Home Đời Sống Y Học ĐÁNH RĂNG ĐÚNG CÁCH, RẤT CÓ LỢI

ĐÁNH RĂNG ĐÚNG CÁCH, RẤT CÓ LỢI PDF Print E-mail
Tác Giả: BS Nha khoa Nguyễn Diệu Liên Hương   
Thứ Sáu, 16 Tháng 12 Năm 2011 08:26

Đọc “13 thói quen có hại cho sức khỏe”... của một vị BS., điều thứ 8: Đánh răng quá lâu có hại -

 "Tuy nhiên đánh răng quá lâu sẽ làm tổn thương chân răng, không có lợi cho sự phát triển của răng, thậm chí còn gây nên bệnh viêm chân răng."

Xin có ý kiến về lãnh vực chuyên môn của một Nha sĩ:

· Đánh răng lâu quá là bao lâu? Thông thường nên đánh răng khoảng 3 phút, nhìn đồng hồ thử một vài lần, sẽ thấy là khá lâu.
· Vấn đề là đánh răng như thế nào để răng và nướu được sạch mà không bị tổn thương. Đánh răng dù không đúng cách hay quá lâu cũng không thể gây nên bệnh viêm chân răng được vì đánh răng không đem vi trùng vào miệng.

   Sau đây là một vài điều nhắc nhở về việc đánh răng mà bản thân tôi có quan tâm thường xuyên, mỗi lần thấy bệnh nhân giữ răng chưa sạch, tôi đều nhắc nhở, chỉ dẫn và cung cấp cho họ bàn chải, kem đánh răng và chỉ floss.

· Không dùng bàn chải cứng quá.
· Phần cần giữ sạch là cổ răng, sát vào nướu. Tại đây men răng rất mỏng vì chân răng không có cấu trục của men (cứng, bóng láng) thì mới bám vào xương ổ răng được.
· Không được đánh răng bằng động tác ngang, tới lui - vì bàn chải tạo nên một đường cắt hình chữ V, sát chân răng, càng ngày càng sâu hơn, làm răng ê, buốt, có khi cắt vào đến gân máu! Phải đánh răng bằng động tác xoay tròn bàn chải: nghiêng bàn chải 45 độ về phía nướu răng, mút lông bàn chải tì vào cổ răng, cổ tay xoay nhẹ và chậm, (mút lông bàn chải chỉ chạm cổ răng, không xoay), đếm khoảng 10 lần cho mỗi vị trí. Nhích bàn chải tới những răng kế cận.
· Đánh răng bắt đầu từ bên trong hàm trên bên phải, ra mặt sau của răng cửa trên, mặt trong của hàm trên bên trái rồi xuống mặt bên trong hàm dưới bên trái, mặt sau của răng cửa dưới và mặt bên trong của hàm dưới bên phải.
· Tiếp tục đánh răng từ mặt ngoài của răng, không cần há miệng lớn, bắt đầu từ hàm trên bên phải, răng cửa trên rồi hàm trên bên trái. Khi đánh mặt ngoài hàm dưới thì nên đưa hàm dưới ra trước để bàn chải có thể tiếp xúc đầy đủ các răng cửa dưới, nhất là các trường hợp cắn sâu và răng mọc lộn xộn. Cứ theo thứ tự: hàm trên bên phải, răng cửa trên, hàm trên bên trái, hàm dưới bên trái, răng cửa dưới, hàm dưới bên phải.
· Nên đánh răng thêm lần thứ hai với bàn chải ướt rồi súc miệng. Trường hợp răng có kẽ hở, răng khập khiểng, thức ăn có nhiều xơ thì nên kéo chỉ (floss), nên thắt một hay hai nốt trên sợi chỉ để dễ lấy thức ăn ở kẽ răng, kéo tới lui bằng cách áp sát sợi chỉ vào mặt trước của răng sau, mặt sau của răng trước để làm sạch những kẽ răng mà bàn chải không tiếp xúc được.
· Súc miệng kỹ, nếu chưa có cảm giác mát mẻ thoải mái , rà lưỡi mà không cảm thấy răng sạch bóng thì ... nên đánh răng lại!
             Trên đây là bài học đánh răng miễn phí mà tôi đã tập cho bệnh nhân sau hơn 40 năm hành nghề. Phần lớn mọi người đều thích và bớt tốn tiền chữa bệnh nướu răng, cũng giảm sâu răng vì lấy được hầu hết thức ăn kẹt vào kẻ răng.

Cần nhắc lại vài điều:

· Kem đánh răng cũng như xà phòng để giặt, cách đánh răng hay cách giặt quan trọng hơn là kem hay xà phòng.
· Dùng bàn chải loại trung bình hay mềm. Lúc bàn chải bị toe ra thì nên vất bỏ.
· Ngậm hay súc miệng nước muối không đủ làm răng sạch hay loại bỏ được thức ăn dính vào kẽ răng và nướu răng. Môi trường kiềm của nước muối chỉ giúp bớt nhiễm trùng trong chốc lát, không đủ để sát trùng trong miệng nếu còn thức ăn tồn đọng dài lâu.
· Sau khi nhổ răng, nếu ngậm nước muối thì sẽ bị máu chảy không cầm được. Nước thật lạnh hay Hydrogen peroxide thấm vào bông gòn, cắn vào chổ răng vừa nhổ có thể giúp cầm máu hữu hiệu. Thấm ướt một gói trà Lipton rồi cắn chặt cũng giúp răng bớt chảy máu.
· Một khi nướu răng đã tuột dài vì chất bẩn bám vào cổ răng tạo nên những mảng cao vôi, phải clean thật sạch. Điều trị nướu răng sẽ giúp cho tình trạng tốt hơn, tuy nhiên nướu răng không thể hồi phục hoàn toàn và vì phần chân răng bị lộ ra không có men bóng láng che phủ răng nên dễ bị bám bẩn hơn và răng dễ bị ê, buốt.
· Cao vôi (Calculus) chứa chất bẩn, cung cấp thức ăn và chốn ở cho vi trùng. Nhiễm trùng chân răng do từ nướu có thể đưa đến mất nhiều răng hay nhiễm trùng lan đến tim, đến máu và những cơ quan khác…
· Nướu răng dễ bị sưng và chảy máu ở một số người có thai hay bị ung thư máu.
· Những người bị tuột nướu phải đi clean răng thường xuyên hơn. Những người có bệnh tim hay loãng máu phải giữ răng thật sạch.
· Hàm răng đều đặn có khả năng dễ giữ sạch vì thức ăn không bị bám vào các kẽ lõm sâu, sức nhai phân phối đều nên không răng nào bị phá hỏng vì dùng quá mức hay không được dùng.
· Nên chỉnh răng nếu răng mọc không đều, nhất là cho thế hệ con em, để có hàm răng tốt suốt đời và dung mạo đẹp hơn do đó yêu đời và tự tin hơn.
· Răng giả, hàm giả làm không đúng cách có thể gây bệnh nướu răng.
· Mất chút thì giờ đánh răng và clean răng mà giữ được hàm răng suốt đời, ít đau, ít tốn tiền cho nha sĩ thì tại sao lại không dành cho chính mình một sự sự sóc cơ bản, đơn giản bằng cách đánh răng đúng. Một ngày chúng ta có đến (60x24=) 1440 phút. Dành cho việc đánh răng 3 phút buổi sáng, 3 phút buổi tối, không nhiều! Thật là “Lợi thì có lợi mà răng vẫn còn!”