Viết về một người vừa qua đời |
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh | |||||
Thứ Năm, 11 Tháng 2 Năm 2010 08:44 | |||||
Dân Biểu John P. Murtha, từng tình nguyện tham chiến ở Việt Nam
Thật tình tôi không nhớ rõ gặp Dân Biểu John P. Murtha lần đầu tiên lúc nào, chỉ mang mang nhớ lúc đó tôi mới bắt đầu làm báo ở Mỹ và được Nhật báo Người Việt cử làm việc ngay tại thủ đô và nẩy ra ý tìm những vị dân cử từng có thời phục vụ ở quê hương Việt Nam. Những chính trị gia như ông John McCain, John Kerry hay ngay cả ông Bob Kerry bây giờ đã rời chính trường đều là những người quá nổi tiếng vì ở bên Thượng Viện và cứ mỗi 4 năm một lần lại được giới truyền thông chú ý đến vì có triển vọng trở thành tổng thống, ít khi các vị dân cử bên Hạ Viện được nhắc đến hay nghĩ tới. Trong số những người không được nhắc đến đó, có ông. Tôi tìm ông không phải vì ông là một chính trị gia thuộc hàng lão luyện, mà chỉ đơn giản một điều, ông là một trong số rất ít thanh niên Hoa Kỳ tình nguyện tham chiến ở Việt Nam. Tôi biết đến ông sau khi nghe anh Al Karmen của tờ The Washington Post kể chuyện ông “đã từng là lính Thủy Quân Lục Chiến cầm súng ở mặt trận Triều Tiên, sau chiến tranh giải ngũ, về Mỹ học xong đại học, có cơ sở thương mại làm ăn rất khá, lập gia đình, có con cái, nhưng vẫn nhất định giơ tay xin sang Việt Nam chiến đấu lúc đã 34 tuổi”. Chính những lời “giới thiệu bán chính thức” này khiến tôi thêm tò mò, nên ngay lần đầu tiên gặp ông tôi hỏi ngay tại sao ông lại có quyết định lạ như thế. “Dễ hiểu lắm”, ông trả lời. “Tôi ghét Cộng Sản và tôi yêu người dân Châu Á”. Ông yêu đến mức độ nào? “Việt Nam đẹp lắm”, ông trả lời tôi bằng tiếng Việt khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi còn ngỡ ngàng hơn khi ông nói tiếp cũng bằng tiếng Việt: “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Có lẽ vẫn thấy chưa đủ, ông bảo thêm sang Việt Nam đóng quân ở “Ðà Nẽng” -chữ này tôi nhớ như in vì ông nói tựa như là “Ðà Nẵng”- và về lại Mỹ chỉ ít tuần trước trận chiến Tết Mậu Thân. Ông còn nói đùa “may tôi không ở lại, chứ không thì chẳng biết chuyện gì xảy ra”. Ðó là tất cả những gì ông nói cho tôi nghe về Việt Nam, về mảnh đất nhỏ bé cách xa tiểu bang Pennsylvania của ông tới nửa vòng trái đất. Những lần sau này khi có dịp gặp lại ông, tôi luôn luôn nói câu “Sài Gòn đẹp lắm” thay cho lời chào và ông lúc nào cũng cười thật tươi đáp lại bằng câu “That's right”. Ở Hạ Viện ông là một chính trị gia khôn ngoan, tới độ tôi đã từng được nghe kể có người liệt tên ông vào danh sách “quỷ quái”. Tôi thật tình không hiểu tại sao ông lại được kính phục và bị chê bai như thế, nhưng suốt thời gian theo dõi chính trường tôi thấy rõ ông là người đã nặn nên những nhân vật tầm cỡ. Ðiển hình nhất là trường hợp của bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi: cả chục năm trước đây, chính ông chứ chẳng ai khác dõng dạc bảo “đây là người tôi ủng hộ và tin tưởng sẽ trở thành bà Chủ Tịch Hạ Viện đầu tiên của nước Mỹ”. Lúc đó hầu như chẳng mấy ai biết đến người phụ nữ bây giờ đang quyền uy nhất lập pháp. Nói không chưa đủ, chính ông vận động xin từng lá phiếu một để bà Nancy Pelosi giữ nhiều chức vụ khác nhau trong hàng ngũ các dân cử cùng đảng, và sau cùng cũng chính ông là người kêu gọi “quý đồng viện Dân Chủ phải đoàn kết lại” cùng nhau bỏ phiếu chọn bà làm Chủ Tịch Hạ Viện. Có lẽ vì thế mà mọi người ngấm ngầm bảo với nhau ông là “king maker”, và chẳng ai ngạc nhiên ngay nghe bà Nancy Pelosi bảo “tất cả các vị dân cử Hoa Kỳ đều hãnh diện làm việc chung với ông, riêng cá nhân tôi, tôi hãnh diện được gọi ông là bạn”. Không chỉ nặn nên những khuôn mặt nổi bật ở tầm quốc gia, ông còn nổi tiếng về những cuộc đi đêm chính trị. Sinh trưởng ở News Martinville thuộc tiểu bang West Virginia nhưng lớn lên ở thành phố Johnstown của Pennsylvania, ông chứng kiến cảnh cả một thành phố sống và chết với những mỏ than, chứng kiến sự phồn thịnh và nghèo nàn của những gia đình thợ mỏ, kỹ nghệ phát triển càng cao, nghèo nàn càng nhiều và đến càng nhanh. Những sự kiện không thể chối cãi đó của xã hội đẩy ông đến chỗ sẵn sàng đánh đổi lá phiếu cho quyền lợi cử trị đơn vị ông đại diện. Kết quả: ông mang về cho tiểu bang và thành phố của ông cả tỷ bạc, và chấp nhận mang tiếng xấu “vua chia chác” (king of pork). Có lần ông bảo thẳng với tờ báo địa phương Pittsburgh Post-Garzette “nếu tôi có tham nhũng thì cũng chỉ là tham nhũng cho cử tri của tôi thôi”. Nhưng với người dân Hoa Kỳ, nổi bật nhất vẫn là chuyện liên quan giữa ông và cuộc chiến Iraq. Khi ông George Bush quyết định mở cuộc chiến vùng Vịnh, ông là vị dân cử Dân Chủ hiếm hoi lên tiếng hết lòng ủng hộ, nhưng khi ông George W. Bush quyết định đưa quân sang Baghdad lật đổ Saddam Hussein, ông lại là người lên tiếng chống đối đến cùng. Ông xem những lý do ông George W. Bush trình bày trước Quốc Hội và dân chúng để mở cuộc chiến Iraq là những lý do “dối trá”, những thành quả ông Bush nói đạt được ở chiến trường là “những thành quả bề nổi để che đậy sự thất bại bên trong”, hay nặng nề hơn nữa, ông ví von chính sách của ông George W. Bush ở Iraq là chính sách “không lối thoát”. Cũng vẫn chính ông là người đầu tiên lên tiếng đòi phải rút quân khỏi Iraq, ra khỏi một cuộc chiến mà ông tin rằng không thể thành công, một cuộc chiến “đầy ảo tưởng”. Trước diễn đàn Hạ Viện, ông từng thẳng thắn bảo “nếu tôi không nói, ai sẽ cất tiếng nói thay cho người dân?” Ðó là những gì tôi biết về ông. Nếu có hơn nữa thì là những gì tôi được nghe kể lại hoặc đọc trên mặt báo. Có lần tôi đọc thấy câu phương châm tranh cử của ông là “chỉ cần 1 người trong sạch, thành thật, cũng đủ thay đổi mọi chuyện”. Cũng có lần tôi được nghe kể lại khi ra tranh cử lần đầu tiên hồi 1974, đối thủ chính trị của ông đem chiêu bài chống chiến tranh ra để câu phiếu. Còn ông, ông bảo ngay “chuyện Hoa Kỳ có nên tham dự cuộc chiến Việt Nam hay không là chuyện để các học giả phân tích, điều chúng ta phải biết là trong lúc các binh sĩ Hoa Kỳ đem cả tâm huyết ra để chiến đấu thì chúng ta lại sung sướng ngồi đây để bàn chuyện đúng sai”. Chắc vì thế mà cử tri Johnstown bỏ phiếu chọn ông làm đại diện cho họ ở tòa nhà lập pháp 19 nhiệm kỳ liên tiếp. Ba ngày trước đây ông vào nhà thương vì bị sưng túi mật. Chiều hôm qua, 8 tháng 2, ông mất lúc 1 giờ 18 phút. Ðược tin ông từ trần, tự nhiên tôi nhớ lại những lần gặp ông, nhớ lại hình ảnh ông đứng trình bày trước cử tọa về cuộc chiến Việt Nam mà ông đã tham gia, về tâm sự của những binh sĩ Mỹ ở Iraq và Afghanistan mà ông bảo “hân hạnh được chia sẻ”. Tôi cũng nhớ đến những đoạn phim ngắn chiếu trên truyền hình về những chuyến viếng thăm thương binh Hoa Kỳ mà ông thực hiện hàng tuần ở Quân Y Viện Walter Reeds, nhớ đến bộ quân phục ông treo trong văn phòng, gọi đó là “lời nhắc nhở tôi phải có trách nhiệm với các binh sĩ đang phục vụ trong quân ngũ”. Tôi cũng nhớ đến câu chuyện ông kể về gia đình, nhớ đến lần ông hãnh diện khoe chẳng bao giờ cầm ly rượu nhấp môi vì thương mẹ ông phải tần tảo nuôi con sau khi cha ông chết vì chứng nghiện rượu. Và đương nhiên, tôi nhớ câu “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi” mà ông nói cho tôi nghe ở buổi gặp gỡ đầu tiên. Không bao giờ tôi quên được ông và câu đó đâu, ông Murtha ạ. Khi nào có dịp về lại Sài Gòn, thế nào tôi cũng sẽ nói câu này thay cho ông.
|