Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm |
Tác Giả: Quỳnh Như, phóng viên RFA | |||
Thứ Ba, 19 Tháng 10 Năm 2010 12:42 | |||
Hàng năm cứ vào khoảng thời gian đầu tháng 10, Ủy ban Giải Nobel Thế giới lại tuyển chọn các Khôi nguyên cho các giải Nobel về Y khoa, Vật lý, Hóa học, Văn chương, Kinh tế, Hòa bình. Chăm sóc trẻ sơ sinh được sinh ra bằng PP thụ tinh trong ống nghiệm. /Photo courtesy of hanoi.gov.vn Ngày mùng 04 tháng 10 năm 2010, Hội đồng tuyển chọn Khôi nguyên của Nobel Y khoa 2010 tuyên bố giải Nobel Y khoa năm nay lọt vào tay Tiến sĩ Y khoa người Anh, Bác sĩ Robert Edwards, cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Trong chương trình Sức khỏe và Đời sống kỳ này Quỳnh Như xin mời quý vị cùng tìm hiểu về vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm. Bước đột phá “Hiện nay trong cả nước từ Bắc vô Nam, đã có được 14 Trung tâm có thể thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm./BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng Thưa quý vị, Tiến sĩ Y khoa, Bác sĩ Robert Edwards 85 tuổi là một nhà sinh vật học người Anh. Ông là người đi tiên phong nghiên cứu và phát minh ra phương pháp cho thụ thai ngoài tử cung. Từ thập niên 60, ông đã bắt đầu tiến hành các nghiên cứu phương pháp cho thụ tinh trong ống nghiệm để giúp cho các đôi vợ chồng vì lý do nào đó mà không thể sinh con theo cách tự nhiên. Phương pháp này còn được gọi là “phương thức tạo ra những đứa bé trong ống nghiệm”. Cùng với người đồng nghiệp quá cố là Bác sĩ Patrick Christopher Streptoe, bác sĩ Phụ khoa người Anh, Bác sĩ Edwards đã thực hiện thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Kết quả ngày 25 tháng 7 năm 1978 Louise Joy Brown là em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ thai này ở Anh Quốc. Bước đột phá trong lĩnh vực y khoa này đã giúp cho biết bao ông bố bà mẹ vô sinh có được hy vọng sinh ra những đứa con, mặc dù cũng không ít sự chỉ trích, phê phán nhằm vào phương pháp này. Thậm chí đã từng có lúc hai bác sĩ y khoa này không nhận được sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ Anh cho việc nghiên cứu, mà trái lại, họ lại nhận được vô số đơn kiện về công trình nghiên cứu này.Từ năm 1978 đến nay ước tính trên thế giới đã có khoảng 4 triệu em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm này. Ngày nay với các thiết bị và kỹ thuật y khoa hoàn thiện hơn tỉ lệ thành công trung bình của phương pháp này là 20%. Theo Tổ chức nghiên cứu về khả năng sinh sản và phôi học Châu Âu, trung bình hàng năm có khoảng 300.000 em bé chào đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Thực hiện ở Việt Nam Sơ đồ quy trình thụ tinh trong ống nghiệm. Photo courtesy of dulichchuabenh.vn Mô tả về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đầu tiên tại Việt Nam thành công trong việc áp dụng phương pháp này, cho biết: “Việc đầu tiên là làm xét nghiệm. Tới ngày hành kinh thì người phụ nữ đến gặp bác sĩ để cho một số xét nghiệm, đến khi sạch kinh cũng đến làm xét nghiệm nữa để xem hai vòi trứng có thông hay không. Người chồng cũng đến cùng một lúc làm xét nghiệm tinh trùng để bác sĩ đánh giá xem như thế nào. Thì lần đầu và lần thứ nhì người ta làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân tại sao hai vợ chồng không có con. Sau đó, bác sĩ hẹn ngày đến để bắt đầu tiêm thuốc cho bà vợ. Đa số các trường hợp bây giờ tiêm thuốc khoảng hai tuần lễ. Sau đó người chồng đến để lấy tinh trùng. Sau đó bác sĩ làm ra phôi, rồi mấy ngày sau chuyển phôi. Và đợi hai tuần lễ thì có thể biết kết quả là có thai hay không có thai.” “Tỉ lệ thành công của các ca thụ tinh trong ống nghiệm ở VN, riêng của nhóm bác sĩ trẻ này, mới tháng vừa rồi tỉ lệ thành công khoảng 50%, nói chung cả năm khoảng 35%. / BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, những năm 80 khi sang Thái Lan công tác, bà thấy các đồng nghiệp y khoa chuẩn bị tiến hành thử nghiệm phương pháp cho phôi thai thụ tinh trong ống nghiệm, bà rất tâm đắc và rất muốn thực hiện ở Việt Nam. Dự định đó được Bác sĩ Ngọc Phượng ấp ủ rất lâu, nhưng mãi đến 1997 mới bắt đầu thực hiện. Vì để mua sắm máy móc trang thiết bị y khoa cần một khoản ngân sách đến 3 triệu đô la, trong khi lúc ấy tình hình kinh tế Việt Nam vẫn còn rất khó khăn. Nhưng Bác sĩ Phượng nói rằng, bà muốn quyết tâm thực hiện cho bằng được vì người dân rất cần. Và Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện phương pháp này để giúp cho các ông bố bà mẹ vô sinh, sinh được những đứa con. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kể lại: “Ngày 19 tháng 8 năm 1997 tôi chuyển phôi cho 5 ca đầu tiên, sau đó được 3 ca có thai. Khi Bệnh viện Từ Dũ bắt đầu làm và đã thành công. Tôi bắt đầu cố gắng phát triển ra nhiều trung tâm ở các vùng, miền vì nước mình có chiều dài rất dài. Hiện nay trong cả nước từ Bắc vô Nam, đã có được 14 Trung tâm có thể thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ở Hà Nội có ba trung tâm, ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Huế, Thành phồ Hồ Chí Minh có bốn năm trung tâm, rồi ở Bình Dương, Cần Thơ, và sắp tới sẽ có nhiều trung tâm ra đời nữa. Cũng phải nói là nhờ có nhóm bác sĩ trẻ rất tích cực, không dấu nghề, rất hăng say và yêu thích công việc nên mới phát triển được như vậy. Hiện nay ở Việt Nam đã có khoảng gần 10.000 em bé được chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Và mỗi năm trong cả nước có khoảng từ 5.000 đến 6.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm. Thì nhóm bác sĩ trẻ đã đảm đương khoảng 3.000 ca ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại là ở các trung tâm khác.” Niềm hạnh phúc làm mẹ Bác sĩ đang làm xét nghiệm trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Photo courtesy of gdsk.net Về mức độ thành công của các ca thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam. Bác sĩ Ngọc Phượng cho biết: “Nói về tỉ lệ thành công của các ca thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam. Riêng của nhóm bác sĩ trẻ này, mới tháng vừa rồi các em báo cáo với tôi tỉ lệ thành công khoảng 50%, nói chung cả năm khoảng 35%. 50% thành công tức là có 50% thất bại nên phải nhìn về những trường hợp thất bại. Thấy rất tội nghiệp người ta. Nếu người phụ nữ dưới 35 tuổi thì tỉ lệ thành công cao hơn. Còn người phụ nữ 40 tuổi trở lên thì tỉ lệ thành công khoảng một, hai phần trăm. Trong nước có Nghị định của Thủ tướng Chính phủ ký năm 2003, cấm không cho thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho phụ nữ trên 45 tuổi. Vì đối với phụ nữ trên 45 tuổi tỉ lệ thành công rất thấp, và nếu thành công thì tỉ lệ đứa bé bình thường cũng thấp hơn là đối với những phụ nữ trẻ. Vả lại nếu như lớn tuổi quá mà sinh con thì có thể không nuôi con được lâu vì lúc ấy đến tuổi về hưu rồi lại qua đời. Thì đứa con sẽ không được chăm sóc tốt.” Người bác sĩ Phụ sản này cũng giải thích về những nguyên nhân có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới cũng như nữ giới. Bác sĩ Ngọc Phượng cho biết: “Theo tự nhiên thì mỗi chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, nếu tất cả đều bình thường. Ông chồng mạnh khỏe, bà vợ cũng rất bình thường thì theo tự nhiên chỉ có 15% tỉ lệ đậu thai là tối đa ở mỗi chu kỳ. Cho nên tỉ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm 50% là nhiều lắm rồi. Còn nói về nguyên nhân gây vô sinh thì nhiều lắm; ở nam giới cũng có, khoảng ba mươi mấy 40%. Ở nữ thì có thể do rối loạn nội tiết, đưa đến rối loạn rụng trứng, đưa đến việc hai vòi trứng bị tắt nghẽn, rồi có thể do tử cung có u xơ, tử cung không chấp nhận để nuôi được thai do niêm mạc tử cung mỏng, chẳng hạn.v.v... có rất nhiều nguyên nhân. Còn đối với nam giới thì có thể là do tinh trùng ít, và tinh trùng yếu. Rồi cũng có nhiều trường hợp khoảng 10% người ta không thấy rõ nguyên nhân. Hai vợ chồng làm tất cả các xét nghiệm đều thấy rất bình thường, nhưng không hiểu tại sao hai vợ chồng lại không có con được.” Làm mẹ là niềm hạnh phúc của bất kỳ người phụ nữ nào trên thế gian này, vì thế vô sinh quả là một bi kịch cho họ. Ở Việt Nam, trong vòng một thập niên trở lại đây, vô sinh là vấn đề sức khỏe có phần gia tăng. Sáng kiến thụ tinh trong ống nghiệm giúp giảm nhẹ sự đau khổ và sự kỳ thị của xã hội mà người phụ nữ hiếm muộn ở những nước đang phát triển gặp phải.
|