Home Đời Sống Tôn Giáo Ghi nhớ về lễ Noel của Hà Nội

Ghi nhớ về lễ Noel của Hà Nội PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Thường   
Thứ Năm, 15 Tháng 12 Năm 2011 05:57

Anh có nhận tôi là cha đẻ của anh nữa không thì tùy, nhưng chúng ta không cần báng bổ đức tin của nhau.

NĂM 1954.

Hà-nội vẫn có cái lạnh thật dễ thương của tháng cuối trong năm, không hề có chút gì giống nỗi cô đơn của Déméthée vì phải xa cô con Proserpine đã bị thần Pluton nứt mặt đất bắt xuống âm ty làm vợ. Nhà nhà đều chuẩn bị đón mừng lễ Giáng-sinh, kể cả những gia đình không phải công giáo. Mặc dù dân Hà-nội tránh nạn cộng sản di cư vào Nam như thác, nhưng bù lại, binh lính, cán bộ, công an và dân các tỉnh ùn ùn kéo về lấp chỗ trống nhanh như cỏ dại mọc đầu mùa xuân. Còn hơn thế, Hà-nội như có vẻ sầm uất hơn. Hàng tồn kho của Hà-nội vẫn còn nhiều, lại càng nhiều hơn gấp bội vì số người di cư vào Nam mang bán tống bán tháo tất cả những gì có thể bán được. Và thế là "Chợ Trời" của Hà-nội là toàn bộ "36 phố phường". Các phố xưa kia cổng kín tường cao, trưa trưa chỉ có tiếng rao của người bán dạo đồ thêu, đồ làm vệ sinh trong nhà, củi tạ, nước mắm Phú-quốc v.v... vang lên như tiếng chim gõ kiến trong cánh rừng già, thì nay cũng thành chợ: đồ gỗ ở phố Phan Chu Trinh; máy ở Hàm Long; sách cũ ở đầu Bà Triệu; xe đạp ở Quang Trung và Nguyễn Du; quần áo ở Tô Hiến Thành... rồi tới Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng. Ồn ào nhất là khu ga, lan ra cả Sinh Từ, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Kỳ Đồng, Cấm Chỉ, Phùng Hưng, cho đến tận cả Cột Cờ. Tuy mùa hoa phượng vĩ đã tàn nhưng Hà-nội đỏ ối hơn bao giờ hết. Các công sở cho đến đầu đường, xó chợ, cổng đền, chùa và nhà thờ, chỗ nào cũng cờ đỏ sao vàng, nhiều chỗ còn cả cờ Nga và cờ Trung cộng. Lính Tây rút hết, nhưng lại có lính của ủy ban quốc tế: Ca-na-đa, Ba-lan, Ấn-độ. Ảnh của lãnh tụ vô sản trong nước và ngoài nước được treo khắp hang cùng. ngõ hẻm và bày bán ngay ngoài đường ở các phố Tràng Tiền, Cửa Nam, Hàng Buồm, Hàng Giấy, Bờ Hồ... đủ mọi mẫu: rậm râu sâu mắt cũng có; hói đầu trán dô cũng có; mập ú cũng có; mặt như mâm bánh đúc cũng có v.v... Nếu không có chú thích chức vụ dưới ảnh thì cứ tưởng đây là các loại diễn viên của đoàn tạp kỹ nào vậy.

Cuối phố Lò Đúc, gần ngay nhà thương chó - nay là cơ quan của bộ Lâm nghiệp - ai ai cũng mừng cho cụ phán Thành, chủ căn nhà lầu mới nhất, khỏi phải sống lẻ loi vì đã có con trai là cán bộ cùng vợ con mới từ Việt Bắc về đoàn tụ. Cho nên Nô-en 1954 của nhà cụ phán Thành được chuẩn bị khang trang hơn mọi năm. Cây Nô-en của nhà cụ to đẹp nhất khu vực đó. Gần chín năm trời, cụ phán Thành đã dành nhiều thì giờ ngắm các tượng Thánh cũng như cầu xin Đức Mẹ cho ngày đoàn tụ này. Con trai một của cụ là cán bộ hàm vụ trưởng, công tác ở văn phòng phủ thủ tướng; con dâu của cụ, xuất thân là rễ cốt cán trong cải cách ruộng đất thí điểm ở Thái Nguyên, nay là cán bộ tổ chức của Tổng công đoàn và đứa cháu nội của cụ vừa tròn sáu tháng. Con, dâu và cháu của cụ về Hà-nội đã vài tháng nay, nhưng vẫn ở tại cơ quan. Chỉ có con trai cụ về nhà hai lần thăm cụ, uống vội một chén trà chứ không chịu ăn uống gì và hấp ta hấp tấp bỏ đi cứ như là nhà có ma. Mâm cơm được dọn ra, anh ta liếc nhìn đĩa thịt gà, cái yết hầu động đậy, nét mặt căng thẳng nhưng vẫn không đủ can đảm ngồi lại ăn với bố bữa cơm sau chín năm xa cách! Rồi, một buổi tối, anh ta về nhà, cũng vội vã uống chén trà để báo cho cụ phán Thành biết vài ngày nữa anh ta sẽ đem vợ con về ở ngôi nhà này vì đã được phép của "đảng ủy" cơ quan. Xa nhau chín năm, người con trai cụ phán Thành thay đổi quá nhiều, cả từ vẻ mặt, ánh mắt, người ngợm cho đến ngôn ngữ ăn nói. Hai cha con ngồi chỉ cách nhau một cái bàn mà sao còn thấy xa hơn Hà-Nội lên Việt-Bắc!

... ĐỂ CHIA LY HƠN

Cụ phán Thành và mấy bà con giáo dân hàng xóm của cụ sang xem cây Nô-en không còn tin ở lỗ tai của mình khi nghe anh cán bộ - con trai của cụ - chỉ vào cây Nô-en và nói vẻ khó chịu:
- Thầy rước cái "của nợ" này về làm gì cho tốn tiền lại rác nhà.

Dân công giáo toàn tòng, được mặc chiếc áo đại cán màu lá mạ, vai đeo xắc-cốt vải bạt, ăn nói như vậy đấy. Lặng người một lúc cụ phán mới nói được:
- Anh có còn là con chiên của Chúa không mà nói vậy?
- Thầy, u có công đẻ ra con, nhưng Đảng và Bác cho con sự sống, cho con lý tưởng. Giờ đây con là thuộc về Đảng và Bác, xin thầy và bà con lối xóm nhớ cho như vậy.

Cụ phán Thành ú ớ:
- Vậy là anh không... không...
- Vâng, con là người cách mạng, không tin ở tôn giáo nào cả, đó là thuốc phiện như Marx đã nói và...

Anh con nhìn bố, vẻ ái ngại:
- Thầy có được nghe chính Chúa nói không?

Cụ phán nhìn con, vẻ xa lạ:
- Vậy anh có được nghe chính Marx nói không?

Anh đỏ mặt, lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì cụ phán Thành nói tiếp:
- Anh có nhận tôi là cha đẻ của anh nữa không thì tùy, nhưng chúng ta không cần báng bổ đức tin của nhau. Tôi là con chiên ngoan đạo, sống trong sự che chở của Chúa. Anh là người cách mạng, anh tin vào cụ Karl Marx, đó là việc của anh. Anh gọi đó là chủ nghĩa hay tôn giáo, tất cả đều là cách diễn đạt mà thôi.

Những người được chứng kiến cuộc đối thoại của hai cha con cụ phán Thành không thể nào quên được vẻ đau khổ của người cha và vẻ căm thù lạnh lùng của người con. Câu chuyện hôm ấy đã chấm dứt tình nghĩa cha con. Căn nhà được bít lại: cụ phán Thành ở trên lầu và gia đình người con ở tầng trệt. Đến năm 1960, cụ phán Thành bị cải tạo trong diện tư sản nhà đất, cụ phải dọn ra căn phòng phía sau, trên nóc nhà bếp, kế sân thượng phơi quần áo, rộng độ gần hai chục mét vuông. Đấy là một sự chiếu cố của ban cải tạo, vì đúng ra tiêu chuẩn đầu người chỉ là năm mét vuông. Mà, cũng có thể không tìm ra căn phòng nào có cái diện tích năm mét vuông như vậy, ngoại trừ cái cầu tiêu phụ! Căn nhà lầu của cụ phán Thành, chắt chiu cả đời người cạo giấy ở sở Phi-năng (tài chánh) của Pháp và sự buôn bán tảo tần của vợ mới làm nên được, nay có chủ mới là Sở quản lý nhà đất Hà-nội. Căn nhà đó được chia cho con cụ phán Thành ở vì là cán bộ trung cao của đảng, tiền nhà do cơ quan đài thọ. Vài năm sau, cụ phán Thành chết cũng chỉ được bà con trong họ đạo lo chôn cất. Người con trai chỉ đến viếng như một... người hàng xóm bình thường. Thời gian cứ thong thả đi qua. Nô-en nối tiếp Nô-en, chẳng biết còn được bao người nhớ đến câu chuyện trên, một thời là chuyện cửa miệng của người dân Hà-nội (không phải dân ngụ cư)?

Chuyện tưởng như có tính riêng biệt, ai ngờ đấy chính là "mâu thuẫn mới", của xã hội Bắc Việt Nam, được hình thành từ ngày ông Hồ chí Minh về trú ngụ tại phủ toàn quyền Đông Dương, cho đến ngày phải theo qui luật "có sinh có tử", ông vẫn luyến tiếc cái phủ toàn quyền ấy, vì nó tượng trưng cho uy quyền cá nhân của kẻ ngự tọa trong đó lên đầu nhân dân của ba nước Việt, Lào và Cam-bốt, cho nên lăng của ông được xây liền ngay cạnh phủ toàn quyền cũ, hình thành một "quần thể" kiến trúc biểu tượng quyền uy tối thượng cả khi sống cho đến lúc chết.

TỪ ĐẤU TỐ... ĐẾN VU CÁO

Bốn cuộc cách mạng: cải cách ruộng đất; văn hóa và tư tưởng; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và chấn chỉnh tổ chức do ông Hồ chí Minh và đảng của ông ta phát động và thực hiện, đã làm đảo lộn mọi nền tảng đạo đức xã hội, mọi giá trị văn hóa tư tưởng, mọi sản phẩm của thành quả lao động, mọi khái niệm... mà loài người đã phải trả những giá rất đắt trong quá trình lịch sử mới có được, mới định hình được.

Hà-nội là nơi tập trung của nhiều tôn giáo, nhưng chẳng biết từ thuở nào, ngày Nô-en đã trở thành ngày hi vọng của tất cả mọi người, của tất cả mọi nhà. Không ít gia đình Phật -giáo cũng có cây Nô-en trong nhà và dù không là giáo dân, nam nữ thanh niên Hà-nội vẫn dự lễ đêm Chúa Giáng-sinh với đầy tôn kính.

Chẳng biết dưới triều Tự Đức, giáo dân bị giết ra sao, nhưng đến "thời đại Hồ chí Minh" thì giáo dân (ở Bắc Việt Nam) là đối tượng nặng nề nhất và lâu dài nhất chịu đựng mọi thủ đoạn tàn bạo của ông Hồ chí Minh và đảng của ông ta.

Trong âm mưu chống di cư vào Nam, giáo dân ở Ba Làng đã bị tàn sát cả già, trẻ, phụ nữ có thai. Cánh tay thực hiện "tư tưởng sát nhân" này của ông Hồ chí Minh là trung tá Nguyễn văn Đổng (tức Đồng sỹ Nguyên, sau này vào bộ chính trị cộng đảng và giữ chức phó thủ tướng). Cái tin đau lòng đó đã bay về Hà-nội, và mặc dù vào lúc xế chiều của phong trào đòi dân chủ của Nhân Văn - Giai Phẩm, nhưng người Hà-nội vẫn được nghe một bài thơ truyền miệng (sau này được xếp vào loại "thơ ghế đá"):

"Đồng Sỹ Nguyên, Đồng Sỹ Nguyên!
Theo Hồ ngươi giết con chiên Ba Làng.
Tội ác ngươi nhất thế gian
Trẻ thơ cũng bắn, già làng cũng đâm
Cỏ cây cũng phải khóc thầm
Núi sông cũng phải một lần phong ba
Đảng ngươi, đảng lũ Tàu, Nga
Cộng ngươi, cộng máu, cộng hòa thịt xương
Cách ngươi, một lũ bất lương
Cùng quân ăn cướp, cùng phường lưu manh
Đảng ngươi tội ác rành rành
Chứng nhân còn đó, sử xanh, Đất, Trời
Lũ ngươi đền tội đời đời!"

Tổ quốc tế (thành phần là Ấn độ) có vào Ba Làng thu thập tài liệu, nhưng Khu ủy cộng sản Khu Bốn, cơ quan an ninh và trung tá Nguyễn văn Đổng có "sáng kiến" dựng ra một toán cướp tấn công mấy chiếc xe ô-tô mang cờ trắng có chữ IC của tổ quốc tế, "trấn lột" hết mọi thứ - tất nhiên là đơn từ khiếu nại và mọi hình ảnh tang chứng về vụ tàn sát giáo dân của chính quyền Hồ chí Minh - và còn cho các nhân viên quốc tế này "ăn no" trận đòn hội chợ. Như tình tiết trong một phim ảnh, ở phút gay go nhất thì "công an" và "bộ đội cách mạng" tới kịp thời giải cứu cho tổ quốc tế "thoát chết". Tất cả được sự săn sóc của các cô y tá trẻ, tay mát rười rượi và quà lưu niệm của ủy ban tỉnh và các đoàn thể "vừa hậu hĩnh, vừa giá trị", cho nên tổ quốc tế hỉ hả ra về "cứ như là vừa đi du lịch vào miền Trung, quê của Bác Hồ" cho biết xứ của cách mạng.

Chuyện chưa dừng ở đó. Cơ quan an ninh của ông Hồ chí Minh quyết "đẩy" bằng được một đức cha người Canada tên là Denis Parkett, tên Việt là Cha Quý, ở nhà thờ Nam Đồng, bởi lúc đó trong ủy ban quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam, phái đoàn Canada giữ ghế chủ tịch. Ngón nghề của họ vẫn là bổn cũ soạn lại: vu cáo, tố bậy. Vở kịch do biên kịch và đạo diễn đều là người của cơ quan an ninh thuộc phòng quản lý tôn giáo.

NHỮNG NGƯỜI MỘ ĐẠO

Từ mùa hè 1957, chiều chiều thường có một cặp vợ chồng độ tuổi trung niên đi xe đạp qua ngã Hàng Bột xuống nhà thờ Nam Đồng. Người chồng da mặt đen, cặp lông mày sâu dóm, một hàng râu cứng và rậm trên cặp môi thâm xì và thêm hai con mắt trắng dã có vằn tia máu. Vợ nói tiếng Bắc, hai gò má cao, cặp mắt ướt và mệt mỏi, đầu búi tóc, dáng người sang trọng. Hai người đi bên nhau thật chẳng xứng đôi chút nào.

Đây là hai người đang muốn cải đạo. Họ xuống nhà thờ Nam Đồng để gặp đức Cha người Canada, có tên là Denis Parkett và tên Việt là Cha Quý xin được học kinh bổn. Cùng với hai vợ chồng này, khoảng thời gian đó có 3 chị em gái tuổi xồn xồn cũng xin được học kinh cải đạo ở chỗ đức Cha Denis Parkett. Cô chị tên là Th., ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa chồng, đang hứa hôn với một thiếu tá công an; cô em tên là S. có một con gái, chồng tên là Gi..., người phố Hàng Đào, đang ở Pháp chuẩn bị thi tú tài phần 2 và cô em chót là O..

Không biết năm người này khai với cha Quý ra sao về tên tuổi, nghề nghiệp và địa chỉ. Nhưng, nếu ai tò mò thì thấy người đàn ông mắt trắng dã đó tên là Ba, còn vợ là Lê thị Nhung, làm việc ở văn phòng công an Khu Hai Bà (nay là Quận Hai Bà).

Những người "mộ đạo" đó tiếp tục học kinh bổn cho đến tận giữa năm 1958 mới thôi. Bởi vì, nếu ai hay để ý tin trên báo sẽ thấy ở trang hai, báo Thời Mới, chỗ "kín đáo" nhất có một tin ngắn nói về việc chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra lệnh trục xuất "ông Denis Parkett, quốc tịch Canada, có tên Việt là Quý, hành nghề tôn giáo, bị "giáo dân" cáo giác là tuyên truyền phản cách mạng và có biểu hiện hoạt động gián điệp."

Còn năm người "mộ đạo" thì sao? Thưa rằng, vợ chồng bà Nhung trở thành xã viên hợp tác xã đánh máy và in rô-nê-ô Hai Bà Trưng, chịu sự lãnh đạo hai chiều của phòng văn hóa thông tin Khu Hai Bà và P.21 thuộc Sở công an Hà-nội, đời sống khấm khá. Cô Th. lấy chồng là thiếu tá công an, trưởng phòng quản trị hành chính thuộc Cục Lao Cải (sau đổi tên là Cục quản lý trại giam), dưới quyền thiếu tướng Lê hữu Qua - người chỉ huy công tác bảo vệ phái đoàn Phạm Văn Đồng dự hội nghị Genève 1954 về Việt Nam. Cô em tên là S., đầu năm 1959 được đặc cách cho cùng con gái sang Pháp đoàn tụ với chồng. Còn cô O., lấy chồng là một giáo viên. Tất cả chẳng ai rửa tội theo đạo cả. Chẳng cần suy diễn, chúng ta cũng có thể hiểu họ đã đóng vai gì trong vở kịch của me-sừ Dương Thông đạo diễn.

VẾT DẦU LOANG

Nếu trên mặt báo, tin trục xuất Cha Denis Parkett được xếp ở chỗ "kín đáo" bao nhiêu thì ngoài đời tin ấy lan nhanh trong người dân Hà-nội. "Người ta" kháo nhau là có hoạt động "gián điệp và phản động" trong sinh hoạt tôn giáo. Rồi cũng lại "người ta" xì xầm rằng tạm thời nên tránh đến các nhà thờ, "Chúa ở trong lòng mỗi chúng ta", cứ ở nhà mà cầu kinh cũng được, lúc này biết ai là "giáo ngay" ai là "giáo gian". Ở trường học, tự nhiên các em học sinh cũng bắt đầu nhìn những bạn mình là công giáo bằng "con mắt cảnh giác cách mạng", ở khu phố người ta cũng hay nhòm ngó gia đình giáo dân hơn. Các xứ đạo, các nhà thờ thường xuyên có những bộ mặt lạ lãng vãng đến nhẵn mặt dân trong khu vực, chẳng ai nói với ai nhưng ai cũng biết là "công an mật" đang "làm nhiệm vụ" (?). Cơ quan an ninh của ông Hồ chí Minh cho âm binh đi diễu ngày đêm như vậy cùng với những tin đồn "giật gân" nào là ở nhà thờ X. vừa thấy cờ tam tài, ở nhà thờ Y. thì bắt được lựu đạn v.v... và "kẻ gian" thường lợi dụng những buổi lễ ở nhà thờ để họp mặt với nhau v.v... Và, cũng thời gian ấy, không khí "đấu tranh giai cấp" trong cải cách ruộng đất, trong chống bè lũ Nhân Văn - Giai Phẩm... càng làm mọi người hoang mang, đến nỗi ai nhìn vào nhau cũng thấy "địch", cũng lo "cảnh giác" kẻo bị địch "lợi dụng". Rồi cứ thế, mọi người biến thành "con rùa" lúc nào cũng rụt cổ vào mai cho "chắc ăn". Nhà thờ vắng tanh trong các buổi lễ. Cổng nhà thờ nào cũng có ảnh "bác Hồ" chiếu tướng người qua lại. Ai muốn vào nhà thờ, chợt khựng lại khi thấy ảnh "bác" vì tự nhiên bài học "cảnh giác" phọt ra.

Nhiều năm liền, ngày Nô-en chẳng khác ngày thường. Nhà thờ tuy được mở cửa, nhưng chỉ có trẻ em và các cụ "thật già" ở tuổi gần đất xa trời. Cả Hà-nội chỉ có Nhà Thờ Lớn ở phố Nhà Chung (Nhà Thờ) được chính thức làm lễ Giáng Sinh. Ngay từ chiều ngày lễ, công an nổi, công an chìm lượn lờ suốt quanh đó và quanh Hồ Gươm. Nam nữ thanh niên Hà-nội, không là công giáo, hầu như chẳng một ai qua lại khu vực nào có Nhà Thờ tọa lạc, sợ bị ghi sổ đen, sợ bị chụp ảnh lưu trong hồ sơ của Cục 78 bộ công an. Khá nhiều thanh niên công giáo cũng bỏ lễ sợ bị qui chụp là "mê tín, lạc hậu" và có hại cho con đường học hành, công tác sau này. Có điều hài hước là trên các mặt báo ngày hôm sau, ở trang nhất đều có ảnh lễ Nô-en tại Nhà Thờ Lớn với sự hiện diện của đại diện chính phủ. Nếu chỉ đọc báo, ai chẳng nghĩ rằng vấn đề "tự do tín ngưỡng" dưới chế độ Hồ chí Minh được tôn trọng triệt để. Thật là chỉ có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Và, những đòn phép "khủng bố công giáo" cứ như vết dầu loang vừa bao trùm rộng về diện vừa nhẹ nhàng về phương pháp hành động đã có nhiều kết quả.

MÁU TƯỚI VÙNG CAO

Ông Hồ chí Minh và đảng của ông ta chưa bao giờ chính thức đề ra chính sách "tiêu diệt công giáo" ở Việt Nam. Trái lại, về văn bản còn thể hiện là giúp đỡ ổn định sinh hoạt "việc đời việc đạo". Cho nên, nếu tìm hiểu số phận giáo dân Việt Nam trong chế độ Hồ chí Minh qua "sách, báo, và công báo" thì chẳng thấy "vấn đề kỳ thị tôn giáo" nơi chính phủ Hồ chí Minh. Phải gạt sách vở ra một bên mà đi tìm "sự việc" đang diễn ra và đã diễn ra trong xã hội Việt Nam dưới chính quyền cộng sản. Bởi vì cả 4 cuộc cách mạng về cải cách ruộng đất, về văn hóa tư tưởng, về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và về chấn chỉnh tổ chức đều bao hàm nội dung "tận diệt tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng." Chính quyền Hồ Chí Minh không giết hoặc bỏ tù "giáo dân" mà giết và bỏ tù "địa chủ, tư sản, phản động" mặc dù có khi người "bị tội" chẳng có một tấc đất, chẳng có một đồng vốn, chẳng làm gì sai chính sách của chính phủ Hồ chí Minh đề ra trên giấy trắng mực đen. Lấy thí dụ tại Hà-nội: các cơ sở của giáo hội bị "ăn cướp" trắng trợn như trường Thánh Mẫu Marie bị lấy làm bệnh viện B để có thể phá bỏ tượng Thánh Mẫu; trường Thánh Paul bị lấy làm bệnh viện tai mũi họng; khu Nhà Chung bị lấy làm câu lạc bộ, và khu nhà các Frères ở đường Cao Bá Quát bị lấy làm viện bảo tàng v.v... Một mặt thu hẹp đi đến thủ tiêu các hoạt động văn hóa, xã hội của Nhà Thờ, mặt khác chính quyền cộngsản dựng ra những tổ chức "Công giáo quốc doanh" như ủy ban liên lạc những người công giáo yêu nước do linh mục quốc doanh Hồ thành Biên cầm đầu, như vậy có hàm nghĩa ai không ở trong tổ chức của Hồ thành Biên là "không yêu nước"(?), như ủy ban liên lạc những người công giáo yêu hòa bình, yêu tổ quốc do con chiên ghẻ là luật sư Dương văn Đàm canh cửa và tờ báo Chính Nghĩa (?). Tất cả đều ăn lương của Mặt trận Tổ quốc - nghĩa là của đảng cộng sản và do cán bộ tôn giáo vận của Mặt trận Tổ quốc giám sát. Nhưng tổ chức "ngụy công giáo" đó chính là bộ phận của cơ quan chuyên chính của chính quyền cộng sản, cho nên tất cả đều đồng lõa với vụ tàn sát hơn một vạn người Việt Nam dân tộc Mèo ở Hà Giang chỉ vì những đồng bào người dân tộc Mèo này bảo vệ các Linh mục và giữ đạo. Sự việc đó xảy ra vào cuối năm 1961, trước khi ông Hồ chí Minh cho lệnh mở đường lên Mèo Vạc với sự giúp đỡ của Trung cộng. Con đường có tên nghe rất kêu là "Hạnh phúc" mà Xuân Diệu hết lời ca ngợi bằng thơ. Để tố cáo trước dư luận và hậu thế, dòng văn nghệ phản kháng cũng ra đời "thơ ghế đá":

"Đứng trên Cổng Trời nhìn về Quản Bạ
Tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian"
Đẹp thay đất nước bạc vàng
Đứng đây sao thấy vô vàn thân thương
Sa-mu san sát bên đường
Cảnh sao hùng vĩ, ngựa giương bờm dài
Đải lầu, vòng bạc, hoa cài
Bản Mèo đứng đó nhìn ai mà buồn
Phải chăng bản nhớ người thương?
Hà Giang, Mèo Vạc máu xương đỏ ngầu
Hồ cộng cùng với Mao Tàu
Giết hơn một vạn kể đâu giống nòi
Mẹ hiền Tổ-quốc đâu rồi?
Dù là thiểu số cũng người Việt Nam
Cũng máu đỏ, cũng da vàng
Búa liềm Hồ cáo bản làng tang thương
Sông Nho Quế máu còn vương
Người Kinh, người Thượng khắc xương ghi lòng
Đoàn kết chống cộng đến cùng
Tội ác Hồ cáo, Lạc Hồng chớ quên!

Ban tuyên huấn trung ương của Tố Hữu và cơ quan an ninh của Dương Thông điên cuồng. Chẳng cần úp mở nữa, nếu người Mèo ở Hà Giang theo Tin Lành thì nhà thờ Tin Lành sẽ là mục tiêu "phỉ báng". Và, thế là Nhà thờ Tin Lành ngay cạnh câu lạc bộ Đoàn Kết, gần nhà Hát Lớn, được lấy làm "trụ sở" cho hợp tác xã Thêu. Các cô, các bà xã viên ngồi từ trong nhà thờ ngồi ra hè... cho vui... bên dưới dòng chữ: “Je suis le chemin, la vérité et la vie”. Con đường đó, khách nước ngoài "bắt buộc" phải qua lại vì nó ngay sau khách sạn quốc tế Thống Nhất (tức Métropole cũ), cái khách sạn này đã có cả từ nhà báo Burchett đến Madelène Riffaud, cho đến nhà thơ nữ Bulgarie, Olga Dimitrova - cô "bồ" cao lớn của Tố Hữu và cả nữ minh-tinh Jane Fonda của Mỹ... tá túc dài dài.

NƯỚC MẮT VÙNG THẤP

Chính quyền cộng sản Hà-nội sợ tiếng nói dân gian đến nỗi "cảnh giác" cả với tay chân. Con trai luật sư Dương văn Đàm chỉ can tội đánh lộn chút chút mà cũng bị công an đến tận nhà xích tay đưa đi cải tạo, trong lúc đó thì con của Đinh thị Cẩn, ủy viên dự khuyết trung ương cộng đảng, cũng như con của trung tướng Nguyễn văn Vịnh, ủy viên trung ương đảng cộng, đều can tội giết người thì được... qua Liên-xô để đào tạo "nhân tài". Đó là cú dằn mặt với cái Hội liên lạc những người công giáo yêu hòa bình, yêu tổ quốc nằm ở góc đường Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, ngay cạnh nhà hộ sinh Hoàn Kiếm!

Cái dằn mặt thứ hai là việc bãi chức "không kèn không trống" của chủ tịch huyện Kim Sơn (Ninh Bình) Phạm minh Do, người giáo dân của đất Phát Diệm đã có nhiều công trong kháng chiến chống Pháp và nhiều cống hiến trong phát triển nghề phụ ở Kim Sơn sau 1959. Ông Phạm minh Do muốn đẩy mạnh diện tích trồng cói và nghề nuôi vịt đàn cho giáo dân trong huyện trong lúc Trung ương lại lấy đất của huyện để lập nông trường quân đội mang tên Sao Vàng. Chắc cho đến nay ông Phạm minh Do vẫn chưa hiểu cái thâm ý sâu xa của chính quyền Hồ chí Minh là muốn đặt một đơn vị vũ trang thường trực ở cái đất Phát Diệm, nơi mà mấy cán bộ tôn giáo vận của Mặt Trận Tổ Quốc gọi là "Roma của Việt Nam, Vatican của Đông Dương". Cho nên Kim Sơn tức núi vàng mà dân càng ngày càng kiệt quệ. Tuy nhiên chính quyền cộng sản không thể nào "tiêu diệt" được tiếng chuông Nhà Thờ Phát Diệm. Công an và quân đội chưa có hiệu quả mấy nên Tố Hữu vội góp phần: ông trưởng ty văn hóa Nam Hà được cho ra một tiểu thuyết để "bôi nhọ" giáo dân nhưng không thành công. Nhiều văn nô cũng muốn nhảy vào lĩnh vực này nhưng thấy khó khăn vì thiếu hiểu biết. Chỉ mãi sau này, văn nô Nguyễn Khải - trùm cơ hội - cố nặn ra tiểu thuyết "... Cha và con và..." nhưng chẳng có chút tiếng vang nào. Cùng với thời gian thử thách đức tin, sinh hoạt đạo của giáo dân từ thoái trào lại dần dần lấy lại phong độ như xưa và còn hơn xưa...

NÔ-EN 69 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Năm 1968, đúng là năm con khỉ (mậu thân) cho nên cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy" do Hà-nội kết thúc cũng khỉ thật. Quân đội của ông Hồ chí Minh vào Nam làm cuộc "tiến công" nhưng vì nhân dân không "nổi dậy" nên cuộc tiến công đó "chìm xuồng" luôn. Tướng Lê Chưởng, người ra lệnh tàn sát tập thể đồng bào ở Huế, có sự chỉ điểm của những tên nằm vùng là tiến sỹ, giáo sư, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ... được ông Hồ chí Minh gọi ra thưởng cho cái ghế Bộ trưởng bộ giáo dục. Thật may cho học sinh Bắc Việt Nam vì Lê Chưởng trên đường ra Hà-nội bị tai nạn ô-tô vọt óc mà chết. Thương tiếc Lê Chưởng, ông Hồ Chí Minh bèn cho vợ Lê Chưởng là Lê Diệu Muội cái ghế thứ trưởng bộ nội thương mặc dù chưa biết làm tính nhân có số thập phân!!! Chính là từ cái năm 1968 này, các nhà thờ tự nhiên buổi lễ có đông con chiên. Họ đến để cầu nguyện cho con, em, chồng, cha...đã bị "sinh Bắc, tử Nam". Công an nổi, công an chìm đành chịu phép trước "thân nhân" của liệt sỹ. Cái mở đầu của 1968 đã làm cho Noel náo nhiệt hẳn lên. Và, sang năm 1969, năm mà ông Hồ chí Minh đi "thăm Các-Mác và Lê-nin", người Hà-nội sau khi phải cố mà khóc "cho có vẻ có lập trường" thì không còn muốn khóc nữa. Một dạng thức phản kháng có tính lây lan hình thành trong thanh niên học sinh, nhất là ở lứa tuổi phải đi lính. Họ đi hàng hai ba chục người đập phá, la hét, gây chuyện với công an và đánh công an để có phải vì thế bị giam khỏi phải đi lính mà rơi vào cảnh "sinh Bắc, tử Nam". Học sinh miền Nam tập kết đánh nhau với thanh niên địa phương. "Dũng sỹ diệt Mỹ" từ miền Nam được cho ra thăm Hà-nội, thủ đô cách mạng, bị "bụi đời" đập chết ở công viên Thống Nhất. Dân trốn kinh tế mới về sống lẩn lút ở khu Khâm Thiên (Đống Đa) buôn bán trao tay ở Ga Hàng Cỏ đã tổ chức đánh đồn công an Ga ở phố Lý Thường Kiệt, bắt công an trói lại và lấy phất trần "đánh đít" như đánh con nít. Nhiều chuyện tưởng như "bịa" mà diễn ra đều đặn hàng ngày. Cảnh sát được trang bị nón sắt, chó berger và xe mô-tô có thuyền đi tuần tra cũng chẳng làm gì nổi những thanh niên sắp là "bộ đội cách mạng" ấy cũng như những "chú lính mới" được về phép trước khi đi Nam. Tổ chức đoàn thanh niên, cánh tay mặt của đảng vội đẻ ra một quái thai mới gọi là "Thanh niên cờ đỏ" để góp phần giữ gìn trật tự anh ninh ở các nơi công cộng, nhưng vừa khai sinh thì đã thành trò hề. Bởi lần ra quân đầu tiên của đoàn thanh niên cờ đỏ của Hà-nội là "vồ" được Hoàng Tuấn, tổng cục trưởng tổng cục thông tin; trung tá bác sỹ giám đốc Sở y tế Hà-nội và đặc biệt là cả "đồng chí" Phạm Lợi, bí thư thành đoàn thanh niên Hà-nội kiêm chỉ huy trưởng thanh niên cờ đỏ. Cả ba vị đang có hành động "mèo chuột" với nữ nhân viên cấp dưới trong xó tối ở công viên!!! Thanh niên Hà-nội không còn tin vào "đạo đức sáng ngời" của các "lãnh tụ" nữa, nhất là sau này lại xảy ra vụ "đồng chí" Vũ Quang, bí thư thứ nhất đoàn thanh niên lao động, lãnh đạo đoàn đi thăm ông A-gien-đê của Chilie đã "hủ hóa" với ca sỹ Diệu Thúy (người đã có hôn phu) trên đường ghé qua Cuba và bị mật vụ Cuba "tố cáo". Cả Hà-nội ồn lên về vụ "cướp vợ" này. Ông Trường Chinh ra lệnh các cơ quan đoàn thể họp cải chính cho... Vũ Quang. Và, vài tháng sau cũng chính Trường Chinh ủng hộ việc Vũ Quang cứ cưới đại ca sỹ Diệu Thúy đi, mặc cho ngay cả các con của Vũ Quang phản đối. Thôi làm công tác thanh niên, Vũ Quang về làm chánh văn phòng trung ương đảng rồi còn leo tới chức trưởng ban đối ngoại trung ương đảng (thay Nguyễn thành Lê). Và, cô ca sỹ Diệu Thúy bỏ cái nghề "xướng ca vô loài" để dựa hơi chồng buôn lậu đô-la Mỹ và hạt xoàn!!! Cho nên Noel 1969, người Hà-nội, nhất là thanh niên, nô nức đi lễ Nhà Thờ, chính quyền cộng sản đành bó tay chịu thua. Những năm tiếp theo, trong cái lạnh của tháng cuối trong năm, Hà-nội có các hàng sản xuất "lậu" nhưng lại bán "công khai" tấp nập để phục vụ lễ Giáng Sinh. Cả ngoại thành, nội thành từ bảng lảng chiều đã nô nức kéo về khu vực Nhà Thờ Lớn. Hàng Bài từ đoạn ngã tư với Hai Bà Trưng đã phải cấm xe cộ. Quanh Hồ Gươm người người chen nhau như nêm. Quanh Nhà Thờ Lớn người đứng đông đến nỗi tràn kín cả cổng chính của tòa soạn báo Nhân Dân. Công an và chó berger không dám nghênh ngang vì đã có nhiều chó berger bị đập chết khi đi trong đám đông... không tìm được "thủ phạm". Những tên công an chìm dễ bị ăn đòn "hội chợ" nếu chót lộ đuôi hoặc có cử chỉ thiếu tôn kính với Chúa. Chẳng còn ai sợ ghi sổ đen hay chụp hình lưu trong hồ sơ của Cục 78 bộ công an nữa. Cả Hà-nội chào đón ngày Chúa Giáng Sinh. Cả Hà-nội bảo vệ đức tin của Chúa. Và, Noel lại trở lại là niềm hy vọng của mọi người, mọi nhà.

Tháng 11-1992

Việt Thường