"Đó là một sự mạo nhận không mấy lương thiện, một sự gán ghép giả tạo, vì “Mác-xít là một hệ tư tưởng vô thần cho nên không có cánh chung luận”. Đúng như thế, chứ không phải ngược lại."
Cụm từ này khó hiểu vì không có trong từ điển và trong đời thường. Trong tự điển, chỉ thấy những từ như chung kết, chung cục, chứ không thấy cánh chung. Còn trong đời thường, chỉ thấy nói đến cánh chim, cánh cửa, cánh kiến, cánh nhạn v.v…, chứ không thấy nói đến cánh chung, sở dĩ như vậy vì từ cánh chung mới xuật hiện vài chục năm nay thôi, khi linh mục Nguyễn Thế Thuấn nói đến “nhỡn giới cánh chung” ở trang 560 trong bản dịch Kinh thánh của mình. Đàng khác, cánh chung là một cái gì rất xa lạ đối với đời thường của dân chúng. Khi muốn dịch từ eschaton ƐσχαƮoν (những sự sau) trong Kinh thánh và eschatos logos ƐσχαƮoς λογος (lời về sự sau) trong thần học, nhiều người không biết dùng từ nào, nên mượn từ cánh chung của linh mục Thuấn cho tiện. Từ đó dần dần cánh chung trở thành chữ phổ thông trong sách báo công giáo.
Vậy chính ra, cánh chung là gì và cánh chung luận là thế nào? Theo nguyên ngữ Hy lạp eschaton là những sự sau và eschatos logos là lời về những sự sau. Eschatos logos trở thành eschatology trong tiếng Anh và eschatologie trong tiếng Pháp. Đây là môn học về những sự sau, gọi là tứ chung hay bốn sự sau, tức sự sống, sự chết, thiên đàng, hỏa ngục trong khoa thần học công giáo mà hiện nay người ta nói cách văn vẻ là cánh chung luận.
Sự sống, sự chết, thiên đàng, hỏa ngục là nội dung được bàn đến trong cánh chung luận. Đây là những tín điều người công giáo phải tuyên xưng trong các Chúa nhật và các ngày lễ trọng. Họ buộc phải tin rằng khi chết rồi, mỗi người phải ra trước tòa Chúa để bị phán xét về các việc mình làm khi còn sống. Nếu ăn ngay ờ lành thì được thưởng. Nếu ăn ở bất nhân thì bị phạt. Người lành được thưởng trên thiên đàng còn kẻ dữ bị phạt sa hỏa ngục. Bài Tin Mừng trong lễ Chúa Giê-su Vua vũ trụ cho thấy cảnh tượng đó đối với những người ăn ngay ở lành: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng, Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25,34-36)
Còn đối với những kẻ bất nhân : “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỉ và các sứ thần của nó. vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” (Mt. 25, 41-43)
Ngày cánh chung là ngày cuối cùng, ngày chu kỳ lịch sử loài người hoàn tất, ngày Chúa ngự giá mây trời mà đến trong tư thế lẫm liệt uy hùng, để phán xét người sống và kẻ chết.
Qua những lời Chúa phán trong ngày phán xét chung, những người được ân thưởng là những người làm những việc từ thiện bác ái. Những người này không phải là những người chỉ biết sống cho riêng mình mà là những người có các mối liên hệ với xã hội, với con người. Các Ki-tô hữu được thánh Phê-rô và thánh Phao-lô dạy rằng quê hương của họ ở trên trời: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20) và họ ở trần gian này như lữ khách : “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt vốn gây chiến với linh hồn”. (1 Pr 2,11)
Quê trời là đích điểm cùa những người tin Chúa. Vì thế, cánh chung phải là ngày các Ki-tô hữu nhắm tới. Vì ngày đó mà họ cố sống theo lời Chúa dạy, khi còn ở trần gian này.
Quê hương Ki-tô hữu ở trên trời và họ ở trần gian này như những lữ khách, nhưng không phải vì thế mà họ xa lạ với trần gian. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng cũng như học thuyết xã hội của Hội thánh luôn đặt Ki-tô hữu trước những bổn phận đối với trần gian theo cái nhìn của đức tin. Phải góp phần vào việc xây dựng xã hội trần gian để đem ơn cứu độ của Chúa cho xã hội đó.
|
ĐGM phụ tá Sài Gòn Phero Nguyễn Văn Khảm |
Căn cứ vào nội dung môn cánh chung luận trong thần học công giáo thì không một triết thuyết hay chủ nghĩa nào có thể mang danh hiệu là cánh chung luận, vì triết thuyết hay chủ nghĩa đó không nhìn nhận Thiên Chúa là Chủ tể càn khôn và cùng đích của loài người, Đấng thưởng người lành và phạt kẻ dữ trong ngày chung thẩm. Vì vậy, nói rằng :
“Bất cứ một tôn giáo nào cũng hàm chứa bên trong một cánh chung luận, triết thuyết nào có khả năng cung cấp cho con người một cánh chung luận hấp dẫn, cũng có nghĩa là cung cấp một niềm hy vọng có sức thuyết phục thì triết thuyết đó cuốn hút con người. Tôi lấy một cái thí dụ, ta đang sống rất là cụ thể trong một đất nước xã hội chủ nghĩa, dựa trên cái nền tảng triết học của Marx. Thế thì có nhiều người có thể nghĩ Mác xít vốn là một hệ tư tưởng vô thần cho nên là không có cánh chung luận. Không phải thế, trái lại nó có một cánh chung luận rất là hấp dẫn, rất là cụ thể, nó đã trình bày cái điểm tới của lịch sử nhân loại, là một xã hội cộng sản hoàn hảo trong đó: không còn cảnh người bóc lột người, mà mỗi một người trong anh chị em và tôi chỉ cần làm việc theo khả năng còn nhu cầu có bao nhiêu là cứ việc xài. Người ta sống với nhau trong tình huynh đệ, một thiên đàng tại thế, và khi mà có cái điểm tới của lịch sử cả nhân loại như thế, thì mỗi cá nhân trong lịch sử đó khám phá ra cái ý nghĩa của một sư hy sinh mình chịu. Tôi chết đi nhưng sư nghiệp của tôi vẫn còn tồn tại mãi trong nhân dân. Tôi hy sinh nhưng mà sự hy sinh đấy không vô nghĩa, bởi vì nó xây dựng cho thế hệ tương lai, xây dựng cho nhân dân, Trong cái cánh chung luận rất là cụ thể và hấp dẫn và chính vì thế nó đã cuốn hút cả triệu con người chấp nhận bao nhiêu hy sinh để xây dựng tương lai, cho nên có chứ không phải không đâu…” (Ngưng trích bài giảng về lễ Chúa Giê-su Vua vũ trụ ngày 20.11.2011 đọc thấy trên mạng NVCL của ĐC Phê-rô Nguyễn Khảm)).
thì đó là một sự mạo nhận không mấy lương thiện, một sự gán ghép giả tạo, vì “Mác-xít là một hệ tư tưởng vô thần cho nên không có cánh chung luận”. Đúng như thế, chứ không phải ngược lại.
Thuyết Mác-xít có chăng thì chỉ là một cái bánh vẽ, một sự mơ tưởng hão huyền về một tương lai tốt đẹp cho con người, một sự ru ngủ những người cả tin vào những lời đường mật của những kẻ khéo nói có tài che đậy, để lường gạt thiên hạ mà thôi. Cứ nhìn xem những gì đã xẩy ra hay còn đang xẩy ra tại những nước áp dụng chủ nghĩa Mác-xít mà Cuốn sách đen về chủ nghĩa Cộng sản, là đủ thấy.
|