Home Đời Sống Tôn Giáo Cộng Sản Việt Nam: Sống phúc âm trong lòng Ðảng

Cộng Sản Việt Nam: Sống phúc âm trong lòng Ðảng PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Trần   
Thứ Hai, 01 Tháng 12 Năm 2008 00:46

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam lạnh nhạt với “nhóm linh mục nhà nước" 

Ðại hội đại biểu của cái gọi là “Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V” đã kết thúc tại Hà Nội sau hai ngày họp (19 và 20-11/2008), nhưng uy tín của nhóm tổ chức, Ủy ban Ðoàn kết Công giáo (UBÐKCG) Việt Nam, được đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và bảo trợ hoạt động từ tháng 11 năm 1983, lại mờ nhạt hơn bao giờ hết. Theo tin của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, tham dự Ðại hội có “421 đại biểu chính thức (trong đó 147 đại biểu là linh mục và 25 đại biểu là nữ tu)”. Tuy nhiên cả báo đảng lẫn UBÐKCG không cho biết số đại biểu này đã đại diện cho bao nhiêu linh mục và tu sĩ nằm trong tổ chức của đảng.

Tổng số linh mục Công giáo trong toàn cõi Việt Nam hiện nay có khoảng ngót 4,000 người, nhưng không biết có bao nhiêu trong số này đã đi theo phe Công giáo nhà nước.

Kể từ đại hội lần II năm 1990, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam không cử đại diện tham dự đại hội, dù được mời.

Duy nhất trong kỳ Ðại hội đầu tiên của UBÐKCG từ ngày 8 đến ngày 10/11/1983, Ðức cha Nguyễn Văn Sang - Tổng thư ký của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Ðức cha Phạm Tần, giám mục phụ trách vấn đề Giáo dân đã đến dự lễ khai mạc.

Từ đó đến nay liên lạc giữa các linh mục và tu sĩ của phe “Công giáo theo đảng” và Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam rất lỏng lẻo, nếu không nói là lạnh nhạt. Giao thiệp giữa giáo dân và tổ chức UBÐKCG cũng không tốt đẹp gì.

Tòa Thánh Vatican không coi tổ chức UBÐKCG là một đoàn thể tôn giáo thuộc Giáo hội.

Lý do vì UBÐKCG, cũng như các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận và cho phép hoạt động như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đều là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ), tổ chức chính trị ngoại vi của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mục tiêu hoạt động quan trọng nhất của các “tổ chức tôn giáo nhà nước”, hay thường được gọi bình dân là “quốc doanh” là thỏa hiệp với nhà nước trong mọi hoạt động liên quan tới đời sống vật chất và tinh thần của tín đồ để bảo vệ quan điểm và lập trường của đảng CSVN về vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo.

Vì vậy, mỗi khi có sự lên án hay chống đối từ trong nước hay bên ngoài chỉ trích đảng và nhà nước kìm kẹp các hoạt động tôn giáo hay xen vào nội bộ các tôn giáo thì lập tức các tổ chức “Tôn giáo của đảng” được huy động lên tiếng phản bác và trưng bằng cớ “có tự do” như có thêm nhiều nhà thờ, đền, chùa được xây dựng; tín đồ được tự do thờ phượng; nhiều tu viện, chủng viện hay học viện được nhà nước yểm trợ phát triển v.v...

Ngoài những nhiệm vụ cơ bản được yêu cầu làm để được giúp đỡ trên nhiều mặt, kể cả tài chính và kinh tế, thì các tổ chức “tôn giáo của đảng” lại “lạnh cảm” với tất các vụ tranh chấp giữa tín đồ và lãnh đạo tôn giáo không nằm trong MTTQ với nhà nước.

Ðiển hình như họ đã đứng ngoài cuộc đấu tranh, kéo dài từ thập niên 80', đòi quyền sinh hoạt và tài sản bị nhà nước tịch thu từ sau 1975, của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), hay còn được gọi với tên quen thuộc “Phật giáo Ấn Quang”, và Cuộc đấu tranh từ 15 năm qua đòi quyền sở hữu của giáo phận Công Giáo Hà Nội đối với khu đất 42 Nhà Chung và khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hà Nội.

Hậu quả là GHPGVNTN bị cô lập, các nhà lãnh đạo tổ chức này bị bỏ tù, giam tại gia và bị ngăn cấm hoạt động. Giáo phận công giáo Hà Nội đã hoàn toàn mất quyền làm chủ, sau khi chính quyền thành phố Hà Nội dùng võ lực chiếm đất làm công viên.

Cáo khen mèo

Vậy mà tại đại hội của “Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ V “vừa kết thúc tại Hà Nội các ông ‘Linh mục nhà nước’ vẫn kên kên phô trương chủ đề “Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc, người Công giáo Việt Nam tiếp tục dấn thân đưa phong trào thi đua yêu nước phát triển trong thời kỳ đất nước hội nhập”!

Linh mục Phan Khắc Từ, phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban UBÐKCGVN báo cáo trước đại hội: “Ðồng hành cùng dân tộc và hiệp thông với giáo hội luôn là nhiệm vụ song hành của UBÐKCGVN. Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ tập hợp và hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Việt Nam theo đường hướng ‘Sống phúc âm giữa lòng dân tộc,’ UBÐKCGVN với sự giúp đỡ của chính quyền, MTTQ các cấp đã chủ động đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của giới mình phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.”

Nhưng nếu lấy việc làm chứng minh cho lời nói thì từ ngày thành lập, sau năm 1975, tổ chức UBÐKCG đã “đồng hành cùng dân tộc” đi đâu, hay họ chỉ biết “đồng hành với đảng” để giúp đảng có thêm phương tiện chống lại những ai đòi đảng tôn trọng tự do tín ngưỡng và chấm dứt xen lấn vào nội bộ sinh hoạt của các tôn giáo, nhất là đối với những nhà lãnh đạo không chịu đặt mình dưới sự kiểm soát của đảng?

Vì vậy chuyện họ hô hoán theo phương châm: “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, trong đó có hơn 6 triệu đồng bào Công giáo đã trở thành trơ trẽn đối với khẩu hiệu “đúng lẽ đạo, hợp nghĩa đời”, hay “sống tốt đời đẹp đạo”.

Phát biểu tại đại hội, Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ tịch quốc hội CSVN vẫn hát lại bài cũ: “Chính sách của Ðảng và nhà nước ta là luôn luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, coi đó là nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân, khẳng định đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội mới. Và trên thực tế, Ðảng và nhà nước luôn luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo nói chung, trong đó có đồng bào công giáo được sinh hoạt tôn giáo bình thường và khuyến khích các việc làm ích nước lợi nhà, đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.”

Lời nói của Trọng chỉ có thể đánh lừa được những ai không biết gì về nội tình sinh hoạt của các tôn giáo ở Việt Nam. Nếu đảng đã làm được những điều như Trọng nói thì làm gì có chuyện hàng năm UƯy Ban Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, Tổ Chức Nhân Quyền Quốc Tế, Nhân Quyền Á Châu và Liên Hiệp Châu Âu hay Quốc Hội Hoa Kỳ phải mất công hỏi tội đảng CSVN về những vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của các tín đồ?

Chẳng nhẽ bằng ấy “con mắt quốc tế” và những chứng nhân của các giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo đang bị kỳ thị, kiểm soát, hay những nạn nhân của Ðảng đang bị tù tội như lLinh mục Nguyễn Văn Lý đã về hùa với nhau để “vu oan, cáo vạ” cho đảng và nhà nước CSVN?

Nhưng để che lấp cho hành động quấy phá đạo và kìm kẹp người theo đạo, từ năm 1954 đảng CSVN đã áp dụng chính sách bỏ tù và đầy đọa những ai dám chống lại chủ trương đàn áp Tôn giáo của nhà nước là có âm mưu chính trị, hay làm “tay sai cho các thế lực thù nghịch từ bên ngoài” chống lại nhà nước và nhân dân!

Nguyễn Phú Trọng cũng không quên chủ trương này trong bài phát biểu: “Ðất nước ta đang đứng trước thời cơ lớn với biết bao triển vọng tốt đẹp, nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều; các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách chia rẽ, chống phá chúng ta; vì vậy đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trong cả nước càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù, quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, đưa đất nước ngày càng phát triển.”

Ðiểm đáng chú ý là tại Ðại hội lần thứ V của “Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc” đã tái cử lần thứ ba L.M. Phan Khắc Từ, người từng có biệt danh “Ông Cha hốt rác”, vào chức vụ phó chủ tịch kiêm tổng thư ký. Cha Từ , một trong số tu sĩ công giáo hoạt động cho cộng sản tại Sài gòn trước năm 1975, đã được giữ chức vụ quan trọng này từ năm 1997.

Chủ tịch mới của nhiệm kỳ V là L.M. Nguyễn Công Danh, một ông cha “nhà nước” khác.

 

(11/08)