Thưa quý vị, thời gian qua xuất hiện hai bức thư ngỏ của Giáo sư Nguyễn Lang gửi cho Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết cũng như các trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước để kêu gọi ‘che chở và bảo vệ’ cho hàng trăm tăng ni theo pháp môn làng Mai bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã. Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ, sư cô Chân Không, một trong những người sáng lập Làng Mai ở Pháp, khẳng định rằng Nguyễn Lang chính là bút hiệu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và rằng trong lần lên tiếng đầu tiên này, Thiền sư ‘muốn xem phản ứng của Chủ tịch Việt Nam ra sao, rồi sẽ có các bước đi tiếp theo’.
VOA: Trong khi các tăng ni theo pháp môn làng Mai trải qua những khó khăn trong một thời gian dài ở Tu viện Bát Nhã, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có chia sẻ với những người thân cận như Sư cô một điều gì đó không?
Sư cô Chân Không: Thầy Nhất Hạnh có niềm tin rất lớn. Thầy nói rằng người nào cũng có tính Phật. Vì thế nên thầy tưới tẩm những tính tốt của mọi người. Và ngay với thầy Đức Nghi (người trụ trì tu viện Bát Nhã), người ký tên với công an, nói rằng đuổi 379 anh chị em (các tu sinh) ra khỏi tu viện, nhưng mà thầy Nhất Hạnh vẫn viết thư cho thầy Đức Nghi, nói rằng ‘tuy là đệ tử của tôi, nhưng do thầy cạo đầu, thầy là sư phụ của các em, thì xin thầy trở về với các em’.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn nhìn về các khía cạnh tốt, và giải quyết mọi chuyện một cách ôn hòa. Cái chuyện đuổi hơn 379 người mà có giấy của công an như vậy đó, gặp mấy đoàn thể khác là người ta đăng báo, người ta chửi rủa, mà thầy nói không phải như vậy, và có điều gì đó hiểu lầm. Người ta thấy bên này, bên kia chưa có rõ thì mình phải giải thích.
VOA: Mới đây có hai bức thư ngỏ của Giáo sư Nguyễn Lang, một bức gửi cho Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và một gửi cho các vị trí thức và nhân sĩ trong và ngoài nước kêu gọi che chở và bảo vệ cho hàng trăm tăng ni theo pháp môn làng Mai từng bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã. Phía làng Mai có suy nghĩ gì về sự xuất hiện của các lá thư này?
Sư cô Chân Không: Sư ông Làng Mai, tức là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nói rằng phải đi từng bước. Ở trong nước giải quyết trước, giống như truyền thống ở Việt Nam, ở trong nhà bố mẹ không giải quyết được, thì nhờ cô dì. Cô dì lại không giải quyết được, thì nhờ tới hàng xóm, rồi mới nhờ tới người ngoài tức là chính quyền. Chính quyền không được thì mới tới nước ngoài. Thành ra, bây giờ gửi tới cụ Nguyễn Minh Triết xem cụ giải quyết thế nào.
VOA: Giáo sư Nguyễn Lang là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh như trên mạng Internet có suy đoán. Vậy có đúng không, thưa cô?
Sư cô Chân Không: Dạ đúng.
VOA: Thưa cô, lý do vì sao thiền sư Thích Nhất Hạnh không lên tiếng trực tiếp và sử dụng ảnh hưởng của một thiền sư có nhiều môn sinh trên thế giới để phát đi thông điệp?
Sư cô Chân Không: Không phải thầy muốn giấu tên. Sở dĩ Thầy ký tên là Nguyễn Lang chứ không phải Thích Nhất Hạnh là vì tên Nguyễn Lang đã được các học giả trong nước từ thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho tới chính phủ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều rất quý vì cuốn ‘Việt Nam phật giáo sử luận’ (do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh biên soạn) đã giải thích rất thâm sâu những bài dạy của các thiền sư trong 20 thế kỷ qua.
Việc ký tên với tư cách sử gia, và học giả để muốn nhắc Chủ tịch nước nhớ rằng nước Việt Nam ở giai đoạn này đang nằm trên mốc của lịch sử. Mình có hai nghìn năm trước rất rõ chi tiết. Và thế hệ về sau sẽ noi gương và ghi dấu chính phủ ông Nguyễn Minh Triết đã đối xử với nhà chùa như thế nào.
Như tôi đã nói với anh, thầy nói rằng theo truyền thống Việt Nam là chuyện trong nhà giải quyết với nhau trước. Chúng tôi đã giải quyết với thầy Đức Nghi, rồi sau đó là Ủy ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng rồi tới Ủy ban trị sự Trung Ương văn phòng hai và văn phòng một, rồi tới Ủy ban tôn giáo nhà nước. Chúng tôi đã đi từng lớp từng lớp, khi không được thì lần đầu tiên thầy lên tiếng để xem ông Chủ tịch nước đối xử làm sao, nếu ông Chủ tịch nước không thể làm gì được, thì thầy chúng tôi sẽ có bước kế tiếp.
Thầy nói phải có bước thứ tự từ dưới lên trên chứ không phải chưa giải quyết chuyện gì trong nhà mà đã chạy ra kêu hàng xóm, kêu công an tới đánh giặc với nhau thì nó không đẹp.
VOA:Thưa cô, sau khi các bức thư được lưu truyền, đã nhận được phản ứng gì từ phía chính quyền Việt Nam cũng như các trí thức và nhân sĩ chưa?
Sư cô Chân Không: Sau khi lá thư của Nguyễn Lang đăng trên trang mạng Phù Sa và Làng Mai, thì một ngày sau là có kết quả liền vì chúng có nghe thấy một thông tin (không phải trực tiếp) từ ông Bùi Hữu Dược, tức Vụ trưởng Vụ Phật giáo trong Ủy ban Tôn giáo chính phủ, nói chuyện với Hòa Thượng Toàn Đức là người đại diện của ban trị sự phật giáo tỉnh Lâm Đồng đi ra Hà Nội, và hình như cũng điện thoại cho thầy Thái Thuận là người Chủ trì chùa Phước Huệ mà 400 tu sinh đang nương náu ở đó, và nói rằng ông Dược sẽ bay vào đó ngày 12/10 để thu xếp.
Chúng tôi không nghe trực tiếp từ miệng ông Bùi Hữu Dược, và chúng tôi không nghe trực tiếp từ Hòa Thượng Thái Thuận, nhưng mà chúng tôi biết có điều gì đó. Thế nên, thay vì Hòa Thượng Thái Thuận vào khóc mỗi đêm ba bố lần với mấy thầy, mấy sư cô, rồi khi Hòa thượng nói các con ngồi thiền cho tốt và không còn đuổi nữa thì chúng tôi biết có kết quả.
VOA: Hiện tình trạng của các môn sinh từng ở tu viện Bát Nhã và hiện trú tại chùa Phước Huệ ra sao rồi, thưa cô?
Sư cô Chân Không: Một ngày họ ngồi thiền, tụng kinh bốn lần và tu học giống như ở Bát Nhã và chỉ có điều là ở Bát Nhã thì có không gian hơn để đi thiền hành còn ở đây không đi thiền hành được còn ở bên ngoài công an bao kín mít không đi được. Thành ra ở rất là chật chội và tù túng.