Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Thư ngỏ của ông Nguyễn Văn Chức gửi ông Robert McNamara

Thư ngỏ của ông Nguyễn Văn Chức gửi ông Robert McNamara PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Chức   
Thứ Sáu, 02 Tháng 10 Năm 2009 14:14
Thưa Ông,

Tôi hân hạnh gửi đến ông bức thư nầy để nói lên những suy nghĩ của tôi về cuốn In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam của ông.

Trong tập biên khảo nổi tiếng Fifteen Decisive Battles of the World xuất bản năm 1851, sử gia kiêm luật gia Sir Edward S. Creasy đã đưa ra nguyên lý sau đây: Tầm quan trọng lịch sử của một cuộc chiến tranh không được tính bằng những con số, con số người chết và bị thương, hoặc con số vũ khí bị mất. Nó được tính bằng những gì ta có được ngày hôm nay, do cuộc chiến thắng đem lại. Nó cũng được tính bằng những gì ta không có ngày hôm nay, nếu ta thất trận hoặc hèn nhát bỏ chạy.

Tuy sống trên những lục địa khác nhau, ông và tôi, thời còn cắp sách đến trường, đã học những tác phẩm của Homer, Aeschylus, Sophocles, Euripides, Plato, Aristotle... Những di sản văn hóa này đã không được truyền đến thế hệ chúng ta và con em chúng ta, nếu không có chiến thắng Marathon. Như sử sách đã ghi: năm 490 trước Tây Lịch, những đoàn quân man rợ Ba Tư đã tràn vào phá phách các đền thờ tại Acropolis. Dân thành Athens đã đánh lại, và đã chiến thắng trên cánh đồng Marathon.

Trong bài tựa bản dịch vở kịch Oresteia của Aeschylus, hai học giả Robert Fagles và W. B. Stanford đã gọi chiến thắng Marathon là chiến thắng của lẽ phải đánh bại bạo lực, của dũng cảm đánh bại khiếp nhược, của tự do bẻ gãy gông xiềng... Hai học giả đó viết thêm: Chiến thắng Marathon có thể được coi là biến cố quyết định cho sự phát triển của nền văn minh Tây Phương sau này.

Trong tập biên khảo Fifteen Decisive Battles of the World, Sir Creasy cũng đã viết: chiến thắng Marathon đã giữ lại cho nhân loại những kho tàng văn hóa của Hy Lạp, đã đảm bảo sự phát triển của những định chế tự do, đã giúp cho sự nẩy nở của trí tuệ Tây Phương, và qua các thời đại, đã đưa nền văn minh Tây Phương tiến lên. Mặc nhiên, Sir Edward Creasy đã đưa ra kết luận: nếu không có chiến thắng Marathon, Tây Phương đã không có được một nền văn minh như ngày hôm nay.

Cuộc chiến tranh lớn nhất của thế kỷ 20 là Đệ Nhị Thế Chiến, giữa phe Trục và Đồng Minh. Và chiến thắng Normandy (then chốt cho cuộc chiến thắng Đức Quốc Xã tại Âu Châu) đã đưa nước Mỹ lên địa vị siêu cường. Thật vậy, nếu sau cuộc chiến tranh Cách Mạng (1775-1783) lục địa Mỹ trở thành một quốc gia độc lập, nếu sau cuộc Nội Chiến (1861-1866) nước Mỹ trở thành một quốc gia thống nhất, thì sau chiến thắng Normandy nước Mỹ đã trở thành một trong hai siêu cường của thế giới, trở thành người lãnh đạo đáng kính của Thế Giới Tự Do, và cuối cùng trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Hãy tưởng tượng những gì đã xảy ra cho thế giới tự do nói chung và cho nước Mỹ nói riêng, nếu không có chiến thắng Normandy. Bạo lực sẽ ngự trị trên lục địa Âu Châu thêm một thời gian, với những hậu quả không lường được. Nước Mỹ sẽ không bao giờ trở thành một siêu cường; nước Mỹ sẽ không bao giờ trở thành người lãnh đạo đáng kính của thế giới tự do. Và trước con mắt của nhân loại, nước Mỹ mãi mãi sẽ chỉ là lục địa của những kẻ đi tìm vàng, một mảnh đất của những con buôn.

Bây giờ tôi xin nói về cuộc chiến tranh miền Nam VN 1960-1975. Cuộc chiến tranh này, thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược của CS quốc tế phát động trong tiến trình nhuộm đỏ bán đảo Đông Dương, trước khi nhuộm đỏ toàn vùng Đông Nam Á. Hồ Chí Minh và CSVN chỉ là kẻ thừa hành. Nhân dân miền Nam VN đã đem xương máu ra chống lại. Và, trung thành với những lý tưởng tự do cũng như trung thành với những lời cam kết của ít nhất 4 vị Tổng Thống của mình, nước Mỹ đã tham chiến tại miền Nam VN, như một đồng minh. Cái ơn này dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ.

Câu hỏi được đặt ra: nếu nước Mỹ không tham chiến tại miền Nam VN, những gì đã xảy ra? Đã có một nước Việt Nam bị rơi vào qũy đạo của CS quốc tế, ngay từ cuối thập niên 1950. Đã không có một miền Nam VN thịnh vượng, bảo tồn được nền văn hóa dân tộc VN và phát huy được những truyền thống dân chủ tự do, để ngày hôm nay nhân dân VN trong cũng như ngoài nước có được những điều kiện tối ưu, đấu tranh cho một nước VN không cộng sản. Đó là đối với miền Nam VN. Đối với Á Đông, đã không có những Thái Lan, Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba... Những quốc gia này đã có điều kiện (thời gian, an ninh, vốn đầu tư) để phát triển, nhờ cuộc chiến tranh miền Nam VN; những quốc gia này hiện là những nhân tố hùng hậu có thể giúp nước Mỹ thực hiện những mục tiêu chiến lược trong tương lai tại vùng Đông Nam Á.

Câu hỏi cũng được đặt ra: nếu nước Mỹ không phản bội miền Nam VN, cái gì đã xảy ra? Đã không có hơn một triệu người VN chết trên biển trong cuộc ra đi tìm tự do. Đã không có một miền Nam bị rơi vào tay CSVN, và giữa thập niên 1980 khi Liên Sô và Đông Âu bắt đầu rạn vỡ, chế độ CS miền Bắc đã có thể bị thanh toán bằng một cuộc vùng dậy của nhân dân miền Bắc, với sự hỗ trợ của quốc gia miền Nam VN. Đó là đối với Việt Nam. Đối với nước Mỹ, nếu không chạy trốn tại miền Nam, nếu không phản bội những lời cam kết đối với niền Nam VN, chắc chắn nước Mỹ đã được toàn thế giới kính nể, bạn cũng như thù. Chắc chắn nước Mỹ đã không bị Thế Giới Tự Do coi thường, nếu không muốn nói là khinh bỉ. Sự coi thường này đã thể hiện rõ rệt trong con mắt của các nhà lãnh đạo Á Châu từ 20 năm nay đối với nước Mỹ. Sự coi thường này cũng đã thể hiện trong vụ Bosnia hiện nay. Bài học Việt Nam 1975 vẫn còn ám ảnh lương tâm thế giới; nó không cho phép các nhà lãnh đạo Âu Châu được tin vào lời cam kết của các chánh quyền Mỹ.

Trong hơn 20 năm qua, nước Mỹ đã phải mang trong mình Hội ChứngViệt Nam (Vietnam Syndrome), hội chứng của sự phản bội, của sự khiếp nhược. Hội chứng này, nước Mỹ sẽ còn phải mang trong mình bao nhiêu năm nữa? Cuốn In Retrospect chỉ là một hiện tượng nẩy sinh từ hội chứng ấy.

Cuốn In Retrospect kể lại thảm kịch của Việt Nam. Thực ra, đó là thảm kịch của chính nước Mỹ. Thập niên 1960, khi phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Đông Nam Á do CS quốc tế tạo ra, nước Mỹ đã được lãnh đạo bởi JF Kennedy, một vị Tổng Thống có mê lực (charisma), nhưng thiếu viễn kiến và không quyết đáp. Vị TổngThống ấy đã đi từ thất bại này đến thất bại khác, từ vụ Vịnh Con Heo đến vụ Ai Lao, đến vụ lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa VN. Tệ hại hơn, thời gian đó, nước Mỹ đã có một kẻ thiếu khả năng và thiếu nhân cách làm bộ trưởng quốc phòng. Kẻ đó, chính là ông, Robert S. Mc Namara.

Khả năng và nhân cách của ông hiện lên rõ rệt trong cuốn In Retrospect, một cuốn sách - lịch sử và thực tiễn đã chứng minh - đầy rẫy những sai lầm về VN, những sai lầm trong tư duy cũng như trong hành động, những sai lầm của chính ông và của nước Mỹ. Sai lầm, khi coi CS quốc tế không phải là một đại họa cho nền hòa bình thế giới nói chung và nền hoà bình Đông Nam Á nói riêng. Sai lầm, khi coi cuộc chiến tranh miền Nam VN là một cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc”. Sai lầm, khi coi Hồ Chí Minh là người Việt quốc gia yêu nước. Sai lầm, khi chủ trương lật đổ Ngô Đình Diệm. Sai lầm, khi trách quân đội miền Nam VN thiếu khả năng và dũng cảm để chiến đấu. Tôi không thể liệt kê tất cả những sai lầm của cuốn In Retrospect. Tôi chỉ kể ra một vài thí dụ.

Dư luận có thể tha thứ cho ông về những sai lầm nói trên, bởi đó thuộc vấn đề nhận thức. Vì như ông đã thú nhận trong cuốn In Retrospect, trước khi giữ chức bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông chỉ là chủ tịch một công ty xe hơi, không biết gì về chính trị.

Nhưng dư luận không thể tha thứ cho ông, khi ông viết rằng: TT Ngô Đình Diệm đã sống với em dâu là bà Ngô Đình Nhu như vợ chồng. Nếu ông viết điều đó với sự dè dặt thông thường, kèm theo những từ ngữ thông thường như “theo tin đồn”, hoặc “theo một số người”, ông vẫn không tránh được sự khinh bỉ của dư luận. Đàng này, ông viết một cách quyết đáp, không dè dặt, và không viện dẫn bằng cớ, dù là bằng cớ ngụy tạo. Liêm khiết của người trí thức, ông để đâu?...

Có thể tôi lầm chăng? Văn hoá VN, lễ giáo Đông Phương cũng như một chút văn hóa Pháp trong tôi đã khiến tôi nhận xét sai lạc về ông, một người Mỹ từng được coi là thuộc tầng lớp trí thức và lãnh đạo của Mỹ?

Tôi vẫn mong có dịp đến nghĩa trang Arlington để viếng mộ của TT Kennedy, vị TổngThống được nhân dân Mỹ tôn thờ, vì mê lực và vì bị chết thê thảm, hơn là vì những thành quả trong 3 năm ngồi tòa Bạch Ốc. Và nếu có dịp viết về cuộc đời của vị Tổng Thống này cũng như cuộc đời của một số vị Tổng Thống khác của nước Mỹ, chắc chắn tôi sẽ không dám viết những điều xúc phạm đến đạo hạnh của các vị đó, cho dù - trong giả thuyết - những điều ấy có thật và có thể chứng minh. Văn hóa Việt Nam, lễ giáo Đông Phương, cũng như một chút văn hóa Pháp trong tôi không cho phép tôi làm điều đó.

Ông đã có liêm sỉ bịa đặt trắng trợn để xúc phạm đến anh linh của ông Ngô Đình Diệm, một vị tổng thống đáng kính của quốc gia Miền Nam, và cũng là “một trong những nhà lãnh đạo có khả năng nhất của Á Châu Tự Do”. Ông hơn tôi ở điểm đó. Và ông nên tự hào.

Trong cuốn In Retrospect, ông có nhắc đến vụ ông bị ám sát hụt trong chuyến đi thăm miền Nam Việt Nam, hồi tháng 5/1964. Người ám sát ông là tên đặc công Việt Cộng Nguyễn Văn Trỗi. Tôi có nói chuyện với nó trong nhà lao, vài ngày trước khi nó bị hành quyết. Nó khóc với tôi, vì đã dại dột đi theo CS để phải mang án tử hình, bỏ lại người vợ mới cưới tên Quyên. Nhìn nó khóc, tôi tin nó thành thật. Nhưng khi nhìn ông khóc mới đây trên đài truyền hình ABC trước mặt Barbara Walters, khóc cho những sai lầm của ông và của nước Mỹ, tôi không tin ông thành thật. Ông làm cho nhiều người phải phì cười. Ông đóng kịch, nhưng đóng quá vụng. Tôi cứ nghĩ: nếu hôm đó (ngày mùng 9 tháng 5 năm 1964), ông bị giết tại cầu Công Lý Sài Gòn, chắc chắn nước Mỹ đã có thêm một vị anh hùng; xác ông có thể đã được mang về chôn cất tại nghĩa trang Arlington, với lễ nghi dành cho các vị anh hùng dân tộc của Mỹ. Và lời tiên tri của Homer đã ứng nghiệm. Cách đây 25 thế kỷ, trong thiên anh hùng ca Illiade, Homer đã viết rằng: trong cuộc chiến nào cũng vậy, vẫn có những kẻ hèn nhát được tôn vinh lẫn lộn cùng với những người dũng cảm.

Trong cuốn In Retrospect, ông đã chạy tội bằng cách đổ tội cho người khác. Ông đã thóa mạ sự hy sinh cao cả của quân đội Mỹ và quân đội VN. Ông đã bạch hóa tội ác xâm lược của CSVN. Ông đã bôi nhọ dân tộc Mỹ, và bôi nhọ chính nghĩa đấu tranh của dân tộc VN. Chưa đủ, ông đã dùng những lời lẽ thiếu lễ độ để nói về những người mà ông không ưa thích, cũng như ông đã dùng những lời lẽ quá đáng để ca ngợi những người mà ông cầnphải ca ngợi. Những lời ca ngợi mà ông dành cho TT Kennedy trong cuốn In Retrospect, đơn thuần chỉ là những lời xu nịnh dùng để phúng điếu. Tóm lại: làm ra vẻ thông minh xuất chúng, thiếu ý thức chính trị, thiếu lương thiện, trắng trợn và thời cơ chủ nghĩa, đó là con người của ông trong cuốn In Retrospect.

Trong cuốn In Retrospect, ông đã liệt kê những sai lầm căn bản của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh miền Nam Việt Nam. Những câu hỏi được đặt ra. Ông biết những sai lầm đó, lúc nào? Tại sao ông không nói ra cuối năm 1967 khi ông rời chức bộ trưởng quốc phòng, để tránh cho bao nhiêu người con ưu tú của nước Mỹ khỏi phải hy sinh một cách “vô ích”? Tại sao lại đợi đến năm 1995 mới nói ra? Tôi vẫn nghĩ, cũng như dư luận vẫn nghĩ: cuốn In Retrospect chỉ là những suy tư của ông sau này, được viết ra để chạy tội cho bản thân ông, chạy tội cho nước Mỹ, và để làm yên ổn lương tâm những con buôn Mỹ đang muốn nhẩy vào Việt Nam. Ngày 11 tháng 7/1995 vừa qua, nhân danh những lý tưởng nhân đạo và nhân quyền, Tổng Thống Clinton đã thiết lập bang giao với chế độ CS Hà Nội, một chế độ bạo ngược thù nghịch với nhân dân và dân tộc VN. Chế độ bạo ngược ấy đã trả thù, hành hạ dã man và giam cầm những người quốc gia, nhất là các chiến sĩ của QLVNCH, trái với Hiệp Định Ba Lê 1973. Chế độ bạo ngược ấy đang giam cầm những chiến sĩ của tự do, trong đó có các vị lãnh đạo Phật Giáo, như Thượng Tọa Thích Huyền Quang, TT Thích Quảng Độ... vì tội đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do và cho tôn giáo. Chế độ bạo ngược ấy đã và đang khóa kín nhân dân Việt Nam trong kiếp sống cùng cực và tồi tệ nhất lịch sử Việt Nam.

Thật là mỉa mai cho nước Mỹ, một nước được ca tụng trong bài quốc ca - một cách xác đáng - là xứ sở của những người tự do và quê hương của người dũng cảm.

Tôi viết bức thư này, buổi sáng mùng 1 tháng 11, khi tưởng nhớ cái chết của TT Ngô Đình Diệm và cái chết của TT Kennedy, cách đây hơn 30 năm. Tôi vẫn tiếc cho TT Kennedy. TT Kennedy đã không sống thêm vài tháng nữa để chứng kiến những gì đã xảy ra cho miền Nam VN và cho nước Mỹ, sau khi TT Diệm bị giết. Những gì đó cũng đã được chính ông cựu bộ trưởng kể lại trong cuốn In Retrospect. Ông cựu bộ trưởng cũng đã kể lại lời Mao Trạch Đông tâm sự với ký giả Edgar Snow năm 1965. Họ Mao dẫn ý rằng: “Mỹ đã không nghe lời Ngô Đình Diệm”. Mỹ đây không phải là nhân dân Mỹ, mà là TT Kennedy, và chính quyền Kennedy trong đó có ông.

Trên bàn viết của tôi, có bức vẽ về người chiến sĩ QLVNCH với nền cờ vàng ba sọc đỏ, hình ảnh một quân đội không thua sút bất cứ quân đội nào trên thế giới, về lòng dũng cảm và về khả năng chiến đấu. Quân đội ấy đã chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, để bảo vệ Miền Nam và để ngăn chận làn sóng đỏ tại vùng Đông Nam Á. Quân đội ấy đã chiến đấu trong những điều kiện cực kỳ nghiệt ngã - điều kiện chính trị cũng như điều kiện xã hội - để rồi cuối cùng bị trói tay, phải buông súng, và làm vật hy sinh cho một cuộc trả thù man rợ của CSVN. Đó mới đích thực là Thảm Kịch của Việt Nam. Và nước Mỹ đã đóng góp rất nhiều để tạo ra thảm kịch ấy.

Lật đổ Ngô Đình Diệm, gây ra hỗn loạn chính trị tại miền Nam, rồi đổ tội cho miền Nam không có lãnh đạo.

Chủ xướng và tạo ra Hiệp Định Ba Lê 1973, hợp thức hóa sự có mặt của bộ đội CS Bắc Việt trên lãnh thổ miền Nam VN, ngưng viện trợ quân sự cho Miền Nam VN, rút lui “trong danh dự” (!), bỏ rơi quân đội Miền Nam VN, rồi đổ tội cho quân đội ấy thiếu khả năng và dũng cảm để chiến đấu.

Phải chăng đó là lo-gic và đạo tắc (ethics) của nước Mỹ, một nước từng được coi là người lãnh đạo đáng kính của thế giới tự do? Phải chăng đó là truyền thống đạo đức của nước Mỹ, một nước từng được ca tụng là xứ sở của những người tự do và quê hương của người dũng cảm? Phải chăng đó là Những Bài Học mà tấn thảm kịch Việt Nam đã để lại, về lòng dũng cảm của nhân dân Mỹ cũng như về sự thành tín của các chính quyền Mỹ? Tôi không dám nghĩ như vậy. Bởi vì: nghĩ như vậy, là xúc phạm nặng nề đến dân tộc Mỹ, một dân tộc mà tôi luôn luôn ngưỡng mộ là đại lượng, anh hùng, không biết gian dối và không biết phản trắc.

Kính chào ông,

Houston, ngày 1 tháng 11, 1995.

NGUYỄN VĂN CHỨC

Cựu Sĩ Quan Quân Lực VNCH,

Cựu Luật Sư Tòa TT Saigon,

Cựu Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Định Chế Thượng Nghị Viện VNCH,

Nguyên Tổng Thư Ký Liên Đoàn Công Giáo Vntại Hoa Kỳ.

* Bản tiếng Anh sẽ được gửi cho các dân biểu nghị sĩ Mỹ, nhân viên nội các chính quyền TT Clinton, các vị cựu TT Ford, Carter, Reagan, Bush, một số tướng lãnh Mỹ, các trường đại học lớn và các tờ báo lớn tại Mỹ cũng như tại Anh Quốc. Bản tiếng Pháp sẽ được gửi cho các tớ báo lớn tại Ba Lê.
Nguyễn Văn Chức