Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật CIA và gia đình họ Ngô (5)

CIA và gia đình họ Ngô (5) PDF Print E-mail
Thứ Ba, 03 Tháng 11 Năm 2009 08:40


 Bài 5: Vai trò CIA trong cuộc đảo chính hụt năm 1960



 Chỉ huy CIA tại Sài Gòn William Colby sau này đứng đầu CIA - Ảnh: Tư Liệu

 Năm 1960, một số tướng lĩnh Sài Gòn đã thực hiện cuộc binh biến lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm nhưng thất bại. Một câu hỏi được đặt ra là CIA đóng vai trò như thế nào trong sự kiện này.

Vào đầu năm 1960, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn lúc đó là Elbridge Durbrow, còn Trưởng nhánh CIA là William Colby. Nhưng hai nhân vật này lại có quan điểm ngược nhau về ông Diệm. Nếu như Colby vẫn còn hy vọng vào thể chế của họ Ngô, thì sự nghi ngờ của Đại sứ Durbrow lại được những nhân viên kề cận với Colby chia sẻ, trong đó có George Carver, một phụ tá trẻ tuổi của Colby, mà sau này trở thành phụ tá đặc biệt về Việt Nam vụ của Giám đốc CIA. Carver đã xem chế độ của ông Diệm là không thể cứu vãn, bởi anh ta nghĩ rằng, chỉ có cải tổ triệt để mới mong cứu được chế độ khỏi bị các thế lực chống đối lật đổ, nhưng đối với ông Diệm thì không bao giờ có cải cách, cải tổ gì cả. Về phần Colby, ông cho rằng, quan điểm của Carver hay những nhân viên như thế, đơn giản phản ảnh khuynh hướng chống ông Diệm ở những thành phần chống đối mà họ thường tiếp xúc.

Tuy vậy, toàn bộ chi nhánh CIA Sài Gòn đều đồng thuận một điểm. Đó là: Những thành phần không phải là Cộng sản nhưng chống đối chế độ ông Diệm ở Sài Gòn ngày một tăng cao. Tháng 7.1960, chi nhánh CIA báo cáo về sự gia tăng thành phần đối lập không Cộng sản, hai tháng sau, lại bổ sung thêm vào đó là thành phần sĩ quan quân đội. Tháng 10.1960, họ báo cáo thêm tướng Trần Văn Minh, và chi nhánh CIA Sài Gòn qua tướng Minh cùng những mối quan hệ khác, để cố nhận diện những người nào sẽ tham gia đảo chính. Trong khi đó, cũng với nhiệm vụ mở rộng tiếp xúc hằng ngày, Carver đã tìm tới Hoàng Cơ Thụy, một chính khách đối lập thuộc đảng Đại Việt, từng quen biết với các nhân viên CIA trước đây.

Người Mỹ nắm 2 đầu mối                                                                              

 
 Một lần nữa, ông Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu (từ trái sang) lại thoát hiểm - Ảnh: T.L

Tuy đã theo sát tình hình phe đối lập ở Sài Gòn, nhưng mọi nỗ lực của chi nhánh CIA Sài Gòn vẫn không nắm được chút nào tin tức về cuộc đảo chính ngày 11.11.1960 mà lữ đoàn nhảy dù dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn Chánh Thi là lực lượng chủ chốt. Giống như cư dân Sài Gòn, các nhân viên CIA cũng chỉ biết được động tĩnh một cách mơ hồ của quân đảo chính vào rạng sáng 11.11, với tiếng bánh xe thiết giáp lăn trên đường phố, đi kèm là những tay súng cùng nhau hướng về Dinh Độc Lập. Nhưng nhờ đã theo dõi từ lâu nay, nên CIA đã nhanh chóng tiếp cận với các nhóm đối lập để nhận diện ngay thủ lĩnh phe đảo chính cùng ý đồ của họ.

Sáng hôm đó, các nhân viên CIA đã vội điều nghiên xem phải tiếp xúc với ai, hoặc theo chân đoàn quân đang tiến về phủ tổng thống để quan sát hoạt động của lực lượng nổi dậy. Về phần Carver, ông đã gọi điện cho Hoàng Cơ Thụy và được nhân vật này mời đến gặp một nhóm chính khách dân sự, những người đang trông chờ các tướng tá đảo chính sẽ phân chia chức vụ cho họ trong tân chính phủ.

Được Trưởng chi nhánh CIA Colby cho phép, Carver lái xe đến tư gia của ông Thụy. Từ đó, ông báo cáo về chi nhánh, đồng thời phục vụ như một kênh liên lạc cho Chính phủ Mỹ, áp lực lên cánh quân đảo chính không được “làm cỏ” Dinh Độc Lập, như lãnh đạo cuộc đảo chính từng đe dọa, mà phải thương lượng với ông Diệm.

Nhiều năm sau này khi nhớ lại, Carver thừa nhận là lúc đó, ông  thực sự bị khủng hoảng về lương tâm nghề nghiệp do những chỉ thị, mà ông tin rằng, ông Diệm trước sau gì rồi cũng phải ra đi, và việc dùng mánh khóe để điều khiển phe đảo chính làm lợi cho ông Diệm là một sai lầm sâu sắc. Tuy rằng miễn cưỡng, nhưng Carver đã thực hiện những gì được chỉ thị. Ông đã thuyết phục được nhóm của Hoàng Cơ Thụy chịu điều đình với ông Diệm, theo điều kiện sẽ duy trì vai trò của ông Diệm “như là nhân vật lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại Cộng sản”.

Cùng lúc đó, một nhân viên CIA khác là Russ Miller, người phụ trách những hoạt động chống lại miền Bắc Việt Nam, đã cùng với nhân viên thông dịch tiếng Việt của chi nhánh là Bender, lái xe tới Dinh Độc Lập. Tình hình ở đó căng thẳng, đạn hai bên bắn qua bắn lại. Hai người bèn nhập vào đám phóng viên nước ngoài đứng săn tin ở đó. Ai nấy đều muốn biết những người bảo trợ và mục đích của cuộc đảo chính. Miller không tìm thấy ai có thể “soi sáng” cho ông. Phát ngôn viên duy nhất cho cuộc đảo chính là bác sĩ Phan Quang Đán, một nhân vật chống đối “lưu niên” và là người từng tiếp xúc với CIA. Ông cũng tỏ vẻ sẵn sàng ngồi vào ban lãnh đạo tân chính quyền một khi quân đảo chính lật đổ chế độ của ông Ngô Đình Diệm. Ông Đán thông báo là ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu, gần phi trường Tân Sơn Nhất. Thế là Miller và Bender leo lên xe.

Bender tình nguyện trở về tòa đại sứ theo dõi tình hình. Miller đi cùng một đồng nghiệp khác đến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nam Việt Nam.

Bác sĩ Đán cùng các phóng viên đều ra đi sau cuộc họp báo. Riêng Miller và đồng nghiệp còn lang thang trong khuôn viên Bộ Tổng tham mưu cho đến khi gặp được ban lãnh đạo cuộc đảo chánh. Miller không nhận ra bất cứ ai và tự giới thiệu mình là quan chức của tòa đại sứ Mỹ. Một lát sau, đại tá Thi xuất hiện. Ông Thi biết Miller nên ra lệnh cấp cho Miller một điện thoại cũng như cử một sĩ quan để liên tục cung cấp tin tức cho phía Mỹ. Hai nhân viên CIA ở lại đó qua đêm. Họ ngủ trên bàn làm việc khi không còn nghe tiếng kêu ca, phàn nàn của các sĩ quan nhảy dù nữa.

Những chỉ thị đầu tiên mà Miller nhận được từ Trưởng nhánh CIA Sài Gòn là tránh bất kỳ vai trò cố vấn nào, và tự giới hạn hoạt động. Carver thì đã nắm vững tin tức từ nhóm dân sự của ông Thụy. Biết được CIA đã làm chủ thông tin cả nhóm dân sự lẫn quân sự của phe đảo chính, Đại sứ Durbrow một mặt nhận tin tức từ Miller và Carver, một mặt liên lạc điện thoại với Dinh Độc Lập. Phản ảnh về sự lưỡng lự của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông không đưa ra rõ ràng sự ủng hộ nào của chính quyền Washington, nhưng đề nghị ông Diệm đàm phán về những yêu sách của quân đảo chính. Về phía CIA, giống như Carver đã làm việc với phe dân sự, Miller cũng áp lực nhánh quân sự là hãy thương thuyết với ông Diệm hơn là tấn công vào tổng thống phủ.

Ông Thi đòi nã pháo dinh Độc Lập


Phe quân sự lãnh đạo cuộc đảo chính tỏ ra chia rẽ trong việc giải quyết vấn đề then chốt là thương thuyết với ông Diệm hay lật đổ ông, và dễ dàng bị áp lực của phía Mỹ. Chủ trương tấn công vẫn là chọn lựa của phe đảo chính cho đến khi quân đội trung thành với ông Diệm do đại tá Trần Thiện Khiêm kéo từ miền Tây lên giải cứu vào ngày 12.11.1960. Phải nói là vai trò áp lực mà Đại sứ Durbrow đã sử dụng có hiệu quả thông qua 2 “kênh” CIA là Carver và Miller lên quân đảo chính, khiến họ chần chừ đã giúp cho ông Diệm sống còn.

Các cuộc thương thuyết kéo dài suốt ngày 11.11 cho đến những giờ đầu tiên của ngày 12. Đó hầu như là “kế” của ông Diệm để chờ quân tiếp viện của đại tá Khiêm, vốn là người thân cận với Giám mục Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long, là bào huynh của ông Diệm. Đại tá Khiêm đang chỉ huy cuộc hành quân giải cứu từ miền Tây tiến về Sài Gòn.

Sau này, chính Miller nhớ lại là ông ta nhận chỉ thị từ Trưởng nhánh CIA Sài Gòn, để thông báo cho đại tá Thi biết là đại quân của ông Diệm đã tới nơi. Lúc đó, ông Thi công nhận cuộc đảo chính chấm dứt vì lực lượng áp đảo của đại tá Khiêm. Nhưng đại tá Thi cho biết là ông còn một tiểu đoàn pháo binh 105 mm, và ông nói với Miller rằng, ông muốn dùng dàn đại pháo tổng lực này để “trừng phạt” sự “phản phé” của ông Diệm. Miller can ngăn ngay vì sợ thiệt hại nhân mạng cho cả người Mỹ lẫn người Việt sống gần khuôn viên Dinh Độc Lập, cũng như cảnh báo đại tá Thi là đạn pháo của ông không “thủng” được hầm trú ẩn chỉ huy trong tổng thống phủ được đâu. Ông Thi dịu lại rồi sau đó, cùng các sĩ quan chỉ huy cuộc đảo chính, đi ra Tân Sơn Nhất để bay đi tị nạn ở Campuchia.

Cánh sĩ quan chỉ huy đảo chính thất bại đã “bỏ quên đồng minh” dân sự là ông Hoàng Cơ Thụy. Cuối cùng, ông Thụy phải đến nhờ Carver. CIA đã bí mật đưa ông qua căn cứ không quân Clark ở Philippines, rồi từ đó bay qua Okinawa.

Người Mỹ gọi cuộc đảo chính bất thành này là một cuộc “binh biến” (mutiny), nhưng với anh em ông Diệm, đây là mối đe dọa lớn cho chế độ.

(Còn tiếp)