Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Những điều ông Hồ Xuân Mãn học từ ông Hồ Chí Minh?

Những điều ông Hồ Xuân Mãn học từ ông Hồ Chí Minh? PDF Print E-mail
Tác Giả: Trân Văn, phóng viên RFA   
Thứ Ba, 02 Tháng 2 Năm 2010 16:55

 Người đã có ba năm “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lãnh cái tát nẩy lửa của cô bồi bàn, vì ông này hôn ẩu.

Cuối tháng vừa qua, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tổ chức tuyên dương các tập thể, cá nhân được xem là điển hình trong ba năm thực hiện cuộc vận động đó.


                              Photo courtesy of svhttdl.hue.gov.vn 

                   Ông Hồ Xuân Mãn

Chuyện về một điển hình

Trong số hàng trăm tập thể, cá nhân được xem là điển hình của ba năm “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, có ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông Mãn đã học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như thế nào? Trân Văn tổng hợp báo chí trong nước và dư luận dân chúng qua các diễn đàn điện tử, các blog để tường trình.

 Quá bất ngờ và cảm thấy nhục nhã bởi hành vi của vị “quan” đáng kính, cô tiếp viên đã đáp trả ngay lập tức bằng một cái tát như trời giáng vào mặt “quan”!
Trích từ báo Lao Động

Cách nay khoảng 5 năm, trên số 327, ra ngày 26 tháng 11 năm 2005, tờ Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam đăng một bài viết ngắn, với tựa là “Đất cố đô có vua”. Tác giả bài viết có tựa vừa dẫn kể rằng:

Mấy hôm nay, nơi tôi đang sống, từ lề đường đến công sở, đi đâu cũng nghe người dân, cán bộ, nhỏ to đầy hả hê chuyện ông “quan” to nhất tỉnh vừa bị một nữ tiếp viên nhà hàng “dạy” cho bài học muối mặt về ứng xử với phụ nữ ngoài xã hội.

Chuyện là một bữa trưa đẹp trời, “quan” lớn cùng một số “quan” nhỏ vào ăn trưa ở một nhà hàng ven đô. Một nữ tiếp viên trẻ, mới đến làm việc của nhà hàng, như lệ thường, đến đon đả mở bia, tiếp đá cho các “quan”. Và (có lẽ cũng như thường lệ), “quan” lớn nhất đã không cầm lòng trước nhan sắc của cô tiếp viên chỉ đáng tuổi con mình nên đã… ghì đầu cô ta lại rồi hôn đánh chụt một cái vào má, trước sự chứng kiến của quan khách có mặt trong nhà hàng hôm đó!

Quá bất ngờ và cảm thấy nhục nhã bởi hành vi của vị “quan” đáng kính mà lâu nay cô chỉ thỉnh thoảng được thấy mặt và nghe nói toàn lời hay, ý đẹp trên ti-vi, cô tiếp viên đã đáp trả ngay lập tức bằng một cái tát như trời giáng vào mặt “quan”! Cái tát làm cả nhà hàng “chết lặng” như… sóng thần xuất hiện!

Chuyện đến đây chưa hẳn đã có đoạn kết tệ hại, nếu “quan” hành xử như một người có văn hoá (lỡ có tí bia rượu), chẳng hạn nói một lời xin lỗi. Đàng này, sau một lúc bỏ đi vào nhà vệ sinh, “quan” quay trở ra, mặt hầm hầm chỉ tay, lớn tiếng: “Đuổi, đuổi ngay cô tiếp viên không biết làm việc kia!”.

Tất nhiên chủ quán thanh toán tiền công và cho cô nghỉ việc ngay sau đó. Chưa hết, “quan” còn doạ sẽ cho đóng cửa, không chỉ nhà hàng này mà còn cả…các nhà hàng bên cạnh!        

Tác giả bài viết “Đất cố đô có vua” kể thêm rồi nêu một số thắc mắc: Theo giới thạo tin “mật” thì việc ông “quan” này vào các nhà hàng ruột của mình rồi ôm hôn  các cô tiếp viên và “hơn thế” giữa thanh thiên bạch nhật như đã dẫn ở trên là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng lâu nay, các cô phần khiếp uy của “quan”, phần vì miếng cơm manh áo đành nuốt nhục, im lặng. Cái tát vừa rồi thật ra là … “đi đêm lắm có ngày gặp ma” mà thôi.

Người viết bài này đã nghĩ mãi vẫn không lý giải thỏa đáng về hành vi của “quan”.

Chẳng lẽ, “quan” cho  rằng xã hội bây giờ không có “vua”, cũng không có “dân”, nên không cần nhìn trước nhìn sau khi thực hiện những hành vi không xứng đáng với trọng trách như thế?

Hay là “quan” cho rằng, ta là “vua” của đất cố đô này nên ta muốn làm gì cũng được?

Tuy tạo ra sự xôn xao lớn trong dư luận, song giống như nhiều sự kiện khác từng xảy ra tại Việt Nam, bài “Đất cố đô có vua” nhanh chóng rơi vào quên lãng vì lãnh đạo Đảng, Nhà nước không chỉ đạo xác minh, xử lý dù nhân vật chính được xác định là vị quan “to nhất tỉnh”.
“Tấm gương tiêu biểu”

Đến cuối tháng vừa qua, bài “Đất cố đô có vua” được rất nhiều diễn đàn điện tử và blog đồng loạt đăng trở lại, ngay sau khi có tin, ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy của khu vực “cố đô”, được công nhận là một điển hình suốt ba năm thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Cũng thời điểm này, ông Hồ Xuân Mãn đã xuất hiện trên nhiều tờ báo trong nước để tự giới thiệu về mình với tư cách một “tấm gương tiêu biểu”, trong việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng thời công bố một số số liệu nhằm chứng minh, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi đang được ông lãnh đạo đã đạt nhiều thành tích quan trọng: Chẳng hạn, trước đây, tỷ lệ người nghèo ở Thừa Thiên – Huế là 28% nhưng nay chỉ còn 8%. Thừa Thiên – Huế đã giúp 31.000 người thiểu số có nhà “4 cứng”. Thừa Thiên – Huế luôn là địa phương “nói đi đôi với làm”...    

Ngay sau đó, một cư dân của Thừa Thiên Huế là ông Hà Văn Thịnh – hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Huế - đã viết bài “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy”, gửi cho báo điện tử VietNamNet. Về tính chất, “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy” trên VietNamNet giống như “thư chất vấn” của một trí thức sống tại Huế, gửi cho ông Hồ Xuân Mãn.

Trong “thư chất vấn” ấy, ông Hà Văn Thịnh nêu ra hàng loạt vấn đề, chẳng hạn: Nếu Thừa Thiên – Huế đã giảm được trên 70% số hộ nghèo chỉ trong một nhiệm kỳ lãnh đạo thì đó là một kỷ lục, không chỉ đối với Việt Nam mà là cả thế giới!

Đây là thành tích cần phải được nhân rộng cho 62 tỉnh, thành khác học tập. Và, tôi cho rằng nếu bỏ qua điều này là một sự lãng phí tài năng ghê gớm. Vấn đề là ở chỗ dư luận muốn biết bằng cách nào, kinh phí lấy từ nguồn nào, các công đoạn của nó được tiến hành ra sao, bởi vì trên thực tế, không thấy tỉnh Thừa Thiên – Huế có những đổi thay đột biến để tạo nên đột biến ghê gớm kể trên?    

Ông Hà Văn Thịnh nhấn mạnh: Người viết bài này đã sống và làm việc ở tỉnh Thừa Thiên – Huế 33 năm, đã chứng kiến sự thay đổi của nhiều lãnh đạo nhưng chưa hề thấy bất kỳ sự thay đổi thực sự nào từ ý tưởng, cách làm việc của những người lãnh đạo ấy.

Tôi sẵn sàng tranh luận với bất kỳ vị lãnh đạo nào về đề tài này. Chỉ cần bước qua đèo Hải Vân là thấy xấu hổ vì mình là người Huế. Sự đủng đỉnh của Huế, tính bảo thủ muôn đời của nó là điều ai cũng biết. Thật là buồn khi mình gắn bó với một quê hương mà quê hương ấy chỉ thay đổi gọi là, phát triển gọi là…

Là người dân, rất ước mong rằng các vị lãnh đạo hãy nói được sau khi đã làm được. Xin ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TTH trả lời những câu hỏi của tôi.

Ông Hồ Xuân Mãn có trả lời thư chất vấn của ông Hà Văn Thịnh hay không (?). Chúng tôi đã tìm nhưng chưa thấy. Kết quả duy nhất mà chúng tôi được biết là báo điện tử VietNamNet đã lột bài “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy”, của ông Hà Văn Thịnh ra khỏi website của họ.

Trên công luận và trong dư luận, ông Hồ Xuân Mãn còn được nhắc đến như một hoàng đế ở cố đô. Trong bài viết “Không phải là vua nhưng mộng ước cũng như... vua!”, ông Trương Duy Nhất, một nhà báo Việt Nam kể trên blog của ông về Lễ tế Nam Giao trong Festival Huế 2008: Tôi… hoảng hồn khi thấy trong nhóm quan chức phưỡn bụng trên thượng đàn trong lễ tế có một vị khoác... hoàng bào. Đó là ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên- Huế. Sao ông Mãn dám… liều thế nhỉ? Hay ông nghĩ mình là … Vua?

Cũng trong bài viết vừa dẫn, nhà báo Trương Duy Nhất tâm tình: Chỉ xin nhắc mấy chuyện nhỏ. Mấy chuyện mà càng ngẫm càng thấy... sợ! Người ta đã đùa giỡn bậc tiền nhân, chọc ngoáy ông... Giời, và nhạo báng thần linh! Kinh thật!

Vì sao blogger Trương Duy Nhất nhắc đến tiền nhân, trời, thần và ông cảm thấy “kinh”? Tổng hợp một số tin đã đăng trên một số tờ báo ở Việt Nam như: Tuổi Trẻ, Giác Ngộ,... người ta được biết, hai lần Thừa Thiên – Huế tổ chức Festival là hai lần trời nổi dông, gió to, mưa lớn và sau đó sấm sét đánh xuống hoàng thành Huế, đúng vào lúc các quan chức chính quyền, từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghi lễ tế cáo trời đất. Lần thứ nhất, sét đánh sập cửa An Hoà hôm 4 tháng 6 năm 2008 và lần thứ hai, sét đánh sập cửa Quảng Đức hôm 24 tháng 3 năm 2009!


Còn bao nhiêu tấm gương tiêu biểu?      

Ông Hồ Xuân Mãn chỉ là một trong hàng trăm cá nhân, hàng chục tập thể được tuyên dương là “những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập và nhất là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ba năm vừa qua.

 Năm nay, liệu sẽ có thêm bao nhiêu “tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập và nhất là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như ông Hồ Xuân Mãn?

Thật ra không phải chỉ trong ba năm gần đây, Đảng và chính quyền Việt Nam mới yêu cầu toàn Đảng, toàn dân học tập Hồ Chí Minh.

Tháng 3 năm 2003, Trung ương Đảng đã từng phát động một đợt “học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”. Ba năm sau, Bộ Chính trị quyết định mở rộng đợt học tập này.

Theo một chỉ thị do Tổng Bí thư Đảng CSVN ký thì sau khi học tập “tư tưởng Hồ Chí Minh”, toàn Đảng, toàn dân còn cần “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ năm 2007 cho tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng CSVN, mãi tới đầu năm 2011 mới kết thúc.

Năm nay, chủ đề trọng tâm của cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sẽ là: “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, Đảng là đạo đức, là văn minh”.

Năm nay, liệu sẽ có thêm bao nhiêu “tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập và nhất là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như ông Hồ Xuân Mãn?