Thăm khu Phố Tàu New York |
Tác Giả: Bài Và Hình : Trịnh Hảo Tâm | |||
Thứ Ba, 02 Tháng 2 Năm 2010 18:04 | |||
Khu Chợ Tàu New York ở cuối đảo Manhattan nằm trong vùng hình chữ nhựt, phía Bắc có đường Canal Street (cùng biên giới với khu người Ý, Little Italy), phía Ðông là đường The Bowery ngày xưa là phố của người Hòa Lan, phía Nam là đường Worth Street của khu thương mại Soho và phía Tây là đường Baxter Street dưới chân cầu Manhattan. Khu Phố Tàu ở Manhattan, New York. Từ Ground Số Không tức khu đổ nát của World Trade Center chúng tôi lái xe đi về hướng Ðông không đầy 1 km là tới khu Phố Tàu. Ðường Canal là đại lộ huyết mạch của khu Phố Tàu Manhattan đồng thời cũng là đường biên giới phân cách với khu Little Italy ở về hướng Bắc. Ðường Canal có hai chiều xe lưu thông, qua khỏi ngã tư Baxter Street là bắt đầu vào Phố Tàu với dãy phố lầu hai bên đông đảo người đi mua sắm. Canal là phố “Hàng Bạc” rực rỡ các cửa tiệm vàng bạc kim cương bày biện các món nữ trang lộng lẫy trong những tủ kính đèn sáng rực. Những tiệm kim hoàn ở Bolsa trong Khu Phước Lộc Thọ hay ở Chợ Tàu Toronto đều ở trong những thương xá có mướn an ninh gác cổng, nếu nằm đơn lẻ thì ngoài an ninh còn thêm nhiều ngăn cửa sắt nhưng trên đường Canal này các tủ kim hoàn bày ra sát lối đi không có song sắt che chắn mà cũng không thấy an ninh đứng gác. Tuy nhiên thấy một vài xe cảnh sát đậu trên đường và rất nhiều xe nhỏ đi gắn giấy phạt những xe đậu bất hợp pháp. Các nhà hàng Việt nơi góc đường Canal và Mulberry St. Ðã đi nhiều khu Phố Tàu trên đất Mỹ, Canada và Âu Châu, phải nhìn nhận rằng đây là khu kim hoàn lớn nhất trong các Phố Tàu vừa kể. Các tiệm kim hoàn ở đây đều có bảng hiệu bằng tiếng Mỹ như Season Jewelry, Centre Jewelry, New Fancy, Good Luck, Golden Jade và nhìn thấy có hai tiệm đề tên Việt Nam là Tiệm Vàng Kim Phượng và Minh Tâm Jewelry. Tôi có người quen ở New York nhưng nhà ở Jersey City, anh ta cho biết phần đông chủ các tiệm kim hoàn ở đây đều là người Hồng Kông nên cách bày trí cửa tiệm đèn đuốc sáng sủa như các tiệm kim hoàn ở Hồng Kông. Các tủ kính bên ngoài phần nhiều là hàng rẻ tiền, bày cho đẹp mắt chứ những món quý giá đều để bên trong. Chụp hình các tiệm kim hoàn là điều không nên, do đó tôi không có một tấm hình nào của phố kim hoàn đường Canal! Cảnh bán buôn nhộn nhịp ở ngã tư Canal và Centre St. Ðại lộ Canal rất đông vui lúc nào cũng tấp nập bộ hành, phố Tàu xuyên qua 5 con đường là Baxter, Mulberry, Mott, Elizabeth và Bowey, ở những ngã tư lớn ngoài đèn lưu thông còn có cảnh sát đứng giữa ngã tư để điều hành lưu thông nhất là cho bộ hành băng qua đường. Ðường Canal còn là một con đường lớn ở Manhattan Hạ nối với New Jersey ở hướng Tây bằng cách đi qua đường hầm Holland Tunnel I-78 nằm dưới sông Hudson. Nối với Brooklyn ở hướng Ðông bằng Cầu Manhattan bắc ngang sông East cạnh khu Chợ Tàu. Ðường Canal theo như tên gọi vào đầu những năm 1800 là một con kinh đào để thoát nước cống rãnh từ ao chứa Collect Pond đổ ra sông Hudson. Ao này bị lấp vào năm 1811, con đường được xây bên trên và hoàn tất năm 1820. Sau khi có đường Canal chạy qua, những ao đầm xung quanh bị lấp dần để cất phố thương mại. Từ đầu những năm 1900 ngay ngã tư Canal và Bowery đã trở thành khu giao dịch vàng bạc, đến giữa thế kỷ các tiệm kim hoàn của người Ý và Mỹ di chuyển về Diamond District trên đường 47th Street và người Hồng Kông di cư sang tiếp tục kinh doanh nữ trang vàng bạc trên con đường này. Vào những năm 1920 cũng ở góc đường Canal và Bowery xây nên ngân hàng Citizens Savings Bank là một tòa nhà lớn với mái tròn, hiện vẫn còn và là ngân hàng HSBC Bank ngày nay. Một nơi đậu xe ở Manhattan. Chúng tôi gởi xe ở bãi đậu nơi góc đường Canal và Baxter, cứ trao chìa khóa xe cho người giữ bãi, trong một khu đất hẹp họ đậu được hơn 20 xe, đuôi xe này nối sát với đầu xe kia, mỗi lần lấy xe họ phải dời đi ít nhất 2 chiếc bên ngoài. Nơi ngã tư này có nhiều nhà hàng đề tiếng Việt như Tân Thế Giới, bên cạnh là tiệm Fast Food BBQ có chữ “Xá Xíu, Heo Quay.” Khi đi về hướng Nam trên đường Baxter gặp nhiều tiệm ăn Việt Nam như Thái Sơn Restaurant, Phở Nha Trang, Phở Pasteur nằm bên cạnh rất nhiều dịch vụ Bail Bond (đóng tiền thế chân để ra khỏi nhà tù). Chúng tôi hơi lạnh cẳng không biết nơi đây có an ninh hay không, sao mà dịch vụ Bail Bond nhiều như vậy? Xem phim bộ Mafia Hồng Kông cũng khét tiếng, cho vay nặng lãi, không trả là mượn... ngón tay để khó nặn bài sập xám! Phía Bắc là khu Little Italy nổi tiếng trong chốn giang hồ với ông trùm God Father, không phải Trùm... Sò đâu nhé! Ðàn em God Father lia súng đại liên như ở chiến trường Pakistan, Baghdad! Ði thêm một chút nữa mới thấy bảng tòa án “New York Crimminal Court” bên phía Tây, hóa ra gần tòa án nên có nhiều tiệm Bail Bond. Phía Ðông là công viên Columbus Park nho nhỏ nhiều cây cối, xích đu, cầu tuột và rồi cũng an tâm khi thấy một nhóm chừng một chục người Hoa đang ngồi xếp bằng, tay mặt chắp trước ngực, tay trái thả xuống bụng, mắt bất động nhìn xuống đất tham thiền. Tìm bình an tâm hồn trong thế giới nhiều xua động! Cầu Manhattan dẫn vào khu Phố Tàu. Ði ngang công viên và trở lên hướng Bắc bằng đường Mulberry, đường này hẹp và hai bên nhiều tiệm buôn, cửa hàng bán đủ thứ cũng hải sản, rau cải, trái cây, bách hóa, đồ kỷ niệm, nhang đèn, tượng Phật và có vài tiệm ăn Việt như nhà hàng Xe Lửa, Phở Việt Hương,... Chúng tôi đi xuống con đường cuối cùng sát đường dốc cao lên cầu Manhattan là đại lộ Bowery đi về hướng Nam có rất nhiều nhà hàng Tàu lớn, bên ngoài đề bảng quảng cáo Lunch $3.99. Tuy nhiên món $3.99 là đậu hũ (tofu) cùng với chén canh và thố cơm, muốn ăn cho chắc bụng có thịt, cá phải $5.99 trở lên, tuy nhiên cũng còn rẻ so với vật giá ở đây một cái “hot dog” trong khu Soho bán đến $10. Cũng trên đường Bowery này có tiệm Phở Tự Do và bên cạnh là một chợ thực phẩm Việt Nam hiệu là Tân Tín Hưng Supermarket ở số 121 Bowery Street. Nơi đây tôi thấy có bán chả lụa, bánh cuốn, cọng bạc hà cùng các loại rau thơm để nấu món canh chua và có cả hột vịt lộn nữa. Ðứng ở quầy tính tiền là người Việt, cô sẵn sàng giúp những ai tìm mua gia vị để nấu các món ăn Việt Nam. Tuy nhiên sách báo, dĩa nhạc Việt thì không thấy và hỏi cô ở New York này tìm mua các món ăn tinh thần đó ở đâu? Cô cũng không biết và nói là người Việt ở đây ít lắm, qua Cali là... thứ gì cũng có! Chắc thấy dáng điệu Hai Lúa lại hỏi han linh tinh các cái, chắc là sang tham quan, du lịch! Khu Phố Tàu Manhattan tuy lớn nhưng đi một giờ cũng hết, theo nhận xét của tôi Phố Tàu New York đặc biệt có khu nữ trang vàng bạc sầm uất nhất, tuy nhiên không có những chợ thực phẩm lớn như ở các khu chợ Tàu khác và khó đậu xe, đậu xe một giờ mất khoảng $10. Những món bày bán ở đây cũng giống như các khu Chợ Tàu khác là những thứ người Á Ðông quen dùng ở xứ họ không thể tìm thấy ở những chợ người Mỹ. Nơi đây cũng có những anh chàng bán hàng giả như bóp xách phụ nữ, nước hoa, đồng hồ, phim dĩa DVD v.v... Dịch vụ Foot Massage tức ấn huyệt lòng bàn chân cũng thấy vài tiệm nhưng yết giá $40 một giờ chứ không rẻ như Bolsa $20 có nhiều nơi giảm giá xuống $15. Khu Phố Tàu New York cũng như San Francisco là địa điểm du lịch vẫn còn thu hút du khách Mỹ nên giá thuê bất động sản cũng khá cao, người Việt khó chen chân vào nên chỉ thấy được chừng chục cửa tiệm của người Việt, phần nhiều là tiệm Phở trên hai con đường phía Tây là Baxter và Mulberry Street. Sau vụ khủng bố 11 Tháng Chín, 2001, vì rất gần địa điểm Ground 0 nên du khách đến Chợ Tàu giảm sút, sau đó giá địa ốc lên cao khiến chi phí thuê mướn đắt đỏ nên một số cửa hàng đã di chuyển đi nơi khác. Theo báo chí hiện Phố Tàu còn chừng 200 nhà hàng ăn, vài chục tiệm kim hoàn, sản phẩm điện tử trên đường Canal, lối 100 tiệm “gift shop,” tạp hóa, thực phẩm, ngày trước có nhiều xưởng may y phục nay dời sang xứ khác. Những năm gần đây di dân người Hoa gia tăng nhưng phần đông là sinh viên du học ở lại có nghề chuyên môn làm trong thương trường Mỹ họ có khuynh hướng sinh sống tại các thành phố lân cận như New Jersey, Brooklyn, Bronx nhà cửa rộng rãi lại không đắt đỏ như ở Manhattan và tại những nơi đó hiện nay vẫn có những chợ thực phẩm cho người Á Ðông. Về lịch sử khu Phố Tàu Manhattan, thương gia người Quảng Ðông tên Ah Ken giữ “credit” là một trong những người đầu tiên làm thương mại tại khu này. Ông ta có một tiệm bán thuốc xì gà (cigar) ở phía dưới đường Mott Street, theo kể lại Ah Ken đến New York khoảng 1858 ngồi bán thuốc lá và xì gà lẻ gần hàng rào của Tòa Thị Chính, ai mua ông cho mồi thuốc bằng một ngọn đèn dầu trứng vịt. Phong trào đi tìm vàng ở California (1848) cũng như xây đường xe lửa xuyên quốc (1860) chấm dứt, một số đông người Hoa tìm đến miền Ðông trong đó có New York và Toronto và thành hình khu phố Tàu từ ngày đó. Những năm sau luật lệ dễ dàng hơn như Luật 1943 Magnuson Act cho phép người Hoa sống ở đây trở thành công dân Mỹ, năm 1948 cho phép người Hoa kết hôn với người da trắng và nhất là với Luật Di Trú 1965 dễ dãi cho di dân vào nước Mỹ, số người Hoa nhập cảnh vào rất đông, đẩy mạnh mức phát triển của khu Phố Tàu. Phố Tàu New York từ chục năm nay là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Hoa ở vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ, hàng năm có nhiều lễ hội được tổ chức tại đây như ngày Tết Nguyên Ðán có diễn hành, múa lân, đốt pháo, ca nhạc cổ truyền. Cộng đồng người Việt ở New York Thông thường người Việt buôn bán cùng với người Hoa trong khu Chợ Tàu, chỉ một số nơi đông đảo người Việt như California, Texas mới có khu thương mại riêng đặc trưng người Việt. Nên muốn tìm hiểu sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam thường vào phố Tàu, phố Á Châu nhưng Phố Tàu New York thấy rất ít người Việt, nếu gặp cũng là người Việt gốc Hoa. Do đó không thu thập được bao nhiêu tin tức về cuộc sống của cộng đồng Việt Nam tại đây. Bèn trở về tìm hiểu trên mạng Internet: theo thống kê kiểm tra dân số US Census, cộng đồng người Việt ở New York năm 2000 là 13,010 người so với năm 1990 là 8,400 tức tăng 55% trong 10 năm. Người Việt chia ra sinh sống ở các quận như Brooklyn 4,011 người, Queens 3,737 người, Bronx 3,289 người, Manhattan 1,684 người và Stalen Island 289 người. Trong đó có 10,809 người Việt (77%) được sinh ra ở ngoài nước Mỹ. Năm nay 2010 kết quả thống kê dân số chưa có nhưng chắc số người Việt đã tăng lên mặc dù biến cố 11 Tháng Chín, 2001 cũng như giá nhà New York tăng cao vào những năm 2004-2006 đã khiến một số người di chuyển sang các tiểu bang khác. Riêng số người Việt sống tại Manhattan theo thống kê trên chỉ có 1,684 người. Manhattan là một vùng đô thị đông dân, nhà cửa toàn là những cao ốc chọc trời giá đắt đỏ nhất thế giới nên người Việt cũng không muốn sống nơi đây mà ở quanh các thành phố bên ngoài. Hàng năm qua tin tức báo chí vẫn thấy cộng đồng người Việt New York tham dự cuộc diễn hành Văn Hóa Quốc Tế dành cho các cộng đồng di dân ở Hoa Kỳ với hàng trăm người mặc quốc phục và những chiếc xe hoa mang hình ảnh Việt Nam như em bé chăn trâu, những cô thôn nữ gặt lúa rất đẹp mắt. Số người tham gia diễn hành ngoài cộng đồng người Việt ở New York, phần đông đến từ các tiểu bang trên toàn nước Mỹ cũng như ở các nơi có đông người Việt như Canada, Pháp. Ðồng hương ở xa về tham dự diễn hành ở lại vài ba ngày được ông bà Trần Ðình Trường chủ nhân khách sạn Carter một khách sạn lớn ở trung tâm Manhattan cung ứng chỗ ở trong khách sạn. Ông Trần Ðình Trường trước 1975 là chủ hãng tàu Vishipco Lines có văn phòng trụ sở trên đường Hồng Thập Tự Sài Gòn (gần đường Công Lý). Hãng tàu của ông có những tàu lớn chạy đường biển như Trường Xuân, Trường Thanh, Trường Vinh, Trường Hải v.v... Biến cố 30 Tháng Tư, 1975, các tàu của ông rời Việt Nam chở hơn 8,500 người, riêng tàu Trường Xuân thuyền trưởng là ông Phạm Ngọc Lũy chở gần 4,000 người. Sau khi sang Mỹ ông kinh doanh trong nghề khách sạn và được xem là một trong những người Việt giàu nhất thế giới với tài sản hơn 1 tỷ Mỹ kim. Ông là một mạnh thường quân từng giúp đỡ trong nhiều công tác từ thiện như biến cố khủng bố 11 Tháng Chín, 2001, ở New York ông đã tặng quỹ cứu trợ nạn nhân với số tiền 2 triệu Mỹ kim. Không phải “thấy người sang bắt quàng làm họ” nhưng nhắc đến những việc làm tốt của những con người tốt cũng là điều nên làm. Thực sự tôi biết ông Trần Ðình Trường từ trước năm 1975, nói “quen biết” thì hơi quá. Thời gian 1969-1972 sau khi ra trường Công Chánh tôi làm ở Sở Hàng Hải Thương Thuyền thuộc Nha Thủy Vận, trụ sở nằm trong vòng rào Bộ Công Chánh và Giao Thông Vận Tải ở góc Lê Lợi-Pasteur thường cấp giấy tờ cho các tàu hãng ông. Những lần hãng Vishipco Lines xin mua tàu mới ở nước ngoài phải qua thủ tục “Xin Mua Tàu Biển” với sự xét duyệt và chấp thuận giá cả của Ủy Ban Liên Bộ Công Chánh, Tài Chánh (Quan Thuế), Kinh Tế để được đổi ngoại tệ theo giá chính thức. Thí dụ như giá chính thức 1 Mỹ kim ăn 80$VN nhưng ngoài thị trường tự do lên đến 200$VN, thường chủ hãng tàu muốn xin mua với giá cao để được đổi nhiều ngoại tệ theo giá chính thức có lợi hơn. Thời ấy ăn tô phở Pasteur trả 100$VN thì giá một tàu hàng viễn dương khoảng 5 triệu Mỹ kim trở lên. Ủy ban phải họp bàn nhiều lần, điều tra xem xét các chứng từ của hãng bán tàu rồi mới đồng ý giá cả. Tôi làm nhiệm vụ thư ký các phiên họp, tập trung các giấy tờ và trình cho ủy ban. Những buổi họp nhiều khi có sự tham dự của ông Trường để giải trình về giá cả. Ði theo ông là các thư ký, tôi còn nhớ các cô thư ký làm hãng ông cô nào cũng xinh, cũng đẹp và ông Trường bao giờ cũng lịch sự nhã nhặn trong tư cách của nhà kinh doanh lớn, nên thủ tục giấy tờ cho các tàu hãng ông đều mau lẹ, xuôi chèo mát mái. Sang Mỹ cá nhân ông thành công ở xứ người là điều tất yếu và cũng ở hải ngoại biết ông là mạnh thường quân có lòng hảo tâm giúp những số tiền lớn trong các công tác nhân đạo. Mới đây đã 40 năm và hôm nay mới có dịp nhắc về chuyện tàu bè hãng ông trong những năm miền Nam còn tự do và thịnh vượng.
|