Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Thư Gởi Người Bạn Thuỵ Điển

Thư Gởi Người Bạn Thuỵ Điển PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguồn : Tạp chí Nhất Việt.   
Thứ Hai, 04 Tháng 1 Năm 2010 14:15

Trước hết tôi xin tự giới thiệu : Tôi là một trong số một triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương khi quân đội Cộng Sản toàn chiếm nước tôi ...

 

Nhà Báo Trần Tam Tiệp
11/11/1928 – 23/12/2009
Ảnh : Đỗ Việt Paris

 Thân gửi người bạn Thuỵ Điển
 
Trong khung viên đầy nắng của thánh đường San Giorgio ở Venise, tôi được hân hạnh tiếp chuyện với Marianne E và Inger A trong phái đoàn Văn Bút Thuỵ Điển đi dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế do Văn Bút Ý tổ chức, và trong câu chuyện trao đổi về việc Văn Bút Thuỵ điển chấp thuận mời một nhà văn Việt Nam hiện còn đang bị giam cầm làm hội viên danh dự của Văn Bút Thuỵ Điển, chúng tôi có thảo luận qua về tình hình hiện tại ở Việt Nam. Và từ câu chuyện trao đổi này, tôi có ý định viết bức thư này gửi đến cho bạn, một người bạn Thuỵ Điển tôi chưa từng được quen biết, nhưng từ năm 1970 hồi còn ở Việt Nam và đến nay 1983, người Việt Nam chúng tôi vẫn nói nhiều về Thuỵ Điển.
 
Trước hết tôi xin tự giới thiệu : Tôi là một trong số một triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương khi quân đội Cộng Sản toàn chiếm nước tôi ; nhưng trước đó, từ năm 1946 đến năm 1950 tôi đã gia nhập kháng chiến để chống lại thực dân Pháp ; sau đó dưới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đã dùng ngòi bút để chống lại những bất công, tệ đoan xã hội, và hai cuốn sách của tôi viết về chính sách của Hoa Kỳ : “Hoa Kỳ Bốc Lửa” và “Đế Quốc Xanh” đã không được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho xuất bản, nên phải quay “ronéo” để đồng bào tôi được đọc.
 
Sở dĩ tôi phải tự giới thiệu như vậy, để anh chị thấy tôi không thuộc một đảng phái chính trị nào, mà chỉ làm bổn phận của một công dân yêu nước, chống lại những xâm lăng của ngoại quốc ; làm bổn phận khi đất nước cần đến mình, luôn luôn tranh đấu cho tự do, cho lẽ phải và công bình.
 
Thưa các anh chị, trong những năm xảy ra cuộc chiến giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản mà Việt Nam chúng tôi là nơi (mà) hai bên dùng để thí nghiệm vũ khí mới sáng chế, hay là dùng đất nước tôi như một con bài chính trị, thì hầu hết nhân dân Thuỵ Điển đã ngả về khối Cộng Sản vì các anh chị đều nghĩ và tin là người Cộng Sản Việt Nam đang dẫn đạo một cuộc “thánh chiến”, một cuộc chiến đấu để giải thoát dân tộc ra khỏi tay Hoa Kỳ, một thứ thực dân mới. Không riêng gì dư luận Thuỵ Điển, mà hầu hết dư luận thế giới đều nghĩ theo lập luận trên.
 
Báo chí, truyền hình, tuyền thanh đã bị mua chuộc, đầu độc để viết những bài, những phóng sự có lợi cho Cộng Sản ; trong khi Hoa Kỳ, năm 1969 sau khi bắt tay được với Trung Cộng, con bài quân sự dùng Việt Nam để khống chế Trung Cộng không còn cần thiết nữa, họ đã quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản để đánh đổi hoà bình ở Trung đông. Nhân dân không theo CS phải chiến đấu một mình, không được sự giúp đỡ của người bạn đồng minh lúc ban đầu là Hoa Kỳ ; ngoài ra, dư luận ngoại quốc lại quá ác nghiệt với họ qua hành động bất xứng của một vài cá nhân lãnh đạo ; vì thế việc gì bắt buộc xảy ra, đã xảy ra, đó là ngày 30/04/1975, ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản.
 
 Tất cả thế giới, trong đó có các bạn, đã sung sướng thở phào vì chiến tranh đã chấm dứt tại Việt Nam, và nghĩ là mình đã nghĩ đúng, ủng hộ đúng là đã giúp cho dân tộc Việt Nam, đánh đuổi được thực dân Hoa Kỳ cũng như năm 1954 đã đánh đuổi được thực dân Pháp ; và sau ngày 30/04/1975, chính phủ Thuỵ Điển và một số các nước khác đã tới tấp viện trợ nhân đạo cho Việt Nam để hàn gắn những vết thương đó, gây ra bởi chiến tranh, để xây dựng và kiến thiết lại một xứ sở mà nhiều năm không lúc nào ngừng tiếng súng.
Chính phủ các nước tự do trên thế giới, trong đó có Thuỵ Điển, đã gửi chuyên viên sang xây cất nhà thương, nhà máy giúp Việt Nam tái thiết. Các bạn Thuỵ Điển hẳn trong lòng còn giữ hình ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong những năm còn chiến tranh ở Việt Nam, khi đến Thuỵ Điển đã cùng các bạn trẻ xuống đường, rước đuốc ở Stockholm để đòi hoà bình cho Việt Nam.
 
Ôi còn sung sướng, còn hài lòng nào hơn khi chính mình đã góp sức, góp công, góp của vào việc mang lại hoà bình, giải phóng, thống nhất cho một dân tộc mấy chục năm chìm đắm trong chiến tranh.
 
Nhưng từ sau 30/04/1975, các bạn đã thấy những gì xảy ra tại Việt Nam ?

Hoà bình đã thật sự trở lại Việt Nam chưa khi hàng triệu thanh niên nam nữ, thay vì được thay đổi bộ quân phục mà mấy chục năm họ phải mặc để chiến đấu hết chống Pháp rồi chống Mỹ, bây giờ họ vẫn phải mặc để sang xâm chiếm Cambodia, Lào hoặc trấn đóng dọc theo biên giới Việt Hoa ; mà đáng lẽ họ phải được cắp sách đến trường, đến xưởng, ra đồng ruộng để học, để làm việc, xây dựng lại một nước Việt Nam đã kiệt quệ vì chiến tranh và quá lệ thuộc vào người ngoại quốc.

Đêm đêm không còn tiếng bom, tiếng hoả tiễn nổ tan xác trẻ em, đàn bà ; ban ngày không còn xe tăng cày nát mặt đường và cũng không còn tiếng phi cơ xé không khí mang theo chết chóc cho dân tộc Việt Nam. Những người trẻ Việt Nam đâu được xum họp cùng gia đình, mang sức ra để tái thiết quê hương ; trái lại, họ phải sang Miên, Lào để thực hiện cho bằng được giấc mộng cuồng ngông : xát nhập Miên, Lào vào Việt Nam để tạo thành một căn cứ địa quan trọng cho Nga xô sử dụng để khống chết Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ; hoặc ra ngoại quốc tại vùng băng lạnh Tây Bá Lợi Á mang sức lao động để trả nợ (chiến phí) cho Nga Xô.

Hoà bình đã thực sự trở lại Việt Nam chưa ?
Khi hàng trăm ngàn công chức, quân nhân thuộc chế độ cũ còn bị giam tại các trại cải tạo ? Thậm chí các nhà trí thức, văn nghệ sĩ dù ở chế độ trước không làm gì cũng bị bắt giam từ ngày đầu 30/04/1975 cho đến bây giờ vẫn chưa được xét xử.
 
Phạm Văn Đồng đã tuyên bố : “Làm gì có biển máu khi chúng tôi chiến thắng miền Nam Việt Nam”. Đúng, không có biển máu, nhưng thay vào đó là biển nước mắt do hận thù gây ra. Hình ảnh một biển máu ở Cambodia do Pol Pot gây ra đã dã man, ghê sợ, nhưng biển nước mắt còn tàn ác, độc ác gấp ngàn lần, bởi máu đổ ra hết sẽ tới cái chết giải thoát. Nhưng nước mắt đổ ra, người vẫn còn sống, sống trong tủi nhục, trong tận cùng đau khổ, để rồi khi lượng nước mắt đầy bằng lượng máu nghĩa là kéo dài tủi nhục hàng năm, họ mới có thể lấy cái chết làm phương tiện giải thoát cho họ mà thôi. Chết dần, chết mòn trong một thế giới, trong một đất nước của chính mình mà mình không có quyền nhận là quê hương của mình nếu không phải là người của nhà nước, của Đảng. Không có cuộc trả thù bằng súng đạn, bằng máu, nhưng đã xảy ra cuộc trả thù thâm độc, tàn ác hơn của một giai cấp thống trị mới đối với toàn thể dân chúng, với tất cả người dân có chút dính líu tới chính quyền cũ.
 
Sau 8 năm thống nhất, hoà bình, số người trong quân đội cũng như hành chánh, văn nghệ sĩ còn bị giam giữ trên 200 ngàn người, như thế ta còn có thể tin vào chính sách hoà hợp của nhà cầm quyền CSVN được không ?
 
Thưa các anh chị, cuộc thanh trừng, trả thù bằng máu, nước mắt và đói khát dù dã man, đau khổ nhưng chỉ là cuộc trả thù nhất thời, có thể một thế hệ, hay cùng lắm là hai thế hệ người dân Việt Nam sẽ chết để Cộng Sản tạo một lớp người khác hoàn toàn theo ý muốn của họ. Nhưng bên cạnh đó, có một cuộc trả thù thâm độc hơn nhiều, không có máu đổ, không có nước mắt rơi, không có bụng đói, cật rét nhưng tàn khốc vô cùng, đó là cuộc triệt hạ, tiêu huỷ hết tất cả công trình văn hoá từ khi lập quốc đến nay ở các thư viện, nhà bảo tàng ở miền Nam.

Người CS đã ra lệnh cho đốt hết tất cả những tài liệu lịch sử, những công trình sáng tác, những áng văn chương có từ hàng nghìn năm trước, được mang từ ngoài Bắc vào trong miền Nam năm 1954 và được nâng niu cất giữ vì những cái đó là nhân chứng cho nền văn hoá, văn minh Việt Nam. Họ đã ra lệnh đốt hết, những vật báu ở Bảo tàng viện được mang về nhà họ làm của riêng hay bán ra ngoại quốc lấy tiền bỏ túi ; ngoài ra họ còn bắt giam tất cả văn nghệ sĩ để những người này không còn sáng tác được nữa, và thay vào đó, những người lãnh đạo Việt Nam, viết lại lịch sử Việt Nam, theo biện chứng Karl Marx.
 
Lịch sử hơn bốn ngàn năm của Việt Nam được viết lại do những ngòi bút của của Đảng Cộng Sản, do chỉ thị của Đảng đề ra, và bây giờ người dân Việt ở tại Việt Nam phải học lịch sử Việt Nam với thời kỳ dựng nước bắt đầu từ hang Pắc Bó, chỗ Hồ Chí Minh trú ngụ khi đánh thực dân Pháp.
Người lãnh đạo Việt Nam muốn dùng nhà tù để tiêu diệt từ từ tất cả những người cầm bút yêu chuộng tự do không đi theo chủ trương của họ, và họ đang thành công vì số văn nghệ sĩ trong trại cải tạo còn rất nhiều ; số được thả rất ít mà lại quá yếu đuối, bệnh tật, có người về đến nhà là chết như nhà thơ lừng danh Vũ Hoàng Chương, hay phải tự tử trong tù như nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.
 
Thưa các anh, các chị, sau ngày 30/04/1975, trên đất nước các bạn, ra ngoài đường hay đi du lịch, chắc chắn đã có dịp các bạn gặp hoặc nhìn thấy một số người Việt Nam. Các bạn chấp nhận cho họ tỵ nạn tại đất nước các bạn nhưng nhiều khi các bạn thắc mắc là tại sao hoà bình, thống nhất, đánh đuổi hết thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, sao những người này không ở lại để kiến thiết, xây dựng lại nước nhà mà lại bỏ ra đi ? Phải chăng đây là mhững phần tử lười biếng, sợ đói, sợ khổ, trốn ra ngoại quốc trong khi đất nước họ cần tất cả mọi bàn tay để hàn gắn lại vết thương do chiến tranh gây ra ?

 Thưa các bạn, trước khi trả lời câu này, xin các bạn cho phép tôi trở lại một giai đoạn đau khổ của lịch sử Việt Nam, đó là nạn đói năm 1945 :
Ở miền Bắc Việt Nam, khi người Nhật thay thế người Pháp cầm quyền, bắt dân phá lúa để trồng đay lấy sợi. Hệ thống giao thông giữa Nam, Bắc bị phi cơ đồng minh dội bom làm hư hại, nên gạo miền Nam không mang ra tiếp tế miền Bắc được, phải đốt thóc để chạy máy xe lửa. Kết quả là 2 triệu dân miền Bắc bị chết đói do phát xít Nhật và thực dân Pháp gây ra.

Hai triệu người chết đói quả là một thảm cảnh lớn lao của nhân loại, nhất là một nước bấy giờ có vào khoảng 20 triệu dân, như thế có 10 % chết vì đói.
Nhưng không một người dân Việt Nam nào, tôi xin khẳng định là không một người Việt Nam tính chuyện bỏ nước ra đi. Người Việt Nam chúng tôi sống gần gũi, thân thiết với ruộng đất, nhà cửa, mồ mả ông bà, cha mẹ ; phong tục, tập quán như gắn liền họ vào quê hương, vì thế từ làng ra tỉnh để học hành hay lập nghiệp đối với một số người đã là cuộc phiêu lưu to tát.
 
Tâm tình người Việt Nam đã như vậy thì tai sao sau ngày 30/04/1975 hàng triệu người đã ùn ùn bỏ nước ra đi ? Họ sẵn sàng từ bỏ mọi thân thiết nhất của họ, bỏ lại tất cả mọi ràng buộc để ra đi. Ngoài con số một triệu người may mắn sống sót và hiện định cư rải rác khắp nơi trên thế giới, còn có ít nhất trên hai triệu người đã đã bỏ mình nơi biển cả hay vì đói khát ở rừng sâu, nước độc trong lúc tìm đường lánh nạn Cộng Sản.

Có phải vì sợ đói mà họ ra đi như lời tuyên truyền của những nhà lãnh đạo CSVN thường rêu rao không ? Hay tại họ sợ khổ ? Không, đến cái chết là một thứ đáng sợ nhất, dù biết trước đi thì 90 % chết, chỉ hy vọng 10 % sống, thế sao không có ngày nào là không có người vượt biên tìm tự do ?
 
Chính sách khắc nghiệt, thù hằn của CSVN đã làm cho dân chúng Việt Nam phải bỏ nước ra đi, dù họ biết đi có thể chết bởi muôn ngàn hiểm nguy trên biển cả. Phải có một cái gì dễ sợ, tàn bạo hơn cái chết mới làm họ đi vào cái chết để tìm cái sống. Hàng ngàn người con gái Việt Nam đã bị quân cướp biển bắt, hãm hiếp rồi bán vào các nhà điếm. Hàng trăm ngàn người hiện ở trong các trại giam để cho các nước định đoạt số phận họ ; những người may mắn hơn, đến được Âu châu hay Hoa Kỳ đang sống một cuộc sống của con người máy ; họ sống như người chết biết cử động mà thôi, bởi tâm tư họ luôn luôn hướng về quê hương.

Trong số hơn một triệu người tỵ nạn ở hải ngoại, chưa chắc đã có năm ngàn người được dùng đúng khả năng của mình trước kia ở Việt Nam.
 
Thưa các bạn, qua báo chí, chắc các bạn đã rõ phần nào số tặng phẩm của nhân dân Thuỵ Điển cho nhân dân Việt Nam như những vật dụng để xây nhà thương, nhà máy, đã không thực hiện được vì bị các cán bộ Cộng Sản lấy cắp mang đi bán, hay vì lý do nào đó họ vẫn chưa chịu cho xây cất để cho các vật liệu này hư hỏng hết vì mưa nắng. Có thể họ thiếu chuyên viên hay nhân công chăng ?

Thế thì tại sao họ còn bắt hơn 200 ngàn thanh niên qua Cambodia, 80 ngàn qua Lào và hàng mấy trăm ngàn đóng dọc theo biên giới Việt Hoa ? Vụ xâm chiếm Lào và Cambodia để xát nhập vào Việt Nam chắc chắn đã làm cho cả thế giới và các bạn phải đặt câu hỏi : “Ngày xưa mình giúp họ tranh đấu cho tự do, cho sự nghiệp giải phóng quê hương họ thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang, nay họ lại trở thành những kẻ đi đi xâm chiếm và thống trị người khác, làm cho dân chúng nghèo đói, hàng trăm ngàn người vô tội bị giam cầm trong các nhà tù mệnh danh là Trại Cải tạo. Tình trạng Việt Nam ngày hôm nay, không hiểu chúng ta có chút trách nhiệm gì trong đó chăng ?”
 
Tôi không dám cao vọng viển vông là yêu cầu các bạn xét xử lại ý kiến của các bạn về Việt Nam hay bắt các bạn gánh chút trách nhiệm nào đó về những gì đang xảy ra ở quê hương chúng tôi, nhưng xin được viết lại nơi đây lời của một nữ văn sĩ đã viết cho Văn Bút Thuỵ Điển như sau :
“Thuỵ Điển từ trước đến nay vẫn được chúng tôi coi như Quê hương của Hoà bình Nhân loại, ngọn đuốc Tự do cho Thế giới, xin hãy giúp dân tộc chúng tôi nhìn lại được ánh sáng của Tự do.”
 
Riêng tôi, tôi chỉ xin được làm quen cùng các bạn và xin được cùng các bạn tiếp tục chiến đấu cho một lý tưởng chung : Tự do và Hoà bình cho tất cả mọi người.
 
Kính chào các bạn.
 
Trần Tam Tiệp.
 
[Thư được dịch sang Anh ngữ để đăng trên báo chí ở Thuỵ Điển].


  
Nguồn : Tạp chí Nhất Việt, nhà xuất bản Vuông Tròn, Paris 1983.
 
Tạp chí Văn nghệ Hương Xa, Tủ Sách Văn Nghệ Sài Gòn Nghĩa Thư, Na Uy Oslo, trích đăng, 2009, để tưởng nhớ nhà báo Trần Tam Tiệp. 
 

Stockholm, thủ đô của Vương Quốc Thuỵ Điển
 


Thuỵ Điển, rộng khoảng 500 ngàn KM2,  9 triệu dân, ở miền Bắc Châu Âu. Quốc Kỳ và Quốc Huy.