Obamacare thành luật |
Tác Giả: Trần Bình Nam | |||
Chúa Nhật, 04 Tháng 4 Năm 2010 10:16 | |||
Ngày Thứ Ba 23/3 tổng thống Obama ký ban hành luật cải tổ, và hôm Thứ Năm 25/3 cả hai viện thông qua dự luật “reconciliation”. Tổng thống Obama ký ban hành ngay sau đó. Sau 14 tháng dằng co, khuya Chủ Nhật 21/3/2010 Hạ nghị viện Hoa Kỳ với 219 thuận, 211 chống, thông qua bản văn dự luật Thượng nghị viện đã thông qua trước đây. Có tất cả 39 dân biểu thuộc đảng Dân chủ bỏ phiếu chống cùng với tất cả 172 dân biểu đảng Cộng Hòa. Bản văn dự luật là bản văn chung quyết của hai viện Quốc hội và tổng thống Obama ký thành luật hôm Thứ Ba 23/3 (trong bài viết này sẽ gọi là Bộ Luật 23/3). Sự ban hành Bộ luật 23/3 là một cuộc cách mạng của Hoa Kỳ giống như cuộc cách mạng Social Security Act gồm hai chương trình Medicare cho người cao niên trên 65 tuổi và Medicaid cho người nghèo tổng thống Lyndon B. Johnson ký ban hành năm 1965. Bộ luật này đã tạo ra nhiều tranh cãi tại quốc hội và chia rẽ dân chúng Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng, qua thời gian, được công nhận là đạo luật có tính nhân bản xứng đáng với tinh thần Mỹ quốc. Tháng 6/2009, khi cuộc tranh luận về việc cải tổ hệ thống săn sóc sức khỏe do đảng Dân chủ chủ trương bắt đầu, đảng Dân chủ nắm đa số áp đảo tại hai viện quốc hội, nhất là tại Thượng viện đảng Dân chủ nắm đa số 60/100 (không cho phép đảng Cộng hòa dùng filibuster – phát biểu không hạn định thời gian - để ngăn cản không cho biểu quyết), nên mọi người đều nghĩ luật cải tổ săn sóc sức khỏe sẽ được thông qua với sự tương nhượng giữa hai đảng trong năm 2009. Ngày 7/11/2009 Hạ nghị viện thông qua một dự luật bảo đảm bảo hiểm sức khỏe cho mọi công dân (với 220 chống 215), trong đó chỉ có một dân biểu Cộng hòa (Joseph Cao, Louisana) bỏ phiếu thuận. Dự luật này dự liệu thành hình một cơ sở bảo hiểm do chính phủ liên bang điều hành. Ngày 24/12/2009 Thượng viện thông qua một bản văn tương tự cũng bảo đảm mọi công dân được bảo hiểm sức khỏe, nhưng bỏ ý định lập một cơ sở bán bảo hiểm do chính phủ liên bang điều hành và thay thế bằng những cơ sở có mục đích tương tự do nhu cầu và luật lệ của mỗi tiểu bang (gọi là insurances exchanges) để thỏa mãn sự đòi hỏi của các Thượng nghị sĩ Dân chủ có khuynh hướng bảo thủ không muốn chính phủ liên bang xâm lo quá nhiều vào đời sống dân chúng. Theo thủ tục lập pháp, hai viện quốc cần dung hòa hai bản văn để có một bản văn chung trước khi chuyển cho tổng thống ký ban hành. Bất ngờ trong cuộc bầu cử chọn một Thượng nghị sĩ điền thế Thượng nghị sĩ Edward Kennedy (Dân chủ, Massachusetts, qua đời tháng 8/2009) ông Scott Brown, một đảng viên Cộng hòa đắc cử làm cho đảng Dân chủ không đủ 60 phiếu tại Thượng viện để có thể tiến hành việc thông qua bản văn dung hòa. Thừa thắng, đảng Cộng hòa chọn thái độ tuyệt đối không hợp tác với đảng Dân chủ, với tính toán đánh bại nỗ lực cải tổ của tổng thống Obama. Nhưng đảng Dân chủ dùng “kỹ thuật nghị trường” để thông qua bất chấp sự cản trở của đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa chọn thái độ chống sau khi đo lường thái độ của người dân trong thời gian hơn một năm tranh luận. Bộ luật phức tạp đưa ra nhiều cải tổ và đa số dân chúng không có thì giờ để nắm vững luật sẽ ảnh hưởng đến cá nhân mình như thế nào nên do dự. Những người đang có bảo hiểm tốt không muốn thay đổi, thành phần cao niên trong chương trình Medicare lo ngại sợ mất bớt quyền lợi, trong khi các tập đoàn quyền lợi như tập đoàn luật sư, bác sĩ, tập đoàn bệnh viện, các hãng bảo hiểm, các đại công ty bào chế thuốc dồn sức và khả năng tài chánh để chống. Họ dùng phương pháp dọa dẫm (scare tactics) như gán cho luật cải tổ nhãn hiệu “xã hội chủ nghĩa”, thậm chí gán cả nhãn hiệu “cộng sản!” Thành phần yếu kém trong xã hội cần luật thông qua để được bảo vệ thì thấp cổ bé miệng. Ngoài sự chống đối luật vì quyền lợi, một số chống vì nguyên tắc, và ảnh hưởng tôn giáo. Họ không thích bị chính quyền bắc buộc mua bảo hiểm, họ không thích phải đóng thuế thêm, và họ không chấp nhận dùng tiền của chính phủ dưới mọi hình thức để phá thai. Sau khi Thượng nghị sĩ Scott Brown đắc cử, đảng Dân chủ dùng Hạ nghị viện thông qua nguyên văn bản văn Thượng viện đã thông qua ngày 24/12/09 trước đây. Sau khi thông qua, bản văn không cần trở lại Thượng viện và đi thẳng vào Bạch Ốc để tổng thống ký ban hành thành luật. Cuộc biểu quyết cuối cùng tại Hạ nghị viện ngày 21/3/2010 cũng rất cam go vì có nhiều dân biểu Dân chủ - đại diện các địa phương tương đối bảo thủ và đa số cử tri muốn chống luật cải tổ - không muốn bỏ phiếu thuận. Để thuyết phục một số dân biểu Dân chủ bỏ phiếu thuận cho đủ đa số, Hạ nghị viện thông qua một dự luật song hành gọi là “điều chỉnh qua đường ngân sách” (budget reconciliation) để thay đổi cách thi hành vài điều khoản trong luật vừa thông qua cho hợp khẩu vị của giới bảo thủ. Dự luật “reconciliation” này sẽ phải qua Thượng nghị viện nhưng Thượng nghị viện chỉ được thảo luận tối đa 20 giờ và chỉ cần đa số thường để thông qua. Ngày Thứ Ba 23/3 tổng thống Obama ký ban hành luật cải tổ, và hôm Thứ Năm 25/3 cả hai viện thông qua dự luật “reconciliation”. Tổng thống Obama ký ban hành ngay sau đó. Đảng Cộng hòa chọn thái độ chống, hy vọng rằng thái độ của họ sẽ được dân chúng ủng hộ và đảng Cộng hòa sẽ nắm lại đa số tại quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 2/11/2010 sắp đến. Chương trình của đảng Cộng hòa là sẽ vận động vô hiệu hóa luật 23/3 (repeal). Trong khi chờ đợi 13 tiểu bang đã nộp đơn kiện tính cách vi hiến của luật 23/3 lên Tối Cao Pháp Viện với lập luận rằng luật 23/3 buộc công dân phải mua bảo hiểm tư là vi phạm quyền hiến định của mỗi công dân (quyền ký hay không ký giao kèo với các cơ sở tư nhân.
Luật sẽ ảnh hưởng thế nào đối với mỗi người dân? Ảnh hưởng đến mọi người: Trong vòng 6 tháng các hãng bảo hiểm không có quyền từ chối bán bảo hiểm cho trẻ em đang có vấn đề sức khỏe. Đến năm 2014 các hãng bảo hiểm không được quyền từ chối bán bảo hiểm cho một ai. Ảnh hưởng đến những người đang có bảo hiểm (do sở làm cung cấp hay tự mua lấy, không thuộc diện Medicare) Nếu chủ sở không trả trên 60% tiền bảo hiểm (premium), hoặc quý vị phải trả trên 9.5% tiền lương, quý vị có quyền mua một giao kèo bảo hiểm có trợ cấp (buy subsidized insurance) qua các công ti bảo hiểm do chính phủ yểm trợ tài chánh (exchanges) Ảnh hưởng đến những người đang không có bảo hiểm (hoặc tự làm chủ (self-employed) hoặc thất nghiệp, hoặc đi làm nhưng chủ không mua bảo hiểm cho và mình không mua nổi bảo hiểm, hoặc mua bảo hiểm không được vì lý do này hay lý do khác. Nếu là cá nhân có lợi tức dưới $14,404 hay một gia đình 4 người có lợi tức dưới $29,327 thì sẽ được hưởng Medicaid. Ước lượng có thêm 15 triệu người được hưởng. Những người thuộc diện Medicare Mua thuốc theo Part D thuộc chương trình Medicare:
Từ năm 2011 đến năm 2019: đối tượng ở trong doughnut hole được giảm tiền thuốc dần dần đến hết năm 2019 thì không còn doughnut hole nữa . Từ năm 2020 trở đi: Tiền thuốc dưới $4,550 trả 25%, trên $4,550 trả 5% . Được tham gia chương trình Medicare Advantage do các hãng bảo hiểm tư nhân bán, và chính phủ liên bang trả tiền bảo hiểm với sự săn sóc rộng rãi hơn chương trình thuần Medicare hiện nay. Ảnh hưởng đến việc phá thai Không được dùng tiền thuế quốc gia để trả chi phí phá thai. Chi phí này phải được trả bằng tiền bảo hiểm do cá nhân mua bằng tiền túi. Do đó không một giao kèo bảo hiểm nào bị buộc phải trả chi phí phá thai. Các tiểu bang có quyền cấm công ty bảo hiểm thay thế (insurance exchanges) không dược bán bảo hiểm phá thai. Một số dự liệu khác bởi luật 23/3
Các hãng bảo hiểm nhỏ phải dùng tối thiểu 80% tiền thu được để trang trải chi phí y khoa cho khách hàng. Tỉ số này sẽ là 85% đối với các hãng bảo hiểm lớn. Từ năm 2013: Tăng thuế đánh vào lương bổng cũng như các lợi tức khác của những người độc thân có lợi tức trên $200,000, và cho vợ chồng khai thuế chung nếu có lợi tức trên $250,000. Từ năm 2014: Trợ cấp cho các gia đình có lợi tức chưa cao hơn 4 lần mức nghèo tối thiểu để các gia đình này có thể mua bảo hiểm. Một câu hỏi không kém căn bản khác: Quan niệm mọi người trong xã hội đều cần được săn sóc sức khỏe là một lý tưởng nhân bản. Đa số các nước Âu châu và Canada đều có chương trình săn sóc sức khỏe cho mọi người dân. Vậy tại sao tại Hoa Kỳ vẫn chưa có và mỗi lần vấn đề được mang ra bàn thảo là có những cuộc tranh luận tạo ra sự chia rẽ trong dân chúng và giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa? Đó là sắc thái đặc biệt của người Mỹ. Và cũng là sự khác biệt về quan niệm kinh tế tự do trong một xã hội dân chủ giữa Dân chủ và Cộng hòa, ngoài những lý do khác. Người Mỹ có tinh thần tự lập và có tinh thần giúp đỡ người khác và không thích chính phủ can thiệp vào đời sống riêng tư. Nhưng có sự khác biệt trong mức độ giữa người Cộng hòa và người Dân chủ. Người Dân chủ cho rằng chính quyền có nhiệm vụ (qua các đạo luật, thí dụ tăng thuế) nâng đỡ người yếu kém trong xã hội bằng cách san sẽ quyền lợi giữa người giàu và người yếu kém trong xã hội. Trong khi người Cộng hòa cho rằng trong một xã hội nhiều tranh đua và nhẹ thuế người dân sẽ tự giải quyết các vấn đề của mình, và cùng thăng tiến. Người Cộng hòa cũng muốn mọi người được săn sóc sức khỏe chu đáo như ước muốn của người Dân chủ nhưng họ tuyệt đối không thích một chương trình bảo hiểm toàn quốc ai cũng giống nhau do chính phủ liên bang quản trị do các vị tổng thống Dân chủ đề xuất. Họ cho rằng một chương trình như vậy làm thiệt thòi quyền lợi của những người có điều kiện để chọn một cách săn sóc sức khỏe cho mình tốt hơn. Năm 1912 tổng thống Theodore Roosevelt đã đưa ra một chương trình quốc gia duy nhất bảo hiểm sức khỏe cho mọi công dân Hoa Kỳ, nhưng thất bại. Từ đó nhiều vị tổng thống Dân chủ cũng như Cộng hòa cũng đã đưa ra nhiều chương trình phúc lợi cho người yếu kém kinh tế nhưng không thành công. Mãi đến năm 1965 tổng thống Johnson mới ký được đạo luật khai sinh hai chương trình Medicare & Medicaid. Năm 1993 tổng thống Clinton đề nghị chương trình phối hợp bảo hiểm công và bảo hiểm tư để cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho mọi người dân, và nỗ lực này cũng bị đánh bại mặc dù lúc đó đảng Dân chủ đang kiểm soát cả hai viện quốc hội. Vào mùa tranh cử tổng thống 2008, hệ thống bảo hiểm sức khỏe của Hoa Kỳ khủng hoảng vì chi phí quá cao và chất lượng suy giảm (như tỉ số sai lầm y khoa đưa đến tử vong cao) và số người không có bảo hiểm lên đến 45 triệu người nên tổng thống Obama đưa ra chương trình tranh cử “cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe” (báo chí gọi là Obamacare). Sau khi ông Obama đắc cử và đảng Dân chủ kiểm soát hai viện quốc hội với một tỉ số áp đảo tổng thống Obama đã xem chương trình cải tổ này là ưu tiên số một, và ông đã thành công ban hành bộ luật 23/3 bảo đảm bảo hiểm cho 32 triệu người không có bảo hiểm (13 triệu người còn lại ở trong diện cư trú bất hợp pháp) Nhưng sự tranh luận trước khi có đạo luật và cung cách nó được thông qua cho thấy không có sự đồng thuận của quần chúng. Luật qua được nhờ “kỹ thuật nghị trường”. Thành phần nghi ngờ sự thành công của đạo luật cải tổ khá cao trong quần chúng. Và người ta chờ đợi sự thi hành đạo luật từ nay cho đến năm 2018 sẽ tạo thêm nhiều chia rẽ quốc gia. Hai điều làm đa số lo ngại là (1) phí tổn để trợ cấp mua bảo hiểm cho 32 triệu người sẽ quá sức chịu đựng của quốc gia, và (2) tăng thuế để trang trải cho chương trình. Tổng thống Obama và bộ tham mưu của ông thường nói rằng các điều khoản của bộ luật 23/3 tối hậu sẽ giảm chi phí và tạo ra một xã hội hài hòa nhân bản hơn. Nhưng “nói dễ hơn làm” nên ít ai tin những lời quả quyết lạc quan của ông Obama. Tuy nhiên, tổng thống Obama đã làm được một cuộc cách mạng lớn. Ông là động cơ của một bộ luật đứng về phía người yếu kém trong xã hội. Dù muốn hay không ông đã có một chỗ đứng không ai giành được trong lịch sử Hoa Kỳ. Đảng Cộng hòa có thành công “tháo gỡ (repeal) bộ luật 23/3 không? Không ai tin như vậy. Nhưng đảng Cộng hòa “phóng lao phải theo lao”. Thất bại trong nỗ lực ngăn chận không cho đảng Dân chủ cái vinh dự làm cuộc cách mạng cải tổ chế độ bảo hiểm sức khỏe, đảng Cộng hòa nhắm vào cuộc bầu cử tháng 11 năm nay để kiểm soát quốc hội . Như một quy luật đảng cầm quyền (hiện nay là đảng Dân chủ) thường mất ghế tại quốc hội và năm nay đảng Dân chủ sẽ mất ghế nhiều hơn, nhất là tại các đơn vị có nhiều cử tri dân chủ bảo thủ chống luật 23/3. Nhưng muốn lấy lại đa số tại Hạ nghị viện, đảng Cộng hòa phải thắng 40 ghế đảng Dân chủ đang giữ, và 10 ghế Thượng nghị sĩ. Các con số này có vẻ vượt quá khả năng của đảng Cộng hòa. Nhưng dù đảng Cộng hòa có đạt được các con số “magic” trên, đảng Cộng hòa cũng không thể “tháo gỡ” bộ luật 23/3 vì tổng thống Obama còn có quyền phủ quyết. Và đảng Cộng hòa không thể nào có đa số 2/3 tại hai viện quốc hội để vô hiệu hóa chữ ký phủ quyết của tổng thống. Luật 23/3 sẽ được điều chỉnh qua thời gian để càng ngày càng hoàn hảo hơn và tồn tại. Nó đánh dấu một cuộc cách mạng xã hội làm cho khuôn mặt của Hoa Kỳ vốn đã nhân bản trở nên nhân bản hơn như tinh thần của bản Hiến pháp Hoa Kỳ. March 30, 2010
|