Khi trình bày vấn đề giáo lý Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết Thiên Chúa là ai, các sách vở Công Giáo cũng như các Linh Mục Việt Nam trên tòa giảng hay dùng từ: Mạc Khải hay Mặc Khải. Đối với người Tây Phương, họ dùng từ Revelation trong tiếng Anh, Révélation trong tiếng Pháp và Revelatio trong tiếng La Tinh để diễn tả tư tưởng này. Tất cả đều có nghĩa là sự biểu lộ, sự tiết lộ, sự phát giác. Trong ý nghĩa tôn giáo, từ Revelation có nghĩa là thiên khải, sự soi sáng. Đối với người Tàu,Từ Điển Oxford English - Chinese Dictionary ấn bản năm 2003 định nghĩa Revelation là Yết Thị 揭 示 hay Yết Lộ 揭 露 (Yết còn đọc là Kiết). Cả hai cụm từ trên đây đều có nghĩa là công bố, cho biết sự thật.
Vậy người Công Giáo Việt Nam phải dùng từ nào? Mạc Khải hay Mặc Khải để chỉ ý nghĩa Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết về Ngài? Để giải đáp vấn đề này ta lần lượt xét qua 5 mục.
(A) Các tài liệu Công Giáo đã dùng hai từ Mạc Khải/ Mặc Khải.
(B) Các từ điển của người ngoài Công Giáo viết ra sao về hai từ Mạc Khải và Mặc Khải?
(C) Các từ điển của người Công Giáo viết thế nào? .
(D) Định nghĩa ba từ MẶC, MẠC, và KHẢI
(E) Kết luận: Mạc Khải hay Mặc Khải từ nào đúng?
Sở dĩ phải nghiên cứu kỹ vấn đề này vì 2 tài liệu quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là Sách Giáo Lý Công Giáo và bản dịch Kinh Thánh của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã không thống nhất dùng từ Mạc Khải hay Mặc Khải.
A. Các tài liệu Công Giáo đã dùng lẫn lộn hai từ Mạc Khải - Mặc Khải:
1. Tài liệu một của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ: Trong phần dẫn nhập của bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ được đăng trên mang lưới www.dunglac.net người ta thấy nhóm đã không có sự nhất thống trong việc dùng từ Mạc Khải hay Mặc Khải. Ngay phần tựa đề cho bản dịch Kinh Thánh, nhóm đã viết với hàng chữ lớn MẠC KHẢI VÀ SÁCH THÁNH. Tuy nhiên, chỉ 5 dòng sau đó, người ta thấy thấy hai từ Mặc Khải.
2. Tài liệu hai: Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của Tổng Giáo Phận Sàigòn do nhà xuất bản Tôn Giáo in năm 1997, nơi trang 31, có đoạn viết: “ Đức tin là lời con người đáp trả lại Thiên Chúa: Đấng tự mặc khải và hiến mình cho con người…”
3. Tài liệu ba: Ấn bản điện tử Giáo Lý Công Giáo của giáo phận Vĩnh Long (dưới hình thức hỏi thưa) đăng trong mạng lưới www.giaophanvinhlong.net đã dùng từ MẶC KHẢI . Ấn bản viết như sau: Hỏi: Mặc khải là gì? Thưa: Mặc khải là việc Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì. Nhờ đó con người có thể đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Người.
Tóm lại, các tài liệu chính thức của Công Giáo đã dùng lẫn lộn hai từ Mạc Khải và Mặc Khải.
B. Các Từ Điển của người ngoài Công Giáo viết gì về hai từ Mạc Khải hay Mặc Khải.
1. Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo in năm 1999 không có từ Mạc Khải hay Mặc Khải.
2. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh không có từ Mạc Khải hay Mặc Khải.
3. Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghĩa Thục in năm 1999 tại Hà Nội không có từ Mac Khải hay Mặc Khải.
4. Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ Mạc Khải hay Mặc Khải.
5. Hán Việt Từ Điển của cụ Thiều Chửu không có từ Mạc Khải hay Mặc Khải.
Tóm lại, các từ điển của người ngoài Công Giáo đều có mục từ Mạc , từ Mặc và từ Khải nhưng không có cụm từ Mạc Khải hay Mặc Khải. Điều đó chứng tỏ từ Mặc Khải hay Mạc Khải là tiếng “nhà đạo” tức đặc ngữ Công Giáo và mới xuất hiện gần đây.
C. Các Từ Điển của người Công Giáo viết về hai từ Mạc Khải hay Mạc Khải.
1. Dictionarium Anamitico – Latinum của Đức Cha Taberd in năm 1838, trong mục từ Mạc hay Mặc không có từ Mặc Khải hay Mạc Khải.
2. Đại Nam Quâc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus của in năm 1895-1896, trong cả hai mục từ Mạc và Mặc đều không có từ Mặc Khải hay Mặc Khải.
3. Thuật Ngữ Thần Học Anh -Việt do Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 trong mục từ Revelation, Học Viện ghi là Mạc Khải
5. Từ Điển Công Giáo Anh -Việt của Nguyễn Đình Diễn do nhà xuất bản Tôn Giáo in năm 2002, trong mục từ Revelation, ghi là Mạc Khải.
6. Từ Điển Văn Học Việt Nam của Linh Mục Trần Văn Kiệm in năm 2007 tại Hoa Kỳ, trong mục từ Mạc, ngài viết Mạc Khải, và mục từ Khải, ngài cũng viết Mạc Khải và ngài chú giải: “cho biết điều bí nhiệm”.
Qua phần này, ta thấy từ Mạc Khải hay Mặc Khải mới xuất hiện gần đây và các sách mới xuất bản đều dùng từ MẠC KHẢI, khác với các tài liệu xưa như Sách Giáo Lý của tổng Giáo Phận Sàigon hay của Giáo Phận Vĩnh Long đều dùng từ MẶC KHẢI.
D. Định nghĩa từ MẶC, MẠC và KHẢI
1. MẶC: Ngôn ngữ Việt Nam có 3 từ Mặc, 2 là Hán Việt, một là Nôm, đồng âm nhưng dị nghiã.
- a Mặc 墨 : từ Hán Việt có nghĩa là màu đen, mực , văn chương, trí thức :tao nhân mặc khách là người tao nhã và trí thức.
- b Mặc 默: từ Hán Việt có nghĩa là yên lặng .
- c Mặc 默 : Từ Nôm, lấy dạng của từ Mặc là yên lặng trong Hán Việt, có nghĩa như mặc quần áo, mặc kệ, mặc sức.
2. MẠC: Hán Việt có 7 từ Mạc, Nôm có 1 từ Mạc. Tất cả đồng âm nhưng dị nghiã:
- a Mạc 瘼 từ Nôm, lấy dạng của từ Mạc 瘼 trong Hán Việt là nỗi đau khổ. Trong từ Nôm Mạc là tiếng đệm ở đàng sau như làng mạc
- b Mạc 莫 từ Hán Việt có nghĩa: không, đừng Quân mạc tiếu: xin bạn đừng cười.
- c Mạc 漠 Hán Việt: Sa mạc.
- d Mạc 貉: Hán Việt: loại heo rừng có mũi dài ở Nam Mỹ.
- e Mạc 幕: Hán Việt: màn che, khăn Khai mạc: mở màn che, bắt đầu.
- f Mạc 邈: Hán Việt: xa xăm
- g Mạc 摸: Hán Việt: bắt lấy. Mạc ngư: bắt cá
- h Mạc 瘼: Hán Việt: bệnh tật, sự khốn khổ.
3 . KHẢI : Hán Việt có 5 từ Khải đồng âm nhưng dị nghĩa. Tiếng Nôm không có từ Khải
- a Khải 啟: mở
- b Khải 凱: Khúc hát thắng trận trở về; khải hoàn ca
- c Khải 愷: Vui vẻ, thuận hòa
- d Khải: 楷: gương mẫu, mẫu mực
- e Khải 鎧: áo giáp.
Kết Luận: Mạc Khải hay Mặc Khải từ nào đúng?
Sau khi xét các ý nghĩa của ba từ Mạc, Mặc và Khải, ta thấy chỉ có từ Hán Việt Mạc Khải 幕 啟 có nghĩa là mở màn, vén màn lên, hay nói theo định nghĩa của Linh Mục Trần Văn Kiệm Mạc Khải : cho biết điều bí nhiệm là thích hợp với ý nghĩa việc Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì như trong sách Giáo Lý Công Giáo đã giải thích.
Một câu hỏi cần đặt ra là tại sao có sự lẫn lộn về cách dùng từ Mạc Khải và Mặc Khải? Chưa có lời giải thích khoa học nào cho vấn đề này.Theo thiển ý của chúng tôi có lẽ từ Mặc Khải dễ phát âm hơn là từ Mạc Khải vì từ Mạc Khải muốn phát âm cho đúng phải kéo dài âm /a/ trong từ Mạc. Do vậy, người ta hay đọc lầm lẫn Mạc Khải ra Mặc Khải.