Dị đoan |
Tác Giả: Nguyễn Gia Thưởng (Bruxelles) | |||||||
Thứ Ba, 18 Tháng 10 Năm 2011 04:58 | |||||||
“...Hiện tượng cố chấp trong sai lầm cũng gián tiếp dẫn đến dị đoan. Ðây là một loại suy luận đi tìm những dữ kiện xác minh quan điểm của mình để cố phản bác thực tế hiển hiện...” Khi bạn thong dong dạo chơi trên cánh đồng với người yêu của mình, bạn hít thở không khí đồng áng tươi mát. Dưới bầu trời xanh biếc, bạn thích thú lăn mình trên cỏ và ngắm nhìn những áng mây bay thay hình đổi dạng. Bạn nhìn thấy đủ thứ hình dáng trong đám mây và bạn đang vô tình thực hiện ảo quan (apophenia) mà bạn không biết. Bởi vì một đám mây, nó muôn hình vạn trạng, nó không giống cái gì cả. Bạn muốn cho đám mây bất cứ hình thù nào bạn muốn và nó chẳng có bất kỳ một ý nghĩa nào ngoài trí tưởng tượng của bạn. Óc con người luôn luôn làm việc để phân loại những thông tin mà nó nhận được qua ngũ giác. Nhưng chuyện xảy gì ra khi óc không nhận được thông tin nữa hoặc nhận những thông tin chẳng có ý nghĩa gì cả ? Óc con người có khả năng phi thường là tạo nên hình ảnh với những thông tin đã có sẵn. Khi nhắm mắt, chúng ta không thể nào không thấy gì cả hoặc thấy một màu đen, hoặc những hình thù kỳ dị, hoặc những đốm trắng. Ảo quan chính là hiện tượng liên quan đến sự vận hành của não bộ, nó cố gắng tạo ý nghĩa cho một hình ảnh. Chiêm tinh, bói toán, nói chung tất cả những dị đoan phần lớn đều dựa trên hiện tượng ảo quan. Nếu bạn gặp một tai nạn vào ngày Thứ Sáu 13 và kết luận rằng tất cả những ngày Thứ Sáu 13 là ngày mang họa hay ngày sui, đó là bạn đã dùng ảo quan để suy luận. Vì sự kiện "Thứ Sáu 13 tai họa" trên thực tế không có. Có nhiều người Việt tránh đi xa vào những ngày mùng 5, 14, 23. Nhưng hỏi tại sao họ tránh thì không ai giải thích được. Ðây là một loại ảo quan phát sinh từ một tập quán lâu đời từ thời phong kiến còn sót lại. Theo Kinh Dịch, số 5 là số trung cung, tượng trưng cho đất và màu sắc của trung cung là vàng. Vì vậy chỉ có vua, với tư cách là con trời, mới có quyền dùng con số này và màu vàng. Từ đó tất cả những gì liên quan đến con số 5 và màu vàng chỉ dành riêng cho vua, thường dân không được đụng tới. Và cũn từ đó những ngày liên quan đến số 5, 14 (1+4=5) và 23 (2+3=5) được xem là những ngày viá lớn của vua, chỉ có vua mới có tư cách xuất hành vào những ngày này, thần dân không được phép. Lâu dần thành tập quán, người ta cứ tránh những ngày này và trở thành dị đoan. Nhưng làm thế nào để biết một hiện tượng là ảo quan? Ảo quan là một ảo giác và nạn nhân không thể phân biệt nó với thực tế. Ví dụ, một người đang khát nước trong sa mạc nhìn đâu cũng thấy nước ảo trong những ốc đảo và sau khi nhìn thấy chừng năm chục ốc đảo nước ảo, đến cái thứ năm mươi mốt, người đó không tài nào biết đó là ốc đảo ảo hay ốc đảo thật. Một phương cách hữu hiệu để ngăn chặn sức công phá của ảo quan là thay đổi cách nhìn. Chẳng hạn khi bạn nhìn thấy áng mây có hình cái đe và bạn nghĩ thế nào cũng có hình cái búa như đã từng thấy trên những lá cờ của các đảng cộng sản. Nhưng sau đó bạn lại nghĩ áng mây này có hình cái đồng hồ cát, cái eo của một phụ nữ hay là ly bia Carlsberg, bạn sẽ không đi tìm cái búa bên cạnh để hoàn tất bức họa đe - búa nữa. Hiện tượng cố chấp trong sai lầm cũng gián tiếp dẫn đến dị đoan. Ðây là một loại suy luận đi tìm những dữ kiện xác minh quan điểm của mình để cố phản bác thực tế hiển hiện. Ví dụ, bạn bị tai nạn vào một ngày Thứ Sáu 13 và tỉnh dậy trên giường bệnh viện trong phòng cấp cứu phẫu thuật. Bạn ôn lại tất cả những ngày Thứ Sáu 13 trong cuộc đời và thấy rằng tai nạn này không phải là tai nạn đầu tiên vào ngày Thứ Sáu 13 trong đời mình. Từ những suy luận đó, bạn tin chắc ngày thứ Sáu 13 là ngày sui sẻo. Ðể đánh đổ hiện tượng cố chấp trong sự sai lầm, bạn chỉ cần lý luận ngược lại. Khi quyết đoán "Thứ Sáu 13 là ngày sui sẻo", để chứng minh điều này là đúng, bạn sẽ kết luận tất cả những ngày Thứ Sáu 13 là sui sẻo. Công việc này không dễ dàng tí nào cả (nhất là với những ngày Thứ Sáu 13 trong tương lai). Vì vậy để chứng minh rằng quyết đoán này sai, bạn chỉ cần tìm một ngày Thứ Sáu 13 không có tai nạn là đủ rồi. Một cách tổng quát, khi đứng trước một xác quyết nhưng bạn nghi ngờ giá trị thật của nó, bạn không nên đi tìm những ví dụ xác nhận xác quyết này mà phải tìm những ví dụ chứng minh là nó không xảy ra như vậy. Chính vì vậy mà phương pháp thực nghiệm khoa học ngăn cấm việc xây dựng mẫu mực cứng nhắc và buộc phải tìm kiếm những dữ kiện chứng minh sự kiện này sai. Ðó là nguyên tắc phản biện trong thí nghiệm khoa học.
Trở lại những vấn đề thị giác, có ba danh từ cần ghi nhớ : 1-Ảnh nhái (simulacre) là nhận thức của trí óc qua con mắt (hình vẽ, ảnh chụp...) để thấy sự hao hao giống với hình ảnh nguyên bản. Có thể nói những bức tranh hí họa nhân vật là một loại ảnh nhái. 2- Ngụy ảnh (paréidolie) là một loại ảo giác, hoặc cách hấp thụ sai lạc một hình ảnh có nét mơ hồ nhưng não bộ cho là chính xác và rõ rệt. Theo Schick và Vaughn, tác giả "How to think about weird things : critical thinking for a New Age", xuất bản năm 1998, khi nhìn một dấu vết, hay một hình vật có hình dáng kỳ dị, bộ óc chúng ta có thể sáng chế ra đủ loại hình hài tùy thuộc cá tính của mỗi người và quá khứ của người đó. Ông Schick là giáo sư tiến sĩ triết lý tại Đại học Mulhenberg College và đại học Brown University ; ông Vaughn là chủ nhiệm tập san Scientific Review of Alternative Medecine. Paréidolie xuất phát từ gốc Hy Lạp "para", có nghĩa là hư hỏng, sai trái, và "eidolon" - "eidos" có nghĩa là bề ngoài, hình dáng. Trong những trường hợp thông thường, ngụy ảnh có thể giải thích về mặt tâm lý những hiện tượng ảo ảnh do giác quan con người tạo nên. Ví dụ, nó giải thích hiện tượng đĩa bay hoặc những vật thể bay không định dạng (UFO- OVNI), cũng như nghe thấy những câu nói rùng rợn trên băng nhựa ghi âm cho chạy ngược. Ngụy ảnh cũng có thể giải thích sự xuất hiện của người đười ươi Yéti (Bigfoot) trên dãy Himalaya, con khủng long trong hồ Loch Ness ở Tô Cách Lan, hoặc là những con ma trên bức tường ở Anh. Nó cũng giải thích những sự xuất hiện những hình tượng của những nhân vật tôn giáo, hay hình mặt người xuất hiên trên hành tinh Sao Hỏa (Mars). Trong môi trường y khoa, có nhiều bác sĩ tâm lý học khuyến khích dùng ngụy quan để tìm hiểu bệnh nhân. Ví dụ nổi bật nhất là trắc nghiệm Rorschach với những vết mực cân đối trên giấy. 3 -Ảo quan: Ông Klaus Conrad đã phát minh danh từ này để chỉ định sự kiện một bệnh nhân nhìn thấy những mối liên hệ của những sự việc không liên quan gì với nhau. Nhưng sau này hiện tượng ảo quan được xem như là một hiện tượng thông thường có thể xảy đến cho bất cứ ai. Một ví dụ ảo quan là khi bạn đang tắm dưới vòi hoa sen, bạn nghe tiếng điện thoại reo. Âm thanh "trắng" do tiếng nước chảy phát ra có rất nhiều tầng số và tai của chúng ta lựa chon một vài tầng số để cấu tạo thành âm thanh điện thoại reo. Não bộ của con người có khả năng điền vào những đường nét thiếu sót khi chúng ta nhìn một hình ảnh không rõ nét. Khi nhìn hình ảnh dưới đây, bạn có cảm tưởng thấy một hình tam giác trắng đè lên ba đĩa đen nhỏ và một tam giác màu đen. Tam giác trắng chỉ hiện lên sau vài giây, mà lại có vẻ trắng hơn nền trắng. Ðây là một ví dụ về "đường nét chủ quan" (contour subjectif), một loại ảo ảnh thị giác do ông Gaetano Kanizsa ở Ðại Học Trieste (Ý) phác họa. Có nhiều giải thích cho sự kiện này, nhưng tựu chung chúng ta hiểu hiện tượng thị giác phức tạp hơn là một hình ảnh đơn giản hiện ra trên võng mô. Não bộ con người luôn phân tích những dữ kiện thu thập qua con mắt để cung cấp cho chúng ta toàn bộ khung cảnh quanh ta. Thị giác là một hiện tượng sinh động đôi khi đánh lừa chúng ta. Nguyễn Gia Thưởng (Bruxelles)
|