Người đã kết liễu cuộc chiến nhìn từ nhiều phía:The Most Dangerous Man in America: Daniel Ellsberg |
Tác Giả: Nguyễn Khoa Thái Anh | |||
Thứ Bảy, 27 Tháng 2 Năm 2010 16:20 | |||
Chiều thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010, phía Bắc Vịnh trời nặng trĩu những hàng mây xám, thời tiết dự báo có mưa cuối tuần nay, nhưng ngoài những làn mưa phùn không đủ làm ướt kính chắn gió (windshleld) của xe hôm thứ Sáu, trời thứ Bảy cũng không mưa. Như tôi, vòm trời mang một bầu tâm sự u uất, nặng nề nhưng vẫn không trút ra được. Văn chương Mỹ gọi ví von là “a pregnant sky”, ý muốn nói trời đã thai nghén, nặng nợ cưu mang đã lâu nay, chỉ chực chờ một cơn “bể bầu”! Người Việt như tôi cũng thế, mang tâm tư Việt Nam trĩu nặng từ ngày chia đôi đất nước, hoặc từ lúc kết thúc chiến tranh năm 75, hoặc đối với những bậc đàn anh tuổi tác, họ còn “ấm ức” xa hơn thế nữa, từ lúc Cộng sản cướp chính quyền (Cách mạng tháng Tám), hay từ lúc ông Hồ thành lập Đảng Cộng sản đông Dương ở Hồng Kông. Có lẽ sự chia xé sức mạnh dân tộc gây nỗi oan khiên này bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 khi cuộc kháng chiến chống Pháp của Quốc dân Đảng và các đảng phái Quốc gia vào bị Việt Minh manh nha lấn lướt, tiếm đoạt lá cờ khởi nghĩa của dân tộc, khởi sự với sự hy sinh của Nguyễn Thái Học cùng 12 vị chí sĩ trên đoạn đầu đài Yên Bái. Đối với người Việt nói chung, người quốc gia nói riêng, cái khó trong hơn thế kỷ nay là họ không tự chủ được vận mệnh của đất nước mình. Có lúc nào con dân Việt thật sự nói lên được tiếng nói chân chính, hay cắt nghĩa được nguyện vọng chung của dân tộc mà không lâm vào một cuộc tranh cãi gay gắt? Rốt cuộc, chúng ta là những người mang một hội chứng bất an, tự kỷ ám thị, lúc nào cũng phải bào chữa cho con-đường-ta-đi hay ý-thức-hệ của mình. Đối với người ngoại quốc, người Việt lại khoác thêm một mặc cảm vì mấy chục năm gió-tanh-mưa-máu-đó để rốt cuộc phe thắng trận lại tương nhượng độc lập cho kẻ thù truyền kiếp. Trong tư duy đó người viết hồi hộp phải chuẩn bị đối mặt với một người và một sự việc đã xảy ra cách đây 40 năm. Một nhân vật mà nhiều người cho rằng đã đóng nắp hòm chiến tranh Việt Nam. Hai người bạn tôi đến rạp lúc 5 giờ chiều. Tại quầy, người bán vé cho biết chỉ còn sót lại 5 vé, họ mua 3 còn 2, không biết ai là 2 người cuối cùng, lúc đó là 5 giờ 10 chiều. Khi tôi đến thì vé đã mua xong, chúng tôi đi ăn ở Hải ký Mì Gia ở khu Tenderloin, khi trở lại rạp khoảng 6 giờ 15 thi đã hơn 30 người đứng xếp hàng chờ xuất chiếu 7 giờ 20 pm. Ba hôm nay, tôi đã thông báo cho bạn bè, thôi thúc họ đi xem cuốn phim tài liệu sôi bỏng “The Most Dangerous Man in America: Daniel Ellsberg and the Pentagon Papers” ở rạp Landmark, 1 Embarcadero, San Francisco, cũng như ở Shattuck Cinemas, Berkeley. Tôi dặn bạn bè người quen nên đi sớm và nên xem ở San Francisco hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy, vì ngoài đạo diễn ra sẽ có sự hiện diện của ông Daniel Ellsberg, một người hùng gây khói lửa ở Hoa Kỳ vào năm 1971 khi ông tung ra cho làng báo Mỹ – New York Times Washington Post và 17 nhật báo khác – tài liệu mật Quốc phòng về cuộc chiến Việt Nam. Bị giam và phải đương đầu với 12 cáo trạng nặng nề, ông Ellsberg có thể lãnh một án tù đến 115 năm. Thúc đẩy bạn bè người quen xem phim mày không hẳn để chia sẻ sự thành đạt của tự do ngôn luận ở Mỹ hay ăn mừng chiến thắng của một người đã làm sụp đổ cả một triều đại tổng thống, và từ đó cả một guồng máy chiến tranh của Hoa Kỳ. Thúc đẩy xem để người Việt Nam thấy tiếng nói của dư luận, công chúng Mỹ có thể phương hại đến lý tưởng và chính nghĩa của cả một dân tộc, cho dù đó là tự do, dân chủ quyền tự quyết mà chính người Mỹ đã trương cao trên ngọn cờ đồng minh khi vào ủng hộ Việt Nam. Thúc đẩy người mình xem để thấy chúng ta phải cố tự chủ lấy cục diện của mình. Chính vì vụ tiết lộ tài liệu mật này mà Nixon bị lung lay đến tận gốc rể, dẫn đến chuyện Nixon ra chỉ thị cho thuộc hạ dàn xếp và lén lút đột nhập tổng hành dinh của phe Dân Chủ trong toà nhà được gọi là Watergate, cũng như văn phòng của bác sĩ tâm thần của Ellsberg để tìm và phanh phui mọi những chuyện sơ hở, tối tăm và xấu xa của địch thủ nhằm chơi bẩn, không ngờ sau đó vụ này bị bại lộ và lớn dần lên, không thể ếm nhẹm được, buộc ông Nixon phải từ chức. Năm 1973, ông Ellsberg được tòa xử trắng án vì những sai phạm của chính quyền Mỹ. Cũng vì vậy, Quốc hội Mỹ đã cắt đứt mọi viện trợ cho miền Nam vào năm đó (1973), sau khi đã ký kết Hiệp định Ba Lê kết thúc phần tham chiến của Mỹ. Cuộn phim được sắp xếp gay cấn tài tình bởi hai đạo diễn, cô Judith Ehrlich và ông Rick Goldsmith phỏng theo hai quyển sách của Daniel Ellsberg: “Secrets” và “Papers on A War”. Với một giọng ôn tồn và nghiêm trọng, người kể chuyện trong phim cũng chính là nhân vật nòng cốt, đề tài của phim tài liệu: ông Daniel Ellsberg. Tốt nghiệp tối ưu (summa cum laude) về Kinh tế học của Harvard năm 1952, ông đi Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Việt Nam từ 1954-1957, chỉ huy trưởng của Đại đội, sĩ quan chiến dịch, và cầm đầu một Trung đội súng trường. Năm 1962 lấy bằng tiến sĩ ở Harvard với luận án “Rủi Ro, Mập Mờ và Quyết Định” (Risk, Ambiguity and Decision) được mệnh danh là Nghịch lý Ellsberg, nổi tiếng về cách lựa chọn quyết định và xử lý trong khoa kinh tế học. Năm 1964, ông Ellsberg làm phụ tá cho Phó Bộ trưởng Quốc Phòng John McNaughton. Năm 1965, Ellsberg chuyển qua Bộ Ngoại giao và làm việc ở Tòa đại sứ Mỹ tại Sàigòn, thẩm định chương trình bình định nông thôn của miền Nam. Theo lời thố lộ, năm 1969 ông Ellsberg đã dự những cuộc biểu tình phản chiến trong khi làm việc trong bộ đầu não nghiên cứu chiến lược ở Rand cho Hoa Kỳ, ông đã gặp một một thiếu nữ trong nhóm phản chiến, cô Patricia, sau này hai người thành vợ chồng. Nhưng chính vì gặp anh chàng trốn quân dịch Randy Kehler, một người trai trẻ ung dung chấp nhận đi tù mà ông đã bị lung lạc với lập trường chiến tranh của mình. Ông kể lại: “Anh ta khoe rằng rất phấn khởi sắp được vào tù gặp bạn bè anh. Sau khi thấy thái độ uy dũng tự tại của anh, tôi tìm vào một nhà vệ sinh vắng không có ai, ngồi bệt xuống và khóc một trận ngon lành, khóc hơn một tiếng đồng hồ, phát hiện ra một ‘hiển thánh’, một giao động mạnh trong tâm linh mà tôi chưa bao giờ kinh qua một chuyện như thế trong đời.” Hồ sơ Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers) là một tài liệu điều nghiên về chiến tranh Việt Nam và các quyết định của chính quyền Hoa kỳ về Việt Nam từ 1945 cho đến 1968 do ông Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc Namara Pentagon giao phó cho ông Ellsberg sưu tầm và thẩm định vào năm 1967. Đại ý và bố cục tài liệu 7,000 trang này cho thấy những toan tính can dự vào Việt Nam của Hoa Kỳ, cũng như những che dấu về tình báo, cách suy diễn chủ quan về dữ liệu, con số, và ghi chép nhận định và phán xét về Việt Nam qua các thời tổng tổng thống Mỹ từ Truman, Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Nixon. Hồ sơ này nói cả về cuộc viện trợ của Hoa Kỳ cho Pháp sau đại chiến thứ Hai và cuộc hôi nghị Genève ‘54, ký kết, chia đôi đất nước Việt Nam từ đó. Trong phim, ông Ellsberg lên án một cách sai lầm rằng Hoa Kỳ và miền Nam không tôn trọng hòa ước, không chịu cho tuyển cử toàn quốc năm 1956. Nhưng thật ra Hoa Kỳ và miền Nam không hề ký kết hiệp định Genève vì họ không tin việc chia đôi đất nước, và biết rằng khó có bầu cử trong sạch về phía Cộng sản (nhận định của tác giả). Là người giữ những sự vụ lệnh tối mật và cao cấp nhất, ông Ellsberg đã sao được và mang ra ngoài 47 tập hồ sơ mật, gồm tổng cộng 7,000 trang khỏi vòng cương tỏa của bộ đầu não Rand Corporation để sao thành nhiều bản, trưng dụng cả hai đứa con và người bạn cùng nhiệm sở Rand Corporation với mình, Tony Russo, thay phiên nhau sao chép ngày đêm. Ban đầu, (1970) ông cố ngấm ngầm tìm gặp các thượng nghị sĩ chống chiến tranh trong quốc hội Mỹ như William Fulbright, George Mc Govern và giao lại cho họ hồ sơ mật cho họ vì đối với các đại biểu khi điều trần bất cứ một điều gì trước Quốc hội họ không thể bị truy tố ra toà, nhưng rốt cục cũng không một ai dám tung ra ánh sáng. Ngoài đời, ông Ellsberg có thể bị xem là một kẻ phản quốc. Nhưng trong phim tài liệu này khán giả có thể được thuyết phục bởi những lời lẽ chân tình của ông, để xem ông như một anh hùng dám tố cáo chính quyền Mỹ. Chí ít người ta phải thừa nhận ông là một nhân vật phức tạp, tin và sẵn sàng hy sinh vì những ‘chính nghĩa’ của mình. Năm nay sắp 80 tuổi nhưng sẵn sàng đi tù như trường hợp ông đã xuống đường chống chiến tranh Iraq gần đây (đoạn này được ghi lại trong phim). Tự hào là một người có lương tâm, có thể chống lại chính quyền vì những hành động ông cho là sai trái, giết người. Xem cuốn phim tài liệu này người ta không khỏi có cảm tưởng là phe Cộng sản là phe chính nghĩa và chính ông Ellsberg là ân nhân của Bắc Việt, người đánh động lương tâm của quần chúng Mỹ và thế giới về chuyện tàn ác, sát nhân của Hoa Kỳ, đã bỏ bom hàng loạt giết hại dân lành. Ông nói về phe Hoa Kỳ: “Có phải là chúng ta nhập bọn với phe xấu đâu, chính chúng ta là phe xấu!” “It wasn’t that we were on the wrong side, we were the wrong side!” Tóm lại, cuốn phim này cũng như Hồ sơ Ngũ Giác Đài là một kho vàng cho những người muốn sử dụng nó chống lại cuộc chiến tranh khốc liệt của Mỹ ở Việt Nam. Trong phim tài liệu, theo lời của ông Ellsberg, thì Pentagon Papers chỉ là tài liệu ‘Tối Mật’ đối với các tổng thống Mỹ như Lyndon B. Johnson khi ông này viện cớ sự việc tấn công bằng thủy lôi ở Vịnh Bắc Việt vào tháng 8, 1964, để bom Bắc Việt và đổ bộ quân đội Mỹ vào chiến tranh Việt Nam ngụ ý cho rằng cả Bắc Việt và đồng minh của họ như Nga sô và Trung Cộng thì đã quá rõ tâm địa anh Mỹ, nghĩa là họ đếch cần đến hồ sơ này để biết rằng Mỹ sẽ tham chiến ở Việt Nam! Theo tôi, đây chỉ là một cường điệu của cá nhân ông Ellsberg, dù sao phía Cộng sản cũng rất cám ơn ông đã giúp cho họ rất nhiều vũ khí mà không cần phải huy động binh lực để đi đến toàn thắng. Cái khó của những người Việt theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc là trước tiên chúng ta phải nhìn nhận thân phận cheo leo của miền Nam Việt Nam trước gọng kìm lịch sử (mượn tựa đề quyển hồi ký của Đại sứ Bùi Diễm). Trước hết, cục diện, địa bàn quốc tế Geopolitics hoặc bối cảnh chiến tranh lạnh sau Thế chiến thứ hai đã buộc miền Nam phải dựa vào thế lực của đồng minh. Sau đó sự là sự yếu kém của lãnh đạo miền Nam sau nền Đệ nhất Cộng hòa; khi hai ông Diệm Nhu bị ám sát, miền Nam đã bị rơi vào một thế bị động nhiều hơn chủ động trong cuộc đối đầu với Cộng sản, sau đó lãnh tụ ỉ lại quá nhiều vào sự can thiệp của của Hoa Kỳ. Miền Nam đã mất đi chính nghĩa từ lúc quân đội Mỹ đô xô ào ạt vào miền Nam, trong khi miền Bắc giỏi che đậy sự tham chiến của Trung quốc, cũng như tiếp viện Nga sô và các nước khác trong khối Cộng sản. Cá nhân tôi không bao giờ đồng tình với chủ trương đánh giặc ồ ạt, leo thang của Hoa kỳ ở Việt Nam. Nhưng ngược lại tôi không tin là trận chiến Việt Nam là một cuộc chiến tranh mà miền Nam và phe đồng minh không thể thắng được theo như tiền đề trong phim của ông Ellsberg đã nêu lên. Đối với tôi, trận chiến chống Cộng sản không phải là một cuộc chiến riêng cho miền Nam mà là của toàn dân đứng lên tìm một tương lai sáng sủa, xứng đáng hơn trong thiên niên kỹ mới. Chuyện nồi da sáo thịt của người Việt do đó, là một sự vạn sự bất đắc dĩ, một điều đau lòng cho tôi và nhiều con dân Việt phải đương đầu với một tham vọng cá nhân và đảng phái, một chế độ ngoại lai của Cộng sản. Cho nên khi biết tin ông Daniel Ellsberg sẽ có mặt và dự phần Vấn – Đáp trong hai buổi trình chiếu phim ở San Francisco, tôi dự kiến phải đi xem và đặt câu hỏi với ông. Cho nên chuyện chống lại lập trường phản chiến, muốn chấm dứt chiến tranh giết chóc, muốn ngưng bắn, dội bom Bắc Việt hay trên các vùng quê miền Nam của ông Ellsberg là một nỗi bất an, một cuộc tranh luận khó lòng và cam go đối với tôi. Nó làm cho tôi khó ở và chuẩn bị tinh thần. Rồi giờ phút trông đợi cũng đã đến. Đúng như lời quảng cáo, ông Daniel Ellsberg cùng đạo diễn Rick Goldsmith đã xuất hiện trước mặt khán giả sau khi phim tài liệu chiếu xong. Nguyễn Khoa Thái Anh và Danial Ellsberg Buồn cười là sau khi hỏi xong, cả rạp im phăng phắc trong khi ông Ellsberg lúng túng, lắp bắp mấy chữ “chào ông!” bằng tiếng Việt, tôi lục đục đứng dậy, bỏ một cái notebook nhỏ vào túi (không có dịp dùng! vì mình bị sôi động, ‘xuất quỷ nhập thần’!) sách bao máy ảnh rời khỏi hàng ghế! Ông Ellsberg giả lả: Rôi ông nhắc đến tên của một người Việt Nam trong phim (mà tôi không nhớ tên) nói rằng anh ta bị bỏ tù 3 năm dưới thời ông Thiệu, sau này sau ngày giải phóng bị tù Cộng sản bốn năm…Giống như Hoa Kỳ vẫn chưa học được bài học, Bọn Taliban, giống như Việt Cộng, họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Hiện nay có phải chúng ta cũng đang chán ngán với cuộc chiến không hồi kết ở Afghanistan?…” Sau khi nhiều người biết đến cuốn phim này, hiện đang được trình chiếu ờ nhiều nơi (San Francisco và Berkeley, vùng Bắc Vịnh) đã có một số những góp ý có giá trị gởi đến cho chúng tôi. Mời quý vị đọc giả đón đọc những nhận định của nhiều cá nhân về cuộc chiến này trong những ngày sắp tới.
|