Home Đời Sống Y Học Hội chứng mệt mỏi kinh niên

Hội chứng mệt mỏi kinh niên PDF Print E-mail
Tác Giả: Bác Sỉ Nguyễn Ý Đức   
Thứ Năm, 02 Tháng 9 Năm 2010 17:17

Cuộc sống ngày nay khác rất nhiều so với trước đây. Nếp sống công nghiệp hóa, đô thị hóa lúc nào cũng hối hả,

nên người lao động dù làm việc chân tay hay sử dụng trí óc đều căng thẳng, đầu tắt mặt tối như nhau.


RFA photo / Vườn sen ở Washington DC

Điều này dễ đưa con người đến tình trạng suy nhược, mệt mỏi. Nếu tình hình này kéo dài, sẽ dẫn đến ‘Hội chứng Mệt mỏi kinh niên’ rất thường gặp hiện nay, nhưng đôi khi người ta không nhận ra, cứ lầm tưởng là một bệnh nào khác. 

Trong chương trình Sức khoẻ và Đời sống kỳ này, Quỳnh Như xin giới thiệu vài thông tin liên quan đến loại bệnh có thể coi như đặc trưng của thời hiện đại này.

Xuất hiện từ rất lâu
Hội chứng Mệt mỏi kinh niên (Chronic Fatigue Syndrome) thật ra đã xuất hiện từ rất lâu. Ngay từ thế kỷ thứ 19, các chuyên gia sức khoẻ đã từng mô tả bệnh.

Sang đến thế kỷ 20, trong khoảng thời gian từ thập niên 30 đến 50, bệnh được ghi nhận là xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay, thì tình hình trở nên đáng báo động hơn, khi hội chứng này tăng lên với hàng triệu lượt người đi bác sĩ với triệu chứng mệt mỏi, mất sinh lực, khiến y giới phải đặc biệt lưu tâm.    

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, chuyên khoa Lão khoa và Gia đình tại Hoa kỳ nhận định rằng, khi tình trạng mệt mỏi thường xuyên ở một người kéo dài quá 6 tháng, đưa đến những ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ, lao động và các sinh hoạt hàng ngày, mà không do một bệnh nào về thể xác gây ra, thì phải nghĩ đến Hội chứng mệt mỏi kinh niên.

Đặc điểm của tình trạng mệt mỏi này là, thứ nhất, không phải do tập luyện hay làm một công việc gì nặng nhọc gây ra, và thứ hai, khi đã đến mức trầm trọng thì cho dù nghỉ ngơi hay ngủ cũng không giúp thuyên giảm.

Một điều cần đặc biệt lưu ý, là Hội chứng mệt mỏi kéo dài có nhiều triệu chứng tương tự như một số bệnh khác, như bệnh viêm đường tiết niệu, tiểu đường, tim mạch, trầm cảm, chứng mất ngủ, bệnh do giảm hoạt động của tuyến giáp và nhiều bệnh khác. Để phân biệt hội chứng này với các bệnh khác. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức cho biết:

“Thật ra trong vấn đề này cần phải để ý, phân biệt một số điểm như sau; thứ nhất trong trường hợp bị mệt mỏi kinh niên thì đây là một tình trạng mệt mỏi kéo dài khá lâu, thường là quá 6 tháng. Sự mệt mỏi này ảnh hưởng đến các sinh hoạt hằng ngày, và không do một bệnh nào gây ra. Đó là điểm chính.

Ngoài ra, cũng cần để ý tới một số đặc điểm, ví dụ như là, bệnh mệt mỏi kinh niên trầm trọng đến nỗi, ngủ và nghỉ ngơi cũng không làm thuyên giảm sự mệt mỏi này.
 Thứ hai, sự mệt mỏi đó gây ra không do làm việc hay tập luyện nặng nhọc. Thứ ba, cái mệt mỏi ảnh hưởng tới mọi công việc thường lệ. Và cuối cùng cái mệt mỏi kinh niên là một tình trạng mới chứ không phải do một bệnh nào đó gây ra.

Đó là những điểm chính mà ta có thể phân biệt vì thường ta cũng nhận thấy rằng những người bị trầm cảm cũng có thể mệt mỏi, người làm việc lao động quá sức cũng có thể bị mệt mỏi, nhưng sự mệt mỏi đó thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn mà thôi.”        

Do nhiều nguyên nhân

 Con đường làng quê VN. RFA photo

Các chuyên gia sức khoẻ đã tìm ra một số nguyên nhân dẫn đến sự mệt mỏi ở chúng ta.
 Một nguyên nhân đó là do thiếu ngủ, vì bệnh mất ngủ hay ngủ ít.

Theo Viện nghiên cứu Y tế quốc gia Mỹ, có đến 70 triệu người Mỹ có thể thường xuyên bị thiếu ngủ.
 Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu ngủ phần lớn là do sức ép của công việc trong thời hiện đại khiến chúng ta còn rất ít thời gian để ngủ. Trong khi trung bình mỗi người cần ngủ ít nhất 7 tiếng đồng hồ mỗi tối.

Ăn không đúng dinh dưỡng cũng là một nguyên nhân gây mệt mỏi; việc ăn quá chất và ăn không đủ dinh dưỡng đều có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi.

Nếu bạn ăn sáng bằng những thực phẩm không đủ chất, bạn sẽ thấy chậm chạp và mệt mỏi trong khi làm việc do lượng đường máu bị hạ thấp. Nên thường xuyên bổ sung dinh dưỡng đủ vào các bữa ăn sáng bằng những thực phẩm giàu protein, và calo như trứng, sữa, bánh mì. Việc này sẽ giúp cơ thể luôn có đủ năng lượng.

Thiếu máu cũng là một nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng mệt mỏi ở phụ nữ.

Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu để đưa ô-xy đến các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh thiếu máu có thể dễ dàng được phát hiện bằng phương pháp thử máu. Thiếu máu thường gây ra bởi thiếu vi lượng sắt trong máu. Điều trị bệnh thiếu máu có thể dùng các thực phẩm giàu yếu tố vi lượng sắt như thịt nạc, gan, đậu nành, cá, ... hoặc uống bổ sung thuốc vi lượng sắt.     

Trạng thái tâm lý trầm cảm cũng gây mệt mỏi, đau đầu, và ăn không ngon miệng. Bệnh trầm cảm cần được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp với việc sử dụng thuốc. Đồng thời để tránh trầm cảm, nên có một chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.         

Theo một nghiên cứu mới đây, việc nạp vào cơ thể một lượng lớn caffeine cũng có thể khiến một số người cảm thấy mệt mỏi. Mặc dù nhiều người cứ nghĩ rằng dùng càfê để giúp tỉnh táo.

Nhưng nguyên nhân của Hội chứng mệt mỏi kinh niên thì không rõ  ràng như vậy.

 Hội chứng này thường thấy phổ biến ở các quốc gia kỹ nghệ cao, nhất là tại những đô thị lớn, tập trung đông đúc dân cư, với nhịp sống khá nhanh.

 Tại Hoa kỳ, Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) cho biết cứ 100,000 người thì có 3 người bị mắc hội chứng này. Bệnh này xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới, và thường thấy ở những phụ nữ trong độ tuổi khoảng từ 20 đến 50.

Có nhiều giả thuyết được nêu ra để giải thích cho Hội chứng Mệt mỏi kinh niên. Tựu trung các nhà nghiên cứu đều cho rằng nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau: Có thể do có sự thay đổi trong hệ thần kinh trung ương, hay hệ thống miễn nhiễm bị suy yếu, hoặc có khi do một số dược phẩm gây ra như các loại thuốc chữa bệnh cao huyết áp, thuốc tâm thần, thuốc chống dị ứng, v.v...

Chữa trị khó khăn

 Khu du lịch giải trí Suối Tiên. RFA photo

Tìm ra được bệnh đã là một cái khó, rồi đến việc chữa trị cũng không phải là đơn giản.

 Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể điều trị trong một thời gian ngắn cho Hội chứng Mệt mỏi.

Đối với những người mắc phải hội chứng này, cách tốt nhất là nên thay đổi cuộc sống hàng ngày cho hợp lý hơn, đồng thời tạo ra thói quen ăn ngủ điều độ, và thường xuyên luyện tập thể dục, sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.

Về vấn đề này Bác sĩ Nguyễn Ý Đức đưa ra lời khuyên, theo ông:

“Cho tới giờ chưa có một phương thức nào có thể điều trị dứt hội chứng mệt mỏi kinh niên. Vì thế cho nên người ta chỉ có thể điều trị bệnh theo triệu chứng mà thôi.

 Tuy nhiên, trước khi điều trị chúng ta cũng nên tới bác sĩ thử tìm hiểu xem có thể có những bệnh về thể chất có thể gây ra trường hợp mệt mỏi. Ví dụ như ở những người bị thiếu sắt thì đưa tới thiếu máu và có thể dẫn tới mệt mỏi, hoặc những người bị viêm gan siêu vi C, những người mắc bệnh Si-đa hay những người viêm thanh quản thì cũng có thể đưa tới trường hợp mệt mỏi.

Trở lại vấn đề, khi không tìm ra nguyên nhân nào khác thì phương thức điều trị mà các nhà khoa học hiện đang áp dụng là khuyên người bệnh áp dụng một nếp sống lành mạnh, tập luyện cơ thể đều đặn và vấn đề cần là ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng, tại vì cũng có nhiều trường hợp người ta nêu ra một số thực phẩm có thể gây ra chứng mệt mỏi kinh niên.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải giữ cho tâm thân an lạc một chút và hoạt động vừa phải thì tất cả những điều đó cũng đều có thể giúp giảm hội chứng mệt mỏi kinh niên.

 Và điểm tiếp theo chúng tôi cũng muốn xin thưa rằng, đối với một số bệnh nhân chúng ta phải thử tìm hiểu xem chúng ta có làm việc quá sức hay không, có stress quá hay không, và có thường hay bị mất ngủ hay không, thì đó là những phương thức thường được áp dụng để điều trị các trường hợp mệt mỏi.

Thật ra những trường hợp như thế này thì bác sĩ có thể cho những loại thuốc chống đau, hoặc những loại thuốc có tính an thần để người bệnh có thể ngủ và nghỉ được dễ dàng.”    

 Xin cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Ý Đức đã tham gia với chương trình Sức khoẻ và Đời sống kỳ này.

Quỳnh Như, phóng viên RFA