Home Đời Sống Tôn Giáo Đức Giám mục Kontum: “Tôi xin cúi đầu cảm phục trước đoàn người dám sống dám chết cho một lý tưởng cao đẹp.”

Đức Giám mục Kontum: “Tôi xin cúi đầu cảm phục trước đoàn người dám sống dám chết cho một lý tưởng cao đẹp.” PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Giám mục Kontum Micae Hoàng Đức Oanh   
Thứ Hai, 21 Tháng 11 Năm 2011 06:07

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục giáo phận Kontum đã gửi lá thư mục vụ tới toàn thể các thầy cô giáo trong giáo phận Kontum.

Trong lá thư, ngài đã đặc biệt nhấn mạnh tới những khó khăn mà quý thầy cô giáo đang phải đối diện. Theo ngài, khó khăn lớn nhất của các thầy cô giáo công giáo trong nền giáo dục hiện nay là “Chủ nghĩa vô thần Duy vật”, mà chỉ có lời cầu nguyện mới có thể phá bỏ được.

Đề cập tới chuyện Thái Hà những ngày qua, ngài cho biết: “tôi xin cúi đầu cảm phục trước đoàn người dám sống dám chết cho một lý tưởng cao đẹp.”

Hình ảnh những giáo dân Thái Hà xuống đường những ngày qua đã thực sự đánh động những ai có lương tri trong xã hội hiện nay.

Chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả lá thư này để cùng cầu nguyện cho Thái Hà và cho Giáo hội Việt Nam.

NGÀY NHÀ GIÁO 2011

Kon Tum, ngày 20 tháng 11 năm 2011

Kính gửi Quý Thầy Cô,

trong Giáo Phận Kon Tum.

Mến thăm Quý Thầy Cô,

Ngày Nhà Giáo năm nay đã trở về đúng ngày lễ kính Chúa Kitô Vua. Vua vũ trụ, Vua của những con người có lòng thành có lòng yêu mến! Xin chúc mừng quý thầy cô và qua quý thầy cô xin chúc mừng tất cả các nhà giáo mà tôi đã được dạy dỗ cũng như đã cùng tôi phục vụ trong ngành giáo dục. Lời cầu chúc này tôi cũng muốn gửi tới tất cả những thầy cô nào sẵn lòng cho phép tôi được chúc mừng. Với lòng quý mến, xin gửi tới quý thầy cô đôi điều tâm sự mà tôi hằng ấp ủ trong những ngày này.

1. Vai trò quan trọng của nhà giáo

Vâng, quý thầy cô đã và đang giữ một vai trò quan trọng đối với tương lai Đất nước cũng như với Giáo hội, vì các thầy cô đang đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai!” Cao cả lắm! Nặng nề lắm! Gian nan lắm! Nhất là trong một xã hội có nền giáo dục được xây dựng trên nền móng “duy vật vô thần” trong khi thực sự tự đáy lòng quý thầy cô mang niềm tin tôn giáo lại không muốn như thế!!! “Cái nạn duy vật vô thần này”, khi còn nhỏ tôi vẫn được dạy phải cầu nguyện cho được thoát khỏi. Và ngày nay, nhiều người vẫn hỏi tôi có còn cầu nguyện như thế không? Tôi không ngần ngại trả lời: “Có chứ! Cầu nguyện liên tục. Cầu nguyện cho tôi cũng như cho mọi người thân yêu, trong đó có quý thầy cô.” Tại sao vậy? Vì con người không có chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc đời mình thì sẽ ra sao? Một xã hội cũng chẳng còn coi trời đất ra gì thì sẽ đi về đâu? Vì thế vai trò của các nhà giáo dạy dỗ, uốn nắn thế hệ trẻ hôm nay thành những nhà lãnh đạo ngày mai cần phải có một niềm tin tôn giáo đúng đắn mới có thể chu toàn được trọng trách cao cả này. Quan trọng biết mấy! Thật khó khăn biết mấy. Có thể ví các nhà giáo như những con người đang phải bơi lội ngược dòng thác lũ! Không thận trọng sẽ bị nhận chìm và lôi theo cả một lớp trẻ đơn sơ, trong trắng để mai ngày chính lớp trẻ này sẽ đứng ra xây dựng một xã hội không có văn minh tình thương!

Khi nói tới nạn duy vật vô thần, người đời thường nghĩ ngay tới nạn duy vật vô thần ở đâu đó hay ở trong một xã hội nào đó, mà không nghĩ ngay đến cái “nạn duy vật vô thần” ở ngay trong con người của mình, ngay trong cuộc sống của mình, ngay trong gia đình hay cộng đoàn của mình. “Duy vật vô thần ở bên ngoài tôi” xem ra có giá trị cảnh báo tôi, lay tỉnh tôi; còn cái “duy vật vô thần bên trong tôi” nó mới đáng sợ khủng khiếp, vì nó ngấm ngầm phá huỷ tâm hồn tôi, con tim tôi, đời sống tôi và dẫn tôi ngày càng xa anh em. Vì thế, tôi vẫn cầu nguyện – cho tôi và cho mọi người, cách riêng cho quý thầy cô giáo – luôn giữ được tâm hồn trong trắng như những đền thờ Thiên Chúa, không để cho vật chất làm chủ đời mình ngõ hầu có khả năng đào tạo lớp trẻ nên những con người trưởng thành hài hòa giữa cái tâm và cái đầu, giữa cuộc sống cá nhân và tập thể, để có thể cảm thông với và dám sống chết cho quyền lợi chính đáng của tha nhân là anh em của mình trong tình yêu Thiên Chúa, để người người có thể nói được như Thánh Phaolô Tông đồ dân ngoại: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

2. Lòng vô cảm :

Hiện nay hình như tình trạng vô cảm đang lan tràn khắp nơi. Nhiều người đang biến thành những con người không có tim! Hoặc nếu có lại là những con tim bằng sắt, bằng đá? Tôi xin đan cử vài trường hợp để cùng quý thầy cô suy nghĩ và thấy rõ vai trò của các nhà giáo quan trọng thế nào?

* Một cái bảng tuyên truyền đang được treo khắp cùng đất nước? Không biết có được bao nhiêu người đọc? Nếu thấy và đọc thì phải hiểu như thế nào. Tôi xin ghi lại đúng nguyên văn với 3 dấu nhấn – (1) in đậm, (2) gạch dưới và (3) in nghiêng - mà không dám bình luận thêm: “Nhiệt liệt hưởng ứng thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020”!!! Hình như tôi cũng đang vô cảm sao đó, nếu không nhận ra cái nét “độc đáo” của khẩu hiệu này?

* Vụ Thái Hà ở Hà Nội.

Mấy hôm nay vụ Thái Hà đã xâm chiếm tâm hồn tôi! Day dứt và xót xa! Xót xa vì cứ nghĩ “người Việt với nhau mà sao lại đến nông nổi này?” Day dứt vì cứ nghĩ “Đất Nước mình đang sống trong hòa bình mà cứ như đang có chiến tranh với giặc ngoại xâm?” Hay là “Những người có Đạo vẫn bị một nhóm người nào đó liệt vào hạng kẻ thù truyền kiếp nguy hiểm hơn cả những quân ngoại xâm chăng, nên cần phải tiêu diệt bằng mọi giá?” Hỏi thế thôi, nhưng chưa dám quả quyết! Nhưng vẫn tự hỏi: Hình như tôi cũng đang vô cảm sao đó? Nhưng có một điều, tôi xin cúi đầu cảm phục trước đoàn người dám sống dám chết cho một lý tưởng cao đẹp. Tôi cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho mọi người Việt biết thương yêu nhau và biết giải quyết mọi tranh chấp trong tình nghĩa anh em một nhà, dân một Nước!

* Bao vụ tai tiếng tày đình!

Ít lâu nay báo chí khui ra nhiều vụ tai tiếng về kinh tế, về tài chánh, về giáo dục, về y tế. Chỗ thì thâm thụt to! Chỗ thì lỗ vốn lớn! Chỗ lại thừa thãi vung vãi! Chỗ thì biển lận khủng khiếp! Ồn ào một hồi! Dăm ba bài đàm tiếu! Xong rồi tất cả chìm trong “biển lặng”! Vì sao? Vì chán ngán? Vì tuyệt vọng? Và chỉ còn biết để thủ thân thủ thế! Mặc ai sống chết? Đời là thế chăng? Tôi lại tự hỏi: Phải chăng chính tôi cũng đang vô cảm?

Quý thầy cô rất thân mến,

Trên đây là chút tâm tình tôi xin được chia sẻ với các thầy cô. Cầu cho nhau cũng như cho thế hệ trẻ thoát khỏi nạn “duy vật vô thần ở ngay trong mỗi con người chúng ta”. Cầu cho một nền giáo dục đúng đắn để tất cả đều được đào tạo nên những con người trưởng thành có cái tâm ngay thẳng, có cái đầu phát triển hài hoà và có đôi tay rộng mở để dấn thân xây dựng một xã hội trên nền tảng chân lý, công bằng và yêu thương như Thầy Giêsu đã sống và đã dạy qua bản Hiến chương Nước Trời, bản Hiến chương Tám Mối Phúc Thật (x. Mt 5,1-12).

Thân mến,

Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo Phận Kontum