Home Đời Sống Y Học Sinh Tố B1, Khắc Tinh Của Bệnh Rối Loạn Âu Lo (Anxiety Disorder)

Sinh Tố B1, Khắc Tinh Của Bệnh Rối Loạn Âu Lo (Anxiety Disorder) PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Tất Tiến   
Thứ Hai, 14 Tháng 11 Năm 2011 07:14

 Bệnh rối loạn âu lo, bệnh kích thích quá độ, hay bệnh thần kinh căng thẳng là một loại bệnh thuộc về tâm lý nhưng lại thể hiện trên sinh lý của toàn bộ cơ thể.

 

Người mắc bệnh rối loạn âu lo, thần kinh lúc nào cũng căng thẳng, lúc nào cũng lo sợ bâng quơ, sợ mưa, sợ gió, sợ rằng mình sẽ không khỏe mạnh nữa, sẽ mắc bệnh, sẽ bị lẫn (Alzheimer) hoặc gặp tai nạn gì đó. Có người lúc nào cũng thắc mắc không biết có bị con cái bỏ rơi không, lúc mình chết có đau đớn không, có kéo dài những ngày tháng tuyệt vọng không, chết ở đâu, có phải nằm cô đơn trong Nursing Home chờ cái chết đến hay không… Dần dần những lo lắng đó sẽ tăng dần cường độ, biến thành bệnh trầm cảm hoặc Alzheimer thật sự. Người mắc bệnh này có thể thấy tay chân mình lúc nào cũng lạnh, hoặc bồn chồn, có cảm giác buồn buồn bất thường hoặc tê cứng. Các ngón tay có thể bất ngờ rút lại, gây đau đớn. Đầu óc thì hoang mang, sợ hãi, hay giật mình khi có tiếng động bất thường, xem phim hành động thì thấy tim bị bóp lại, đau thốn. Miệng ăn không thấy ngon, và ăn bao nhiêu cũng thấy đói. Mắt thì có thể kèm nhèm và hay buồn ngủ bất thường. Người mắc bệnh này bạ chỗ nào cũng ngủ. Đang nói chuyện cũng ngủ. Xem truyền hình thì ngáy hoặc ngủ gật liên miên, nhưng khi đi ngủ thật vào ban đêm, lại hay thao thức, khó ngủ. Một số người lại có cảm giác như đau tim, âm ỉ ở ngực trái. Vài người bị bệnh tim đập nhanh khi ngủ Từ đó, lại càng âu lo hơn, sợ hãi hơn. “Chết rồi! Mình lại mắc bệnh đau tim nữa! Không biết khi nào thì phải gọi cấp cứu 911!” Và cứ thế, người bệnh bạc nhược dần đi, đờ đẫn, mất linh động trong sinh hoạt, trở nên vật vờ và dần dần né tránh giao thiệp cho dù là với các bạn thân hay các người trong gia đình.

Điều đáng ngại là sau khi thấy tình trạng cơ thể bất thường, các bệnh nhân lập tức đi khám bệnh và đòi uống thuốc mà các thứ thuốc thường được các Bác Sĩ kê toa theo yêu cầu đều là thuốc an thần, thuốc ngủ. Thực tế, đa số các loại thuốc này đều có tính chất gây nghiện, nếu dùng vài lần mà thấy ngủ ngon, thì sẽ có nhu cầu phải uống hoài. Hễ không có thuốc, lại mất ngủ. Nếu đòi uống thuốc mà Bác Sĩ không cho, lại giận hờn và bỏ đi tìm Bác Sĩ khác. Một số Bác sĩ chuyên môn về tâm lý, vì đã nhìn thấy trước các hiệu quả tất yếu của việc lạm dụng thuốc, cũng như biết rằng chẳng có thứ thuốc nào triệt tiêu được căn bệnh, thường khuyên bệnh nhân nên tập thể dục, nhưng đa số bệnh nhân không đủ ý chí để tập thể dục. Những bệnh nhân chưa vào tình trạng nặng thì nghe lời khuyên của Bác Sĩ mà cố gắng tập thể dục, bơi lội, chạy trên máy, đi bộ, hoặc tập phương pháp khác nhẹ nhàng như Thiền, Tài Chi và thấy một số kết quả khích lệ, nhất là bơi lội. Tuy nhiên, số người có thể bơi lội lại không nhiều; một số khác đi bộ lại chỉ đi bộ tàn tàn kiểu “cỡi ngựa xem hoa”, không đi nhanh và vung tay cũng không kết hợp hơi thở, nên kết quả cũng không có. Tập Thiền hay Tài Chi thì cần kiên nhẫn và ý chí thật mạnh, khi tập phải dồn hết tư tưởng vào các động tác thở mới có kết quả và tác dụng đến nhanh hay chậm lại tùy theo ý chí của mỗi người. Bởi thế, có người tập một thời gian thì chán, bỏ đi tìm phương pháp khác hay tìm Thầy khác trong tuyệt vọng.

Nói chung, một khi mắc phải căn bệnh này rồi, thì hy vọng khỏi hẳn rất hiếm.
Nhân một cơ hội gặp Bác Sĩ, Giáo Sư Y Khoa Lương Vinh Quốc Khanh, Chủ Tịch Cơ Quan Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ, người đã được tặng danh hiệu là “International Scientist of the Year” (Khoa Học Gia Quốc Tế của Năm), người đã có nhiều công trình nghiên cứu đặc biệt được đăng trên các tập san Y Khoa quốc tế cũng như được cho vào các chương trình giảng dậy tại các đại học Y Khoa Hoa Kỳ, như công trình nghiên cứu về Vitamin D  để trị bệnh ung thư, vitamin D trị bệnh lao phổi, đặc biệt là dùng Vitamin B1 để trị bệnh trầm cảm, người viết đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh về căn bệnh âu lo đáng sợ này.

-H: Thưa Giáo Sư, được biết anh đã có một công trình nghiên cứu về bệnh Anxiety Disorder, mà tôi dịch tạm là rối loạn âu lo, và công trình này đã được đăng trên Tập San Y Khoa Quốc.
Tế (*). Xin anh cho biết thêm về các định nghĩa về căn bệnh này .

-Đ: Thưa anh, bệnh Anxiety Disorder là một căn bệnh lúc nào cũng thấy lo lắng trong người, lo bâng quơ, không biết chính xác lo lắng về điều gì. Lúc nào người bệnh cũng chờ đợi một chuyện gì sẽ xẩy đến cho mình, hoặc lo là mình sẽ đau tim, sẽ bị bệnh ung thư…Lo quá rồi đột quỵ, phải đưa đi cấp cứu hoài. Sự trở bệnh lại hay diễn tiến vào ban đêm. Nhiều người bệnh, cứ đến đêm là gọi “Bác Sĩ ơi, tôi đau tim quá!” Thực tế thì khi đến nơi cấp cứu, các bác sĩ chỉ có một phương pháp cho uống hoặc chích thuốc an thần mà thôi. Còn về các định nghĩa về bệnh này cũng có sự khác nhau. Có định nghĩa cho là bệnh phải kéo dài 6 tháng mới thật là bệnh, nhưng cũng có định nghĩa ngắn hơn, trước 6 tháng, có khi chỉ 3 tháng thôi. Theo nghiên cứu, có tới 60% bệnh nhân âu lo biến thành trầm cảm thật sự, người bệnh thấy chán đời, có ý định muốn tự tử. Rất nhiều người buồn bã và lo lắng, không hiểu tại sao Bác Sĩ lại không tìm ra nguyên nhân căn bệnh mà chữa cho dứt điểm. Cứ uống thuốc thì khỏe nhưng ngưng thuốc một thời gian, lại bị trở lại. Trường hợp hoàn toàn dứt bệnh chỉ có khoảng 20%, còn lại 80% sẽ mang bệnh suốt đời và càng ngày càng lệ thuộc hơn vào thuốc an thần được tăng “dose” lên từ từ. Chính mẹ ruột tôi, đã bị bệnh này. Cụ được đưa đi chữa trị bởi bao nhiêu bác sĩ nhưng không có hiệu quả. Theo tôi, thời gian qua, chưa có các phương pháp điều trị nào có thể trị dứt hẳn bệnh.

-H: Vâng, đúng thế. Tôi có nhiều người bạn, người thân mắc bệnh âu lo này và cho đến nay, họ đã đi qua rất nhiều thầy thuốc, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Trong khi ấy, nghe nói anh đã tìm được một phương pháp mới đem lại niềm hy vọng cho những người bệnh này: dùng Vitamin B1 chích vào bắp thịt để trị bệnh căng thẳng thần kinh. Anh có thể cho biết thêm chi tiết được không?

-Đ: Qua nhiều năm nghiên cứu, tôi thấy các người bệnh âu lo này đều thiếu Vitamin B1 trầm trọng. Tôi đã cho uống Vitamin B1 thì không thấy có hiệu quả gì, nhưng sau khi chích Vitamin B1 vào thẳng bắp thịt, thì người bệnh linh hoạt hẳn lên và khỏi bệnh rất mau. Nhiều người đang u uất, trầm cảm, đặt đâu ngồi đó, mà sau khi được chích Vitamin B1, đã sinh hoạt bình thường trở lại một cách vui vẻ. Bài nghiên cứu về việc xử dụng Vitamin B1 vào trị bệnh rối loạn kích thích này đã được đăng trong Tập San Nghiên Cứu Y Khoa Hoa Kỳ (*) và sắp tới đây, trong ngày họp của các bác sĩ chuyên môn trên toàn thế giới tại College of Nutrition, New Yersey, tôi được mời để nói chuyện về phương pháp trị liệu mới này.

-H: Rất vui mừng khi được biết công trình nghiên cứu của anh đã đem lại nhiều niềm vui cho những người kém may mắn và cũng rất hãnh diện có người Việt Nam mình vang tiếng nói trong giới y khoa quốc tế. Thưa anh, về việc xử dụng Vitamin B1, tại sao lại không cho uống mà chỉ có chích bắp thịt mới có hiệu quả? Vậy mấy loại thuốc viên Multivitamin mà người ta bán ngoài thị trường không có tác dụng gì sao?

-Đ: Thưa anh, trong thành ruột non, có một tác nhân hấp thụ các chất bổ dưỡng vào máu. Từ máu, các chất bổ được chuyển tới các chi phận của cơ thể. Bệnh lo lắng, trầm cảm phát sinh từ các tế bào não đã bị suy yếu. Muốn trị bệnh, thì tế bào não phải được tiếp nhận Vitamin B1. Chu trình chuyển hóa chất bổ dưỡng từ thành ruột non lên não vẫn được tiếp diễn tốt đẹp với các người trẻ. Nhưng với tuổi già, các tác nhân hấp thụ đã không hoạt động được tốt đẹp như xưa nữa, cho nên các chất bổ như Vitamin B1 khi uống vào, chưa kịp hấp thụ đã tiêu ra ngoài hết. Do đó, nếu cần trị bệnh căng thẳng thần kinh, phải chích trực tiếp vào bắp thịt để vào thẳng máu, mới có hiệu quả.

-H: Thưa anh, phải dùng “dose” nào mới trị được bệnh này?

-Đ: Nên chích 100mg mỗi ngày và chích liên tục. Thường thì chỉ cần một, hai ngày đã thấy hiệu quả.

-H: Liệu chích như vậy có bị “over dose” không? Đôi khi dùng nhiều thuốc bổ quá cũng có tác dụng ngược, phải không anh?

-Đ: Để bảo vệ cơ thể, thường thì người ta chỉ cần 1mg một ngày là đủ. Nếu dùng 100 mg một ngày thì đã gấp 100 lần nhu cầu. Nhưng thật ra, trong cách điều trị bệnh nghiện rượu, với những con nghiện nặng, lên cơn đòi rượu, các Bác Sĩ đã phải dùng đến 1000 mg một ngày mới kềm chế được cơn nghiện rượu. Vì thế, lượng 100 mg Vitamin B1 một ngày để trị bệnh âu lo cũng không phải là quá lớn.

-H: Cám ơn anh rất nhiều cho cho tôi thực hiện cuộc phỏng vấn hữu ích cho sức khỏe mọi người này. Thành thật chúc anh thành công mãi để đem lại cho đời sự an vui, mong rằng mọi người đều có “một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.


(*) Scientific Research, International Journal of Clinical Medicine, 2011, 2, 439-443
Doi:10.4236/ijcm.2011.24073 Published Online September 2011 (http://www.SCiRP/org/journal/ijcm)