 mẫu ta). Kết quả là, nếu lấy tiêu chuẩn Miền Bắc, tất cả nông dân Miền Nam thời đó đều trở thành phú nông.

        Từ 1965, Chiến Dịch Lùng và Diệt Địch đã phá vỡ hạ tầng cơ sở du kích cộng sản. Với sự thành lập Đệ Nhị Cộng Hòa, Hiến Pháp 1967 bảo đảm những quyền tự do dân chủ cho người dân đồng thời thiết lập chế độ Tam Quyền Phân Lập với Viện Bảo Hiến trong Tối Cao Pháp Viện nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của hành pháp và lập pháp. Chế độ kiểm duyệt bị bãi bỏ để thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

        Tại Quốc Hội Lập Hiến, được các bạn đồng viện ủy nhiệm làm Phó Chủ Tịch phụ trách công tác thảo hiến, tôi đã nhận được những ý kiến và đề nghị xây dựng của các anh Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông trong những buổi họp thân mật mệnh danh là đàm hiến trà.

        Qua năm 1968, khi Đảng Cộng Sản phát động Tổng Công Kích Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân, họ đã hoàn toàn thất bại cả về chính trị lẫn quân sự.

        Về mặt chính trị, Cộng Sản dối gạt các cán binh rằng xâm nhập Miền Nam chỉ để tiếp thâu về hành chánh. Vì trong Tết Mậu Thân nhân dân Miền Nam sẽ tự động nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền. Thủ trưởng Định Tường phúc trình với trung ương rằng đơn vị của anh sẽ có 50 tổ đồng khởi. Đó chỉ là báo cáo chủ quan. Vì tới Tết Mậu Thân, theo lời anh thú nhận: “ Chỉ có một tổ của chúng tôi mà không thấy 49 tổ kia đâu hết!”. Như vậy sự báo cáo đã sai lạc tới 98%! Và Cộng Sản đã hoàn toàn thất bại về chính trị.

        Về mặt quân sự, do Chiến Dịch Lùng và Diệt Địch, hạ tầng cơ sở du kích Cộng Sản tan rã, các cán binh Miền Bắc xâm nhập bị lạc loài, mất hướng dẫn nên bị quân lực Cộng Hòa thanh toán dần. Có nhiều đơn vị đã bị hoàn toàn tiêu diệt.
        Theo Chế Lan Viên trong Ban Văn Công:

        Mậu Thân, một ngàn người xuống đồng bằng
        Sau một đêm chỉ còn sống có ba mươi!
        Và tỷ lệ tổn thất cũng là 98%.

        Bốn năm sau, vào dịp Lễ Phục Sinh 1972, Bắc Việt huy động toàn bộ các sư đoàn chính quy để quyết một trận sống mái với Miền Nam. Lúc này do chính sách Việt Hóa Chiến Tranh, quân đội Hoa Kỳ không còn chiến đấu trên bộ nữa. Mặc dầu vậy, với tinh thần anh dũng và kinh nghiệm chiến trường, cùng với sự yểm trợ của không lực đồng minh, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đánh tan 12 sư đoàn chính quy Bắc Việt với số thương vong hơn 100 ngàn.

        Ngoài ra, 8 tháng sau, vào dịp Lễ Giáng Sinh 1972, với Chiến Dịch Tập Kích Chiến Lược trong 12 ngày đêm tại Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận, Không Đoàn B52 Hoa Kỳ đã phá vỡ các căn cứ và tiêu diệt hỏa lực của Bắc Việt. Lúc này tinh thần cán binh cộng sản hoàn toàn suy sụp và Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản đã có kế hoạch rút ra khu. Tại Hà Nội nhà nào cũng may cờ trắng để sẵn sàng nghênh đón Quân Đội Miền Nam ra giải phóng Miền Bắc.

        Vậy mà chỉ 4 tuần sau, tháng 1-1973, do áp lực của phe phản chiến và nhất là do sự trí trá của Cố Vấn Kissinger (muốn kết thúc Chiến Tranh Đông Dương với bất cứ giá nào để dành viện trợ cho Do Thái trong Mặt Trận Trung Đông) ông này đã đặt bút bối thự (ký tắt) vào Hiệp Định Paris 1973 bắt Quân Đội Hoa Kỳ và Đồng Minh phải rút khỏi Việt Nam, mà không bắt Quân Đội Bắc Việt phải triệt thoái về Miền Bắc.

        Sau khi Tổng Thống Nixon từ chức tháng 8-1974, 18 sư đoàn Bắc Việt đã xâm nhập Miền Nam. Lúc này Hoa Kỳ đã cắt giảm 3/4 viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa. Và khi Bắc Việt vi phạm thô bạo Hiệp Định Paris bằng cách tiến chiếm các tỉnh Phước Long, Ban Mê Thuột và Đà Nẵng đầu năm 1975, Chính Phủ Hoa Kỳ vẫn không can thiệp mặc dầu những lời cam kết minh thị và trang trọng của các Tổng Thống Nixon và Ford.

        Nói về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, Tổng Thống Nixon khẳng định: “Đây là một sự thất bại và phản bội đồng minh không tiền khoáng hậu trong lịch sử Hoa Kỳ” (No More Vietnams, 1985).

**

        Sau 1975, trong số các sĩ phu bất khuất đã di tản ra hải ngoại, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là người đã góp phần đáng kể vào việc quang phục quê hương. Với ý chí kiên cường và tinh thần quả cảm, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã không ngừng xây dựng những cơ sở hội doàn, đề ra những chủ trương chiến lược và những mục tiêu công tác để nuôi dưỡng và phát triển phong trào. Đặc biệt trên mặt trận quốc tế vận đã thành lập cả một tổ chức liên quốc gia lấy tên là Phong Trào Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do. Mục đích để đẩy tới công cuộc đấu tranh giải thể cộng sản và xây dựng dân chủ cho Việt Nam.

       Rồi đây khi Cách Mạng Dân Chủ thành công, nhân dân ta sẽ có cơ hội soạn thảo một bản hiến pháp mới làm nền tảng cho chế độ Cộng Hòa Dân Chủ. Về điểm này chúng tôi xin có một đề nghị là phục hồi quốc hiệu Đại Việt cho quốc gia. Với tinh thần Đại Việt, từ 8 thế kỷ trước, ông cha chúng ta đã 3 lần đánh thắng quân Mông Cổ là một đoàn quân thiện chiến đã thôn tính cả một miền lục địa bao la chạy từ Đông Á sang Trung Âu. Thời gian này nếu không có sự chiến đấu kiên cường của quân dân Đại Việt thì cả miền Đông Nam Á kể cả Nhật Bản cũng đã rơi vào sự thống trị của Đế Quốc Mông Cổ.

        “Đại” ở đây không phải là lớn về địa lý. Mà là có tinh thần cao để phục vụ Đại Nghĩa.

        Cho đến nay tại Tây Âu chúng ta có Đại Anh Quốc (Great Britain) một mình anh dũng chiến đấu chống Đức Quốc Xã đầu thập niên 1940.

        Tại Đông Bắc Á, có Đại Hàn đã chiến thắng Đế Quốc Trung Sô đầu thập niên 1950.

        Và rồi đây, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ còn có Đại Việt đã chiến đấu kiên cường để giải thể chế độ cộng sản và xây dựng chế độ tự do dân chủ cho Việt Nam và Đông Nam Á.

        Cầu xin anh linh các bậc tổ phụ lập quốc phù hộ:
        Cho Dân Tộc Việt Nam được qua cơn khổ tận tới tuần cam lai.
        Để hương linh Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy được tiêu dao Miền Cực Lạc.


    LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỐNG
    (Phát biểu tại Bắc Cali nhân dịp Lễ Giỗ Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ngày 13-7-2008)