Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Hiệp Ước Xâm Lăng Paris 1973

Hiệp Ước Xâm Lăng Paris 1973 PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hồng Dũng   
Thứ Hai, 08 Tháng 2 Năm 2010 16:24

Sảnh đường dùng làm cafeteria đối diện với thư viện đang chạy một điệu nhạc Hip-hop với tựa đề Empire State of Mind

qua giọng nam khá rộn ràng Jay-Z và cô đào da đen Alicia Keys như mời mọc từng bước chân tiến vào; chiếc bàn cạnh cửa sổ nhìn xuống Warren Hall của trường Đại học East Bay vào buổi chiều thứ Tư trống vắng, mọi lúc, nhất là buổi trưa thì nơi đây nhộn nhịp đám sinh viên Á châu cười nói huyên thuyên. Hôm nay trời Đông Vịnh sụt sùi mưa, ảnh hưởng cơn bão El Ninõ suốt tuần lễ qua khiến nhiều lớp vắng tanh. Cuối tháng mid-term này buộc sinh viên hiện diện, nhưng đến cafeteria tán gẫu cũng thưa hơn mọi hôm.

Vài em du học sinh Việt Nam thấy tôi bước vào với ly CaCao nóng hổi trên tay liền mời ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn tròn sát cửa. Vui vẻ nhận lời rồi an vị, nhìn các em không mua thức ăn gì, tôi lên tiếng xã giao:
-Các em tuyệt thực sao?
-Tụi em về dorm ăn cơm! Helen, cô bé đến từ Hà Nội mau mắn trả lời, nhưng tụi em phải ngồi đây để thảo luận một đề tài thuyết trình cho tuần tới. Helen lần lượt giới thiệu các bạn, -Thomas và Nancy cũng tốt nghiệp khoa ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội được học bổng qua đây nghiên cứu ngành quản trị kinh doanh.

Tôi làm giáo sư cố vấn cho Hội sinh viên Việt Nam nhiều năm liền nên thỉnh thoảng chủ tọa các cuộc họp mặt hoặc nhu cầu liên hệ đến quyền lợi học sinh thiểu số trong lãnh vực văn hóa, nghệ thuật hay những dịp thảo luận trực tiếp để đề xuất ý kiến, nhất là can thiệp vài sự việc gay cấn giữa nhóm sinh viên “trong, ngoài” vốn hiện hữu những mâu thuẫn chính trị cũng như ý niệm về tiến trình xây dựng đất nước…, vì thế gương mặt này trở nên quen thuộc hơn và thường được ân cần mời mọc, chia xẻ bởi nhóm trẻ vui tính. Vừa ngồi xuống hớp một ngụm CaCao thấm giọng, tôi nhìn Helen với tên Việt là Hiền hỏi nhỏ:
-Đề tài gì có vẻ quan trọng thế?

Thomas, người con trai khuôn mặt khôi ngô bởi vầng trán cao lộ nét thông minh, tên chính là Bùi Ngọc Tuấn đến từ Hải Dương, sinh viên bậc cao học năm thứ hai mở laptop đặt trên bàn rồi trình bày những bố cục dự định thuyết trình giữa khóa lớp “Political Science” của Giáo sư William Martin, topic tự chọn mà nhóm này đã lựa là: “Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình tại Việt Nam 1973”.

Khi đọc xong phần soạn thảo mà Thomas biên chép có những điều lạ lùng đại khái như sau: “Hiệp định Paris bắt buộc Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam để cho phía chính quyền Sài Gòn mau sụp đổ đặng chúng ta thống nhất hai miền. Tiến trình thương thuyết bản hiệp định Paris rất gay go vì đồng chí Lê Đức Thọ cố vấn chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đòi hỏi Hoa Kỳ bồi thường chiến tranh ba tỷ rưỡi Dollar, nhưng ông Kissinger đại diện phía Mỹ không chấp nhận nên cuộc họp bị ngưng trệ mà Hoa Kỳ cần phải rút quân khỏi miền Nam càng sớm càng tốt. Do đó Kissinger xin lịnh máy bay chiến lược B52 dội bom Hà Nội ép ta phải ký để Mỹ sớm trở về nước an toàn. Tưởng có thể san bằng thủ đô bởi không kích, ai ngờ quân ta rất anh dũng, lính phòng không bắn hạ 35 chiếc B52 khiến Hoa Kỳ kinh hoàng và vội vã chấp nhận lời yêu cầu do Đồng chí Lê Đức Thọ đề nghị.”

Tôi đọc đến hàng chữ cuối cùng vẫn không thấy các em trích dẫn từ “source” nào nên trầm ngâm ái ngại một đổi, thấy vậy, Nancy tức Thu Nhàn, sinh viên cao học năm đầu đến từ Quảng Bình với âm điệu khá chất phác, không hoa mỹ, tốt nghiệp cử nhân Anh văn Hà Nội nhưng phát âm còn nặng giọng “quê hương” sốt sắng thúc giục:
-Thầy giúp tụi em đi! Chúng em muốn cái presentation này thật đúng với ý nghĩa của nó, chủ yếu của topic là nêu lên sự thật phản ánh tính trung thực lịch sử.

Tôi nhìn đồng hồ, gần sáu giờ chiều…tầm này freeway bị traffic cao. Hãy ngồi nán lại và nói cho các em những chấm phá lịch sử đã trở thành hiển nhiên với chút thời gian chờ đợi chắc hữu hiệu và giá trị biết bao, chẳng những khai thông bộ óc non trẻ vốn bị nhồi nhét quá nhiều mớ thiên kiến bất công, lừa dối và xu nịnh qua lối sống hiện thực trong tình trạng xã hội Việt Nam ngày nay, mà còn nói cho sinh viên Mỹ biết cụ thể sự hy sinh của năm mươi tám ngàn cha ông tại đó đầy thiêng liêng nhưng cũng đủ hẩm hiu. Có lẽ các em là nạn nhân của xu thế bẻ cong ngòi bút, chà đạp lên lẽ phải và giẫm lên nhau tranh sống nên thế hệ sinh ra, lớn lên, cứ chấp nhận thực tế như sự tự nhiên của cuộc đời ban phát. Cơ hội biết được sự thật là một hành động lương thiện, chính chút nhân duyên này gieo ra, biết đâu mai sau các em chẳng gặt hái bao quả ngọt của lòng tín thành, tự trọng?. Những đôi mắt mở to đón chờ điều gì tôi sắp sửa nói, nhìn từng nhíu mày đoán biết nỗi tha thiết chân tình của kẻ đi tìm lẽ thực; nhưng oái ăm cho cuộc đời, cái sai, cái đen tối và phá hoại bao giờ cũng mạnh mẽ, dễ dàng đầy vẻ hấp dẫn hơn cái đúng, cái sáng sủa và xây dựng vốn khiêm tốn lại đầy chông gai thử thách.

Tôi đằng hắng lấy giọng và nói thật chậm để các em hiểu rằng, lịch sử phải gồm con người, thời gian và nơi chốn đúng sự thật, ở điểm này hiệp định Paris xãy ra gần bốn thập niên, những nhân vật then chốt trong sự kiện vẫn còn hiện hữu và trước khi thác xuống tuyền đài thì bao sự thật dù phũ phàng cũng được phơi bày, giải mã. Do đó, bổn phận của các em phải thuyết trình đúng nguyên trạng để mọi người thẩm định giá trị của từng sự kiện lịch sử.

Ngoài kia, trời chùn xuống màu xám hoàng hôn, đèn vàng soi các parking đã bật sáng hắt ánh chớp lên khung cửa sổ. Tôi ngồi thật im lặng như ôn lại những khúc phim oan nghiệt đã bức tử một chế độ, một quốc gia non trẻ mà hậu quả của nó không dừng lại ở kiếp nhân sinh, hàng triệu vong linh vẫn uất ức ở biển khơi Đông hải, hàng vạn sinh linh vất vưởng chốn sơn lâm u uẩn, và nhiều thế hệ sống trong gian trá, phỉnh phờ…

Mốc lịch sử chính là ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại thủ đô Paris, Pháp quốc. Các nhân vật chủ chốt tham gia đàm phán để có bản hiệp định Paris gồm hai phía là Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hoa Kỳ cử cố vấn đặc biệt của Tổng thống Richard Nixon là Henry Kissinger cùng trưởng đoàn đàm phán Henry Cabot Lodge, Jr. Phía còn lại là Cố vấn cao cấp Lê Đức Thọ và trưởng phái đoàn Xuân Thủy. Khi đặt bút ký kết văn kiện gồm đủ các bộ trưởng ngọai giao của bốn bên là William P. Rogers Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ; Trần Văn Lắm Bộ trưởng Việt Nam Cộng Hòa; Nguyễn Duy Trinh Bộ trưởng Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa và Nguyễn Thị Bình Bộ trưỏng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Đối với phía Việt Nam Cộng Hòa thì bản Hiệp định Paris không được toàn dân biết đến, không có quyền quyết định và đương nhiên không được nhân dân ủng hộ nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng sống còn của miền Nam Việt Nam.

Quân đội Hoa Kỳ hiện diện ở Việt Nam từ đầu thập niên Sáu mươi để bảo vệ nền tự do cho miền Nam Việt Nam, ngăn chận làn sóng đỏ từ Trung Cộng lan tràn xuống các nước Đông nam Á châu theo học thuyết Domino thời Tổng thống Eisenhower. Tuy nhiên, chiến tranh càng ngày càng leo thang khiến số binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng trên chiến trường Đông dương khá cao làm cho nhân dân Hoa Kỳ phản đối chính sách ngoại giao bởi chính quyền Tổng thống Lyndon Johnson. Ngày 5 Tháng 11 năm 1968 cuộc tranh cử Tổng thống giữa hai đảng Dân chủ là đương kim Phó Tổng thống Hubert Humphrey và đối thủ Cộng hòa là cựu Phó Tổng thống Richard Nixon đều trương ra khẩu hiệu chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình cho Việt Nam.

Để có được đình chiến hầu binh sĩ Hoa Kỳ rút khỏi nơi đây trong danh dự thì việc hòa đàm phải thực hiện mà các phe lâm chiến cần thỏa hiệp. Lúc đó Hoa Kỳ đang dội bom tại Hà Nội buộc Cộng sản Bắc Việt nghiêm chỉnh ngồi vào bàn đàm phán, trong khi phía Việt Nam Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhất quyết không chấp nhận Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vì đó chính là con cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Gần ngày bầu cử tại Mỹ, Lyndon Johnson ra lịnh ngưng oanh tạc Hà Nội để viện dẫn dấu hiệu hòa đàm thành công hầu mang lại sự ủng hộ của cử tri cho ứng viên Dân chủ Hurbert Humphrey. Tuy nhiên, trong thông điệp Quốc Khánh trước Lưỡng viện Quốc hội ngày 1-11-1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tẩy chay hòa đàm Paris vì những sự bất lợi nghiêng về phía Việt Nam Cộng Hòa. Tờ Washing Post đã đăng tải quyết định này trước ngày bầu cử khiến nhân dân Hoa Kỳ nghi ngờ thực tâm của chính quyền Lyndon Johnson mà ứng cử viên Hubert Humprey sẽ tiếp nối. Do đó kết quả bầu cử cho ứng viên Cộng Hòa hơn hẳn nửa triệu phiếu dành chiếc vé vào tòa Bạch ốc đến cựu Phó Tổng thống Richard Nixon (43.4% vs 42.7%). Khi làm chủ Bạch cung thì Kissinger được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia và hành động tiên khởi trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Nixon là Kissinger bằng mọi cách thực hiện cho kỳ được hòa đàm Paris kể cả thực hiện cuộc đi đêm với phía Hà Nội mà không thông báo cho Việt Nam Cộng Hòa, thậm chí Đại sứ Mỹ tại Nam Việt là Bunker cũng ém nhẹm vụ bất minh trên. Tiến xa hơn một buớc, Henry Kissinger muốn cho Richard Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ II nên phải giải quyết gấp những vấn đề mà các phe liên hệ chưa chấp nhận, vì thế mà Kissinger đã bay đến Hà Nội vào trung tuần tháng 10 năm 1972 mật đàm với Lê Đức Thọ, Xuân Thủy..lại không thông qua đồng minh Việt Nam Cộng Hòa.

Khi bản văn Hiệp định Paris phát thảo bằng Anh ngữ có chữ ký tắt của Henry Kissinger và Lê Đức Thọ gồm nhiều điểm bất lợi nghiêng về miền Nam Việt Nam, giá như nếu Sài Gòn đồng thuận thì chẳng khác nào dâng miền Nam cho Bắc Việt thống trị. Thật ra, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cương quyết không đến tham dự hội đàm Paris ở giai đoạn đầu vì sự hiện diện của Mặt trận Giải phóng Miền nam Việt Nam, một quái thai của Hà Nội và Cộng quân được quyền ở lại miền Nam theo hòa ước; hơn nữa, Hoa kỳ viện cớ đình chiến để có thể rút khỏi chiến trường Việt Nam, Hà Nội lợi dụng lúc này sẽ xua quân vào vĩ tuyến 17 ngay tức thời. Người Mỹ không hiểu tâm địa Cộng sản bằng chính người Việt; bản chất gian ác, lừa dối và khủng bố của Việt Cộng đã lộ rõ từ sau hiệp định Genève 1954 đến cuộc cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm và Tết Mậu Thân. Thế yếu của Việt Nam Cộng Hòa là sự lệ thuộc quân viện từ đồng minh, nếu Hoa Kỳ không viện trợ vũ khí và đạn dược thì lấy gì bảo vệ miền Nam khi Hà Nội được Liên Sô và Trung Cộng hậu thuẩn tối đa.

Tổng thống đệ nhị Cộng Hòa đứng giữa hai ngả rẽ trọng đại của đất nước với chữ “yes, no”. Nếu thuận ký thì quân viện được trang bị tiếp tục chiến đấu bảo vệ tiền đồn thế giới tự do, nhưng như vậy có nghĩa là trước sau gì Cộng Sản cũng thôn tính bởi bản văn ghi rõ quyền trú đóng của họ tại Nam Việt dù Nixon đã viết thư hứa hẹn với Tổng thống Thiệu rằng, “tôi xin bảo đảm với ngài, nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định thì Hoa Kỳ sẽ trả đũa trong vòng 24 giờ”. Còn nếu phủ quyết thì hậu quả là “Hoa Kỳ cắt đứt mọi viện trợ đến quý quốc” và Mỹ sẽ hành động đơn phương cũng như lời đề nghị rút hết 300 ngàn binh sĩ Bắc Việt gài lại trong Nam phải tập kết về Bắc không được cứu xét.

Để tăng thêm sự bảo đảm giá trị pháp lý vĩnh cửu cho bản Hiệp định Paris được tôn trọng, Hoa kỳ yêu cầu ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim chứng kiến cùng các quốc gia đại cường trong Hội đồng Bảo an là Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Cộng thêm bốn nước thành viên Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Ba Lan, Hung Gia Lợi, Nam Dương và Gia Nã Đại đồng bảo trợ, chính hành động bảo kê này buộc Việt Nam Cộng Hòa chấp thuận cho Ngoại trưởng Trần Văn Lắm đến thủ đô Paris ký kết văn kiện chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam.

Nhưng đau đớn thay, hiệp định chưa ráo mực thì Bắc Việt vi phạm tức khắc. Hoa Kỳ nhẹ nhàng rút hết binh sĩ khỏi miền Nam và các tù binh Mỹ tại Hà Nội cũng đáp máy bay về Hoa Thịnh Đốn. Họa vô đơn chí, ngày 8 tháng 8 năm 1974 Richard Nixon từ chức vì tai tiếng vụ Watergate, những hứa hẹn của vị tổng thống siêu cường đối với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng bay theo làng gió. Phó Tổng thống Gerald R. Ford lên thay thế cương vị số Một hành pháp Hoa Kỳ chẳng có chút “nợ nần” với những lời cam kết mà vị tiền nhiệm từng viết trên giấy trắng mực đen.

Nội dung của Hiệp định Paris chính là bản án tử hình đối với Việt Nam Cộng Hòa; nhìn vào điều 2 văn kiện sẽ thấy rõ mối đại họa được trân trọng đóng khung như sau: “Ngừng bắn trên toàn Việt Nam sẽ bắt đầu từ 27 tháng 1 năm 1973: với tất cả các đơn vị quân sự ở nguyên vị trí. Mọi tranh chấp về quyền kiểm soát lãnh thổ sẽ được giải quyết bởi uỷ ban quân sự liên hợp giữa hai lực lượng của Việt Nam Cộng hòa và Việt Cộng. Trong vòng 60 ngày, sẽ có cuộc rút lui hoàn toàn của quân đội Mỹ và đồng minh cùng các nhân viên quân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam Cộng hòa. Các bên không được tăng cường binh lính, nhân viên quân sự, vũ khí, đạn dược hoặc vật liệu chiến tranh vào Nam Việt Nam, trong trường hợp để thay thế thì phải theo nguyên tắc một-đổi-một. Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục can thiệp quân sự vào "các vấn đề nội bộ" của Nam Việt Nam”. Rõ ràng Hoa Kỳ phủi tay với đồng minh vì quyền lợi của Nixon mong đạt được phiếu cho lần tái cử hơn là lý tưởng bảo vệ dân chủ, tự do!. Nhưng mối họa khủng khiếp lù lù trước mặt là gần nửa triệu quân Bắc Việt tiếp tục ở lại chiến trường miền Nam cộng thêm binh đội của cái gọi là Mặt trận Giải phóng thì dễ gì Việt Nam Cộng Hòa trường tồn?

Trên thực tế, Hiệp định Genève 1954 đã chia cắt đất nước ở vĩ tuyến thứ 17 thành hai thể chế chính trị có quốc hiệu riêng biệt, do đó bất cứ người bộ đội Cộng Sản miền Bắc xâm nhập vào Nam phải được tống xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, đàng này hiệp định Paris ngầm cho phép quân Bắc Việt ở lại là điềm hiểm họa khôn lường. Đúng như vậy, sau khi hiệp định hòa bình ký kết thì chiến tranh lần lượt leo thang, người dân miền Nam chưa được hưởng một ngày an lành cho đến lúc chính quyền Sài Gòn sụp đổ trưa 30 tháng Tư năm 1975.

Trở lại cuối năm 1973 khi Ủy ban Nobel bầu chọn hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ nhận giải thưởng Hòa bình đã làm cho ý nghĩa cao quý từ sáng kiến của kỹ sư Thụy Điển Alfred B. Nobel thiết lập năm 1895 bị hoen ố. Bởi vì hơn ai hết, người Việt Nam lương thiện nào cũng biết ông Kissinger tận tụy thương thuyết để Hoa Kỳ có cớ “bỏ đồng minh tháo chạy” chẳng đếm xỉa đến an nguy của nhân dân miền Nam chứ đừng nói gì đến chữ hòa bình. Còn Lê Đức Thọ thương thuyết hiệp định ngưng bắn với ý đồ tiến chiếm miền Nam bằng vũ lực sau khi Hoa Kỳ rút quân. Nếu họ Lê thực tâm vì hòa bình thì mắc mớ gì phải từ chối giải thưởng, bởi lẽ chính ông ta biết rằng, nếu lỡ nhận rồi thì ăn nói làm sao với thế giới khi mã tấu, súng đạn, xe tăng, bộ đội dồn dập tấn công miền Nam hiền lành?

Đồng hồ trên vách tường cafeteria chỉ đúng 8 giờ tối, trời mưa khá nặng hạt nhưng Helen, Thomas và Nancy chăm chú nghe tôi phân tích từng phần. Cả bốn chúng tôi thật xúc động vì cảm thấy bị thương tổn khá nặng với thân phận con dân một nước nhược tiểu. Ly CaCao nguội ngắt, tôi dự định kết thúc buổi hàn huyên “bỏ túi” thì Thomas hỏi một câu hết sức quan trọng:
-Thưa thầy, vậy thì bản hiệp định Paris có còn giá trị pháp lý hay không?
-Thật ra bản hiệp định chưa thực hiện được ý nghĩa hòa bình theo tinh thần của nhiều quốc gia mong mỏi ngoài âm mưu của Mỹ rút quân và Bắc Việt xâm lăng. Những người ký kết vẫn còn sống ít nhất đến giờ phút này; chánh thể Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ nhưng người dân miền Nam chuộng tự do vẫn còn hiện hữu trong cũng như ngoài nước có quyền đòi hỏi quốc tế thực thi nghiêm chỉnh hiệp định Paris trong khuôn khổ một cuộc tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát.

Cộng Sản Bắc Việt đã vi phạm hiệp định Paris, dùng bạo lực trấn áp các phong trào dân chủ hòng độc tôn lãnh đạo đất nước, nhưng xu thế thời đại buộc Hà Nội phải đổi mới để sống còn, chỉ phương thức đa nguyên mới có khả năng giải quyết những bế tắc trầm luân giữa quốc dân. Chia rẽ, cục bộ, địa phương tính “đàng ngoài, đàng trong” mãi mãi bào mòn sức sống của dân tộc. Chính lúc nầy, tinh thần của bản hiệp định Paris tự nó khẳng định giá trị vĩnh cửu bởi nhu cầu thống nhất thật sự mà quốc dân Việt Nam đang mong chờ qua cuộc phổ thông đầu phiếu tương lai.

Cộng Sản độc tài đã cai trị đất nước không mang lại hòa bình, tự do dân chủ đúng nghĩa cho người dân miền Nam cũng như đại khối dân tộc, thì nhu cầu tranh đấu để thực thi bản hiệp định Paris dưới hình thức nào đó quả là thiết thực, hợp lòng dân, phù hợp với xu thế thời đại. Chắc chắn vận mệnh đất nước phải do người Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình, đó là con đường thật sự về với dân tộc.
 
27 Giêng 2010

Tài liệu tham khảo:
- Khi Đồng Minh Tháo Chạy Nguyễn Tiến Hưng 2005
- Quá trình đàm phán Hiệp định Paris 1972 - nhìn từ phía Mỹ English Version do Dương Thành translated into Vietnamese
- Bản văn Nguyên Thủy Hiệp định Paris 1973 Truy cập Web
- Nixon's Blitz Leads Back to the Table, Truy cập từ Time magazine Date: Jan. 8, 1973.
- Hiệp định Paris 1973 và các văn bản có liên quan/Nghị định thư số 1 của Hiệp định Paris năm 1973 Source: Văn thư lưu trữ tại Wikisource
- Tác giả phỏng vấn Cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn Calitoday newspaper @www.truyenhinhvietnam.TV
- Tác giả phỏng vấn Cựu Đại Sứ VNCH Bùi Diễm Giới thiệu sách “Sống Còn Với Dân Tộc” của Hà Thúc Ký Oct-10-2009 @Truyenhinhvietnam.TV