Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Vai trò của Trần Bạch Đằng trong trận tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968

Vai trò của Trần Bạch Đằng trong trận tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 PDF Print E-mail
Tác Giả: Bạch Diện Thư Sinh   
Thứ Hai, 01 Tháng 2 Năm 2010 09:51

Trần Bạch Đằng là một Đảng viên Cộng Sản cao cấp, giữ vai trò lãnh đạo mặt trận đô thị thời chiến tranh Việt Nam.

Quyền hạn và trách nhiệm của ông ta bao trùm nhiều lãnh vực:  Tuyên huấn, Mặt trận, Hoa vận, Trí vận,Thanh niên- Sinh viên- Học sinh và Ban Cán sự nội thành. 

Trong đó mặt trận trí vận là một trọng điểm, còn mũi xung kích là phong trào sinh viên học sinh với những cuộc tranh đấu sôi nổi nổ ra thường xuyên ngay tại Thủ đô Sài Gòn vào khoàng từ 1966 tới 1972.  Vị trí của Trần Bạch Đằng quan trọng như thế, và để tiến hành công tác, ông ta đã từng cư ngụ ngay giữa Thủ đô hoặc là di chuyển giữa Sài Gòn và mật khu nhiều lần, thế nhưng rất ít người nghe biết danh tính ông ta.  Chỉ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, không riêng gì dân Sài Gòn mà cả dân chúng miền Nam và miền Bắc mới biết nhiều tới tên tuổi Trần Bạch Đằng.  Nhưng có lẽ quần chúng vẫn không biết nhiều đến vai trò quan trọng trong thời chiến của ông ta cho bằng biết tới ông ta qua những bài báo và bộ phim 8 tập Ván Bài Lật Ngửa mà ông là tác giả chuyện phim, bút hiệu Nguyễn Trương Thiên Lý (1).

Dân chúng ít biết đến Trần Bạch Đằng, nhưng người Mĩ biết rất rõ về ông ta và họ đã từng giao tiếp qua lại với ông ta trước thời gian xẩy ra trận đánh Tết Mậu Thân 1968.

Cũng chính nhân vật Trần Bạch Đằng này là một trong những cấp chỉ huy cao cấp nhất trong trận ‘Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa’ Tết Mậu Thân (1968) đánh vào Thủ đô Sài Gòn.  Ông ta đã cùng với Võ Văn Kiệt phụ trách Bộ tư lệnh tiền phương Nam (Trần Văn Trà và Mai Chí Thọ phụ trách Bộ tư lệnh tiền phương Bắc).  Vào thời điểm đó, Trần Bạch Đằng đang là thường vụ khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Vì vị thế đặc biệt này, ông được giao nhiệm vụ soạn thảo phương án tấn công Sài Gòn- Chợ Lớn.

Sau trận Tết Mậu Thân, Trần Bạch Đằng nắm chức vụ bí thư Thành ủy, rồi bí thư đặc khu Sài Gòn – Gia Định (2). Đó là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp chính trị của ông ta.

Kể từ 1972, Trần Bạch Đằng bị hất ra khỏi những vị trí quyền lực. Và sau 30 tháng 4 năm 1975, có thể nói ông không còn hiện diện trên chính trường, nhưng lại khá nổi tiếng trong lãnh vực viết lách.

Những người am hiểu đều cho rằng Trần Bạch Đằng là ‘một người Cộng sản đa tài nhưng bất đắc chí cho đến khi nhắm mắt lìa đời’!

***

Chúng tôi không đi vào chi tiết trận ‘Tổng công kích Tổng khởi nghĩa’ Tết Mậu Thân (1968), chỉ nhắc tới một số việc trong trận đánh này có liên quan tới nhân vật Trần Bạch Đằng là chủ đề của bài viết.  Và hạn chế trận đánh tại Sài Gòn - Chợ Lớn vì là vùng trách nhiệm của Trần Bạch Đằng.

Cấp chỉ huy

Xin nói ngay là trong trận đánh quan trọng này, Trần Bạch Đằng chịu trách nhiệm rất lớn bởi vì bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng (6 Hồng) giao cho ông ta soạn thảo phương án đánh vào nội thành: ‘…tôi được anh Phạm Hùng giao nhiệm vụ chuẩn bị phương án đánh vào nội thành’(3).

Bước vào trận tổng tấn công, cấp lãnh đạo tối cao ở trung ương là Bộ chính trị mang bí số là Bác Hương.  Tại mặt trận, bí thư Trung ương Cục miền Nam là Phạm Hùng mang bí số A7.  Bí thư Trung Ương Cục và quân ủy Miền cho thành lập một Đảng ủy khu trung tâm (Đông Nam bộ, Sài Gòn, khu 8 giữa sông Tiền và 2 sông Vàm Cỏ) do Nguyễn Văn Linh (10 Cúc) làm bí thư. 

Chiến dịch phân công như sau: ‘…anh Trần Văn Trà là Tư lệnh đồng thời chịu trách nhiệm các cánh quân phía Bắc (nên được gọi là Tiền phương Bắc hoặc Tiền phương 1) còn anh Võ Văn Kiệt và tôi chịu trách nhiệm cánh phía Nam (nên được gọi là Tiền phương Nam hay Tiền phương 2).  Nắm các đội biệt động, đặc công, các cánh vũ trang của an ninh, binh vận, lực lượng quân sự và bán quân sự của các đoàn thể quần chúng và các đơn vị ở phía sau từ hướng Long An và một phần Khu 8.  Trung ưong Cục và Bộ Tư lệnh miền nghe hai Bộ Tư lệnh Tiền phương báo cáo và nghe phương án chiến đấu trong nội thành do tôi trình bày.  Sau khi điều chỉnh, bổ sung một số điểm, anh Phạm Hùng thay mặt cho lãnh đạo chung thông qua các kế hoặch.  Anh chỉ thị thêm:  Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam nên chia làm hai, bộ phận phía sau phụ trách các tiểu đoàn mũi nhọn, lực lượng của Long An, của phân khu 2 (Đức Hòa, Bình Chánh) do anh Võ Văn Kiệt nắm còn bộ phận phía trước phụ trách nội thành và vùng ven, kể cả vùng ven Thủ Đức, Dĩ An do tôi nắm’(4).

Bộ Tư lệnh Tiền phương Bắc (tiền phương 1) của Trần Văn Trà, còn có Mai Chí Thọ đi kèm, phụ trách vùng Đông Nam bộ. Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam (tiền phương 2) do Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng , mang bí số A 404, phụ trách vùng Tây Nam và Nội Thành.  Ban chỉ huy biệt động đặt tại quán phở Bình, đường Yên Đổ, gần cầu Kiệu.

Diễn tiến

Bộ Tư lệnh Tiền phương đóng tại Trụ Sở Đỏ, xóm Việt kiều trên đất Ba Thu sát tỉnh Kiến Tường bất thần được lệnh hành quân hỏa tốc vào trưa ngày 29 Tết (28.01.1968).  Lệnh ban ra như sau: 

‘A 7 gởi A 404.
Ngày N: mồng một rạng mồng hai Tết.
Giờ G: 12 giờ đêm.
Đây là nghị quyết của Bác Hương’ (5).

Mật lệnh tấn công là bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh phát thanh từ Hà Nội:

      Mừng xuân 1968
Xuân nay hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Ngày 30 Tết, hàng ngàn cán binh hành quân vội vã tiến về Sài Gòn cho kịp giờ G. Giữa đêm giao Thừa, bất ngờ nổ ra cuộc tấn công ngoài Huế.  Sớm hơn giờ G một ngày, vì Nha Thủy văn miền Bắc đổi lịch đi trước một ngày.

11giờ 45 Sở chỉ huy tới đóng tại ngôi đình Quán Cơm cách quận 7 chỉ một con rạch. Nổ súng 0 giờ ngày thứ Tư mồng hai Tết, 31 tháng Giêng dương lịch. Cộng quân đồng loạt tấn công 41 tỉnh thành của VNCH.

Tại Thủ đô Sài Gòn, súng nổ lúc 2 giờ sáng.  Các toán đặc công tiên phong đột kích vào các yếu điểm : Dinh Độc lập, Bộ Tổng Tham Mưu, phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung tâm huấn luyện Quang trung, trường Sinh ngữ quân đội (hồi đó còn nằm cạnh Bộ Tổng Tham Mưu), tòa đại sứ Hoa Kì, căn cứ 80 Quận cụ, căn cứ Truyền tin.  Đặc công chỉ tới được phía bên ngoài các trọng điểm này chứ không vào được bên trong hàng rào, ngoại trừ họ lọt vào được sân tòa đại sứ Hoa Kỳ, nhưng đã bị tiêu diệt hoàn toàn.  Về cơ sở vật chất, tất cả những trọng điểm này đều bị tổn thất không đáng kể.  Vì không được tiếp cứu cho nên kể như các toán đặc công hầu như bị tiêu diệt gọn.  Duy có Đài phát thanh bị Cộng quân lọt vào nhưng không thể phát tiếng trước khi quân Dù VNCH tới thanh toán.  Do hầu hết binh sĩ đi phép Tết cho nên trại Phù Đổng (Bộ chỉ huy Thiết giáp) và trại Cổ Loa (Bộ chỉ huy Pháo binh) ở Gò Vấp bị Cộng quân tràn ngập, song thiết giáp ở trại Phù Đổng đã di chuyển đi nơi khác; Cộng quân cũng không xử dụng được 12 khẩu 105 li ở trại Cổ Loa vì các chiến sĩ VNCH đã tháo gỡ bộ phận khai hoả.  Sau đó Cộng quân xuất hiện tại Bà Quẹo, Ngã Năm Bình Hòa, Hàng Xanh, vùng Trường đua Phú Thọ, Bà Hạt, Thủ Đức, Hốc Môn.  Toán Cộng quân đánh chiếm khám Chí Hòa bị lạc đường nên đã bắn lầm vào nhau, gây tổn thất lớn.

Sáu giờ sáng mồng 2 Tết, Bộ chỉ huy rời sang Quận 7.  Võ Văn Kiệt ở lại Quận 7 nắm Bộ chỉ huy cơ bản.  Trần Bạch Đằng phụ trách Bộ chỉ huy tiền phương cùng với Trần Hải Phụng đóng tại chùa Tịnh Độ Cư sĩ cạnh cầu Cây Gõ.  Họ đi kiểm tra qua đường Minh Phụng, Hùng Vương, tới góc trường đua Phú Thọ. Cánh quân này chiếm  vùng bệnh viện Chợ Rẫy, Ngã Sáu, đường Vĩnh Viễn, Hòa Hảo, khu chùa Ấn Quang, khu Vườn Lài, quanh hãng thuốc lá MIC. Toán Hoa vận xuất hiện ở vùng Lò Siêu, Lò Gốm, chợ Bình Tây, cầu Palikao, bến Hàm Tử, vùng trường đua Phú Thọ. Cũng có những toán nhỏ đột nhập được vào vùng đường Cô Giang, Cô Bắc, cầu Chữ Y, nhà đèn Chợ Quán, khu Nancy, khu ngã tư Bảy Hiền, cổng xe lửa số 9 Phú Nhuận, Thạnh Mỹ Tây…

Từ sáng mồng 3 Tết, Quân lực VNCH phản công mạnh.  Không thấy có bất cứ một cuộc nổi dậy cướp chính quyền nào của dân chúng hay đoàn thể.  Các toán biệt động của Cộng quân không được chủ lực tiếp ứng, bị tiêu diệt hoàn toàn.  Các mũi xâm nhập khác bị bao vây, không rành phố xá, một là cũng bị tiêu diệt, hai là phải mau chóng tìm đường ‘chém vè’.

Cánh quân phía Bắc bị chặn lại ở đài phát tuyến Quán Tre.  Cánh Đông cũng không qua nổi Biên Hòa.

Mồng 4 Tết (02.02.1968), Bộ chỉ huy của Trần Bạch Đằng rút lui ra ven lộ Phú Định.

Mồng Năm Tết (03.02.1968), thiếu đạn dược, không được bổ sung quân số, tản thương khó khăn.  Buộc lòng phải xin lệnh Trung ương Cục có tiếp tục tác chiến nội thành hay rút lui.

Giữa đêm mồng Năm rạng mồng Sáu Tết, Sở chỉ huy rút sang bên kia lộ Mù U, cặp theo sông An Lạc.  Bị quân VNCH truy nã.  Lợi dụng trời tối, sở chỉ huy rút khỏi An Lạc, chạy sang xã Tân Tạo.

Mồng 7 Tết, Cộng quân được lệnh rút hết khỏi nội thành.   

Bọn Trịnh Đình Thảo và vợ, Nguyễn Văn Kiết, Lê Hiếu Đằng… chạy ra theo.  Chạy tiếp.  Chạy khốn chạy khổ.  Trần Bạch Đằng chạy đến nỗi chỉ còn cái quần xà lỏn, hết sức mất mặt của một nhà lãnh đạo, trước các vị ‘khách qúy’ mới từ Sài Gòn chạy ra theo.  Trần Bạch Đằng thành thật kể lại:

‘Khi khách được hướng dẫn ra hầm xong xuôi, đến lượt tôi (Trần Bạch Đằng), tôi cũng phải ra hầm.  Thế là cởi bộ quân phục, ở trần, mặc quần đùi, cặp nách bộ quân phục, lom khom bước theo bảo vệ - đạn AR15 đã bắt đầu bắn quanh chúng tôi.  Khốn khổ!  Bảo vệ dẫn tôi theo một líp và tôi qua trước mặt vợ chồng luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Nguyễn Văn Kiết, anh Lê Hiếu Đằng…Qua trước mắt họ trong tư thế không mấy gì oai phong - trái ngược với buổi tôi tiếp họ…Tôi hơi bực, cự các đồng chí bảo vệ:  Sao dẫn ngả này? - Đâu còn ngả nào khác!  Họ trả lời’ (6).

Trần Bạch Đằng là kẻ hoạch định kế hoạch tấn công vào nội thành trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân (1968), rốt cuộc phải vắt giò lên cổ chạy xức bức xang bang thê thảm như thế!

Ôn lại khúc phim chiến sử hào hùng này, người Việt quốc gia chắc sẽ cảm thông sâu sắc mối thống hận ngút ngàn thiên thu của quân dân VNCH, vì sao đã bị đồng minh bức tử, trong khi chúng ta đã từng chứng tỏ là có thể đánh cho Cộng quân chạy té khói, chạy không còn manh giáp (chạy trụt quần!)?

Tới Nam Bến Lức, đám Lm. Nguyễn Ngọc Lan (sau 30.4.1975, xuất tu để lấy vợ), Gs. Châu Tâm Luân, Cao Hoài Hà, nhà văn Thiếu Sơn, Gs. Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chí, Nguyễn Văn Hanh…. hớt hải chạy theo kịp, vào ra mắt Trần Bạch Đằng!

Coi như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đợt 1 (1968) kết thúc vào ngày mồng 7. Trần Bạch Đằng phải về báo cáo cho Trung Ương Cục và bàn tính kế hoặch đánh đợt II.

Đợt II nổ ra ngày 05 tháng 5 năm 1968 (5.5.1968 - 12.5.1968) cũng thất bại thê thảm, cho nên Trần Bạch Đằng đã phải thú nhận: ‘Sau đợt 2, tôi phát biểu quan điểm là không thể tiếp tục chiến dịch được nữa bởi yếu tố bất ngờ không còn và nhất là những tổn thất tương đối nặng của ta’ (7).

Nhận xét

Có những tác giả giải thích các biến cố xẩy ra trên thế giới dính líu tới người Mĩ, trong đó có cuộc chiến Việt Nam, với tầm nhìn rất xa (8).  Ở đây chỉ xin có vài nhận xét bình thường, dân giả.     

Tham vọng của Hà Nội đầy ảo tưởng cho nên đã chuốc lấy thất bại lớn.  Ý đồ của lãnh đạo Cộng Sản Hà Nội là vừa ‘tổng tấn công’ bằng quân sự vừa ‘tổng nổi dậy’ bằng lực lượng quần chúng (9).

Cả hai mục tiêu đều không đạt được !

Tổng tấn công bằng quân sự:

So sánh lực lượng, Cộng quân thua kém về mọi phương diện; trừ ra họ có ưu thế về vũ khí cá nhân vì được Nga Tàu chi viện cho tiểu liên AK 47 và B40 tối tân, đang khi hầu hết quân đội VNCH lúc đó còn xử dụng súng carbin thời Đệ nhị thế chiến.  Cộng quân không ngờ đã phải đối đầu với lực lượng Quân đội và Cảnh sát VNCH hết sức dũng cảm và thiện chiến. Sở dĩ Cộng quân lọt vào được một số nơi là nhờ yếu tố bất ngờ, do họ lật lọng, vi phạm mật ước hưu chiến (36 giờ) kí kết giữa hai bên để đồng bào được yên tâm ăn Tết cổ truyền. Lực lượng Cộng quân tham gia trậnTổng công kích Tết Mậu Thân 1968 lên tới 84 ngàn, đa số là quân ‘Giải phóng miền Nam’.  Tổng kết có khoảng 80% bị loại khỏi vòng chiến. ‘Theo tài liệu của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH trong tháng 2 -1968: VC bị giết 41,180 người, tháng 3-68 bị bắn hạ 17,192 người tổng cộng 58,372 người, bị bắt làm tù binh toàn bộ 9,461 người. Trong số 84,000 cán binh được đưa vào trận Tổng công kích chỉ còn 16,168 tên chạy thoát, chưa tới 20%, vũ khí bị ta và Ðồng minh tịch thu là 17,439 khẩu súng đủ các loại’ (10). Riêng phầnTrần Bạch Đằng, ông ta là người lãnh đạo về chính trị, không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp, vậy mà lại được giao thảo phương án tấn công nội thành Sài Gòn.

Tổng nổi dậy:

Cộng Sản Hà Nội thất bại vì chủ quan, vì tin là quần chúng nổi dậy cướp chính quyền cho họ.  Thực tế là đồng bào thấy Cộng quân tới đâu thì bồng bế nhau chạy thục mạng về vùng quân VNCH.  Cũng do phát động cuộc tổng nổi dậy cho nên  hầu hết những thành phần nằm vùng đều lộ diện.  Khi cuộc chiến tàn, những thành phần này bị triệt tiêu hoặc là phải chạy vào khu. Sau cuộc Tổng tấn công, đại bộ phận lực lượng Cộng quân bị tiêu diệt.  Vùng kiểm soát của Cộng Sản bị thu hẹp tối đa.  Những cơ quan từ cấp huyện lên tới Trung ương Cục phải chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Lào và Kampuchia.  Kể từ 1960 tới 1967, chưa bao giờ Cộng quân bị thiệt hại nặng nề như năm 1968.  Họ cần mất hơn 3 năm nữa mới có thể hồi phục.  Nhờ vậy, tình hình miền Nam từ 1969 tới 1971 tương đối yên tĩnh.

Trên báo Quân Đội Nhân Dân, người Cộng Sản đã phải thú nhận những sai lầm dẫn tới thảm bại: ‘Đánh giá sai về tương quan lực lượng giữa hai bên dẫn đến việc đề ra mục tiêu tấn công giành chính quyền một cách chủ quan, không kịp thời chuyển hướng hoạt động quân sự khi tình hình đã thay đổi’(11).

Tướng Việt Cộng Trần Văn Trà là Tư lệnh mặt trận Tiền phương Bắc cũng đã thú nhận: ‘Các mục tiêu quân sự trong dịp Tết vượt qua sức mạnh của chúng ta. Tất cả đều nằm trong ước muốn chủ quan của những người vạch ra kế hoạch. Vì vậy sự tổn thất của chúng ta đã rất lớn lao về vũ khí cũng như nhân sự. Và chúng ta không thể lấy lại được những gì chúng ta đã tạo ra. Vì vậy, chúng ta đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn trở ngại trong các năm 1969, 1970’ (12).

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Nguyễn Hùng của đài BBC ngày 15.1.2008, nhà báo Bùi Tín trả lời một số câu hỏi như sau: 

Hỏi: - Tết Mậu Thân, ý định chiến lược của cuộc tiến công là gì?
Trả lời: - Các cuộc tiến công đồng loạt, bất ngờ vào các thành phố, thị trấn, căn cứ, sở chỉ huy Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa nhằm tiêu diệt sinh lực đối phương, với mục đích cuối cùng là sự nổi dậy rộng khắp của dân chúng, là cuộc Tổng khởi nghĩa toàn miền Nam kết thúc cuộc chiến.
Hỏi: - Mục đích ấy có đạt không thưa ông?
Trả lời: - Rõ ràng là không. Hoàn toàn không có nổi dậy, không có khởi nghĩa. Ðó chỉ là ảo tưởng chủ quan (13).

Tổng kết sự thất bại của Cộng Sản về mặt chiến thuật là như thế, song về chiến lược, có lẽ họ đã gặt hái được thắng lợi to lớn, bất ngờ.

Thật vậy, nhiều tác giả có chung nhận xét rằng trận Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã làm cho Hoa Kỳ nhụt ý chí.  Dư luận Hoa Kì và Tây phương, vốn không am hiểu tường tận cuộc chiến Việt Nam, tưởng là Cộng quân đã quá mạnh, họ cho rằng chiến thuật ‘tìm và diệt’ (search and destroy) suốt 3 năm qua của tướng William Westmoreland là thất bại và Hoa Kì phải ngồi vào bàn hội nghị tìm cách ‘tháo chạy’ trong ‘danh dự’!...  Tức là Cộng Sản Việt Nam thắng về chiến lược.  Vì thế, sau này, nhiều người đánh giá, trận Mậu Thân 1968 là một quyết định đúng của Cộng Sản Hà Nội!

Trần Bạch Đằng cũng nhận xét như thế: ‘Không phải không có người chỉ trích quyết tâm chiến lược Mậu Thân, căn cứ vào kết quả của chiến dịch và tổn thất của ta.  Hiện thực đã bác bỏ quan điểm chỉ trích này: không có Mậu Thân  thì ý chí xâm lược của Mỹ không bị nhụt, thì không có việc Mỹ ngồi vào bàn hội nghị Paris, rồi cuốn cờ rút quân -  những bước chuẩn bị rất trực tiếp cho đại thắng mùa xuân 1975.  Mậu Thân 1968 là gạch nối Đồng Khởi 1960 và ngày 30.4.1975’ (14).

Đương nhiên có những ý kiến khác với ý kiến của Trần Bạch Đằng ngay trong hàng ngũ đồng chí của ông ta.  Đó là những ý kiến cho rằng ý đồ phát động cuộc Tổng công kích - Tổng tấn công của Hà Nội là một ảo tưởng, là một thất bại; thế nhưng từ cái thất bại ấy, không ngờ lại đem tới cho họ một thắng lợi chiến lược to lớn.  Có nghĩa là Cộng Sản Hà Nội ‘ăn may’ chứ không phải là do sự ‘lãnh đạo sắc sảo’ như Trần Bạch Đằng khoe khoang sau này (15).

Một trong những nhận xét đó là của tướng CS Trần Độ.  Trong trận Mậu Thân 1968, Tướng Trần Ðộ thuộc bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn bên cạnh Trần Văn Trà.  Chính ông tướng này xác nhận:  ‘Thành thật mà nói chúng ta đã không hoàn thành được mục tiêu chính của chúng ta. Việc gây nên một ảnh hưởng lớn đối với Hoa Kỳ thật ra không phải là ý định của chúng ta nhưng điều đó đã trở nên một kết quả do may mắn mà tới’(16).

Ngoài ra, còn một nhận xét khác nữa của một số các nhà kháng chiến Nam bộ cho rằng Cộng Sản Bắc Việt có thâm ý đem ‘nướng’ đại bộ phận lực lượng quân đội ‘Giải phóng miền Nam’vào trận Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, mục đích là làm suy yếu tư thế ‘độc lập’của các trí thức miền Nam trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, để rồi từ nay Cộng Sản Hà Nội có thể nắm trọn quyền lãnh đạo cuộc chiến tranh nhuộm đỏ miền Nam.

Rốt cuộc, vừa khi chiếm trọn miền Nam, Cộng Sản Hà Nội nhanh chóng tổ chức Hội nghị Hiệp thương bàn chuyện thống nhất vào tháng 11 năm 1975.  Ngày 25.4.1976 bầu cử Quốc hội thống nhất.  Hai tháng sau, ngày 02.7.1976,  ‘Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam’ phải ‘tự ý’ giải tán.  Sang đầu năm 1977, ‘Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam’ cũng âm thầm ‘dẹp tiệm’ bằng cách tuyên bố sát nhập vào Mặt trận Tổ quốc.

Bạch Diện Thư Sinh

CHÚ THÍCH:

1-  Ván Bài Lật Ngửa là bộ phim trắng đen, 8 tập, sản xuất từ 1982 tới 1987 do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố HCM (nay là hãng phim Giải Phóng). Đạo diễn Khôi Nguyện tức Lê Hoàng Hoa đã ‘sửa đổi khá nhiều chi tiết so với tiểu thuyết và đã đặt tên chính thức cho bộ phim là ‘Ván Bài Lật Ngửa’’ (Wikipedia). Kịch Bản lấy từ tiểu thuyết tình báo Giữa Biển Giáo Rừng Gươm của Nguyễn Trương Thiên Lý, tức Trần Bạch Đằng.  Nội dung kể lại đời hoạt động tình báo của điệp viên Nguyễn Thành Luân, trong đời thật là Đại tá VNCH Phạm Ngọc Thảo, do Tài tử chính Nguyễn Chánh Tín thủ vai.

2- Thời chiến tranh Việt Nam, tổ chức cao nhất của Cộng Sản ở miền Nam là Trung ương Cục miền Nam (Cục R) do Phạm Hùng làm bí thư.  Dưới Trung ương Cục là các khu:  khu 7, khu 8, khu 9, và đặc khu Sài Gòn – Gia Định do Nguyễn Văn Linh làm bí thư, kế nhiệm là Võ Văn Kiệt.  Dưới đặc khu Sài Gòn – Gia Định là Thành ủy Sài Gòn đặc trách công tác nội thành. Trần Bạch Đằng xác nhận ông ta là Bí thư khu Sài Gòn – Gia Định:  ‘Rồi đợt 2.  Sau đợt 2…Riêng anh Phạm Hùng phát biểu một cách sòng phẳng:  Các quân khu khác sẽ tiến hành công việc theo chỉ đạo của Trung Ương Cục, riêng khu Sài Gòn – Gia Định thì giao cho đồng chí bí thư chịu trách nhiệm, tùy tình hình mà hành động.  Lúc đó tôi là bí thư’.  Trần Bạch Đằng. Tuyển Tập.  Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.  Trang 221, 222.

Và trong hồi kí Cuộc Đời Và Ký Ức, trang197, Trần Bạch Đằng viết: ‘Đầu tháng 11.1969 (âm lịch là năm Kỷ Dậu), tôi được điện của Trung ương Cục  gọi lên Nam Vang.  Điện không nêu lý do.  Bấy giờ Khu ủy Sài Gòn đang thực hiện một phân công mới do Trung ương Cục quyết định: đồng chí Võ Văn Kiệt được chỉ định làm Bí thư Khu 9 và tôi thay đồng chí ở khu Sài Gòn…’

3-  Trần Bạch Đằng. Tuyển Tập, B ài 37. Sđd. Trang 220.

4-  Trần Bạch Đằng. Tuyển Tập, B ài 37. Sđd. Trang 220,221.

5-  Trần Bạch Đằng.  Cuộc Đời và Ký Ức. Trang 158.

6-  Trần Bạch Đằng.  Cuộc Đời và Ký Ức.  Sđd. Trang 186.

7-  Trần Bạch Đằng. Tuyển Tập, Bài 37. Sđd. Trang 221.

8- Chẳng hạn như cựu đại tá Không quân Hoa Kì L.Fletcher Prouty trong cuốn The Secret Team: The CIA and It’s Allies in Control of The United States and The World đã nói tới ‘Những thế lực đứng đàng sau’, hay là The Global Elite, gồm có những tay sản xuất vũ khí và những chủ nhà băng cỡ toàn cầu.  Họ là những kẻ điều hành dấu mặt chính trường Hoa Kì, đồng thời họ có ảnh hướng rất lớn trên toàn thế giới.  Chính thế lực siêu đẳng ấy định hướng chính trường HK, mở ra hay kết thúc một cuộc chiến (bao gồm cả cuộc chiến tranh tại Việt Nam), ngay cả việc thiết lập trật tự thế giới….(www.ratical.org/ratville/JFK/ST.html)

9- Tháng 1 năm 1968, Ðảng CSVN đã đưa ra một nghị quyết gọi là Nghị Quyết 14 Của CS Hà Nội ra hồi tháng 1 năm 1968 vẽ ra trước mắt dân và quân miền Bắc một viễn tượng chiến thắng hết sức lạc quan:

Về chính trị, Nghị quyết 14 viết: ‘Quần chúng nhân dân ở các thành thị và những vùng còn tạm bị địch chiếm ở miền Nam đã nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa với những hình thức khác nhau. Hàng triệu quần chúng đang sục sôi cách mạng và sẵn sàng vùng lên, sẵn sàng hy sinh tất cả để giành cho được độc lập, tự do, hòa bình, cơm áo, ruộng đất… địch đang lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng, chúng tỏ ra không thể thống trị nhân dân miền Nam được nữa và nhân dân miền Nam cũng không chịu sống dưới ách thống trị của chúng nữa’.

Về mặt quân sự, Nghị quyết cho rằng: ‘Về mặt quân sự, địch còn trên một triệu quân và một tiềm lực chiến tranh lớn, nhưng đội quân đó đã liên tiếp thất bại về chiến lược và chiến thuật, quân số tuy đông nhưng tinh thần bạc nhược và bắt đầu suy sụp…’.

Từ những nhận định ấy, Nghị quyết 14 nắm chắc  phần thắng: ‘Trong những điều kiện như vậy, về phương pháp, ta chủ trương không chỉ phát động tổng công kích, mà còn đồng thời phát động tổng khởi nghĩa, tức là dùng lực lượng vũ trang mạnh của ta đánh vào các binh đoàn chủ lực của địch, đánh mạnh vào “đô thành” và các thành phố khác, tạo điều kiện cho hàng triệu quần chúng ở thành thị và các vùng nông thôn còn tạm bị chiếm nổi dậy khởi nghĩa, phối hợp với lực lượng vũ trang của ta để tiêu diệt và làm tan rã quân địch, đánh đổ các cơ quan đầu não của ngụy quyền, làm rối loạn và tê liệt đên tận gốc bộ máy chiến tranh của Mỹ và ngụy …’

(Trong bài  Vụ Tết Mậu Thân (1968), Bóng Tối Lịch Sử Đã Sáng Dần, tác giả Nguyễn Đức Cung đã dẫn tài liệu Nghị quyết 14 này của Cộng Sản Hà Nội từ bài Hà Nội Làm To Chuyện Mậu Thân Để Là Gì? của kí giả Phạm Trần. Web Thông Luận 11.01.2008).

10-  Trọng Đạt. Bài Tết Mậu Thân 1968.  Motgoctroi.com

11. Wikipedia.  Bài Sự Kiện Tết Mậu Thân.  Google.com/Tết Mậu Thân

12. Peter Macdonald.  Giap, The Victor in Vietnam, w.w. Norton & Company, New York, London, 1993, trang 268.  Nguyễn Đức Cung trích dẫn trong bài Vụ Tết Mậu Thân (1968) Bóng Tối Đã Sáng Dần.  Bđd.  Motgoctroi.com

13. Thế Kỷ 21 Số 227.  Bài 40 Năm Tết Mậu Thân.  BBC phỏng vấn nhà báo Bùi Tín.  Trang 67.  Nguyễn Đức Cung trích dẫn trong bài Vụ Tết Mậu Thân (1968) Bóng Tối Đã Sáng Dần.  Bđd.  Motgoctroi.com

14. Trần Bạch Đằng.  Cuộc Đời và Ký Ức. Sđd. Trang 188,189.

15. Trần Bạch Đằng.  Cuộc Đời và Ký Ức.  Sđd. Trang 189:  ‘Trong Mậu Thân, sự lãnh đạo chọn thời cơ để đánh một cú choáng váng toàn bộ ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ tỏ ra hết sức sắc sảo’.

16. Peter Macdonald.  Giap, The Victor in Vietnam.  Sđd. Trang 260.  Nguyễn Đức Cung trích dẫn trong bài Vụ Tết Mậu Thân (1968) Bóng Tối Đã Sáng Dần.  Bđd.  Motgoctroi.com