Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật CIA và gia đình họ Ngô (4)

CIA và gia đình họ Ngô (4) PDF Print E-mail
Thứ Ba, 03 Tháng 11 Năm 2009 07:53


 Bài 4: Người "kiến lập vua" phải ra đi


 
 Cố vấn Ngô Đình Nhu (phải) ngày càng trở nên khó ưa đối với người Mỹ    - - Ảnh: USFG

Nếu không có sự hỗ trợ của CIA thông qua 2 trưởng chi nhánh Harwood và Lansdale, nhất là Lansdale, thì anh em ông Diệm không thể trụ lại quá 6 tháng đầu.

Sau khi đã khá ổn, ngày 23.10.1955, chính quyền Sài Gòn tổ chức trưng cầu dân ý, với kết quả ông Diệm nhận được đến 98% số phiếu ủng hộ, Bảo Đại bị truất phế. Ba ngày sau, ông Diệm tuyên bố trở thành tổng thống.

Hết thời

Đại tá Lansdale nổi tiếng là người “kiến lập vua” (Kingmaker) nhờ vai trò của ông trong việc “phò tá” cho ông Magsaysay lên làm Tổng thống Philippines. Vào đầu thập niên 1950, Lansdale được giao nhiệm vụ qua Philippines giúp chính phủ của Tổng thống Elpidio Quirino chống lại lực lượng du kích Hukbalahap. Sau đó, Lansdale kết thân với Bộ trưởng Quốc phòng Ramon Magsaysay, rồi giúp ông này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines cuối năm 1953. Việc này đã được đích thân Tổng thống Mỹ Eisenhower khen ngợi. Khi được điều qua Việt Nam, Lansdale rất tự tin với những kinh nghiệm từng có ở Philippines, để giúp Washington nắm quyền kiểm soát chính quyền ở miền Nam Việt Nam.

Tại miền Nam, ảnh hưởng của Lansdale là nhờ vào mối quan hệ với tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế. Đến khi tướng Thế chết vào cuối tháng 4.1955 thì ảnh hưởng của Lansdale cũng mất dần. Mặc dù được nhiều đồng nghiệp nể trọng, nhưng Lansdale chưa bao giờ dám tuyên bố là mình đã gây được ảnh hưởng quan trọng đối với ông Diệm. Thậm chí, có lần Lansdale đã nói với Trưởng nhánh CIA Sài Gòn Harwood rằng có lẽ ông Diệm chỉ chấp nhận có 10% những lời cố vấn của ông mà thôi.

Khi Harwood mãn nhiệm vào tháng 4.1956 thì đại tá Lansdale cũng tìm cách thoái lui. Ông viết thư cho tướng Hobbles nhờ giúp đỡ để đưa ông trở lại Manila phục vụ. Tướng Hobbles can thiệp với Ngoại trưởng Mỹ Dulles, rồi được Tổng thống Eisenhower đồng ý cho Lansdale trở lại Philippines. Nhưng đại tá Lansdale đã hết thời, vì người mà ông từng tự hào “đưa lên làm vua”, Tổng thống Magsaysay, tỏ ra không mấy quan tâm đến việc Lansdale trở lại phục vụ ở Manila. Cuối cùng, tháng 12.1956, Lansdale trở về Mỹ làm việc cho Bộ Quốc phòng. Bộ phận SMM ở Sài Gòn bị giải thể và 2 nhánh CIA ở đó được nhập lại làm một, do Nicholas Natsios làm trưởng nhánh, và Douglas Blaufarb phụ tá với nhiệm vụ liên lạc với anh em họ Ngô.

Ông Nhu trong mắt CIA

Có thể nói, vị trí cố vấn tổng thống, tuy là thế lực tột cùng, nhưng là chức vụ không chính thức trong thành phần chính quyền. Bộ phận CIA ở Sài Gòn đóng vai trò là “kênh” liên lạc giữa ông Nhu và Chính phủ Mỹ, nên đã tổ chức chuyến đi Washington cho vợ chồng ông Nhu trong tháng 3.1957. Mặc dù ông Nhu không giữ một chức vụ chính thức nào trong chính quyền của ông Diệm, nhưng do vai trò quan trọng của ông, Tổng hành dinh CIA đã dàn xếp để không những ông Nhu được hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, mà cả Tổng thống Eisenhower cũng dành cho ông một cuộc tiếp kiến tại tòa Bạch Ốc. Ông Ngô Đình Nhu còn làm việc với Giám đốc CIA Allen Dulles và gặp gỡ nhiều thượng nghị sĩ có thế lực khác trên chính trường. Có thể nói vào thời điểm đó, chưa có một nhân vật ngoại quốc nào không giữ cương vị cao cấp trong chính quyền mà lại được Washington “trọng vọng” như thế. Chính nhờ CIA dàn xếp mà hình ảnh của ông bà Ngô Đình Nhu tràn lan trên các hệ thống truyền thông Mỹ và thế giới, đến nỗi ở quê nhà, bào đệ của ông là “lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn phải ganh tức.

Trong chuyến đi Mỹ, ông Nhu tạo được ấn tượng cá nhân rất tốt và tỏ ra rất tự tin. Chỉ có điều duy nhất là CIA than phiền về sự “quá đà” của bà Nhu. Chẳng là bà cố vấn đã khai thác triệt để nhan sắc, tính hoạt bát và trình độ Anh ngữ của mình để lôi cuốn sự chú ý của quan khách trong tiệc chiêu đãi của Giám đốc CIA tại CLB Alibi ở Washington.

Trước khi ông Nhu ra về, mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi Washington của ông Diệm. Đại tá Lansdale lúc đó đã chuyển qua phục vụ tại Bộ Quốc phòng. Ông báo cho CIA Sài Gòn biết ông Diệm sẽ được mời đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Trong chuyến đi Mỹ thượng tuần tháng 5.1957 đó, ông Diệm đã gặp Giám đốc CIA Allen Dulles tại tòa nhà Blair House đối diện Nhà Trắng. Trong các đề tài thảo luận, có vấn đề CIA muốn đẩy mạnh việc tái tổ chức hệ thống tình báo của Nam Việt Nam. Nhưng ông Diệm, tuy bề ngoài thì đồng ý trên nguyên tắc, nhưng bên trong lại tỏ vẻ “không muốn đặt trách nhiệm quá nhiều trong tay của một người”, vì thế tiến triển không mấy khả quan. Do đó, đảng Cần Lao của ông Nhu vẫn nắm gần hết mọi quyền bính. Công cụ tình báo chính của ông Diệm vẫn là Sở Nghiên cứu chính trị xã hội (SEPES).

Không mấy hài lòng về tiến trình dân chủ của chính quyền ông Diệm, nhưng nhìn chung, Washington công nhận là ông Diệm đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, những rạn nứt trong nội bộ gia đình họ Ngô, việc triệt hạ đối thủ chính trị, và nhất là sự thao túng của ông Nhu đã dần làm mất hậu thuẫn từ phía Washington. Theo lời ông Trần Quốc Bửu, thì vào cuối thập niên 1950, hầu như tất cả những quyết định chính sách cốt lõi đều từ ông Nhu. Ông Bửu nói, nếu như ông trình một đề nghị lên tổng thống, thì ông Diệm nói là ông cần thời gian để cân nhắc. Nhưng cũng với đề nghị đó, nếu trình lên cố vấn Ngô Đình Nhu thì sẽ có câu trả lời tức khắc, rồi chỉ vài ngày sau là có chỉ thị thi hành từ tổng thống phủ. Chính những báo cáo của ông Bửu khiến cho Tổng hành dinh CIA bận tâm lý giải về phân nhiệm trong chính quyền của ông Diệm. CIA cũng đã ước tính đến khả năng ông Nhu thay thế ông Diệm. Nhưng chứng cứ dần dà cho thấy, mối quan hệ giữa ông Nhu và các quan chức Mỹ, kể cả những viên chức CIA ngày càng căng thẳng.

Sự ghét bỏ ông Nhu càng tỏ ra rõ ràng hơn khi Blaufarb phát hiện ra rằng, tài xế người Việt mà bác sĩ Trần Kim Tuyến, chỉ huy lực lượng mật vụ của đảng Cần Lao tiến cử cho ông, không phải là người bị điếc như lời của ông Tuyến. Trái lại, đó là một người rất thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Kể từ đó, ông Nhu trở nên ít tiếp cận được hơn, và chi nhánh CIA Sài Gòn cho rằng, có lẽ là do thiên kiến chống phương Tây của ông cố vấn.

(Xin đón đọc bài 5)