An Toàn Sức Khỏe Mùa Đông |
Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức Texas-Hoa Kỳ | |||
Thứ Tư, 14 Tháng 1 Năm 2009 15:10 | |||
Chúng ta đang ở trong mùa Đông, thời gian mà Xuân Diệu cảm thấy là “Đã nghe rét mướt luồn trong áo”. Thực vậy, trong mấy tuần lễ vừa quan, những cơn giá lạnh đã bao phủ nhiều địa danh trên trái đất. Có những nơi tuyết trắng cả tuần lễ thì cũng có nơi nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp khiến đời sống của vạn vật hầu như tê liệt. Giống như các mùa Thu, Hạ, Xuân mà tạo hóa đã sắp đặt, mùa Đông cũng có những nét tốt xấu khác nhau lên sức khỏe con người. Riêng mùa Đông, với nhiều hấp dẫn của lễ hội, Giáng Sinh, Nguyên Đán với ngày ngắn đêm dài, ít nắng ấm, với gió lạnh giá băng và với nhiều vi sinh vật gây bệnh trong không gian thì sức khỏe cũng dễ dàng bị đe dọa. Tuy nhiên, nếu trang bị vài hiểu biết để lưu ý đề phòng, ta cũng có thể bình an vượt qua. Sau đây là mấy khó khăn thường thấy vào mùa Đông. 1- Cúm Một câu hỏi thường được nêu ra là tại làm sao mà cứ mỗi độ Đông về thì “Ông Cúm Bà Co” lại cứ hay viếng thăm bà con loài người chúng ta. Thế thì mủa Hè, mùa Thu ông bà virus bệnh Cúm đi đâu? Ai mà giải đáp chính xác được câu hỏi này thì chắc chắn sẽ được Ủy ban giải thưởng y khoa học Nobel chiếu cố vinh danh kèm theo tấm ngân phiếu dăm trăm ngàn đô la tức thì. Trong khi chờ đợi thì cũng có một số giải thích được nêu ra. -Có người nói các virus Cúm nguyên thủy là từ loài chim biến dạng rồi gây bệnh cúm ở người. Chúng xuất phát từ một số địa danh ở Á châu rồi lan tràn khắp thế giới. -Cúm là bệnh theo mùa trong năm. Ở miền bắc xích đạo, cúm xuất hiện vào các tháng lạnh nhất là từ tháng 11 đến tháng 3. Trong khi đó ở nam xích đạo, cúm có từ tháng 5 tới tháng 9. Tại vùng nhiệt đới có rất ít cúm và hầu như không có mùa Cúm. -Có giải thích cho rằng vào mùa lạnh, con người ít ra ngoài nắng, ít sinh tố D, giảm tính miễn dịch với tác nhân gây bệnh; -Hoặc sống quây quần trong nhà khiến virus dễ lây lan; -Rồi lại còn nhân mùa lễ hội, con người đi đó đi đây thăm viếng, nghỉ ngơi tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào nơi vô trùng. Theo khoa học gia Joshua Zimmerberg, National Institute of Child Health and Human Development Hoa Kỳ, thì với thời tiết lạnh, virus cúm tạo ra một lớp vỏ bọc rất cứng, như là một chiếc phong bì. Nhờ đó virus có thể bay đi xa. Một khi xâm nhập cơ quan hô hấp con người thì vỏ bọc này tan vỡ và virus bắt đầu gây bệnh. Theo ông, vỏ không được tạo ra vào mùa ấm nóng. Nhà nghiên cứu Peter Palese, Đại học y Mount Sinai, New York, cũng cho là virus cúm mạnh và sống lâu hơn trong không khí khi thời tiết lạnh và khô. Với độ ẩm, virus hấp thụ nước và mau rơi xuống đất. Dù chưa có giải thích chính thức nhưng ta biết chắc chắn là virus cúm lây lan qua đường hô hấp và qua tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh với người lành. Virus nằm sau cuống họng. Khi bệnh nhân ho, hắt hơi là virus bay vào không khí. Hít thở không khí đó, người lành mắc bệnh. Nên để ý là virus cúm sống tới 24 giờ trên mặt bằng không xốp như nắm cửa ra vào, điện thoại, tiền, dụng cụ văn phòng và trên bàn tay người bệnh. Sau khi che miệng ho, hắt hơi là bàn tay bệnh nhân lúc nhúc những virus cúm. Bàn tay đó mà nắm tay thân tình với người khác sẽ là phương tiện truyền lan virus rất hữu hiệu. Trên vải vóc, chăn màn, virus chỉ sống được vài giờ. Cho nên, xin có vài đề nghị nho nhỏ để giới hạn virus cúm lan truyền, gây bệnh. a-Rửa tay Rửa tay thường xuyên với nước ấm và xà bông, nhất là sau khi lấy tay bụm miệng che mũi khi ho và hắt hơi. Có người đề nghị dùng khuỷu tay che mũi miệng khi làm hai động tác phun virus ra không khí cũng là ý kiến nên theo. Và cũng rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi sờ tay lên mặt, mũi, miệng hoặc sau khi viếng thăm người bệnh. Ngoài bệnh cúm, rửa tay còn phòng tránh được rủi ro nhiễm độc tiêu hóa, hô hấp, cảm lạnh… Đừng ăn bốc và cẩn thận khi bắt tay người lạ. b-Chích ngừa cúm Mặc dù vaccin ngừa cúm không hoàn toàn bảo vệ với bệnh nhưng cũng giảm thiểu các dấu hiệu và các biến chứng của bệnh. Người trên 65 tuổi cũng như những ai đang mắc các bệnh mãn tính như tim, phổi, tiểu đường, suy miễn dịch đều cần chích ngừa. Bắt đầu chủng ngừa từ tháng 10 tới tháng 12, đôi khi tháng Giêng cũng vẫn được vì cúm còn hoành hành tới tháng 3, tháng 4. Phụ nữ có thai cần chích ngừa để tránh biến chứng của cúm cũng như để truyền tính miễn dịch cho thai nhi, vì bé sơ sanh chỉ được chích ngừa cúm từ 6 tháng tuổi trở lên. c-Tăng cường khả năng miễn dịch Bằng vận động cơ thể mỗi ngày, ăn nhiều thực phẩm tự nhiên khác nhau, uống nước và ngủ nghỉ đầy đủ c-Đừng hút thuốc lá Vì khói thuốc làm tổn thương niêm mạc lỗ mũi, vi khuẩn đễ dàng vượt rào cản, xâm nhập cơ quan hô hấp. Nếu với tất cả đề phòng như trên mà chẳng may vẫn bị cúm thì nên cho bác sĩ hay để được điều trị. Hiện nay có một số dược phẩm có thể rút ngắn thời gian cúm, nhưng phải uống sớm, khi bệnh chớm phát sinh thì mới công hiệu tối đa. Ngoài ra, nên nghỉ ở nhà trong thời bị cúm để dưỡng sức cũng như tránh truyền bệnh cho người khác. Tiện đây xin nói qua về một bệnh thường thấy quanh năm và hay xảy ra vào mùa Đông. Đó là bệnh Cảm Lạnh (Common Cold). Cảm lạnh gây ra do những virus khác với virus Cúm, có những triệu chứng tương tự, không có thuốc đặc trị và cũng không có thuốc chủng ngừa. May mắn là bệnh tự hết sau mươi ngày nóng , sốt, sổ mũi, ho hen. Cách truyền bệnh cũng giống virus cúm, cho nên những áp dụng phòng tránh cá nhân với Cúm thì cũng áp dụng được với cảm lạnh. 2- Cóng Giá. Ở mức độ nhẹ, khí lạnh có thể gây ra buốt giá (frost nip) lớp da ở các phần phơi ra không khí như đầu ngón chân, ngón tay, hai bên má và mũi vì các mạch máu ngoại vi co hẹp. Một cảm giác đau thấu xương với da tê dại, trắng bệch là dấu hiệu thường thấy. Để chữa buốt giá, chỉ cần phủ vùng gặp rủi ro với nước ấm trong vòng nửa giờ là giải quyết được những tổn thương gây ra do lạnh giá. Cóng Giá (Frost-bite) thì trầm trọng hơn và có thể nguy hiểm tới tính mệnh Cóng giá đưa đến mất cảm giác tạm thời hay vĩnh viễn ở bộ phận bị thương tổn.. Mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân là những nơi hay bị cóng giá cắn nhiều nhất. Nguy cơ cóng giá tăng lên nếu máu bị cản trở hoặc không mặc quần áo đủ ấm khi khí trời rất lạnh. Thương tổn do lạnh giá có thể ở ngoài da hoặc nằm sâu trong tế bào dưới da. Khi ở phía ngoài thì da hơi đau, tái, cứng trong khi đó tế bào bên dưới lại mềm. Khi tế bào dưới sâu bị cóng giá thì da không còn cảm giác, tê dại, cứng ngắc. Nhiều nạn nhân không biết bị cóng giá cho tới khi có người nhìn thấy, cho hay Cóng giá là một trường hợp cấp cứu, cần được chữa trị tức thì tại bệnh viện. Trong khi chờ đợi: a- Đặt nạn nhân vào phòng ấm áp. b-Ngâm phần bị cứng giá trong nước ấm chứ không phải nước nóng. c-Không thoa bóp phần bị cóng giá, tránh gây tổn thương thêm cho tế bào. đ-Đừng hơ bộ phận cóng giá trên lửa hoặc tấm sinh nhiệt (heating pad) vì phần cóng không còn cảm giác, dễ bị phỏng. Ngón tay cóng giá có thể đặt vào nách là nơi có nhiệt độ thích hợp. 3-Giảm Thân Nhiệt. Giảm nhiệt ( Hypothermia) xảy ra khi nhiệt độ trong mình xuống dưới 95°F (35°C). Bình thường là từ 97°F tới 100°F (36.1°C- 37.8°C) . Khi thân nhiệt giảm, mạch máu dưới da co lại để tránh thất thoát nhiệt. Cơ bắp bắt đầu co để sinh nhiệt. Nếu nhiệt độ tiếp tục xuống, cơ thể bắt đầu rùng mình run. Nếu nhiệt độ tiếp tục xuống dưới 90°F thì tính mạng lâm nguy. Có nhiều nguy cơ đưa tới giảm nhiệt độ: nhà không được sưởi đủ nóng; ăn không đủ chất dinh dưỡng ; uống nhiều rượu; có bệnh kinh niên về tim, gan, tuyến giáp trạng; đang mắc bệnh nhiễm trùng; do tác dụng của một số dược phẩm; ở ngoài lạnh quá lâu; mặc quần áo không đủ ấm; mới gặp tai nạn hay té xuống nước; người sống cô đơn, túng thiếu. Giảm nhiệt có thể xẩy trong vòng một vài giờ, tùy theo số lượng hơi nóng mất đi nhiều ít. Nạn nhân thấy mệt mỏi, lờ đờ, tâm thần rối loạn, nói ngượng nghịu, người lạnh giá, cơn run rẩy rùng mình, ngón chân ngón tay lợt lạt, cử động khó khăn, cơ thịt cứng nhắc, người lạnh toát. Nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh sau đó chậm dần. Giảm nhiệt ảnh hưởng tới não bộ, nạn nhân kém nhận thức, ứng phó khó khăn với các rủi ro và có thể rơi vào tình trạng hôn mê. Giảm nhiệt là một vấn đề sức khỏe trầm trọng cần được cấp cứu tức thì tại bệnh viện điều trị để tránh các biến chứng hiểm nghèo có thể xảy ra. Trong khi chờ đợi, đặt nạn nhân nằm nơi ấm áp, kín gió; sưởi ấm ngực, cổ, đầu và bẹn với chăn thường hoặc chăn điện. Đừng nâng cao chân nạn nhân vì làm vậy sẽ dồn máu về phần trên của cơ thể khiến chân bị băng lạnh nhiều hơn. Cũng như các rủi ro bệnh tật khác, sự phòng ngừa là quan trọng. Mà cũng chẳng đòi hỏi nhiều công sức, chỉ một vài để ý, lưu tâm: a- Kiểm soát nhà coi lấp kín các khe hở làm mất nhiệt mà hơi lạnh lại lùa vào. b- Giữ nhiệt độ trong nhà không nóng quá, khoảng 72° F là vừa. Cao quá, da khô ngứa, dễ chẩy máu cam. Mặc thêm tấm áo len hồng người yêu mới tặng, vừa đẹp vừa ấm lòng cả hai. c- Mặc quần áo nhiều lớp, không bó sát quá để máu lưu thông và thoáng khí. Không khí là lớp cách nhiệt rất tốt. đ- Khi ra ngoài lạnh, nên mặc quần áo nhiều lớp: trong cùng là loại vải hút hơi ẩm như lụa, polypropylene; lớp giữa là hàng len giữ nhiệt trong cơ thể; lớp ngoài vừa giữ nhiệt vừa chắn gió, ngăn nước. e- Một phần tư nhiệt trong cơ thể bay đi ở đầu nên ta cần đội nón nỉ, che kín đầu và tai, kẻo lạnh quá rụng mất chỗ đeo khuyên vàng. g- Che chở bàn tay, bàn chân bằng tất và bao tay. h- Khi ra ngoài lạnh, che mũi miệng để khỏi mất nhiệt qua hơi thở. i- Nếu quần áo, cơ thể bị ướt thì cần lau khô, thay quần áo ngay. Đồ ướt làm mất rất nhiều nhiệt của cơ thể. k- Dự trữ thêm một cái mền trong phòng ngủ, phòng khách để khi cần thì đã có sẵn mà dùng. l- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Mùa Đông cần nhiều thực phẩm hơn để có nhiều nhiệt năng. Uống nước ấm như trà, cà phê, nước chocolate vừa làm ấm người vừa mang thêm chất lỏng cho cơ thể. Về mùa lạnh cũng như mùa nóng, cơ thể vẫn đổ mồ hôi nên vẫn cần tiêu thụ nước đầy đủ. m- Tránh uống nhiều rượu vì rượu làm giảm nhiệt độ cơ thể. Nhiều người cứ nói” làm cốc rượu cho nóng người”. Thực tế là có nóng một lúc rồi người lạnh toát ngay. n- Hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ xem các thuốc mình đang uống có ảnh hưởng tới thân nhiệt không. o- Nếu sống một mình thì nên sắp xếp để có bà con, bạn bè thỉnh thoảng hỏi thăm xem mình ra sao. p- Người cao tuổi đừng cho là mình không bị giảm nhiệt nếu ta không cảm thấy lạnh. Ở nhóm người này cơ chế điều hòa thân nhiệt không còn nhậy cảm như khi còn trẻ. q-Trẻ em dưới một tuổi không nên để ngủ trong một phòng lạnh một mình vì em bé mất nhiệt dễ hơn người lớn đồng thời các em cũng khó thích nghi với nhiệt độ quá lạnh. 4-Da khô Có nhiều lý do khiến cho da trở nên khô và ngứa vào mùa Ðông: -Với thời tiết lạnh, nhiều người thích ngồi bên bếp lửa hồng, nhâm nhi ly trà xanh hoặc ly cà phê nóng. Nhiệt độ trong nhà cao, không khí lại khô khiến cho độ ẩm trên da bốc hơi, da trở nên khô và ngứa. -Khi ra ngoài trời lạnh, mạch máu ngoại vi co lại, máu lưu thông kém, da thiếu dưỡng khí, dưỡng chất cho nên cũng khô teo, nứt nẻ. -Các tuyến nhờn không tiết ra đủ chất nhờn để da ẩm. -Do di truyền. -Kém dinh dưỡng nhất là thiếu sinh tố A và các sinh tố B. -Môi trường xung quanh như ánh nắng, khí lạnh, hóa chất, mỹ phẩm, tắm nhiều với xà bông mạnh. -Các bệnh ngoài da như viêm da, vẩy nến. -Bệnh nội khoa như nhược tuyến giáp; biến chứng tiểu đường. -Tác dụng phụ của một số dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc chống dị ứng. Sau đây là một số điều nên áp dụng để tránh da bị khô ngứa: a-Theo ý kiến nhiều người, về mùa Ðông, ta ít đổ mồ hôi lại mặc quần áo kín, cơ thể tương đối ít bụi bậm, cáu ghét cho nên cũng chả cần tắm rửa mỗi ngày. Nhưng cần lau rửa những vùng hấp hơi, ẩm nóng. b-Khi tắm không nên kéo dài quá mươi phút và tắm với nước vừa ấm, thoa xà bông ở các vùng bí hơi như nách, hạ bộ, hậu môn, bàn tay bàn chân. Nước quá nóng tắm quá lâu sẽ lấy đi các chất nhờn bảo vệ da và làm da mau hư và khô. c-Sau khi tắm, lau nhẹ những giọt nước trên mình với tấm khăn mềm, thoa vỗ nhẹ để giữ độ ẩm càng nhiều càng tốt rồi bôi kem ẩm lên da. Ðừng chà sát mạnh đến đỏ da như nhiều người thường làm gọi là cho máu lưu thông, nóng mình. Chà mạnh làm mất chất nhờn trên da và gây tổn thương cho tế bào da. Khi da còn ẩm bôi kem tăng ẩm phủ lên trên để giữ một chút nước. d-Da mặt: Không nên dùng xà bông hoặc mỹ phẩm lau mặt quá mạnh để tránh mất độ ẩm và chất dinh dưỡng trên da. Thoa kem buổi sáng và buổi tối nhất là chung quanh mắt và trán nơi có nhiều vết nhăn. Da khô làm đường nhăn trên mặt nổi rõ hơn vào mùa Ðông. Trước khi đi ngủ nhớ lau hết phấn son trên mặt rồi bôi kem dưỡng da. e-Dùng xà bông nhẹ ít chất tẩy detergent để tránh kích thích da; g-Bôi kem mềm ẩm da nhiều lần trong ngày; h-Ðừng hút thuốc lá vì nicotine làm mạch máu co hẹp, giảm lưu thông máu tới các tế bào, chất dinh dưỡng và oxy ít đi i-Tránh ánh nắng gay gắt. Bôi kem chống tia tử ngoại khi ra ngoài trời nắng gắt. k-Khi chạy lò sưởi trong nhà, không khí rất khô làm da bị khô và ngứa. Nên dùng một máy giữ độ ẩm trong phòng. Nhiệt độ trong nhà nên giữ mức vừa phải, đừng quá nóng. l-Mặc quần áo nhẹ nhiều lớp để tránh quá nóng đổ mổ hôi cho cơ thể. m-Mang bao tay, đội mũ khi ra ngoài lạnh để da khỏi bốc hơi nước. n-Ngoài ra, muốn da tốt ta nên ngủ đầy đủ và vận động cơ thể mỗi ngày. Ngủ để giúp các tế bào có thì giờ tái tạo, tu bổ hư hao. Vận động giúp máu huyết lưu thông để nuôi dưỡng da. Về kem tăng ẩm da, nhiều người thích loại có chất Alpha hydroxy acid lấy ra từ rượu vang đỏ, sữa chua va trái cây. Chất này kích thích tế bào da tăng sinh mạnh, làm da se mịn. Da mỗi người có độ acid/kiềm khác nhau, nên cần nhờ chuyên viên thẩm mỹ thử và hướng dẫn loại kem ẩm thích hợp. Các tinh dầu thực vật rất tốt để giữ da ẩm. Dầu Avocado đặc rất thích hợp cho da khô thiếu nước; dầu cà rốt: tốt cho da bị ngứa, rát; dầu castor: tốt cho da bị khô nứt. Kết luận Đành rằng mùa Đông mang một số rủi ro cho sức khỏe, nhưng, như thi sĩ Anne Bradstreet (1612-1672) đã nói : “ Nếu không có mùa Đông thì mùa Xuân đâu có trở thành hấp dẫn: đôi khi nếu không nếm những hoàn cảnh bất lợi, thì sự phồn vinh đâu có được nồng hậu đón tiếp”. Hoặc nhận xét của nhà văn kiêm chuyên gia trồng tỉa Ruth Stout 1884-1980): “Có một sự riêng tư mà không mùa nào mang tới cho ta được… Vào mùa Xuân, mùa Hạ và mùa Thu, con người có thời gian mở rộng cho nhau; chỉ riêng trong mùa Đông, ở một vùng quê, ta có thể có một một khoảng thời gian dài yên tịnh để tận hưởng mình thuộc về mình”. Còn tác giả kiêm nhà báo Mignon McLaughlin (1913-1983) có ý kiến là: “Xuân, Hạ và Thu tràn ngập ta với những niềm hy vọng, chỉ có Đông mới nhắc nhở ta về thân phận con người” Chắc là bà muốn nói tới sự mỏng manh, dễ bị đổi thay của con người trước những phũ phàng khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai. Dù thân phận đó như thế nào, nhưng sự sống vẫn là quà tặng của tạo hóa. Hãy tận hưởng đời sống đó với nhiều tích cực, nhiều niềm vui và nhiều biết ơn. Vì “Xưa nay Nhân định thắng Thiên cũng nhiều”
|