Ám Ảnh Sợ Xã Hội |
Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức | |||
Thứ Sáu, 01 Tháng 1 Năm 2010 22:41 | |||
Đây chẳng phải là cái “bẽn lẽn” của người thiếu nữ “ Vô tình để gió hôn lên má”, rồi sợ tình lang biết được sẽ “ Nghi ngờ tới cái tiết trinh em” (1). Cũng chẳng phải cái rụt rè của cậu con trai mới lớn: “Thò tay mà ngắt ngọn ngò; Hoặc cái “Buồn tình chẳng muốn nói ra; của ông già không vai vế trong lãng xã... Mà là sự vu vơ sợ hãi, cảm thấy bất an đối diện với xã hội. Rồi thu mình, tránh né trước một hoàn cảnh, nhân sự. Từ năm lên mười tuổi, tính tình Minh đột nhiên thay đổi. Đang là một chú bé lém lỉnh, hoạt bát, thích giao du bạn bè, Minh trở thành tự cô lập, không muốn chơi với ai và rất ngần ngại đi đây đó với cha mẹ. Minh thấy không còn hăng hái đi học như trước. Đến trường, câu không ra sân nô đùa với chúng bạn mặc dù vẫn có ý thích, nhưng ngài ngại làm sao ấy. Ngoài ra, mỗi lần thầy cô gọi trả bài là Minh sợ hết hồn, tim đập thình thình, miệng ấp úng dù rằng rất thuộc bài. Tình trạng kéo dài cho tới khi Minh trưởng thành, đi làm và lập gia đình. Tuy có công việc tốt, nhưng Minh không thành công lắm vì luôn luôn nghĩ mình thua kém người khác. Mọi sinh hoạt trong gia đình cũng như các giao tế, liên lạc bạn bè, Minh đều trông cậy ở người vợ. Minh cũng muốn làm nhưng cứ sợ là mình vụng về, thiếu sót, không chu đáo và sẽ bị coi thường. Minh không phải là người duy nhất có tâm trạng này. Mà có cả triệu người khác, nam cũng như nữ ở trong cùng cảnh ngộ như Minh. Họ có những e ngại pha chút sợ hãi khi phải làm một việc gì trước công chúng. Khi ca hát ngâm thơ thì cứ sợ bị chê là dở; phát biểu cảm tưởng thì ngại thiên hạ cho là nói lạc đề, vô nghĩa; gặp gỡ người này người khác thì sợ ấp úng vụng về, xúc phạm. Có người không dám ăn uống nơi thị tứ vì sợ người ta bảo mình “ăn quà như mỏ khoét”. Thậm chí đi vệ sinh nơi công cộng họ cũng không làm được, dù rất mót, vì cảm thấy như có người đang nhòm ngó mình. Và họ cụt hứng giữa chừng. Nhiều người ở tình trạng trầm kha hơn, ảnh hưởng tới tất cả các sinh hoạt thường ngày. Lúc nào cũng e ngại, luôn luôn nghĩ là không ai thích mình. Họ rụt dè phát biểu vì sợ nói vô duyên; không dám đặt câu hỏi vì “rõ ngớ ngẩn, thế mà cũng hỏi” và không biết mở đầu câu chuyện ra làm sao. Ngay cả ngỏ lời với tình yêu cũng dễ dàng đỏ mặt, nhiều lần lỡ cơ hội. Họ tìm cách tránh các hoàn cảnh có thể gây ra không an toàn, giới hạn sinh hoạt. Học vấn khó khăn hơn, việc làm trở ngại và rơi vào cô đơn. Nói chung là họ cứ “sợ”, một cái sợ kéo dài, vô căn cứ. Có người sợ sống một mình hoặc xuất hiện nơi công cộng, giữa đám đông; có người sợ khi lên cao độ hoặc sợ một vật nào đó. Còn ám ảnh sợ xã hội thì cứ ngại là bị mất nhân phẩm, bối rối trước công chúng. Rồi vì sợ nên họ tìm đủ mọi cách để tránh cái làm họ sợ, đôi khi biết rằng không đúng sự thực và quá lố. Nhiều nhà tâm lý học gọi họ là những người “tự giam mình trong ngục tù tâm lý” vì sợ hãi dân chúng. Một thi sĩ thì cho đây là một nỗi đau khổ có sẵn, giống như là ta có hai lớp da mà lớp dưới bướng bỉnh co lại, xa lánh ánh sáng, không khí. Rối loạn thường bắt đầu ở lứa tuổi 12-13, rất hiếm sau tuổi 25. Nó không phân biệt nam, nữ, giai tầng xã hội và có thể kéo dài suốt đời người. Hiệp Hội Tâm Thần Hoa kỳ đã đưa ra một số tiêu chuẩn để xác định Ám Ảnh Sợ Xã Hội này như một bệnh: a-Sợ bị soi mói tỷ mỉ trong mọi hành động, đưa tới xấu hổ vì bị hạ phẩm cách; b-Sợ hãi quá đáng, không hợp lý, đưa tới lo lắng, khiếp đảm; c-Những khó khăn do sợ hãi thường gây sáo trộn cho đời sống hàng ngày cũng như việc làm, giao tế xã hội; d- Sợ hãi này không là hậu quả, tác dụng của dược phẩm hoặc vấn đề sức khỏe. Người bệnh thường có một số phản ứng khi đối diện với sự việc: -Họ nghĩ là nếu làm việc đó thì sẽ gây trò cười cho người khác; -rồi cảm thấy bồn chồn, lo ngại; -có dấu hiệu thể chất với tim đập nhanh, mặt đỏ bừng, hơi thở dồn dập, đổ mồ hôi lạnh, cồn cào ruột gan, đôi khi ngất sỉu; -cuối cùng là có hành vi tránh né sự việc hoặc cá nhân. Sự e sợ người khác kèm theo ý nghĩ bị từ bỏ có thể đưa tới thu mình, không tham gia mọi sinh hoạt, trở nên cô đơn. Không có tình người nóng ấm sẽ đưa tới trầm cảm, thờ ơ, suy loạn tâm thần, đôi khi ngay cả tự kết liễu đời mình. Do đó, không nên coi tâm trạng này như một khủng hoảng thoảng qua. Vì ám ảnh này cũng hay đi kèm với một số khó khăn tâm thần khác như trầm cảm, hoảng loạn, lo sợ mọi thứ Có người dùng các chất kích thích để lấy lại can đảm rồi thành nghiện ngập mà vẫn chẳng khá hơn. Cần phân biệt sợ hãi xã hội và nhút nhát. Cả hai đều có những dấu hiệu giống nhau, ngoại trừ nhút nhát thì ít có thay đổi thể chất như nhịp tim nhanh, hụt hơi thở, đổ mồ hôi hột. Trước một đối tượng, người nhút nhát thường hơi thụ động, lựa phương thức an toàn. Như là “Gặp mặt em anh chẳng dám chào; Sợ ba má hỏi: thằng nào biết con”? chứ không liều mạng. Nhút nhát cũng có thể do thiếu tự tin, cứ sợ là mình thua kém người khác nên không dám hành động, tranh đua. Nhút nhát thường thấy nhiều ở các xã hội khuyến khích sự tự trọng, sự kiêu hãnh cá nhân, coi thất bại là điều đáng xấu. Nhút nhát có thể vượt qua và hậu quả của nó cũng không trầm kha lắm. Có người cho anh chàng kia nhút nhát là dễ thương nhưng anh ta không thấy vậy, vì anh thấy mình như không còn tự do để hành động, để nói. Nhút nhát cũng làm ta hay quên và ước muốn tình dục cũng giảm. Nhút nhát có thể qua khỏi nhờ những khích lệ, chăm sóc, chia xẻ, ít chỉ trích, ít cạnh tranh và dễ dàng chấp nhận. Một lá thư tình âu yếm của nàng thì mười chuôm nhà Hồ, trăm phá Tam Giang anh cũng vô như không. Ám ảnh ngại ngùng giao tế xã hội thì phức tạp hơn. Đây là một tâm bệnh. Tuy nhiên, cũng như các bệnh khác của cơ thể, có nhiều phương pháp giúp giải quyết. Để có thể vượt qua, người có vấn đề cần được sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia tâm lý, tâm thần. Một vài hướng dẫn thực tế: a-Ý thức được là mình có vấn đề chứ không do tưởng tượng, “hâm” hoặc “mát dây”. b-Đặt lại vấn đề kém tự tin, thiếu khả năng. c-Làm quen dần dần với các hoàn cảnh đưa tới nỗi sợ. d-Thay đổi dần dần những ý nghĩ không đúng, tiêu cực. e-Gạt bỏ cái vòng e ngại, chốn tránh để tập mạnh dạn hành động. Ngoài ra, dược phẩm cũng có nhiều hiệu lực và việc điều trị cần nhiều thời gian và kiên nhẫn từ người bệnh cũng như chuyên viên y tế và thân nhân. Và nhớ rằng, như Friedrich Von Hardenberg Novalis đã phát biểu: “Sợ hãi là một trạng thái do dự, nghi ngờ thường thuộc về cơ thể. Người khỏe mạnh thì luôn luôn bình tĩnh, dù đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn nhất”. Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D. (1) Hàn Mặc Tử-Bẽn Lẽn
|