Dinh Độc Lập 30 Tháng 4 Năm 1975 |
Tác Giả: Thanh Thương Hoàng | |||
Thứ Sáu, 18 Tháng 12 Năm 2009 10:27 | |||
Hàng năm cứ tới ngày 30 tháng Tư đa số người Việt nơi hải ngoại chúng ta lại không khỏi bâng khuâng xao xuyến, không khỏi thở ngắn than dài, không khỏi ăn năn hối tiếc, và nhất là không khỏi oán hờn (cả bạn lẫn thù). Mặc dầu đã hơn 30 năm trời trôi qua, thời gian đã phôi pha, biết bao vật đổi sao rời, mà lòng người Việt vẫn“ đá mòn nhưng dạ chẳng mòn”. Tới ngày này là dư luận lại như nổi sóng và mọi việc người ta nói tới khiến có cảm tưởng như mới xẩy ra ngày hôm qua. Chuyện thật, chuyện giả, tuyên truyền, bênh vực, xuyên tạc, khiến cho lớp hậu sinh (thuộc các thế hệ sau) sinh ra và lớn lên ở đất nước người này sẽ chẳng biết đâu mà lần. Và tất nhiên dù muốn dù không rồi người ta cũng sẽ tin vào lời nói và sách viết của những kẻ tự coi là thắng trận vì mấy ai chịu tin kẻ bị thua (?). Do đó sẽ rất thiệt thòi cho chúng ta, những người quốc gia. Chúng ta sẽ bị mang tiếng và sẽ “mất mặt”, vì theo luận cứ của kẻ (tự coi là) chiến thắng, thì chúng ta là người có “tội” với đất nước. Vậy theo tôi, trong khi chúng ta, những người quốc gia cuối cùng còn lại (của cuộc chiến) nên nói, nên viết ra hết những gì mình tai nghe mắt thấy, dù lớn dù nhỏ, trong cơn biến động long trời lở đất của non sông đất nước để may ra góp được phần nào trong muôn một của sự thật, ngõ hầu con cháu chúng ta mai sau có thể “nhìn” thấy để biết sự thật (lịch sử) một cách vô tư trong sáng. Tôi may mắn được quen biết một ông bạn già nhà binh từ khá lâu và được ông cho biết ông có một người bạn từng chứng kiến nhiều sự việc xẩy ra trong và quanh Dinh Độc lập, vì ông giữ một vai trò khá quan trọng (trong Dinh) những ngày Saigon hấp hối – 30 tháng Tư 1975. Ông vốn là người khiêm tốn, kín tiếng, không muốn “lời qua tiếng lại ồn ào”, thầm lặng sống những ngày tháng còn lại nơi xứ người. Tôi nghe cũng để biết vậy mà thôi. Một buổi tối tôi “coi” truyền hình thấy một ông nhà thơ phỏng vấn một cựu sĩ quan VNCH về những vấn đề có tính cách “ngoại sử” nhưng lại rất hữu ích cho những người còn ôm mối hận lưu vong. Tôi chợt nhớ tới “ông bạn của ông bạn tôi”, một nhân vật từng một thời “trấn nhậm” trong Dinh Độc lập. Tôi nghĩ ông phải biết nhiều sự việc xẩy ra trong mấy ngày Dinh đổi chủ, biết đâu chẳng giúp giải đáp cho mình nhiều nghi vấn. Tôi nhờ ông bạn nhà binh già dàn xếp cho một cuộc phỏng vấn. Lúc đầu ông (người tôi muốn phỏng vấn) tỏ ý ngại ngùng vì “không muốn dư luận bàn tán đàm tiếu”. Nhưng rồi nể lời ông “ bạn đồng cấp”của ông, ông bằng lòng với sự dè dặt thường lệ: “Biết gì, thấy gì tôi nói, thế thôi, vì tôi không phải là yếu nhân, chỉ là kẻ thừa hành của người trong cuộc.” Chuyện ông cho tôi biết, dù nếu chẳng có gì to tát hay quan trọng, tôi nghĩ đó cũng là những sự việc mà chúng ta nên ghi nhận để (nếu đúng là vậy) trả lại sự thật cho những sự việc mà bấy lâu nay chúng ta vẫn cứ đinh ninh là như vậy. Hơn nữa, một vài viên gạch của ngôi nhà sụp đổ biết đâu lại chẳng giúp chúng ta khi cần có thêm vật liệu để xây lại một bức tường! Ông không muốn tôi kể tên ông trong bài viết. Tôi nói nếu vậy bài viết sẽ khó tạo được niềm tin nơi người đọc và giá trị sự thật giảm đi nhiều (vì có thể người ta cho là tôi bịa). Vậy thì tôi cứ xin phép kể tên và chức vụ ông ra đây. Ông có trách tôi xin chịu. Nhưng dù sao, nể lời ông, tôi xin ghi tắt tên họ ông. Đó là (nguyên) đại tá VQC, chánh võ phòng Dinh Độc lập dưới “trào” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho tới ngày 30.4.1975. Cuộc chuyện trò diễn ra dưới hình thức phỏng vấn, hỏi đáp. Được hỏi về những việc xẩy ra trong ngày 30.4.1975 trong và quanh Dinh Độc lập (mà ông tai nghe mắt thấy) ông VQC cho biết: hai cánh cổng chính (mặt tiền) Dinh Độc lập ngày 30.4 được mở từ buổi sáng. Khi đó trong Dinh mọi người vẫn qua lại tuy với một cung cách không bình thường. Ông Nguyễn Văn Hảo (nguyên phó Thủ tướng) thấy ông vẫn mặc bộ đồ nhà binh nói ông và các nhân viên quân đội làm việc trong Dinh nên thay đồ dân sự là hơn.. Thế là từ lúc đó trong Dinh chỉ còn một người duy nhất bận đồ nhà binh, cổ áo mang ngôi sao: đó là cựu chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh vừa được “phong” quyền Tổng tham mưu trưởng. Vào lúc 10 giờ 30 có một xe bọc sắt (hình như là loại V10) của Lôi Hổ (lực lượng đặc biệt) chở mấy sĩ quan mặc đồ rằn ri tới. Họ vào trong Dinh mời ông Nguyễn Hữu Hạnh ra trước cửa Dinh đứng trước chỗ xe bọc sắt đậu và lớn tiếng chất vấn: “Chưa có gì sao đã bắt (chúng tôi) buông súng?” Sau một hồi nói qua nói lại, không biết ông Hạnh nói gì đó, mấy sĩ quan này bỏ ra xe bọc sắt phóng đi. Ông Hạnh vào trong Dinh nói với ông VQC muốn có một xe díp để đến Bộ Tổng tham mưu. Ông VQC kiếm cớ từ chối là tài xế đã bỏ đi mất. Tới khi bị nhốt chung trong phòng, ông Hạnh nói với ông VQC: “Tôi cám ơn anh lắm. Sự việc mà anh không giúp tôi (cái xe) để trở về Bộ Tổng Tham Mưu đã cứu sống tôi.” Ý ông ta nói là nếu lúc đó ông trở về Bộ Tổng tham mưu thì có thể đã bị (quân ta) giết chết. Sau khi hạ cờ VNCH trên nóc Dinh Độc lập và treo cờ Giải phóng miền Nam xong (chính là lá cờ trên xe tăng), binh lính Việt cộng trên hai xe tăng đậu trước sân Dinh đồng loạt nổ súng chỉ thiên để mừng chiến thắng. Kể từ lúc hai cái xe tăng vào trong Dinh cho đến khoảng 1 giờ sau, trong Dinh coi như ai muốn đi ra ngoài hay ở lại cũng được, chưa có sự kiềm chế nào. Các viên chức trong Nội các mới đều ở lại trong Dinh. Hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ở trên lầu. Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều, một lính VC đứng ở ngay gần cầu thang đi lên lầu dùng tay đưa lên miệng làm loa và nói lớn: “Ai có phận sự trong Dinh thì vào làm việc với chúng tôi trong phòng họp này (chỉ vào phòng lớn mà trước đây vẫn dùng làm phòng họp nội các), phòng này nằm ở tầng dưới, phía bên cánh trái dinh Độc Lập. Còn không thì ra về.” Lúc ấy dân chúng lục tục ra về hết. Vào khoảng 3 giờ chiều chúng tôi bị họ đưa xuống nhốt trong một phòng dưới tầng hầm là chỗ làm việc dành cho Tổng thống khi có biến cố đảo chánh xảy ra, (phòng này ở liền bên cạnh có phòng đặt máy móc truyền tin). Buổi tối họ chuyển chúng tôi lên phòng họp nội các trước đây, là ngay tầng trên của căn phòng dưới hầm, tức là căn phòng mà họ đã chỉ định cho chúng tôi vào trong đó không được đi ra ngoài, bên ngoài cửa thì có một binh sĩ VC mang súng AK đứng gác.. Có tất cả 23 người bị nhốt hai ngày tại phòng đó.. Trong số này tôi nhận thấy có các ông Bùi Tường Huân, Bùi Thế Dung, chủ tịch Giám sát viện Bùi Hòe Thực, hai đại tá giữ chức vụ Giám sát viên, cựu chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, một số anh em sĩ quan cấp úy và binh sĩ, có cả anh lính lái xe cho tôi. Nhìn ra ngoài phòng (qua cửa kính) tôi thấy ông Nguyễn Văn Hảo đi qua lại thong thả và chuyện trò với binh lính Việt cộng. (Lời ghi thêm của người viết: ông Nguyễn Văn Hảo khi đó không giữ một chức vụ nào trong Nội các Vũ Văn Mẫu. Ông tự động vào trong Dinh Độc lập với những ý đồ riêng). Chúng tôi bị giữ từ chiều ngày 30 mãi tới sáng ngày 2 tháng 5 thì tôi được tha về. Tôi không hiểu sao họ chỉ gọi mình tôi. Trước khi thả, một người xưng là Đại tá phó chính uỷ quân đoàn (chiếm Dinh Độc lập) trao tôi một tờ giấy nhỏ bằng bàn tay đánh máy, do ông ta ký tên chứng nhận cho tôi về nhà chờ lệnh sau. Và ông ta cũng thông báo với tôi là “ngày mai sẽ cho các anh về hết”. Trước khi về tôi lên lầu chào tướng Dương Văn Minh. Tôi nhớ mãi câu ông nói với tôi khi chia tay một cách rất chân tình và cảm động: “Anh C. à! Tôi nghĩ việc tôi làm không có gì ân hận cả. Vì việc làm của tôi đã cứu rất nhiều người giúp cho Saigòn không bị đổ máu.” Kể tới đây ông VQC nhớ lại buổi tối 29 tháng tư, lúc 11 giờ đêm, ông cùng Trung tá Võ Ngọc Lân (chỉ huy trưởng Liên đoàn phòng vệ phủ Tổng thống) thấy ông Dương Văn Minh đang đi qua lại trước cửa Dinh, ông hỏi ông Dương Văn Minh cốt ý để cho ông Trung Tá Võ Ngọc Lân cùng nghe thấy lệnh: “Thưa Trung Tướng nếu ngay đêm nay các đơn vị của quân đội ở bên ngoài không còn chiến đấu, để bỏ trống rồi Việt Cộng vào tới đây, bọn họ tấn công thẳng vô Dinh, mình có chiến đấu đến cùng để giữ không?” Ông Minh sau một lúc có vẻ khó trả lời rồi chỉ nói vắn tắt: “Thôi anh à!” Sau khi được cái lệnh đó của ông Dương Văn Minh, ông VQC nói cho Trung Tá Võ Ngọc Lân thi hành ở trong Dinh rồi dùng xe đi ra ngoài cổng Dinh Độc Lập, qua phía bộ Ngoại giao, nơi có một tiểu đoàn Nhẩy Dù trấn đóng. Ông gặp Thiếu tá chỉ huy tiểu đoàn Dù nói lại lệnh của tổng thống Dương Văn Minh. Ông Thiếu tá Dù đòi ông VQC viết giấy làm bằng. Ông VQC đã viết mấy chữ trên tờ giấy nhỏ rồi ký tên. Sau đó ông trở vào Dinh và khoảng 12 giờ đêm thì ông cùng ông Dương Văn Minh và một số người trong Nội các mới ra về Dinh Hoa Lan, ngủ lại đó tới sáng hôm sau (30.4) thì tất cả đến Dinh Độc lập. Ông VQC nói là cả ngày 30 tháng Tư, bọn ông bị bỏ đói cả ngày, và khát thì uống nước máy. Buổi tối ông được một người lính dưới quyền kiếm cho ít cơm cháy chia nhau ăn và rồi tất cả 23 người đều phải ngủ ngồi trong phòng. Tối đó ông thấy bộ đội kéo vào trong Dinh rất đông. Họ tấp nập nấu nướng ăn uống tắm rửa giặt dũ.. Tôi hỏi: “Có sự chống đối nào trong Dinh không?” Đáp: “Vì bị nhốt trong phòng nên tôi không biết những việc xẩy ra bên ngoài. Sau này tôi có nghe nói một trung úy trong đội cận vê bị bắn chết, không hiểu rõ nguyên do.” Tôi muốn biết về việc các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh được “họ” cho về khi nào, ông VQC cho biết buổi sáng ông về thì buổi chiều được tin các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh và những người khác cũng được về ngay buổi chiều hôm đó. Câu chuyện “Dinh Độc lập” tới đây coi như chấm dứt. Trước khi chia tay ra về, ông VQC như chợt nhớ ra nói: “Còn một chuyện này nữa, ngày 6 tháng Tư (1975) anh Võ Văn Cầm, (đại tá chánh văn phòng phủ Tổng thống, người trực tiếp nhận lệnh Tổng thống rồi truyền lại cho các viên chức hữu trách trong Dinh) nói với tôi: “Kể từ hôm nay và trong 3 ngày sắp tới, nếu có biến cố gì xảy ra, anh ráng điều động lực lượng phòng vệ Dinh cố thủ cho bằng được từ cổng Dinh vào tới trong Dinh độ nửa giờ. Sau đó tôi có người lo.” Tôi thắc mắc: “Tại sao có chuyện đó? Anh Cầm nói có thể có đảo chánh và sẽ có lực lượng nhẩy dù và thiết giáp tiếp cứu.” (Không thấy có đảo chánh xẩy ra như chúng ta biết nhưng sáng ngày 8 tháng Tư viên phi công Nguyễn Thành Trung lái F5 thả bom Dinh Độc lập).
|