Home Giải Trí Truyện Cười Kiêng nói tục

Kiêng nói tục PDF Print E-mail
Tác Giả: Nhất Thanh – Vũ văn Khiếu   
Thứ Bảy, 03 Tháng 7 Năm 2010 11:49

Trai gái cùng nhau thỏa mãn cái việc tình dục thì nói là ngủ với nhau, là đi lại.

Khi đọc sách cũng như khi dạy học nhà Nho còn kiêng, không phát âm đúng những chữ Nho cho là nên đọc trạnh, vì e ngại không được trang trọng trong việc giáo huấn, như đái thì đọc là đới, khỉ đọc là khởi. Khỉ không phải là tiếng tục tĩu, nhưng chẳng ai ưa nói, nhất là đọc chung với chữ nghĩa thánh hiền.
 
Con khỉ đã vậy, con chó làm sao? Người Việt nam ưa mến chó lắm, thường khen cửa miệng là tình chó ngựa (khuyển mã chi tình), vì nó là giống có nghĩa, còn hơn nhiều người nữa. Nhưng vì chó hay ăn cứt, đây là lỗi tại người nước ta đại đa số nghèo - vẫn tại cái nghèo!- không nuôi được nó hẳn hoi, nó phải đi tìm ăn dơ bẩn, và bị khinh khi. Ở những nhà đói nghèo quanh năm thì con chó có hình dạng một bối rẻ rách, mất hẳn chân gía trị của nó. Đến lúc người ta cần, hay thấy rằng nên hóa kiếp cho nó, mà nói ăn thịt chó thì nghe có vẻ thô bạo, tục tĩu và cũng kém ngon, người ta mới nói trạnh là ăn thịt cầy, vì con cầy là một giống thú hình dạng, tầm vóc gần như con chó. Nhưng chưa đủ, tiếng thịt cầy vẫn còn gần gũi lắm với tiếng thịt chó, người ta tìm cách nói bóng gío, xa xôi hơn, nói lái hai tiếng con cầy ra cây còn, và dịch luôn ra chữ Hán là „mộc tồn“ cho văn vẻ, xa lạ hơn nữa. Và từ đó tiếng cầy đã bất ngờ thành văn liệu qúi gía, được người ta dùng trong việc đặt tên cho một cửa hàng bán thịt chó là „Cờ Tây“; khách mộ điệu biết ngay là cầy tơ, vừa mềm, vừa ngon. Qủa thực tục kiêng nói đã đi qúa xa với món mộc tồn này.
 
Ta hay kiêng những tiếng cho là tục tĩu, nhơ bẩn và tìm cách nói trạnh, hoặc nói khác đi, như đi đái thì nói đi tiểu (do chữ Hán tiểu tiện), đi ỉa thì nói đi cầu, đi ngoài, ra sau; thời trước hầu hết các nhà, kể cả tỉnh thành, không có cầu tiêu, mọi người đều phải đi ra ngoài đồng, ngoài đường xa, để làm cái việc trút bỏ cần thiết hàng ngày, cho nên mới nói là đi ngoài.
 
Trai gái cùng nhau thỏa mãn cái việc tình dục thì nói là ngủ với nhau, là đi lại.
 
Riêng cái lồn chỉ vì kiêng nói - có lẽ chỉ kiêng nói thôi - mà có lắm chuyện quanh quẩn. Nếu phải nói đến, hay phải viết ra thì người ta dùng hai chữ chỗ kín hay cửa mình thay vào.
 
Hồi trước sinh viên trường cao đẳng y khoa Hà nội có người kiêng, không dám nói vagin, mà đọc trạnh là "vắc dinh“, mặc dù đây là tiếng Pháp, vì cho rằng phát âm đúng là tục tĩu.
 
Nhà văn cũng kiêng nể, không nỡ gọi tên cái ra, như trong vế một câu đối "Ngàn năm danh gía CỦA bà to“ là mượn tiếng của mà nói bóng sang, ai cũng hiểu dụng ý châm biếm.
 
Ở xứ Bắc mà nói đồ là nói kiêng, nói trạnh, như trong bài thơ rỡn thầy đồ rằng:
 
Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ,
Ra hồ sen xem ả hái hoa.
Ả hớ hênh, ả để đồ ra.
Đồ trông thấy, ngâm ngay tức khắc
   ...
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp,
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia ...
 
Thì người đọc vẫn phân biệt được tường tận thầy đồ với cái kia. Đồ với đồ đạc, đồ chơi, thầy đồ vẫn khác nhau rõ ràng, không thể lẫn lộn.
 
Lồn còn có cái tên văn vẻ là sự đời, như trong câu ca dao dưới đây:
 
Sáng trăng em nghĩ tối trời,
Em ngồi em để sự đời em ra.
Sự đời bằng cái lá đa,
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.
 
Đại chúng bình dân nhiều khi mộc mạc, không hoa hòe hoa sói, mạnh dạn đến ngổ ngáo, dường như muốn chống đối những kiểu cách kia, nói bốp chát:
 
Cốc! cốc! Ai có lồn mốc đem ra phơi!
Ai có lồn tươi, đem ra nhắm rượu!
 
Có lẽ người đời hay rủa nhau: ăn L..! Mà mấy “đấng” ưa nhậu sinh ra thèm cái món đồ nhắm ấy, chứ ai đời đã được thưởng thức tay đũa tay chén.
 
Anh chị em bình dân không ưa làng văn gỉa dối ở chỗ ham muốn lại cứ tìm lời bóng bẩy nói đến, nhắc đến luôn, đã lên tiếng đả kích, nói toạc móng heo, chả kiêng nể gì:
 
Dù ai trăm khéo ngàn khôn,
Đến cửa nhà lồn qùi gối chống tay.
 
Hay là:
 
Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần lồn ám ảnh cũng mê mẩn đời.
 
Rõ thật phũ phàng mà không qúa đáng, không sai ngoa.
 
Buồi thì không được nói đến, chắc không phải phái đẹp không khoái “ngâm vịnh” như bọn tu mi, nhưng có lẽ vì cảm nghĩ nhiều mà nói chẳng nên lời, thôi thì có chăng ta biết sự ta là đủ, hà tất phải rùm beng.
 
Đàn ông thô lỗ nói hay văng quéo, văng muỗm, nghĩa là văng buồi, văng cặc. Nói chữ thì cái ấy của đàn ông là ngọc hành. Nhà Nho đã chẳng mượn chữ sách mà viết bốn chữ, giúp cho mấy ông Phán sự thời Pháp thuộc mừng một đồng nghiệp được thưởng Bắc đẩu bội tinh, rằng: “Kỳ nhân như ngọc”, bốn chữ ấy trên bức hoành phi sơn son thiếp vàng có nghĩa: “Ông là người qúi như ngọc”, nhưng nếu liên tưởng đến hai chữ ngọc hành thì hóa ra: “Ông như con cặc”.
 
Buồi của trẻ nhỏ được người lớn đổi tên ra chim cho thanh nhã, không thì ít ra cũng đỡ thô tục như hình ảnh lởn vởn gợi trong một bài thơ vịnh cái ấy:
 
Kềnh càng phải khoảng anh con ngựa,
Nhếch nhác ưa nhìn chị cái đoi.
 
Trong một bữa tiệc có món chim quay kém ngon, một thực khách duyên dáng, có tiếng là sành đủ thứ, gọi chủ quán lại hỏi:
 
- Sao hôm nay chim của chú gầy, không to bằng hôm nọ?
 
Mọi người nghe đều ngỡ ngàng, đưa mắt nhìn nhau …
 
Trích trong Đất lề quê thói  (Phong tục Việt nam)
Tác gỉa Nhất Thanh – Vũ văn Khiếu