Nguyễn Huy Oánh (17 tháng 9 năm 1713-1789) là Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn (1748) triều Lê-Trịnh, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Huy Oánh
Tiểu sử
|
Những con chữ được khắc nối liền nhau một cách tinh xảo, những nét khắc hết sức tròn trĩnh, vuông vắn. Tương truyền, đây chính là những cuốn “giáo trình” có tuổi đời hơn 200 năm mà danh nhân Nguyễn Huy Oánh cùng các học trò đã kỳ công biên soạn và khắc in để dạy dỗ cho con em trong và ngoài vùng Trường Lưu tại “Phúc Giang thư viện” - một thư viện từng được coi là lớn nhất nhì Đông Nam Á vào thế kỷ XVIII (Theo Đại Nam nhất thống chí). |
Nguyễn Huy Oánh, húy Xuân, Hiệu Lựu Trai, tự Kính Hoa, sinh năm 1713 (Năm Quý Tỵ niên hiệu Vĩnh Thụy thứ 9) tại làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An ( Nay là xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Mảnh đất Trường Lưu vốn được xem là vùng " địa linh, nhân kiệt" - một trong những cái nôi của "Văn phái Hồng Sơn". Em trai ông là Nguyễn Huy Quýnh (1734- 1785) đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Thìn (1772) và làm quan đến Đốc thị Thuận Quảng, Hàn lâm viện thị giảng. Con trai ông là Nguyễn Huy Tự (1743-1790) là tác giả truyện thơ Hoa Tiên, một con người đa tài đa nghệ. Cháu nội của ông là Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) tác giả Mai Đình Mộng ký. • Năm Long Đức Thứ nhất (1732), ông đỗ đầu kỳ thi Hương tại Trường thi Nghệ An. • Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 năm 1748, ông đỗ thi Hội và đỗ đầu thi Đình: Tiến sỹ cập đệ đệ tam đình (Đình nguyên Thám Hoa). • Sau khi đỗ Đình nguyên ông được bổ làm Hàn lâm viện chế. • Năm Canh Ngọ (1750), làm Hiệp đồng Nghệ An cùng với Phạm Đình Trọng vây phá Bào Giang (căn cứ của Nguyễn Hữu Cầu). Năm đó cha ông là Nguyễn Huy Tựu qua đời ông về quê chịu tang.khi hết tang ông được bổ làm Đông các hiệu thư rồi thượng bảo tự khanh... • Năm Đinh Sửu (1757), thăng Đông các đại học sỹ, làm giám khảo kỳ thi Hội. • Năm Kỷ Mão (1759) được triệu về kinh ban thêm chức Tri binh phiên, làm nội giảng kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. • Năm Tân Tỵ (1761 ), ông được ban phẩm phục hàm tam phẩm tiếp đón sứ Thanh. Vì có tài ứng đối năm 1765 ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Đến năm Mậu Tý (1768) ông được thăng Hữu thị lang bộ Công. • Sau đó Nguyễn Huy Oánh còn tham gia cùng các tướng đánh dẹp nhiều vùng đất nổi loạn . • Năm 1782, ông được tặng phong Thượng thư bộ Công. Năm 1783 ông viết Từ Tham Tụng Khải (Bài khải từ chối chức Tham Tụng - Tể Tướng ) • Khi triều Lê đã vào giai đoạn suy vong Nguyễn Huy Oánh nhận thấy mâu thuẫn không thể hàn gắn nổi ông viết cáo xin về quê. • Sau khi triều Lê-Trịnh sụp đổ ông sầu nhớ và lâm bệnh rồi mất ngày mồng chín tháng năm năm Kỷ Dậu (1789). Đọc những dòng vắn tắt chúng ta thấy Nguyễn Huy Oánh là một bậc hiền tài trung quân, văn võ song toàn ông từng viết: "...Việc văn mài giũa, cùng việc võ luyện đủ Chẳng phải để mà chú tâm mưu đồ phú quí .... chỉ đeo đuổi một nỗi niềm ái quốc trung quân, Đâu dám mưu cầu điền địa cửa nhà..."
Tác phẩm tiêu biểu 1. Bắc dư tập lãm: Cuốn sách nói về các danh thắng Trung Hoa ông viết khi đi sứ. 2. Hoàng hoa sứ trình đồ: Tập bản đồ hành trình đi sứ. 3. Phụng sứ Yên Kinh tổng ca: Tập nhật ký đi đường trong thời kỳ đi sứ. 4. Sơ học chỉ nam: Tập hướng dẫn nhập môn cho học trò. 5. Quốc sử toản yếu: Cuốn sử Nguyễn Huy Oánh san bổ từ Ngoại kỷ đến hết đời nhà Trần. 6. Huấn nữ tử ca: Tập thơ dạy bảo con gái về công, dung, ngôn, hạnh. 7. Dược tính ca quát: Tập sách về y học. 8. Thạc Đình di cảo: Tập thơ ngâm vịnh, tự thuật.
Sự nghiệp trứ tác và những đóng góp • Nếu xét về một nhà nho Việt Nam thì Nguyễn Huy Oánh là hình tượng điển hình, sau khi về quê chịu tang mẹ và không xuất chính nữa. Ông đã sắp xếp và xây dựng lại thư viện Phúc Giang và biến Trường Lưu thành một trung tâm văn hóa, học vấn nổi tiếng vào bậc nhất thời bấy giờ. Học trò từ cả kinh kỳ cũng kéo nhau về đây theo học, học trò ông đã có 30 người đậu Tiến sĩ và hàng trăm người đậu tú tài, cử nhân. Ông được học trò tôn làm phu tử. • Năm 1783 (sau khi ông về quê hai năm) triều đình đã sắc phong ông làm "Uyên phổ hoằng dụ đại vương với lời lẽ trân trọng: Nối nguồn thơm từ Khổng Tử Rạng dòng tốt bởi núi Ni Lấy văn trồng người mở kế trăm năm. • Một điều chúng ta cần phải quan tâm nữa là sau này khi ông đã mất rất lâu vào năm 1824 triều đình nhà Nguyễn lại sắc phong cho vị quan của Triều Lê là Nguyễn Huy Oánh làm "Phúc Giang thư viện uyên bác chi thần" (Vị thần uyên bác của thư viện Phúc Giang), và thư viện Phúc Giang trở thành thư viện thờ một vị thần học vấn - điều hiếm có trong lịch sử Việt Nam. • Bên cạnh đó Nguyễn Huy Oánh còn để lại một di sản khá đồ sộ và đa dạng với gần 40 tập sách có giá trị từ văn học, sử học, y học, địa lý. Một điều hiếm thấy là Ông còn có một tập sách dạy con gái về công dung ngôn hạnh (tập Huấn nữ tử ca). • Trong dòng chảy của thời này xét dòng bách khoa toàn thư với các tác gia như Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú thì Nguyễn Huy Oánh cũng là một điển hình. Cuốn Quốc sử toản yếu do ông viết hiện đang được Viện Hán Nôm dịch nghĩa. Nhìn lại tòn bộ sự nghiệp có thể đánh giá rằng Nguyễn Huy Oánh là kẻ sĩ khá thành đạt trên nhiều phương diện. Bất cứ trên cương vị nào: nhà giáo, nhà văn, vị tướng dẹp giặc hay một nhà ngoại giao ông đều để lại những ảnh hưởng lớn của mình đối với lịch sử. Khác với Nguyễn Nghiễm bị lao vào vòng xoáy quyền lực, Nguyễn Thiếp thờ ơ với vận mệnh tổ quốc Nguyễn Huy Oánh đã kết hợp hài hòa giữa con người và thời cuộc để xứng đáng trở thành cây đại thụ trong nền văn học Hồng Lam. Chính nhân cách và tài năng của ông phần nào ảnh hưởng đến các sáng tác văn học sau này của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Du.
|