Arizona ký sự PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðặng Mỹ Hạnh & Andy Nguyễn   
Thứ Tư, 05 Tháng 11 Năm 2008 13:43

Xương rồng Arizona Barrel Cactus. 

 

Thỏ Antelope Jackrabbit ở vùng sa mạc Arizona.

 

Loài chim Mexican Jay. 

 

Nai ở vùng núi Jack Mountain.

  Cuộc hành trình dài ngày của hai nhà phiêu lưu kiêm nhiếp ảnh gia Ðặng Mỹ Hạnh và Andy Nguyễn được tổng kết với những con số sau: lotion chống nắng, 2 chai; thuốc xịt muỗi hiệu Deed, 3 bình; bánh mì footlong ở Subway, 16 ổ; Ice Coffee ở McDonald's, 18 ly; steak ở Golden Corral buffet, 40 miếng; khoảng cách của cuộc hành trình, 8,900 miles; điểm đến cao nhất, 7,200 feet; điểm đến thấp nhất, 800 feet dưới mặt đất; số lần bị muỗi cắn, hơn 20 (thuốc xịt muỗi vẫn chưa đủ tác dụng!) 

Một kế hoạch phức tạp của cuộc hành trình về tận cùng phía Nam nước Mỹ - với mong muốn sẽ thỏa mãn cá tính mạo hiểm - đã được hai nhà phiêu lưu phác thảo ngay sau khi kết thúc chuyến phiêu lưu đầu tiên vào hạ tuần Tháng Ba vừa qua. Andy Nguyễn - người bạn đời/đồng hành với người viết - vẫn luôn chu toàn, xuất sắc trong vai trò lên kế hoạch với dự tính sắp xếp lịch trình rất chi tiết. Từ những kinh nghiệm học hỏi của chuyến phiêu lưu trước, phần lương thực chủ yếu được đem theo trong chuyến đi này gồm những thực phẩm khô, đồ hộp, tăng cường 3 két nước lọc; phần dụng cụ nhiếp ảnh đã chiếm khá nhiều diện tích nên trang phục mang theo phải hạn chế tối đa. Là thành viên của dịch vụ du lịch AAA, cả hai có thể an tâm khi có vấn đề xảy ra dọc đường đi (xe hư hỏng, bể bánh, hoặc hết xăng...); bản đồ, thông tin hướng dẫn du lịch được cung cấp miễn phí đủ cần thiết cho cuộc hành trình dài ngày. Du lịch bằng xe trong thời điểm xăng đang lên giá (Little Saigon $3.89/gallon) quả thực không mấy hài lòng nhưng với 28 miles/gallon, $200/tuần, chiếc Ford Escape của dịch vụ thuê mướn xe Avis cũng khá đáp ứng nhu cầu của cả hai; phần “bonus” với một dàn loa cực mạnh trong xe đủ gây hứng thú và thức tỉnh sự ngấm ngầm len lỏi của những cơn buồn ngủ triền miên trong cuộc hành trình dài. 

Ngày 1

 3 giờ chiều! Chiếc Ford Escape khởi hành từ Midway City (Orange County) dọc theo một chuỗi xa lộ trong thành phố trước khi rẽ vào quốc lộ Interstate I-10. Xe vừa qua khỏi Indio, cả hai đã bắt đầu cảm nhận được cái nóng hậm hực của vùng sa mạc. 

Yippie-ie-o! 6 giờ chiều xe băng qua biên giới Arizona - một trong những tiểu bang của miền Tây hoang dã với những trận chiến thời cao bồi da đỏ vào cuối thế kỷ thứ 19 - trực chỉ tiến đến thành phố giữa sa mạc Phoenix, thủ phủ và là thành phố lớn nhất Arizona. Hai lữ khách đường xa quần quanh những trạm xăng, lò dò quan sát giá biểu xăng quanh vùng nhưng thấp nhất cũng chỉ ở $3.71/gallon. Nhà hàng Golden Corral đã gần giờ đóng cửa, bữa ăn tối vội vã chẳng làm hài lòng hai cái bao tử vì những miếng steak nguội dai như thịt bò khô.

 Trên đoạn đường đến thành phố Tucson, cơn mưa như thác nước đổ vội rồi ngừng hẳn. Sau hơn 8 tiếng đồng hồ dài trên xa lộ, đã quá nửa khuya nên cả hai tạm dừng nghỉ qua đêm nơi trạm nghỉ (rest area) ở thành phố Green Valley gần biên giới Mexico. (chỉ một vài tiếng nghỉ ngơi, nếu làm thủ tục vào khách sạn sẽ không kịp lịch trình chuyến đi).

Khoảng cách từ thành phố Phoenix chỉ một vài tiếng lái xe nhưng sự khác biệt của khí hậu gần vùng núi đã thoáng đãng, mát rượi. Ðêm của những lữ khách xa nhà là giấc ngủ chập chờn của một ngày dài mỏi mệt trên chiếc đệm xe. Lẫn trong tiếng mưa rào rủ rỉ suốt đêm thâu là âm thanh vẳng xa của tiếng hắc tiêu, tiếng khua động của cây cối chuyển mình trong gió, tiếng xịt đỗ của một vài chiếc xe truck đến đi, và cả những tiếng mưa lào xào vỗ đập trên mặt kiếng xe.

 Ngày 2

 Những hạt mưa mát lạnh hắt vào từ cửa sổ xe làm gián đoạn giấc ngủ của người viết. Trong ánh sáng tờ mờ, phó nhòm Andy đã thức giấc đang ngồi nhìn ra cửa kiếng xe với vẻ ủ dột, lo lắng vì lịch trình một ngày leo núi ở Madera Canyon còn tùy thuộc vào thời tiết. Ðồng hồ chỉ mới 5 giờ 30 sáng, người viết lừ đừ bước ra khỏi xe, uể oải làm qua loa mấy cái động tác thư giãn toàn thân vì cái thế nằm cong queo như con tôm rim suốt đêm trên đệm xe. Một vài bước dò dẫm lối vào phòng vệ sinh; người viết bỗng dừng lại chú ý đến tấm bảng “Poisonous snakes & scorpions” (coi chừng rắn độc và bò cạp) ở vùng này, đêm qua tối mù mờ đã sơ ý không nhìn đến. Mưa tạnh hẳn. Thoáng xa, những đám mây trắng dày đặc bao bọc xung quanh chân núi. Quang cảnh tuyệt đẹp của buổi sớm mai được thu gọn trong ống kính của phó nhòm Andy.

 Sáu giờ sáng, mặt trời vẫn còn nấp né sau những đám mây. Khoảng cách từ chỗ nghỉ đến Madera Canyon cũng chỉ 23 miles; sự sắp xếp của Andy luôn chi tiết và hợp lý! Xa lộ I-19 trên đường đi tới Nogales (thị trấn sát biên giới Mexico) có những bản hướng dẫn dọc đường dùng đơn vị kilometers thay cho miles. Dọc đường vào Madera Canyon lác đác nhiều loại cây xương rồng lạ mắt; người viết chú ý một loại xương rồng (hình dạng giống như trái dưa hấu nhưng kích thước lớn hơn, điểm hoa đỏ rực trên đầu “trái”), Arizona Barrel Cactus là một trong những loài xương rồng lớn nhất trong vùng sa mạc Bắc Mỹ. Tiểu bang Arizona lấy xương rồng làm biểu tượng và luôn nhắc nhở du khách nên thận trọng với những loài rắn độc và bò cạp. Chiếc xe chậm rãi tiến dần vào vùng đất Coronado National Forest; cả hai luôn chú ý đến những bảng báo coi chừng: “nai, bò băng qua đường”. Xe tấp vội bên lề đường đất khi cả hai bất chợt nhìn thấy một vật bộ dạng còm cõi thoạt nhìn giống loài Kangaroo với đôi tai dài to lớn thẳng đứng, miệng đang nhóp nhép nhai mấy cọng cỏ. Lần đầu tiên người viết được trông thấy giống thỏ Antelope Jackrabbit sống nơi hoang dã; to lớn gấp đôi giống thỏ thông thường (có cân nặng 10 lbs). Giống thỏ Antelope Jackrabbit chỉ sống ở những vùng đất khô cằn vùng Tucson Arizona hay Madera Canyon và có tốc độ “điền kinh” nhanh đến mức khó loài chó nào có thể đuổi kịp. Antelope Jackrabbit có đặc điểm khác lạ không giống những loài thỏ cùng loài là những thỏ con khi mới sanh ra đã mở mắt và không trụi lủi lông lá; không được ấp ủ trong ổ mà phải tất tả chạy theo mẹ kiếm ăn. Xe ngừng lại ở Proctor Parking (lower canyon). Một cảnh núi rừng xanh ngát se sắt trong làn gió lạnh ban mai. Madera Canyon được bao bọc xung quanh bởi sa mạc; gió nóng thổi từ sa mạc đến chân núi đem theo hơi nóng lên núi, khi lên cao hơi nóng ở nhiệt độ thấp hơn biến thành hơi nước tạo thành mây; những đám mây nặng hạt đã đem mưa nhiều tới vùng núi này tạo nên sự xanh tươi cho cây cối. Một màu xanh đầy sức sống giữa sa mạc khô cằn - quả là một vẻ đẹp lạ lùng của tạo hóa!

 Hơn nửa giờ loay hoay bấm máy, hai phó nhòm lần theo lối mòn khoảng độ nữa mile của Proctor Trail với hy vọng sẽ tìm thấy được Wild Turkey (gà tây) ở dọc khe suối cạn. Khi những bước chân tiến gần đến bỗng chấp chới cả đàn bướm bay vàng cả không gian, trông xa cứ ngỡ như đám lá vàng phủ đầy mặt đất. Hai phó nhòm quan sát vẫn không thấy bóng dáng gà tây cũng không có một giống động vật nào khác ngoài mấy con kiến đỏ cỡ “kingsize” cắn sưng cả thịt da! Hai nhà phiêu lưu vào xe tiếp tục lộ trình tiến lên độ cao 5,400 ft. Xe vừa ngừng ở parking của upper canyon; cả hai chưa kịp sửa soạn dụng cụ thoắt đã thấy cả đàn chim Mexican Jay ùa ra cả bìa rừng nhảy nhót kiếm ăn; tiếng kêu vang vọng cả không gian yên tĩnh sớm mai. Loài chim với sắc lông xanh da trời pha lẫn xám trắng, kích thước khoảng 12 inches; chỉ sống ở vùng Mexico và một góc Arizona. Hơn một giờ rượt đuổi chim, hai cái ống kính tele có dịp chơi trò cút bắt với đám chim Mexico: Mexican Jay, Woodpecker (chim gõ kiến), Painted Redstart (loài chim với bộ lông như được sơn đỏ). Cả hai vẫn đang háo hức trong cuộc săn tìm một loài chim hiếm ở vùng này có tên Elegant Trogon, một loài chim tropical bird sống ở vùng nhiệt đới Nam/Trung Mỹ với cấu tạo màu lông sặc sỡ tuyệt đẹp; kích thước khoảng 1 foot với mảng lưng sắc màu xanh lá cây; màu cam tươi sáng ở khoảng giữa vùng bụng; một viền trắng bao bọc quanh vùng cổ ngực với chiếc mỏ ngắn vàng sậm. Chim chỉ sống ở độ cao từ 4,000-6,000 ft; cuối mùa xuân thường lên vùng Arizona gần biên giới Mexico để làm tổ (dọc đường trail ở những triền núi cao). Thú xem chim trở thành một thú tiêu khiển hàng đầu ở nước Mỹ. Dựa theo thống kê của U.S. Wildlife Service thì hiện nay có hơn 50 triệu người tham dự thú vui lành mạnh này và con số ngày càng gia tăng. Những hội đoàn (Audubon Society) gồm nhiều hội viên tham dự được tổ chức thành những tour đi xem chim/thú ở nhiều địa điểm thiên nhiên khắp nơi trên nước Mỹ và cả trên thế giới. Với nhận xét riêng của người viết thì ngày càng có nhiều tay săn ảnh (chuyên và không chuyên nghiệp) rất đam mê chụp ảnh thú hoang dã với sự đầu tư không nhỏ vào những dụng cụ nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

 Cả hai điểm tâm vội vàng bằng miếng sandwich với bơ đậu phộng để chuẩn bị hành trang cho một ngày dài đi núi (hiking). Ngoài dụng cụ máy móc cần thiết mang theo; lương thực, nước uống phải hạn chế tối đa để không phải khiêng vác nặng. Mặt trời đã lên cao báo hiệu một ngày nắng đẹp. Hai phó nhòm hứng khởi khiêng vác lỉnh khỉnh hành trang men theo đường mòn lên đỉnh núi. Ðộ nửa mile, cả hai bất chợt ngừng lại khi nghe tiếng “co-ah” văng vẳng từ xa như tiếng kêu giận dữ của loài vịt. Thoáng mừng rỡ khi nhận ra âm thanh của loài chim Elegant Trogon, những bước đuổi hoành hoạch theo âm thanh phát ra từ những ngọn cây cao dọc theo đường mòn lên đỉnh núi. Thấp thoáng ẩn hiện trong rừng cây lá nổi bật một sắc lông sặc sỡ tuyệt đẹp. Cả hai dừng bước ngẩn ngơ đứng nhìn bóng chim chuyền vun vút từ cành sang cành rồi vụt mất sau rừng cây thưa; sự ghi nhận trong những chiếc máy ảnh khoảnh khắc đầy ấn tượng ấy của hai tay săn ảnh cũng chỉ là một cành cây lá đem về làm kỷ niệm!

 

Chim gõ kiến (Acorn Woodpecker).

 

Chim ruồi (Broad-billed Hummingbird).

 

Black-headed Grosbeak.

 

Painted Redstart.

 

Ó đuôi đỏ (Red-tailed Hawk).

 Ðường lên dốc chia ra hai đường, đi thẳng là Carrie Nation Trail, bên trái ngả rẽ là Old Baldy Trail; một bảng hiệu có ghi chữ “pack it in - pack it out” nhắc nhở du khách đến không được xả rác trên núi. Những bước chân phiêu lưu lần theo lối đường mòn chạy giữa sườn núi. Dù hai bên cây cối mọc cao, cả hai chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy đỉnh núi lớn Mt. Wrightson chạy song song với những đám mây trắng bao quanh. Madera Canyon là một trong những Sky Islands vùng Arizona (“đảo mây,” những ngọn núi nằm riêng biệt giữa sa mạc, khi quan sát ở độ cao trên máy bay chỉ thấy nhô lên chóp núi được mây bao phủ xung quanh trông như những hòn đảo).

 Khó diễn đạt được cảm xúc háo hức của “hai nhà đi núi” (hikers) trong lần đầu tiên được tiếp xúc với độ cao của đồi núi; đường lên dốc núi gập ghềnh; cả hai hì hục leo lên những nấc thang đá khoảng vài trăm bước lại ngừng lại nghỉ mệt. Những gì xảy ra phía bên trên đỉnh núi ấy? Tính mạo hiểm không cho phép hai chúng tôi bỏ cuộc.

 Mặt trời lên cao mang theo cái nóng rát bỏng da thịt; ở một vài đoạn núi có bóng cây gió mát rượi, hong khô từng vạt mồ hôi đầm đề lưng áo. Chai nước lọc duy nhất mang theo chỉ nhấp vài ngụm cầm chừng không thỏa mãn được cơn khát khô cổ; một trái táo chia làm nhiều lần ăn; miếng bánh mì sandwich chỉ đủ “tiếp tế” một giờ năng lượng. Hai nhà phiêu lưu phải gắng sức rút gọn khoảng cách để đến nơi và kịp quay trở lại khi trời sẩm tối.

 Len lỏi trong sự mỏi mệt của đoạn đường lên núi, chúng tôi vẫn không thiếu mất sự vui thú với thiên nhiên xung quanh; tiếng hót của những loài chim hòa lẫn tiếng róc rách của những khe suối chảy dọc triền núi; đàn sóc đùa phá núp né trong những tổ chim bỏ hoang trên ngọn cây cao hay một vài “mắt nai ngơ ngác” khi thoáng gặp người trên dốc núi; thỉnh thoảng văng vẳng tiếng “human bird” của một vài người đi núi hứng chí vui đùa phá phách bằng cách giả tiếng chim hót. Hiking là bộ môn giải trí lành mạnh và chúng tôi có thể thỏa mãn một bữa buffet mà không phải mang cảm giác “ray rứt” nếu kết thúc được chặng đường lên và xuống núi.

 Một đoàn người xuống từ đỉnh núi, trên lưng mỗi người lỉnh kỉnh những ba lô nặng trĩu; được biết họ vừa kết thúc buổi cắm trại nhiều ngày trên đỉnh núi. Cả hai chúng tôi thắc mắc về nhà vệ sinh duy nhất nếu có trên đỉnh núi Jack Mountain (Mt. Wrightson) khi chú ý đến những đường ống được dẫn lên từ chân núi, phần dọc đường lên núi thì đã có “thiên nhiên ưu đãi,” giữa cảnh núi rừng mênh mông chỉ có chim chóc và mấy con sóc chứng kiến!

 Hơn bốn tiếng đồng hồ sau, chúng tôi lục đục lên được Josephine Saddle ở độ cao 7,250 feet; đây là điểm tụ ngã tư của những đường mòn và nếu tiếp tục phải đi gấp đôi đoạn đường mới lên được đến đỉnh núi. Chúng tôi tần ngần dừng lại trước bia mộ tưởng niệm được đắp bằng đá nằm trơ trọi giữa đỉnh núi. Câu chuyện cảm động về cái chết thương tâm của ba hướng đạo sinh ở tuổi 12, 13, 16 đã xảy ra giữa Tháng Mười Một, 1958 khi cả ba người bị lạc trên núi và chạm mặt với cơn bão tuyết trút đổ hơn 3 feet tuyết xuống dãy núi Santa Ritas (kể cả Jack Mountain), lấp hẳn lối xuống núi. Một chút bùi ngùi, cảm thương len lỏi tâm hồn người viết khi hình dung cái chết quá bi thảm của ba trẻ em vị thành niên thời điểm ấy.

 Chúng tôi chụp vài tấm hình lưu niệm về “thành tích” đi núi cạnh mấy cái bảng hướng dẫn; loay hoay tìm được chỗ ngồi trên một gốc cây gãy cạnh bên nhúm lửa trại. Lương thực mang theo chỉ còn lại một phần ba trái táo nằm gọn lỏn trong cái bao tử vẫn còn cảm giác trống rỗng của người viết dù chỉ sau vài giờ đi núi. Ở độ cao khá tương đối nhưng vẫn chưa tìm thấy được một cái tổ chim Elegant Trogon (chỉ vài con chim sẻ lóc chóc và một vài loài chim không mấy đặc biệt) nên cả hai chúng tôi quyết định quay trở lại; vì nếu tiếp tục đi lên đến đỉnh núi sẽ phải mất gấp đôi thời gian lên và xuống núi.

 Ðường xuống chân núi được rút ngắn thời gian; thiết nghĩ không mệt nhọc như đi lên núi, nhưng đôi chân đã phải làm việc “overtime” để kềm lại sức nặng toàn thân lao theo trớn của độ dốc. Sự căng thẳng tập trung trên cả vùng thân thể, người viết mang cảm giác đến gần như muốn kiệt sức. Ở một đoạn dốc trơn trợt, tôi bất ngờ bị một cú trợt ngã đến ê ẩm; sau một vài giây nằm vạ cùng đất đá mới nhận biết được khoảng cách từ chỗ ngã đến triền núi chỉ độ một sải tay. Sau cái cú ngã đến choáng váng tôi bỗng mập mờ trông thấy một vật “nửa chồn nửa chó” đang chạy dọc sát triền núi trông giống Coyote, loài chồn thường thấy ở vùng sa mạc và vùng núi Arizona, rất dễ lầm tưởng vì kích thước lớn hơn chó và nhỏ hơn chó sói.

 Chiếc ống kính dài dõi theo sát mỗi bước chuyển động của con chồn. Bất ngờ, một người đàn ông chạy xuống từ dốc núi như đang dáo dác tìm kiếm một vật gì; dừng chân hỏi han tôi và diễn tả con chó tên Jessie của ông vừa lạc mất. Tôi thoáng chút ngờ ngợ về loạt ảnh “chân dung chồn” còn “nóng hổi” trong máy ảnh! Hóa ra cũng chỉ là một sự trùng hợp tình cờ; cú ngã choáng váng đến mờ cả vật ảnh.

 Chúng tôi về đến gần chân núi thì trời bắt đầu chuyển. Hơn sáu tiếng đồng hồ lên và xuống núi với sức nặng gồng vác trên vai, cả hai tơi tả thấm dần cảm giác rã rời trên từng tế bào cơ thể. Sự tò mò về cái nhà vệ sinh trên đỉnh núi Jack Mountain vẫn chưa có giải đáp thỏa mãn!

 Cơn giông đã ngưng, trên đoạn đường trở ra đã thấy tấp nập người tụ tập picnic ở Lower Canyon. Hai phó nhòm dừng lại ở một ngôi nhà hai tầng xây kiểu đồng quê nằm trong vùng Madera Canyon có tên “Chuparosa Bed anh Breakfast” khi bất chợt chú ý đến nhiều loài chim với sắc lông sặc sỡ đang chíu chít lượn quanh những nơi chứa thức ăn để thu hút chim đến. Tiếng chó sủa inh ỏi phát ra từ ngôi nhà gỗ; từ cửa sổ tầng trên chủ nhà ló đầu nhìn xuống với cử chỉ lịch thiệp, dễ chịu để hai phó nhòm được thoải mái ghi hình. Mảng tường gỗ chi chít những lỗ nhỏ lên đến tận mái ngói gây sự thích thú cho hai phó nhòm khi nhận biết đây là kho dự trữ lương thực của loài chim Acorn Woodpecker.

 Giống chim gõ kiến này có kích thước 9 inches với sắc lông đen, lốm đốm vàng mơ và trắng chạy dài xuống vùng ngực, nhúm “tóc đỏ” nổi bật trên đầu pha lẫn trắng đen; chim dùng mỏ khoan vào thân cây thành những lỗ nhỏ dùng làm nơi chứa hạt thức ăn dự trữ cho suốt Mùa Ðông và đặc biệt chỉ dùng một nơi để trữ lương thực hàng năm. Chỉ một vài phút sau, vài chiếc mỏ chim gõ kiến chăm chỉ đục khoét; những tiếng gõ bùm bụp phát ra những âm thanh như tiếng gõ cửa trên mảng tường gỗ. Vùng núi Madera Canyon có đến 20 loại chim “hummingbirds,” loài chim ruồi tí hon với sắc lông sặc sỡ này chỉ nhỏ cỡ 12 cm nhưng phải luôn bận rộn kiếm ăn để có đủ năng lượng quạt cánh với 50 lần/giây; hai phó nhòm được dịp chiêm ngưỡng một vài loại “hummingbirds” hiếm thấy ở những vùng khác.

 Cũng trên đoạn đường trở ra, chúng tôi trông thấy giống chim Red-tailed Hawk (ó đuôi đỏ) trên cột điện thế; hai cái cổ kiên nhẫn ngước lên quan sát chim ó đang ở tư thế rình mồi khá lâu. Hai phó nhòm không mấy hài lòng về góc cạnh ánh sáng và sự cản trở của những trụ điện tròn vo. Phó nhòm Andy phòng thủ sẵn cái ống kính để ghi nhận vài pha “action.” Tôi tìm cách gây sự chú ý của chim bằng động tác quơ tay chân liên tục nhưng “đối phương” vẫn “án binh bất động!” Phương án thực hiện cuối cùng là đóng mở cửa xe nhiều lần để gây tiếng động, con chim ó nhấp nhỏm “thót tim” vài lần mới chịu rời vị trí cũ.

 Chiếc xe tiến thẳng ra xa lộ I-10 để tiếp tục lộ trình đến Chiricahua Mountains. Xe dừng ở biên giới New Mexico; những chiếc máy ảnh có dịp bận rộn trước vẻ đẹp hoang dại của vùng sa mạc khô cằn; lác đác vài cây Yucca nở những chùm hoa trắng mang vẻ đẹp riêng biệt của loài hoa vùng sa mạc (cũng là loài hoa tượng trưng của tiểu bang New Mexico). Chiếc xe rẽ qua xa lộ nhỏ 80 để đến khu cắm trại với cảnh thiên nhiên núi rừng tuyệt đẹp; cả hai hy vọng sẽ tìm thấy được loài chim Elegant Trogon ở vùng núi này. Từ tốc độ xa lộ, chiếc xe bỗng tấp vội bên lề cỏ khi chúng tôi bất ngờ trông thấy một cặp Scaled Quail trống mái (chim cút) đang đậu trên cành cây Yucca. Loài chim này sống ở những vùng đất đá khô cằn, kích thước cỡ như chim bồ câu, khoảng vùng lông trước ngực tựa những lớp vẩy cá; trên giữa đỉnh đầu chùm lông dài cong (topknot).

 Ở loài vật (riêng với chim chóc), những chàng chim trống mang lợi thế về vẻ đẹp ngoại hình để thu hút những nàng chim mái khác; âu cũng là một nghịch lý của thiên nhiên vì giống mái bao giờ cũng lãnh nhận phần thiệt thòi hơn chưa kể mỗi lần sinh nở trên dưới cả chục trứng!

 Lịch trình chuyến đi sắp xếp dày đặc, cả hai chúng tôi căng thẳng chạy đua với thời gian để đến Chiricahua trước lúc mặt trời lặn. Ðoạn đường từ Madera Canyon đến Chiricahua cũng mất khoảng hai tiếng lái xe, hai cái bao tử teo tóp tạm cầm chừng bằng những mẫu bánh mì và trái cây sấy khô.

 Một cảnh núi rừng thiên nhiên của vùng Coronado National Forest mở rộng trong tầm mắt, hai phó nhòm lui hui dựng chân máy chụp ảnh giữa đường để chụp phong cảnh. Ðường dẫn vào Chiricahua mang cảnh sắc thanh bình; núi ở đây màu gạch đất xen lẫn sắc xanh của rong rêu bám vào vách núi. Chiếc xe vẫn lăn bánh đều tiến vào con đường mòn chỉ độ khoảng 2 dặm đã nghe róc rách tiếng nước chảy; cuối con đường là nơi cắm trại cạnh con suối nước chảy mạnh. Cả hai ngừng xe bước ra quan sát; những bước chân lầy lội trên khoảng đất ẩm ướt; không một chút nắng lọt vào khu rừng thưa; chúng tôi thất vọng vì dù có tìm thấy được Elegant Trogon vẫn bị hạn chế về điều kiện ánh sáng.

 Hoàng hôn xuống vội, hai phó nhòm đưa mắt quan sát hai bên cánh rừng thưa dọc đường trở ra. Một đàn Mexican Day bay lượn đùa vui inh ỏi trên ngọn cây. Mấy con Woodpeckers đậu trên ngọn cây khô chót vót, nổi bật với nhúm tóc đỏ chót trên đỉnh đầu.

 Cánh rừng thưa vẫn thiếu vắng những cánh chim Elegant Trogon.

 Chiếc xe thẳng tiến ra xa lộ trong ánh hoàng hôn vừa chập choạng...