Nhẩy Dù PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm huy Sảnh   
Thứ Bảy, 28 Tháng 3 Năm 2009 11:38

Loạt Bài Cho Tháng Tư "Quốc Hận"
Xin giới thiệu loạt bài đặc biệt của Mũ Ðỏ Phạm huy Sảnh viết nhân dịp tháng 4-09. Bài đầu tiên viết về đại úy Nguyễn văn Viên và tiểu đoàn 5 nhẩy dù.

Vị Anh Hùng Kiệt Liệt
“Như nước Ðại Việt ta từ trước, dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Nguyễn Trãi - Bình Ngô Ðại Cáo.

 

Lời người viết: Công lao những người cầm súng bảo vệ VNCH trong suốt 25 năm là điều rất đáng tri ân, khâm phục. Nhưng đáng tôn vinh hơn, khi sau 30-4-1975, lúc giặc Cộng đã tràn ngập miền Nam, tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng, Việt Nam Cộng Hoà không còn nữa, tổ chức Quân Lực VNCH ngưng hoạt động, thì tại nhiều nơi trong nước, vẫn có những tổ chức võ trang nổi lên chống lại CS BắÔc Việt. Họ gồm đủ mọi thành phần: nam, nữ quân nhân, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, các tổ chức tôn giáo chính trị, các thường dân buôn bán, các sinh viên học sinh, các giáo sư, nhà văn, nhà báo thậm chí đến cả các thương phế binh những người còn đủ khả năng chiến đấu. Những người con yêu tuấn liệt đó của miền Nam Việt Nam, bằng trái tim yêu nước rực lửa và tinh thần bất khuất sắt đá “thà chết chứ không khuất phục Cộng Sản. Ôi! Vinh hiển thay! Họ đã đi vào cõi chết để tìm sự sống cho nhiều chục triệu sinh linh và chính nhờ những hy sinh cao đẹp đó, đã tiếp lửa cho ngọn đuốc chính nghĩa tự do được trường tồn.

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một trong những tấm gương sáng chói, vị anh hùng kiệt liệt: Ðại Úy Nguyễn Văn Viên.

Tôi biết Ðại Úy Nguyễn Văn Viên từ năm 1955 khi ông làm Tiểu Ðoàn Trường (TÐT) Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù (TÐ5ND), ông thường sang thăm Ðại Úy Phan Trọng Chinh Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ3ND và Trung Úy Ðỗ Kế Giai, Tiểu Ðoàn Phó. Lúc đó tôi là Thiếu Úy,Trung Ðội Trưởng của TÐ3ND. Ông Viên người nhỏ con, gầy, sinh trưởng ở miền Nam, ăn nói nhẹ nhàng như con gái, nhìn sắc diện ông không có vẻ “lính nhảy dù”. Nhưng mẫu người đó đã để lại trong ký ức tôi hình ảnh một cấp chỉ huy thật gan dạ. Ði hành quân dù trong thành phố hay dã ngoại, trong lúc đạn dịch bắn như mưa rào, ông lúc nào cũng đội mũ đỏ đứng chỉ huy. Khi nhắc đến Ðại Úy Nguyễn Văn Viên không thể không nói tới đơn vị mà từ đó, ông trưởng thành trong đời binh nghiệp: TÐ5ND.

Trong quân sử Việt Nam Cộng Hoà có lẽ TÐ5ND là lò luyện thép đã sản xuất các cán bộ chỉ huy xuất sắc, và là đơn vị cấp Tiểu Ðoàn tham dự nhiều trận đánh nhất trong quân lực. Về cấp Tướng Lãnh, TÐ5ND đã đào luyện được 7 vị: Nguyễn Chánh Thi, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Hồ Trung Hậu, Lê Quang Lưỡng, Vũ Văn Giai. Nếu so sánh về thâm niên quân vụ của các Tiểu Ðoàn Nhảy Dù thì TÐ5ND đứng vào hàng thứ ba. Thành lập ngày 1 tháng 9/1953 tại Hà Nội. Tiểu Ðoàn thâm niên thứ hai là TÐ3ND thành lập ngày 1 tháng 9/1952 cũng tại Hà Nội. Tiểu Ðoàn thâm niên hơn cả là TÐ1ND được thành lập từ 15 tháng 7 năm 1951 tại Sài Gòn. Vào cuối năm 1953, thêm TÐ7ND cũng được thành lập tại Hà Nội ngày 1-11-1953, nhưng sau đó lại giải tán vào khoảng tháng 12 năm 1954 tại Ðồng Ðế, Nha Trang để lấy quân số bổ sung cho TÐ5ND được tái thành lập sau khi đã thiệt hại 100% tại trận Ðiện Biên Phủ. Tiểu Ðoàn son trẻ nhất là TÐ6ND (hậu thân của Tiểu Ðoàn 19 Bộ Binh của Thiếu Tá Ðỗ Cao Trí) thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1954.

Nếu làm thống kê về các Tướng Lãnh xuất thân từ các Tiểu Ðoàn Nhảy Dù nguyên thủy, chúng ta có thể liệt kê thêm quí vị xuất thân từ TÐ3ND có 4 vị, Phan Trọng Chinh, Ðỗ Kế Giai, Trương Quang Ân và Trần Quốc Lịch- xuất thân từ TÐ6ND có 2 vị, Lê Nguyên Vĩ và Chuẩn Tướng Nguyễn Trọng Bảo (truy thăng), TÐ1ND là đơn vị đào tạo ra 4 vị: Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Vỹ, Ðỗ Cao Trí và Dư Quốc Ðống. Về hàng Tiểu Ðoàn Trưởng xuất sắc TÐ5ND đã cung ứng cho quân đội VNCH như: Nguyễn Văn Viên, Ngô Xuân Soạn, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam, Hồ Trung Hậu, Hồ Tiêu, Lê Quang Lưỡng. Riêng Ngô Lê Tĩnh từng làm Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ2ND và TÐ11ND. Hai Tiểu Ðoàn này đều thành lập sau.

Nói tóm lại TÐ5ND đã lừng lững đứng hàng đầu trong Thiên Anh Hùng Sử của Quân Lực VNCH.

CÁC SĨ QUAN CỦA TIỂU ÐOÀN 5 NHẢY DÙ TRONG NHỮNG
NGÀY ÐẦU TIÊN KHI PHÁP TRAO LẠI CHO VIỆT NAM CHỈ HUY

(Hình tư liệu của TÐ5ND chụp tháng 9 năm 1954)

Hàng đứng từ trái qua: Nguyễn Ðức Huy (K10 Ðà Lạt), Vũ Văn Giai (K10 Ðà Lạt), Nguyễn Mộng Hùng (K4 Thủ Ðức), Nguyễn Minh Tiến (K4 Thủ Ðức).

Hàng giữa: Lê Quang Lưỡng (K4 Thủ Ðức), Võ Mạnh Ðông (K4 Thủ Ðức), Ðào Văn Lượng (K4 Thủ Ðức), Nguyễn Trường Tự (K10 Ðà Lạt), Ngô Quang Trưởng (K4 Thủ Ðức), Phạm Hi Mai (K4 Thủ Ðức),Vũ Văn Ngói (K4 Thủ Ðức).

Hàng ngồi dưới cùng: Phạm Ngọc Linh (K4 Thủ Ðức), Nhâm Ngọc Hựu (K4 Thủ Ðức), Trung Úy Nguyễn Văn Viên Tiểu Ðoàn Trưởng (K6 Ðà Lạt), Trần Huy Chương (K4 Thủ Ðức), Nguyễn Văn Tư (K4 Thủ Ðức).

 

16 sĩ quan trong tấm hình lịch sữ 55 năm sau; 14 vị đã trở thành người thiên cổ, 2 vị còn lại là Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai (Santa Ana) và Trung Tá Nguyễn Mộng Hùng (San Jose).
Ghi chú: Hình còn thiếu các sĩ quan: Võ Trọng Hầu (K4 Thủ Ðức) và các sĩ quan của K4 Phụ Cương Quyết tốt nghiệp Võ bị Ðà Lạt đáo nhậm TÐ5ND vào đầu tháng 12/1954 gồm có: Nguyễn Nghiêm Tôn, Trần Văn Huyên, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Duy Khoa, Ngô Lê Tĩnh, Lê Ngọc Tô, Nguyễn Văn Vỹ, Nguyễn Văn Thụ, Trần Văn Nguyên và Trần Hữu Bào.

 

Nguyễn Văn Viên
1951, một thanh niên miền Nam, sau khi tốt nghiệp trung học rồi theo tiếng gọi của núi sông, ông tình nguyện vào quân ngũ (Khoá 6 Võ Bị Ðà Lạt) để chống lại bọn Cộng phỉ đang dày xéo quê hương. Nhưng đường hoạn lộ của người thanh niên yêu nước đã gặp đầy gian truân, chướng ngại. Cùng đơn vị đầu đời là TÐ5ND, ông 2 lần nhảy dù xuống mặt trận Ðiện Biên Phủ. Lần thứ nhất ngày 23 tháng 11 năm 1953 để giúp vị Tư Lệnh Mặt Trận Ðại Tá De Castrie thiết lập các cứ điểm quân sự trọng yếu. Lần thứ 2 ngày 14 tháng 3 năm1954, TÐ5ND lại được thả xuống để tiếp cứu Ðiện Biên Phủ. Ngay khi các cánh dù còn lơ lửng trên cao, hoả lực của quân CS bố trí từ những cao điểm xung quanh căn cứ thi nhau tác xạ. Khi quân bạn vừa đặt chân xuống đất thì ta và địch hỗn chiến khốc liệt. Trung Úy Nguyễn Văn Viên sĩ quan phụ tá đứng hàng thứ 3 trong Tiểu Ðoàn) của TÐ5ND bị thương nặng nên được không vận di tản về bệnh viện Ðôn Thủy Hà Nội cấp cứu. Toàn bộ TÐ5ND (trong số đó có Trung Úy Ðại Ðội Trưởng Phạm Văn Phú; sau này lên Tướng) được coi là những đơn vị sau cùng đã chiến đấu dũng cảm cho đến khi chiến trường Ðiện Biên Phủ hoàn toàn im tiếng súng.

Tháng 3 năm 1955, từ Ðồng Ðế Nha Trang, 2 Tiểu Ðoàn Nhảy Dù được điều động về Sài Gòn tham dự cuộc hành quân dẹp loạn Bình Xuyên.

1) TÐ3ND do Ðại Úy Nhiệm Chức Phan Trọng Chinh mới nhận Tiểu Ðoàn do Pháp trao lại. Từ chức vụ Ðại Ðội Trưởng ông trở thành vị Tiểu Ðoàn Trưởng Việt Nam đầu tiên.

2) TÐ5ND cũng do Pháp chuyển giao lại do Trung Úy Nguyễn Văn Viên, sĩ quan phụ tá của Tiểu Ðoàn được đôn lên làm Tiểu Ðoàn Trưởng cũng là người Việt Nam đầu tiên.

Khi các lực lượng của chính phủ hồi đó đã đánh đuổi quân phiến loạn Bình Xuyên khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn, các sĩ quan sau đây đã được thăng cấp: Thiếu Tá Ðỗ Cao Trí lên Trung Tá, các Ðại Úy Nguyễn Chánh Thi và Vũ Quang Tài lên Thiếu Tá. Có điều đặc biệt là Trung Úy Nguyễn Văn Viên, Trung Úy Ðỗ Kế Giai lên Ðại Úy thực thụ và Ðại Úy nhiệm chức Phan Trọng Chinh cũng được điều chỉnh đều là Ðại Úy thực thụ cùng ngày. Sau đó Ðại Úy Viên trao TÐ5ND cho Thiếu Tá Nguyễn Chánh Thi. Ðại Úy Nguyễn Văn Viên về chỉ huy TÐ6ND thay Thiếu Tá Ðỗ Cao Trí. Ông Trí mới được thăng cấp Trung Tá và trở thành Chỉ HuyTrưởng Liên Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam gồm: TÐ1ND Tiểu Ðoàn Trưởng, Thiếu Tá Vũ Quang Tài (mới thăng cấp) TÐ3ND Tiểu Ðoàn Trưởng, Ðại Úy Phan Trọng Chinh, TÐ5ND Tiểu Ðoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Chánh Thi (mới thăng cấp) TÐ6ND Tiểu Ðoàn Trưởng Ðại Úy Nguyễn Văn Viên (mới thăng cấp).

Kế tiếp Liên Ðoàn Nhảy Dù tiếp tục hành quân truy kích “Tướng” Bảy Viễn và tàn quân tại khu Rừng Sát. Vào thời gian này Thiếu Tá Nguyễn Chánh Thi lên làm Chỉ Huy Phó LÐND, ông trao TÐ5ND cho Ðại Úy Ngô Xuân Soạn làm Tiểu Ðoàn Trưởng.

Khi kết thúc cuộc hành quân tiểu trừ tàn quân Bình Xuyên tại Sài Gòn-Chợ Lớn và Rừng Sát Sài Gòn, các đơn vị nhảy dù lại được điều động hành quân tại Núi Bà Ðen Tây Ninh dẹp lực lượng Cao Ðài ly khai, và chiến dịch Ðinh Tiên Hoàng để bình định Miền Tây.

Có thể nói trong suốt gần 2 năm 1955 và 1956, lực lượng nhảy dù đã là cái xương sống chống đỡ cho nội các của chính phủ Ngô Ðình Nhiệm đứng vững trước cơn bão táp chính trị tạo nên bởi CẢ BẠN-các lực lượng giáo phái và tổ chức chính trị- LẪN THÙ- phe thân Pháp và tàn dư- Nói một cách khác nếu không có những người lính MŨ ÐỎ đã hy sinh xương máu vì lòng yêu nước đối với quốc gia dân tộc thì NỀN ÐỆ NHẤT CỘNG HOÀ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM không thể hình thành!

Bởi trước những mua chuộc bằng tiền bạc, bổng lộc, quyền lợi rồi liên hệ tình cảm của người Pháp lúc đó; chỉ cần một cái gật đầu ủng thuận của Trung Tá Ðô Cao Trí vị Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Nhảy Dù, hoặc bất cứ một vị Tiểu Ðoàn Trưởng mũ đỏ nào đang hành quân, không cần phải chống lại Thủ Tướng Diệm mà chỉ cần án binh bất động không thôi, cũng đủ tạo thời cơ cho Tướng Nguyễn Văn Hinh phe thân Pháp khuấy động tình thế, khiến cho nội các của Chính Phủ Diệm phải sụp đổ, dù cho ông Diệm có được sự hậu thuẫn của Tướng Trinh Minh Thế và một số các đơn vị của Giáo Phái Cao Ðài.

Tôi còn nhớ ngay sau khi quân bạn đã đánh đuổi các đơn vị Bình Xuyên khỏi Sài Gòn và Chợ Lớn, “Tướng” Bảy Viễn và dư đảng chạy về ẩn náu trong khu Rừng Sát, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm tổ chức buổi tiếp tận vào buổi trưa (tôi không nhớ rõ ngày) để khoản đãi và tưởng thưởng các cấp chỉ huy của đơn vị nhảy dù tham chiến, Thủ Tướng Diệm đến bắt tay từng sĩ quan chúng tôi. Trong ánh mắt long lanh biểu lộ sự xúc động ông nói rất chậm:” Việc tái lập an ninh tại thủ đô là nhờ công lao của các chiến sĩ, tôi và chính phủ sẽ không bao giờ quên!..”

 

 Gần 2 năm chinh chiến để chu toàn trọng trách từ dẹp quân phiến loạn Bình Xuyên tại Sài Gòn, tại Rừng Sát, bình định các lực lượng giáo phái ly khai tại Tây Ninh và các tỉnh miền Tây. Lực lượng nhảy dù là nỗ lực chính giúp chính phủ Ngô Ðình Diệm ngăn chặn được các mũi tấn công quân sự, chính trị để cuối cùng ông đã thành công trong việc ổn định xáo trộn chính trị, vãn hồi trật tự xã hội, tại thủ đô Sài Gòn cũng như từ vĩ tuyến 17 xuống mũi Cà Mau, công lao đó của các chiến sĩ Mũ Ðỏ được coi là những công thần lập quốc của NỀN CỘNG HOÀ NAM VIỆT NAM. Hy vọng mai này những người viết sử sẽ không quên.

Năm 1957, Ðại Úy Viên đang làm Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ6ND đột nhiên tai hoạ xảy đến cho ông, vì một lỗi lầm của thuộc hạ ông phải gánh hết trách nhiệm và bị giải ngũ. Ra khỏi quân đội ông đi dạy học và vợ ông buôn bán mưu sinh. Ông cảm nhận sống đời “phó thường dân” và nghĩ rằng đã cố gắng đóng góp đủ nghĩa vụ cho đất nước. Năm 1972, ông được lệnh tái ngủ theo lệnh của Bộ Quốc Phòng vì nhu cầu cần cán bộ chỉ huy. Ông bổ sung về SÐ9BB và được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh của Sư Ðoàn.

Có người nói rằng đường hoan lộ của ông sinh động như “bức tranh vân cẩu” bởi vào thời điểm này các Thiếu Úy Vũ Văn Giai đã là Chuẩn Tướng Tư Lệnh SÐ3BB và Lê Quang Lưỡng tư lệnh SÐNhảy Du. Thiếu Úy Ngô Quang Trưởng một sĩ quan đàn em rất thân tín của ông thời còn ở TÐ5ND đã lên Thiếu Tướng và hiện đang là Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 mà SÐ9BB là đơn vị cơ hữu.

Truyện được kể rằng hồi đó, có lần Tướng Trưởng xuống thăm Bộ Tư Lệnh SÐ9BB. Ngẫu nhiên Tướng Trưởng tao ngộ vị xếp cũ của mình trong hàng quân. Tướng Trưởng thân mật bắt tay Ðại Úy Viên và hỏi: “Anh Viên và gia đình mạnh khỏe? Anh có cần gì không? Ðại Úy Viên không đợi cho Tướng Trưởng nói hết câu, ông trả lời: “Cám ơn Thiếu Tướng, tôi không cần gì cả” thái độ của Ðại Úy Viên đã biểu lộ cái “dũng” của người lính rất tự trọng và kỷ luật: lệnh sao làm vậy, không cần nhờ vả ai.

Một vị tướng lãnh hiện đang định cư tại Hoa Kỳ từng là bạn thân cùng binh chủng với Ðại Úy Nguyễn Văn Viên kể lại: “Sau 30/4/1975, khi CS đã chiếm toàn bộ Nam Việt Nam, chúng (CS) kêu gọi sĩ quan và Tướng Lãnh phải trình diện đi “học tập”. Ðại Úy Viên đến thăm tôi tại nhà riêng ở Sài Gòn. Ông Viên hỏi tôi: “Anh có đi trình diện tụi nó không?” Tôi trả lời: “Ðâu còn cách nào khác hơn, tôi đang sửa soạn đây.” Ðại Úy Viên khẳng định: “Tôi (NVV) không đi đâu cả, tôi sẽ tổ chức lực lượng “uýnh” bỏ mẹ tụi CS này” Rồi Ðại Úy Viên tiếp: “Anh còn vũ khí không? Xin cho tôi để giúp chúng tôi chiến đấu” Tôi (vị tướng lãnh) nghe anh Viên nói vậy bèn đi lục lọi trong nhà tìm được một số vũ khí như súng lục hãm thanh, súng colt 45, súng cac bin, tiểu liên và đạn dược rồi trao cho Ðại Úy Viên. Ông Viên tháo rời từng khẩu cho dễ ngụy trang rồi gói riêng thành từng gói cho vào túi vải. Ông Viên nhìn quanh phòng làm việc của tôi thấy cái máy chữ nhỏ, Olivetli, ông liền hỏi xin luôn để dùng đánh máy truyền đơn. Tôi chấp nhận ngay, tôi cho ông 2 cái túi vải để đựng các món đồ tôi vừa tặng. Ông Viên cám ơn rồi kiếu từ chia tay. Chúng tôi chia tay từ đó, tôi (vị tướng lãnh) thì vào tù CS còn ông Viên ở lại quyết chiến đấu với kẻ thù để hy vọng một ngày giải thoát cho tôi.

Ông tiếp: “Sau 17 năm bị tù CS, trở lại sống tại Sài Gòn, tôi có được nghe huyền thoại thật đẹp về Ðại Úy Nguyễn Văn Viên. Rằng sau 30/4/1975, ông tổ chức một lực lượng võ trang hoạt động ngay trong khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Ông liên kết với các lực lượng tôn giáo và tạo được nhiều thành quả như đặt chất nổ phá hoại, trải truyền đơn kêu gọi đồng bào đứng lên chống lại bọn CS cầm quyền. Tổ chức của Ðại Úy Viên liên kết với lực lượng của linh mục Nguyễn Văn Vàng thuộc Dòng Chúa Cứu Thế và nhiều tổ chức khác đã gây được sự chú ý tại quốc nội và hải ngoại. Rất tiếc sau đó bị nội tuyến nên khoảng cuối năm 1976 các vị lãnh tụ của tổ chức là Ðại Úy Nguyễn Văn Viên, linh mục Nguyễn Văn Vàng và một số chiến hữu trong tổ chức đã bị CSVN bắt.

Ðể tuyên truyền hù doạ dân chúng. CS cho tổ chức cái gọi là “phiên toà khẩn cấp” để xử ông Viên và các vị lãnh tụ của tổ chức chống đối. Phiên toà xử ông đã được CS loan truyền trên loa phóng thanh diễn tiến cuộc xử án cho dân chúng nghe. Trong phiên toà, Ðại Úy Viên, Linh Mục Vàng và các chiến sĩ tay bị còng, dáng điệu khinh mạn bọn CS đang ngồi xử án, nét hiên ngang của các dũng sĩ đã làm cho người dân trong phòng xử đều khâm phục còn truyền tụng đến ngày nay.

Phiên toà ngắn ngủi, được tổ chức hết sức máy móc, phi công lý, không luật sư biện hộ, trên bục công tố là những tên “dép râu” mới từ bưng biền về mặt hãy còn nám màu nước phèn, thái độ đằng đằng sát khí. Kết quả của bản án đã được tụi CS soạn trước, chúng tuyên án: Ðại Úy Nguyễn Văn Viên tử hình, linh mục Nguyễn Văn Vàng chung thân khổ sai v.v..

Nguồn tin một nhân chứng hiện còn sống tại Sài Gòn là một cụ bà người Công Giáo năm nay đã gần 90 tuổi qua điện thoại cụ kể lại: “Ngày Việt Cộng xử tử Ðại Úy Viên tại Vườn Ðiều Thủ Ðức (?)vào năm cuối 1976 (cụ không nhớ ngày) nhiều dân chúng trong số đó có cụ đã tụ tập quanh “pháp trường” để chiêm ngưỡng ông lần cuối. Trước khi bắn ông, chúng (Cộng Sản) hỏi ông có muốn nói điều gì không? Ðại Úy Nguyễn Văn Viên dõng dạc trả lời: “Tôi muốn nói với các anh, người Cộng Sản, có bắn tôi hôm nay cũng không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh của người dân trong nước, mai này sẽ có hàng trăm, hàng ngàn Nguyễn Văn Viên khác nối gót. Nói xong Ðại Úy Nguyễn Văn Viên quay về phía đồng bào đang dự kiến, ông nói thật lớn: “Tôi xin chúc đồng bào ở lại mạnh giỏi.” Rồi, tuy hai tay ông bị trói chặt về phía sau, nhưng Ðại Úy Nguyễn Văn Viên trong tư thế rất oai nghiêm, đầu ông ngẩng cao, ngực ưỡn về phía trước như thách đố những tay súng, một tên CS tay cầm miếng vải đen tính bịt mắt ông, ông hiên ngang nói lớn: “Các anh không cần bịt mắt tôi, tôi sẵn sàng rồi, bắn đi.”

Một loạt đạn nổ liên tiếp xuất phát từ những bàn tay CS khát máu, đã kết thúc mạng sống người con yêu của Miền Nam Việt Nam. Ðầu ông vẫn thẳng, dựa vào cái cột gỗ, tấm áo trắng của ông nhuộm đầy máu, những dòng máu đỏ từ ngực ông theo thân hình chảy dài xuống chân, thấm vào mạch đất tự do, nơi ông sinh ra và cả đời hết lòng phụng sự!

Ôi cái chết của Nguyễn Văn Viên thật kiêu hùng kỳ diệu, còn vinh hiển hơn cả người xưa. Hơn 100 năm trước, ngày 24 tháng 4 năm 1882, Tổng Ðốc Hoàng Diệu cũng đã chọn cái chết bằng cách thắt cổ tự tử sau khi không giữ nổi thành Hà Nội: Tổng Ðốc Hoàng Diệu, một trụ cột của triều đình nhà Nguyễn, ngài nhận lệnh vua trấn thủ thành Hà Nội. Khi thành mất về tay địch, ngài đã lựa cái chết để giữ trọn khí tiết của kẻ sĩ và một tôi trung, sự tuấn liệt đó, đã được sử sách hết lời ca tụng! Ðó là truyện đời xưa.

Truyện đời nay được truyền tụng rằng: “Vào cuối thế kỷ 20, trong cuộc chiến tranh giữa thiện và ác, giữa chính và tà, giữa những người khát vọng tự do và bọn CS độc tài khát máu, có một dũng sĩ cương quyết chống lại chủ thuyết CS, chống lại bọn CSBV gian ác. Ông quy tụ những người cùng chí hướng nổi lên chống lại chế độ cầm quyền, người đó là Nguyễn Văn Viên.

Ðại Úy Nguyễn Văn Viên từng là công thần xây dựng Nền Ðệ Nhất Cộng Hoà nhưng chẳng bao lâu, ông bị bỏ quên ngay, Quân Ðội ruồng bỏ, đường hoan lộ của ông lang bang từ ông xuống thằng nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng hết lòng thủy chung.15 năm sau tưởng như giã từ vũ khí, nhưng đầu năm 1972, khi tuổi đời đã “tà tà bóng ngả ”, ông nhận được lệnh tái ngũ, rồi đươc trao cho một chức vụ không hợp với khả năng.

Ông thản nhiên chấp nhận không phản đối. Ấy thế mà khi chính quyền Miền Nam mất về tay CS, Quân Ðội không còn đủ khả năng bảo vệ người dân. Trong lúc mọi người tuyệt vọng thì ông đứng lên. Trong lúc mọi người đau khổ, thì ông sẵn sàng chia sẻ. Trong lúc mọi người mất tự do, thì ông vùng lên tranh đấu. Ông tự cảm thấy cá nhân ông vẫn còn trách nhiệm với Tổ Quốc Nam Việt Nam và đồng bào ruột thịt.

Nét hiên ngang của Nguyễn Văn Viên, là sau 30/4/1975, cũng như các đồng đội khác để tự cứu sinh mạng, có thể tìm đường vượt thoát ra hải ngoại hay vào tù CS, nhưng chiến sĩ Nguyễn Văn Viên đã chọn cho mình một hướng đi mà con đường trước mặt đầy gian nan, nguy hiểm. Ông hy sinh hạnh phúc riêng tư và hiến dâng sinh mạng của mình cho đại nghĩa. Gương tuấn liệt của ông đã làm kẻ thù (CS) phải cúi đầu xấu hổ và thức tỉnh biết bao trái tim yêu nước cho đến ngày hôm nay. Tôi thực hiện bài viết như lời tiễn biệt người chiến sĩ tuẫn liệt cùng hy vọng từ tâm khảm thắp lên nén hương cho Chiến Sĩ Nguyễn Văn Viên và biết bao chiến sĩ hữu danh, vô danh khác để bày tỏ tấm lòng thương cảm, biết ơn vô vàn. Bây giờ là 4 giờ sáng, đêm ngày 27 tháng 2 năm 2009, ngoài trời vẫn còn tối, không gian hoàn toàn im lặng và từ phía bên kia bờ đại dương thật xa đột nhiên văng vẳng giọng ca cao vút của người nữ ca sĩ năm xưa, trong Bài Ca Chính Huấn như rót vào tai tôi: “Người nằm xuống đây, cho ta đứng lên từ quê hương này. Người nằm xuống đây, khi chưa viết xong trang sử đấu tranh. Người đã ra đi theo vận nước”.

Thiên kỷ này, Ðại Úy Nguyễn Văn Viên không còn nữa! nhưng tinh thần Nguyễn Văn Viên còn vằng vặc ngàn năm!

Khởi viết ngày 17 tháng 1 năm 2009, sưu tầm tài liệu, up-date tin tức, nhuận sắc, trình bày kỹ thuật và đánh máy xong ngày 10-3-2009 tại Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ.

* Tác giả ghi chú:
1) Khi bài viết đã hoàn tất, tác giả nhận được thêm tin tức sau: Ðầu năm 1972, hồ sơ gọi tái ngũ của các sĩ quan được Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu trình lên Ðại Tướng TTMT, Ðại Tướng Cao Văn Viên duyệt đến hồ sơ của Ðại Úy Viên. Vị Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng không đồng ý về những biện pháp mà Quân Ðội đã áp dụng đối với Ðại Úy Viên vào năm 1957. Tướng Viên cho lệnh Phòng Tổng Quản Trị thăng cấp Thiếu Tá nhiệm chức cho Ðại Úy Nguyễn Văn Viên kể từ ngày tái ngũ. Có nghĩa là khi chiến sĩ Nguyễn Văn Viên về trình diện SÐ9BB, ông đã mang cấp bậc Thiếu Tá Nhiệm Chức cho đến 30/4/1975.

Tác giả xin trân trọng bổ túc.

2) Xin cám ơn quý vị Tướng Lãnh Nhảy Dù, quý Linh Mục và cụ bà thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, các chiến hữu của TÐ5ND, Colonel Mike Mc Dermott, cựu cố vấn của TÐ5ND, các chiến hữu Mũ Ðỏ từ Âu Châu, đã giúp chúng tôi các tin tức, hình ảnh, và tư liệu. Cùng các em Hà, Ðặng phụ trách kỹ thuật để hoàn tất bài viết.