Home Đời Sống Y Học Zoster (giời leo)

Zoster (giời leo) PDF Print E-mail
Tác Giả: Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng   
Thứ Hai, 08 Tháng 11 Năm 2010 12:21

  Chủng ngừa ở người lớn

Hỏi: Tôi năm nay 62 tuổi, vừa mới bị giời leo cách đây ba tháng. Hiện nay cũng còn đau rát ở vùng bị giời leo, dù là cũng có bớt nhiều so với lúc đang bị bệnh.

Tôi nghe nói hiện nay đã có thuốc ngừa giời leo. Tôi đã bị bệnh rồi, có nên chích hay không? Và cũng xin bác sĩ giải thích kỹ hơn về bệnh giời leo, tại sao bị, cách chữa và phòng như thế nào? Những ai cần chích ngừa bệnh này?

Ngoài ra, để phòng bệnh hơn chữa bệnh, người lớn còn có thể và nên chích ngừa những bệnh gì khác?

Ðáp:

Theo Hội Ðồng Cố Vấn Về Chủng Ngừa Hoa Kỳ (Advisory Committee on Immunization Practices -ACIP), cũng đã được chuẩn thuận bởi Hội Các Bác Sĩ Gia Ðình Hoa Kỳ (American Academy of Family Physician), Hội Các Bác Sĩ Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologist), và Hội Các Bác Sĩ Hoa Kỳ (American College of Physicians), sau đây là những thuốc chủng đang được khuyến cáo cho người lớn.

-Tetanus, diphtheria, pertussis (Td/Tdap - uốn ván, bạch hầu, ho gà)

-Human papilloma virus (HPV- chủng ngừa ung thư cổ tử cung)

-Measles, mump, rubella (sởi, quai bị, sốt hồng ban rubella)

-Varicella (trái rạ)

-Influenza (cúm - chỉ ngừa cúm chứ không phải ngừa cả cảm và cúm)

-Pneumococcal (polysaccharide - ngừa viêm phổi - chứ không phải lao phổi)

-Hepatitis A (viêm gan do siêu vi trùng viêm gan A)

-Hepatitis B (viêm gan do siêu vi trùng viêm gan B)

-Meningococcal (viêm màng não)

-Zoster (giời leo)

Cần chú ý là hướng dẫn này chỉ cho người lớn, tức là từ 19 tuổi trở lên. Hướng dẫn chủng ngừa cho lứa tuổi dưới 19 tuổi được xếp vào loại chích ngừa cho trẻ em.

Một liều duy nhất của thuốc chủng ngừa giời leo được khuyến cáo cho những người từ 60 tuổi trở lên, dù là trước đây người đó đã từng bị giời leo hay chưa.

Hiện nay (tháng 10, năm 2010), hãng Merck, là hãng sản xuất thuốc ngừa giời leo này, đang xin phép FDA (U.S. Food and Drug Administration) cho sử dụng thuốc ngừa này ở người từ 50 đến 59 tuổi, vì nghiên cứu gần đây của họ cho thấy ở lứa tuổi này, tỉ lệ phòng bệnh giời leo của thuốc lên đến gần 70 phần trăm. Họ mong đợi rằng điều này sẽ được CDC chuẩn thuận vào khoảng nữa đầu của năm 2011.

Những người với các tình trạng đau yếu mạn tính cũng có thể chủng ngừa thuốc này, trừ khi có chống chỉ định hay những tình trạng cần phải thận trọng khi chích ngừa thuốc này.

Các chống chỉ định (tức là các tình trạng khiến cho việc chích thuốc này có thể gây ra nguy hiểm cho bệnh nhân, do đó, họ không nên dùng thuốc này) bao gồm: những người đã từng bị dị ứng với các thành phần của thuốc này hoặc chất gelatin, đã từng bị sốc thuốc (anaphylactic/anaphylactoid reaction) với neomycin, bị ung thư máu (leukemia hoặc lymphoma), bị suy giảm miễn dịch, ví dụ như bị nhiễm HIV, đang bị lao mà chưa điều trị, có bầu hoặc dự định có bầu trong vòng 3 tháng.

Cần thận trọng khi chích nếu đang bị các bệnh cấp tính và đang sốt.

Giời ăn, hay giời leo, hay giời bò, tiếng Anh gọi là shingles hoặc herpes zoster hoặc (đơn giản chỉ là) zoster, không phải là hiếm gặp. Theo thống kê, có khoảng 20 phần trăm của người Mỹ sẽ bị giời ăn một lần nào đó trong cuộc đời.

Giời, là một côn trùng giống giống như con rít to. Có lẽ vì các tổn thương của zoster tạo ra các mụn nước kéo dài thành đường giống như tổn thương gây ra do việc con giời bò lên người của một người và gây ra các mụn nước đau rát do chất độc (?axít) tiết ra từ các chân, lông và cơ thể của nó, mà người xưa (nghĩ và) gọi bệnh này là do giời leo hay chăng?

Thật ra, giời leo là hậu quả của việc tái hoạt (reactivation) của virus gây bệnh trái rạ (chicken pox) thường gặp khi ta còn nhỏ.

Virus gây ra bệnh trái rạ là varicella zoster. Một khi ta đã bị trái rạ, varicella zoster sẽ “nằm vùng” lại trong các mô thần kinh của cơ thể suốt đời. Giời leo xảy ra khi varicella “tái xuất giang hồ” khi gặp “thời cơ.” “Thời cơ” này thường là khi sức đề kháng của cơ thể bị yếu đi. Do đó giời leo thường xảy ra ở người lớn tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch như các bệnh nhân SIDA, đang điều trị ung thư, trong lúc đang bị stress, vân vân.

Như vậy là virus gây ra giời leo không lây để gây giời leo ở người khác ngay lập tức. Nếu một người chưa có sức đề kháng với virus bệnh trái rạ, nếu bị lây virus từ người đang bị giời leo, người đó sẽ bị trái rạ vào lúc đó. Giời leo chỉ có thể xảy ra rất lâu sau đó khi virus này tái hoạt.

Vì varicella “nằm vùng” ở các mô thần kinh, khi chúng “quậy” lên, đầu tiên bệnh nhân sẽ có các cảm giác đau như kiểu đau thần kinh, tức là tê tê, nóng nóng, rần rần, buốt như điện giựt ở vùng chi phối của nhánh thần kinh đó. Sau khoảng ba ngày mới phát ra các ban đỏ và mụn nước, mụn nước có khi to bằng cả bàn tay. Vùng bị nổi đỏ và mụn nước rất đau đớn, có khi quần áo đụng vào cũng chịu không nổi. Ngay cả dù không điều trị, thường mụn nước cũng sẽ tự vỡ, khô mài trong vòng khoảng hai đến bảy ngày. Mài thường tróc hẳn trong vòng một tháng. Tùy theo mụn nước lớn hay nhỏ và cách giữ vệ sinh, có thể không để lại sẹo, hoặc để lại sẹo lớn hay nhỏ. Vì virus varicella thường chỉ tấn công vào một nhánh thần kinh nên thường bệnh nhân chỉ bị các tổn thương nói trên ở một bên của cơ thể, theo vùng thần kinh bị ảnh hưởng.

Giời leo thường đi kèm với mệt mỏi, sốt nhẹ và ê ẩm mình mẩy như trong các trường hợp nhiễm virus khác.

Sau khi vết thương tróc mài, bệnh nhân có thể vẫn còn đau. Khoảng 10 phần trăm bệnh nhân sẽ phải chịu đựng các cơn đau kéo dài, gọi là post herpetic neuralgia. Các cơn đau “hậu giời leo” này có thể kéo dài nhiều tháng, đôi khi có thể nhiều năm, thường gặp hơn ở người lớn tuổi, và có thể hạn chế được bằng cách trị liệu giời leo bằng thuốc chống virus sớm và thích hợp.

Ngoài ra, một số biến chứng có thể xảy ra làm mù mắt, điếc, liệt mặt nếu virus tấn công vào các vùng thần kinh này. Do đó, nếu thấy giời leo lan đến gần mắt, vào tai, nên đến bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Các triệu chứng đau đớn và biến chứng của giời leo có thể được hạn chế nếu bệnh được chẩn đoán sớm, bác sĩ cho uống thuốc chống virus sớm (trong vòng ba hay trễ lắm là bảy ngày) và đủ liều.

Các biến chứng cũng có thể tránh được khi được điều trị dự phòng từ sớm. Cũng có nhiều thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng đau “hậu giời leo.” Các thuốc này có nhiều tác dụng phụ và cần được khám và theo dõi cẩn thận.

Thân mến