Rùng Mình Khi Nghĩ Đến Bệnh Viện |
Thứ Sáu, 05 Tháng 2 Năm 2010 09:08 | |||||||
Đáng lý ra bệnh viện phải là nơi sạch sẽ nhất, nhưng sự thật là gì?
Tôi sống và làm việc ở VN đã tám năm. Niềm vui, nỗi buồn tôi đều trải qua, nhưng điều tôi suy nghĩ và lo lắng nhiều nhất là tình trạng bệnh viện ở đất nước các bạn. Không riêng tôi mà nhiều người bạn nước ngoài khác cũng rất đau đầu về việc này. Đầu tiên, một điều nghịch lý mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là sự mất vệ sinh ở các bệnh viện. Đáng lý ra bệnh viện phải là nơi sạch sẽ nhất, nhưng sự thật là gì? Vào một số bệnh viện, tôi thấy lớp lớp người nằm ngồi la liệt trên đất, tay họ chống xuống đất, rồi nhà vệ sinh thường không có nước... Điều này thật kinh khủng! Nhất là khi bệnh viện thường tập trung rất nhiều mầm bệnh có thể lây nhiễm dễ dàng trong không khí. Nên chăng bệnh viện cần làm thêm nhiều ghế đá và bán hay cho thuê những chiếc chiếu với giá rẻ để mọi người có thể mua, thuê dùng, chứ bàn tay người nhà vừa mới chống xuống đất rồi sau đó vuốt má, đút cháo cho bệnh nhân chẳng khác nào tiếp thêm bệnh. Hoặc cũng nên tăng cường giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rằng việc nằm, ngồi trên đất như vậy rất mất vệ sinh, và đừng quên khuyến cáo không nên để trẻ em vào bệnh viện vì sức đề kháng của trẻ thường rất yếu. Ngoài ra, bệnh viện ở VN có những giờ nghỉ theo tôi là quá dài và vô cùng nguy hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Người bạn của tôi cũng từng phải chờ đợi mòn mỏi tại một bệnh viện khi anh ta bị gãy chân do tai nạn giao thông. Có ai thấu được nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần của anh ta lúc ấy lớn đến nhường nào? Một giây lúc đó tưởng như dài cả giờ. Ở Đại Hàn, bệnh viện không có giờ nghỉ mà thường sắp xếp theo ca kíp, người này đi nghỉ hoặc ăn trưa sẽ có người khác thay thế. Các bác sĩ phải làm việc trong môi trường vô cùng căng thẳng nên chúng tôi có thể hiểu được sự kiệm lời của họ, nhưng những người ghi danh (làm thủ tục nhận bệnh) cũng tỏ ra thiếu thiện cảm với bệnh nhân, đặc biệt là khách nước ngoài thì thật là khó hiểu. Tôi nhớ có lần đến một bệnh viện ở Q.3 (Saigon) và chẳng biết mình phải làm gì sau khi mua sổ khám bệnh. Tôi chạy đi hỏi người này người kia nhưng cuối cùng bất lực chấp nhận sự thật là chẳng ai chịu giúp mình. Lúc đó dẫu đã biết chút ít tiếng Việt nhưng tôi vẫn vô cùng khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ và cảm thấy tủi thân hơn bao giờ hết. Tôi ngồi thừ ra đó cả giờ, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Tôi chỉ ước mong một điều nhỏ bé là ở mỗi bệnh viện có vài tình nguyện viên hỗ trợ về ngôn ngữ cho người nước ngoài. Nói về sổ khám bệnh, tôi nghĩ nên chăng các bệnh viện dùng chung một cuốn để theo dõi bệnh nhân. Vì ở nước tôi cũng như nhiều quốc gia khác, mọi người chỉ cần mua một cuốn sổ ban đầu và có thể cầm nó đến bất kỳ bệnh viện nào. Còn ở đây mỗi bệnh viện lại đòi một cuốn, tuy giá không bao nhiêu nhưng nếu phí phạm như vậy sẽ không tốt cả về môi trường lẫn gây khó khăn cho người nghèo.
Điều nghịch lý cuối cùng là chi phí khám bệnh cho người nước ngoài tại VN quá cao. Cụ thể như ở Hàn Quốc nếu muốn khám tổng quát tôi chỉ phải trả 3 USD mỗi lần đến bác sĩ, còn ở VN tôi phải chi ít nhất 100-150 USD. Có lần bị bệnh khá nặng, tôi phải bỏ ra tới 2.000 USD để chữa trị. Một con số khổng lồ và rất cách biệt so với người trong nước, trong khi chi phí này ở hầu hết quốc gia đều ngang bằng, bất kể bạn là người trong nước hay nước ngoài. Không riêng tôi mà nhiều người bạn nước ngoài khác cũng rất đau đầu về việc này. Và như một luật bất thành văn, chúng tôi thường kháo nhau: “Nếu bị bệnh thì tốt nhất nên bay về nước để khám, vừa rẻ vừa thoải mái. Chớ dại mà lăn đùng ra bệnh tại đây”. Chính vì thế mỗi lần nghĩ đến bệnh viện VN tôi không khỏi rùng mình! CHOI JUNG EUN (giám đốc đại diện Myung Ga Food) CÔNG NHẬT ghi
|