Tháng Mười Mùa Thu, Từ năm 1991 tới ngày 20.12.1995, Mẹ Terésa đã đến Việt Nam 5 lần |
Tác Giả: Maria-Terésa-Diamond-Bích-Ngọc | |||||
Thứ Sáu, 14 Tháng 10 Năm 2011 05:31 | |||||
Tôi đã tự hỏi nhiều lần: tại-sao có ngày tháng năm trong thời-gian của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông? Đã hỏi thì phải đi tìm câu trả-lời. Dựa theo những tài-liệu nghiên-cứu, tôi được biết: Mùa: là sự phân chia của năm trên trái đất, dựa vào thay đổi theo chu kỳ của thời-tiết. Trong các khu vực ôn đới và vùng cực đới nói chung có bốn mùa được công nhận: mùa xuân, hạ, thu và đông.
Trong một số khu vực nhiệt-đới và cận-nhiệt-đới, người ta thường dựa trên lượng mưa để chia thành hai mùa trong năm là mùa mưa và mùa khô. Như ở miền nam Việt-nam chúng ta vậy! Ở một số vùng nhiệt-đới khác thì lại có sự phân chia thành ba mùa: mùa nóng, mùa mưa và mùa lạnh. Người Ai Cập cổ đại còn chia một năm thành ba mùa, “Aklet” là mùa ngập lụt, mùa cày cấy & gieo hạt, và “Stem” là mùa thu hoạch mùa màng. Một số dân tộc bản xứ ở Lãnh thổ Bắc của Úc tính thành sáu mùa, trong khi người Sami (thổ dân) của vùng “Scandinavia” thừa nhận có không ít hơn 8 mùa. Ở khu vực Melbourne miền đông nam nước Úc, tiến sĩ Beth Goth từ Monash School of Biological sciences (Trường Sinh học Monash) cùng một số đồng-nghiệp của ông đã biên soạn những tài-liệu cho mô-hình 6 mùa của vùng này. Tại Mỹ, bốn mùa được coi là bắt đầu tại các điểm phân (xuân phân, thu phân) và điểm chí (hạ chí, đông chí); các mùa như thế đôi khi gọi là "mùa thiên văn". Theo sự ước lượng này thì mùa hè bắt đầu từ thời điểm hạ chí, mùa đông bắt đầu từ thời điểm đông chí, mùa xuân bắt đầu từ thời điểm xuân phân và mùa thu bắt đầu ở thời điểm thu phân. Trong lịch của Mỹ, các ngày sau đây được coi là giữa các mùa: • Mùa đông (3 tháng 2) • Mùa xuân (5 tháng 5 hay 6 tháng 5) • Mùa hè (7 tháng 8) • Mùa thu (6 tháng 11) Lịch của người Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam dựa trên cơ sở của âm- lịch, trong đó các điểm xuân phân, hạ chí, thu phân và đông chí được coi là thời điểm giữa các mùa. Loại lịch này rất gần với định nghĩa khí-tượng-học của các mùa. Thu phân (tiếng Anh: Autumnal equinox) là điểm bắt đầu của mùa thu tại Bắc bán cầu, thời điểm mà Mặt Trời xuất hiện trên "thiên xích đạo" (Mặt Trời ở gần xích đạo nhất) và bắt đầu đi xuống hướng nam. Về mặt thời gian, thu phân bắt đầu vào khoảng 22 tháng 9 đến 24 tháng 9 và kết thúc vào khoảng ngày 8 hay 9 tháng 10 trong dương-lịch (Gregory) theo các múi giờ Đông Á, tức là khi tiết hàn lộ bắt đầu. Theo thuật-ngữ thiên-văn-học phương Tây, đó là thời điểm có liên quan đến vị trí của hành tinh trên quỹ đạo quanh mặt Trời. Nó là lúc kinh độ mặt Trời bằng 180 độ. Nếu dựa theo cách phân-chia ngày, giờ của “UTC” (Coordinated Universal Time) thì mùa Thu năm nay 2011 đã bắt đầu lúc 9giờ 04phút sáng ngày 23, tháng 9. Và năm tới mùa Thu sẽ bắt đầu lúc 14:49’ tức 2giờ 49phút chiều ngày 22, tháng 9 năm 2012. Ngày: nếu tính theo lịch “Gregory” do Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra vào năm 1582 thì năm chia thành 12 tháng với 365 ngày, cứ 4 năm thì thêm một ngày vào cuối tháng 2 tạo thành năm nhuận. Vì vậy theo lịch Julius thì một năm có 365,25 ngày. Nhưng độ dài của năm mặt trời là 365,242216 ngày cho nên lịch Julius dài hơn khoảng 0,0078 ngày trong một năm, tức là khoảng 11 phút 14 giây. Để bù vào sự khác biệt này thì cứ 400 năm ta sẽ bỏ bớt đi 3 ngày năm nhuận. Cho đến năm 1582, thì sự sai biệt đã lên đến 10 ngày. Giáo Hoàng Gregory XIII quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó để cho lịch và mùa màng tương ứng trở lại. Sau ngày 4 tháng 10 năm 1582 là ngày 15 tháng 10. Và để tránh sai biệt, lịch lấy năm nhuận là năm có số thứ tự chia chẵn cho 4 (như năm 1964, 1980, 2004, ...) và các năm tận cùng bằng 00 phải chia chẵn cho 400 mới là năm nhuận (năm 2000 chia chẵn cho 4 và 400 nên là năm nhuận, những năm 1700 1800 và 1900 chia chẵn cho 4 nhưng không chia chẵn cho 400 nên không phải là năm nhuận, ...). Lịch đã sửa mang tên lịch Gregory và được áp dụng cho đến bây giờ. (*) Mùa Thu trong năm lại đến, bắt đầu bằng những cơn mưa ướt sũng đường xá trong khu phố “Little Saigon” (thủ-đô của người Việt tỵ-nạn) cũng là lúc mà nước dâng cao tại các vùng đồng-bằng sông Cửu-Long nơi quê nhà làm thiệt bao nhân-mạng và thất thu mùa màng không sao kể xiết, rồi bão lụt miền trung triền miên xảy ra ngay từ thuở những ngày tôi còn bé ở Việt-Nam cho đến nay. Không năm nào Trời vào thu là không bắt đầu giông bão cuồng lũ hoành-hành, khiến người dân nước tôi phải oằn mình trong lao đao, khốn khó. Nhiều năm qua, tôi với các Dì-Phước thuộc Dòng “Nữ-Tử-Bác-Ái” và tôi cũng tham-gia vào “Hội Hồng-Thập-Tự Quốc-Tế” (Red Cross) thường đi đến tận những vùng xa xôi, làng mạc cứu trợ. Xoa dịu phần nào nỗi đau của người dân nghèo sau bao cuộc thiên-tai. Tháng Mười Mùa Thu năm nay, 2011 - cũng là tháng kỷ-niệm tám năm lễ phong Chân-Phước, tức là phong Á-Thánh của Mẹ Terésa (Calcutta). Trong khuôn-khổ hạn hẹp của bài viết này xin được kể về Mẹ Terésa; người mà tôi đã nguyện trọn đời theo gót chân Mẹ trên bước đường chia xẻ tình-thương đến tha-nhân. Vị Quan-Thầy của Mẹ Terésa (Calcutta) chính là Thánh-Nữ Terésa thành Lisieux, hoặc đúng hơn là Sainte Thérèse de l'Enfant-Jésus et de la Sainte Face (Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu) sinh ngày 2 tháng 1, năm 1873. Cả một đời Ngài chỉ làm những công việc bé mọn thấp kém nhất, như là quét lá, lau chùi, giặt giũ, dọn dẹp. Song, đằng sau những việc nhỏ bé của con người thấp-hèn ấy lại ẩn-chứa một tình-yêu cao-cả. Không ai có thể ngờ, Thánh-Nữ Terésa Hài-Đồng Giê-Su lại bị ganh ghét, tỵ-hiềm bởi những người bạn nữ-tu ở cùng dòng. Ngài còn bị đối-xử vô-cùng khắc-nghiệt dưới tổng-quyền của bà Mẹ Bề Trên dòng tu-kín “Camelot”, thế mà Ngài không bao giờ lung-lay niềm-tin vào Đấng Tối Cao; vẫn kiên-trì nguyện-cầu từng khắc, từng giây trong cuộc sống. Trong hồi-ký của Ngài, có lúc quá khó-khăn, Thánh-Nữ Terésa Hài-Đồng Giê-Su đã phải thốt lên rằng: “Ôi! Những bước chân tu đầu đời của tôi dẫm phải nhiều gai nhọn hơn là hoa hồng!” Ngài viên-mãn ngày 30-9-1897. 28 năm sau, tức năm 1925, Ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Năm 1927, cũng chính Ðức Piô XI tôn vinh Thánh Nữ làm Quan Thày các Nhà Truyền Giáo và các Xứ Truyền Giáo. Chúng tôi vừa trình-bày sơ qua về vị Quan-Thầy của Mẹ Terésa (Calcutta). Bây giờ, xin được phép nói về cuộc đời của Mẹ. Vào lúc 10giờ sáng (giờ Roma) Chúa-Nhật ngày 19, tháng 10, năm 2003. Tại Vatican, Đức Cố-Giáo-Hoàng John-Paul II (đệ Nhị) đã thân-chinh làm lễ phong Chân-Phước tức là phong Á-Thánh cho Mẹ Terésa; cũng nhằm kỷ-niệm 25 năm lễ Đăng-Quang của cố Giáo-Hoàng Joan-Phao-Lô II thời bấy giờ. Ngược dòng lịch-sử, ngày 26, tháng 8, năm 1910. Bé Agnes Gonxha Bojaxhil đã chào đời tại Üsküb, Ottoman Empire. Bây giờ là Skopje, thủ-đô của Macedonia. 18 năm sau, cô bé Agnes rời gia-đình để nhập nữ-tu-viện Loreto nước Ái-Nhĩ-Lan (Ireland). Cũng tại đây, cô Agnes đã trở-thành thử-sinh ngày 12, tháng 10, năm 1928 được mang tên Thánh là Maria-Terésa. Một năm sau, thử-sinh Agnes tới Calcutta của nước Ấn-Độ vào ngày 6, tháng 1. Cho đến ngày 24, tháng 5, năm 1937 thì được khấn trọn đời. Mẹ Terésa chính-thức thành-lập “Hội Dòng Mới Thừa Sai Bác Ái” vào ngày 7, tháng 10 năm 1950. Tháng hai, năm 1953 ngôi nhà số 54a Lower Circular, thành-phố Calcutta Ấn-Độ được mở rộng và trở thành Nhà Mẹ của Dòng “Thừa Sai Bác Ái”. Từ đó, Dì-Phước Maria Terésa được gọi là “Mẹ Terésa”. Mẹ chọn bộ áo Sari trắng viền xanh với mong muốn trở nên người phụ nữ nghèo khó nhất tại Ấn Độ, và cũng nói lên khát vọng noi gương Đức Mẹ Maria Đồng Trinh. Hội được phát triển mạnh mẽ đến ngày nay. Đích thân Mẹ Terésa cùng các Dì-Phước và những giáo-dân đủ mọi tôn-giáo, mọi quốc-gia đã tận tình chăm sóc cho những người cùi hủi, tàn-tật, bệnh-hoạn, đói khổ. Từ em bé đến người già, Mẹ Terésa đã lặn-lội đến từng hang cùng ngõ hẹp, những nơi cống rãnh hôi-hám, tối-tăm, bẩn thỉu nhất để mang họ về chăm-sóc trong tình yêu-thương. Đã có hơn 70 ngàn xác chết trên đường phố Ấn-Độ được Mẹ mai-táng và đọc kinh nguyện-cầu cho linh-hồn của họ. Từ một bé gái sơ-sinh mang tên Agnes, 93 năm sau được phong Chân-Phước (Á-Thánh). Mẹ Teresa với dáng người rất nhỏ bé, Mẹ đã sống với những người thấp hèn, tận cùng nhất của xã-hội suốt gần 50 năm từ khi thành-lập “Hội Dòng Mới Thừa Sai Bác-Ái”, Mẹ Terésa đã là ánh-sáng soi rọi đến những hàng quý-tộc, những nhà lãnh-đạo các quốc-gia trên toàn thế-giới. Từ Tổng-Thống Ấn-Độ của thập-niên 60 đến Tổng-Thống Hoa-Kỳ John F. Kenedy, rồi đến Tổng-Thống Ronald Reagan, Nữ-Hoàng Anh-Quốc Elizabeth, Công-Nương Diana cho đến cả Liên-Bang-Xô-Viết. Năm 1962, Mẹ Terésa được trao giải Ramon Magsaysay về sự hiểu biết Quốc tế cho những hoạt động của Mẹ ở Đông và Nam Á. Ban Quản trị nhìn nhận sự nhận thức sâu sắc và đầy thương cảm của Mẹ dành cho những người nghèo khó ở một xứ sở xa lạ. Đến đầu thập niên 1970, Mẹ Terésa trở nên một nhân vật nổi tiếng thế giới, phần lớn là do cuốn phim tài liệu “Something Beautiful for God” do Malcom Muggeridge sản xuất năm 1969, cũng như quyển sách cùng tên của ông xuất bản năm 1971. Khi thực hiện cuốn phim, có những đoạn phim phải quay trong điều-kiện ánh-sáng không tốt, nhất là tại Nhà dành cho người hấp-hối, đoàn làm phim nghĩ rằng sẽ không thể xử-dụng những thước phim này. Tuy nhiên, khi trở về từ Ấn-Độ, chúng lại có ánh sáng rất tốt. Muggeridge cho đó là phép lạ do “ánh sáng thần thượng” từ Mẹ Terésa. Những người khác trong đoàn làm phim thì nghĩ rằng đó là nhờ loại phim cực nhạy của Kodak. Về sau, Muggeridge đã phải chấp nhận đó là phép lạ. Các chính phủ và những tổ chức dân sự cũng tìm đến tôn vinh Mẹ Terésa. Vương quốc Anh và Hoa Kỳ nhiều lần trao tặng Mẹ giải thưởng các loại, cao quý nhất là Order of Merit của Anh Quốc năm 1983, và công dân danh dự của Mỹ ngày 16 tháng 11 năm 1996. Quê hương Albania của Mẹ Terésa cũng dành cho Mẹ Huân-Chương-Vàng-Nhà Nước năm 1994. Ngày 31, tháng 8, năm 2007 con tem có in hình Mẹ Teresa và Công-Nương Diana trong lần đầu tiên gặp gỡ vào tháng 2, năm 1992 tại tu-viện của Mẹ ở Rome; đã được Ascension Island, là một lãnh-thổ của Vương-Quốc-Anh ở miền Nam giữa Đại Tây Dương (một căn cứ không-quân quan trọng trong cuộc xung đột Falklands) sản-xuất con tem này; nhằm kỷ-niệm lễ giỗ 10 năm của hai nữ nhân-vật mang tính biểu-tượng nhất của thế-kỷ thứ 20. Tháng 12, năm 1979, Mẹ Terésa được trao tặng Giải Nobel Hòa bình cho “những hoạt động diễn ra trong sự đấu tranh vượt qua sự nghèo khó và cùng quẫn, là những điều đe dọa hòa bình.” Mẹ từ chối bữa tiệc mừng truyền thống và yêu cầu gởi số tiền $192.000 USD cho người nghèo ở Ấn Độ, nói rằng những phần thưởng trên thế-gian chỉ có giá-trị khi nào chúng giúp-ích được cho những người thiếu-thốn trên thế-giới. Khi nhận giải thưởng, Mẹ đặt câu hỏi rằng: “Chúng ta có thể làm gì để thăng-tiến nền hòa bình thế giới?”, và đưa ra câu trả lời, “Hãy về nhà và yêu chính gia-đình mình.” Bài đáp từ của Mẹ Terésa cũng dựa trên chủ đề này, “Khắp nơi trên thế-giới, không chỉ ở những nước nghèo, tôi thấy xóa nghèo ở phương Tây còn khó-khăn hơn. Khi tôi nhặt một người ngoài đường phố, đang đói khát, tôi cho người ấy một đĩa cơm, một miếng bánh, tôi cảm thấy hài lòng vì đã cứu đói cho người ấy. Nhưng khi một người bị gạt bỏ, cảm thấy mình sống thừa-thãi, không được yêu-thương, sống trong kinh-hãi, con người đang bị gạt ra bên lề xã hội – sự nghèo khổ ấy là khốn-khổ hơn, tôi thấy rất khó mà cứu giúp.” Mẹ Terésa bắt đầu những công-tác từ-thiện bác-ái với vài đồng bạc trong túi. Năm 1965 trung-tâm của Mẹ đầu tiên không nằm trên đất Ấn Độ mà được thành lập tại Venezuela. Cũng năm này, Đức Giáo Hoàng Paul VI (Phao-Lô đệ lục) thăm Mẹ tại Bombay. Ông đi diễn hành cùng đoàn tùy-tùng trên khắp đường phố bằng chiếc xe mui trần hiệu “Lincoln Continental” mới nhất; thấy hình-ảnh Mẹ Teresa với những người đói-khổ tại Ấn-Độ. Đức Giáo Hoàng trao tặng lại cho Mẹ Teresa chiếc xe đắt giá này, nhưng Mẹ đã không bao giờ dùng tới nó. Mẹ cũng không bán đi mà dùng làm xổ-số, sau đó Mẹ quyên được hơn $100,000 để lo cho những người tất-bạt lúc bấy giờ. Năm 1969, chính-phủ Ấn-Độ tặng một khoảng đất rộng 36 arcre cho Hội và Mẹ đã cho xây cất nhà dành cho người mang bệnh phong-cùi. Đến cuối thập niên 60, tống cộng 25 trung tâm như thế đã được thành lập. (*) Từ năm 1991 tới ngày 20.12.1995, Mẹ Terésa đã đến Việt Nam 5 lần. Lần thứ nhất là đầu tháng 9 năm 1991, Mẹ Terésa tới Hà-Nội gặp chính-phủ Việt-Nam. Lần thứ hai, ngày 05.11.1993, Mẹ đi từ Calcutta đến Saigon. Cùng đi với Mẹ là Soeur Nirmala - nay là Bề-Trên Tổng-Quyền “Dòng-Thừa-Sai-Bác-Ái” của Mẹ Terésa. Mẹ đã ở lại Sài Gòn một tuần lễ và mỗi ngày Mẹ đến chia sẻ với các nữ-tu Việt-Nam tại 428 Huỳnh Văn Bánh, phường 14, quận Phú Nhuận, thuộc giáo xứ Tân Hoà. Vào tháng 4 năm 1994, Mẹ sang Việt Nam lần thứ 3 cùng với 8 nữ tu đi làm việc: 4 nữ tu chăm sóc các em cô-nhi tại 38 Tú-Xương, Quận3, Saigon và 4 nữ tu chăm sóc các em khuyết-tật tại trung-tâm Thụy-An, Ba-Vì, Hưng-Hoá. Đồng thời Mẹ Terésa làm đơn gửi chính-phủ trung-ương Hà-Nội xin mở nhà dòng tại Việt Nam. Tôi được biết một câu chuyện kể về lần thăm Việt-Nam này của Mẹ như sau: Một buổi chiều đầu tháng 4 năm 1994, có một Dì-Phước Việt-Nam chuẩn bị rước Mình Thánh Chúa cho một linh-mục bà con đang nằm tại lầu 7 bệnh viện Chợ Rẫy, đó là Cha Gioan Hồ-Hán-Thanh, thuộc giáo phận Ban-Mê-Thuột. Ông bị sưng khớp đầu gối không thể đi lại và rất đau nhức nên phải nằm điều trị. Nằm cùng phòng linh-mục này có một vị đảng-viên Cộng-Sản (40 năm tuổi đảng) đã về hưu. Mẹ Terésa và Soeur Nirmala đi tắc-xi tới mà không hề báo trước - Khi tới trước cửa phòng bệnh, dì-phước này đã nói nhỏ với Mẹ Terésa và chỉ cho Mẹ biết giường nào là của Cha Gioan Thanh và giường nào là của ông đảng-viên Cộng-Sản. Mẹ đi thẳng tới giường ông đảng-viên hỏi thăm trước và khi biết ông ấy bị đau tim, Mẹ Terésa đã đặt bàn tay lên ngực của ông và cầu nguyện vài phút. Sau đó Mẹ lấy một tấm hình “Đức-Mẹ-Ban-Ơn” trong giỏ vải xách tay của Mẹ rồi hôn lên ảnh trước khi đưa cho ông đảng-viên Cộng-Sản và nói : “Xin Đức Mẹ Maria chúc lành và ban cho ông mau bình phục”. Tiếp đó Mẹ mới qua giường linh-mục Thanh, Mẹ cũng đặt tay trên 2 đầu gối của ông và cầu nguyện. Vài ngày sau, Dì-Phước người nhà tới thăm linh-mục Thanh, điều cảm động và hết sức ngạc nhiên là Dì-Phước ấy nhìn thấy ông đảng viên đeo tấm ảnh “Đức Mẹ Ban Ơn” trên túi áo ông ấy mặc. Lúc ấy, Mẹ Terésa đã chia-sẻ rằng : “Thế giới này đã quá nhiều bom đạn, những thứ đó không thể đem lại hoà bình hạnh phúc; chỉ có tình yêu và lòng thương xót. Hãy bắt đầu bằng một nụ cười; hãy mỉm cười ít nhất là 5 lần mỗi ngày với người mà bạn không muốn cười tí nào! Xin hãy làm điều đó vì hoà-bình! Ngày nay trên thế-giới có quá nhiều đau khổ, rất nhiều! Những đau khổ về vật chất như : đau khổ vì đói, đau khổ vì không nhà cửa, đau khổ vì bệnh tật … Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đau khổ lớn nhất là sự cô-đơn! Bị bỏ rơi, không ai yêu-thương là căn bệnh khủng-khiếp nhất mà bất cứ ai cũng đều cảm-nhận được”. Đầu tháng 9 năm 1994, Mẹ lại qua Việt-Nam ở Hà Nội và Saigon trong 10 ngày. Ngày 20.12.1995, Mẹ Terésa và Soeur Nirmala lại sang Hà Nội. Lần này Mẹ xin cho các soeurs được tiếp-tục làm việc - vì chính-phủ Việt-Nam không cho phép các soeurs gia- hạn tiếp visa. Nhưng ngày 22, tháng 12, năm 1995, Mẹ Terésa nhận được lệnh là các soeurs phải rời khỏi Việt-Nam ngay hôm sau tức ngày 23, tháng 12. Mẹ Terésa rất buồn về điều ấy vì ước ao của Mẹ là được mở nhà tình-thương chăm sóc người nghèo-khổ tại Việt-Nam nhưng lúc bấy giờ lại bị từ-chối. Sau khi rời Việt Nam, Mẹ Terésa thấy chưa được phép mở nhà tình-thương cũng như chưa bảo-lãnh các Soeurs Việt qua Ấn Độ được nên Mẹ đã viết thư cho Đức Giám-Quản-Tông-Toà địa-phận Sài Gòn là ông Nicolas Huỳnh-Văn-Nghi, xin được thành lập Hội dòng mang tên “Thừa Sai Bác Ái” (tức là dòng Nữ-Tử-Bác-Ái) và sống theo hiến-luật, linh-đạo của Dòng Mẹ Terésa – Đức-Giám-Quản Nicolas đã chấp thuận. Năm 1995, Dòng Nữ-Tử-Bác-Ái có 30 Dì-Phước, đến nay đã hơn 120 người gồm 58 khấn, 23 tập-sinh và trên 40 thỉnh-sinh. Dòng đã và đang phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo qua việc đón nhận những cụ già neo đơn bị bỏ rơi, các cô gái lầm lỡ, chăm sóc bệnh nhân AIDS. v.v… Tính đến ngày 09.06 2006, chính-phủ đương-thời Việt-nam đã cho phép Dòng “Nữ Tử Bác-Ái” của Mẹ Teresa chính-thức hoạt-động từ-thiện và đặt văn-phòng tại số 428 Huỳnh-Văn-Bánh, phường 14, quận Phú-Nhuận. Saigon. Hai nhà Dòng tại Việt Nam là nhà thứ 501 và 502 của Mẹ Terésa Calcutta thành-lập trên toàn thế-giới. Mẹ Terésa đã về cõi Thiên-Quốc lúc 9giờ 30phút tối ngày 5, tháng 9, năm 1997. Ấn-Độ tổ-chức lễ Quốc-Tang vào ngày 13 tháng 09, năm 1997. Ngày 19 tháng 10, năm 2003 Giáo Hội Rome tổ chức Thánh-Lễ phong Chân-Phước cho Mẹ Terésa. Nhân đó, Hội- Đồng-Giám-Mục Ấn-Độ, với sự ủng hộ rất đông người trong nước, đã chính thức đề nghị Thủ-Tướng Ấn-Độ lúc bấy giờ là ông Vajpayee tuyên bố ngày 19 tháng 10 năm 2003 là ngày lễ nghỉ của toàn quốc-gia. Mẹ Terésa ra đi nhưng đã để lại cho hậu-thế chúng ta những lời vàng-ngọc như sau: “Hoa-quả của thinh-lặng là cầu-nguyện. Hoa-quả của cầu-nguyện là đức-tin. Hoa-quả của đức-tin là tình-yêu. Hoa-quả của tình-yêu là phục-vụ. Hoa-quả của phục-vụ là sự bình-an”. Mẹ Terésa đã được Chúa Trời chọn trong ơn gọi tu-trì và phục-vụ. chúng con xin Mẹ hãy đem ánh-sáng tình-thương của Mẹ chiếu tỏa chan-hòa đến những người cùng-khổ khắp nơi trên toàn thế-giới. Cách riêng xin Mẹ đoái-thương đến những người cùi hủi, già yếu bệnh-hoạn, những trẻ em mồ côi tàn tật mù, đui, câm, điếc. Đặc-biệt là những nạn-nhân của bão-lũ thiên-tai hiện nay tại Việt-Nam. Cũng xin Mẹ ban cho chúng con thêm lòng kiên-trì, sức khỏe để tiếp-tục vững-trãi trên bước đường chia-xẻ tình-thương đến tha-nhân. Tháng Mười Mùa Thu, chúng con xin Tạ-Ơn Mẹ đã ban tặng cho gia-đình “Chân Quê” chúng con những hoa-quả ngọt ngào của sự an-bình, hạnh-phúc hôm nay và mãi mãi. Maria-Terésa-Diamond-Bích-Ngọc. (sưu-tầm & biên soạn, 11, tháng 10, 2011). Viết trong niềm trân-trọng kính-dâng Mẹ Terésa Calcutta nhân kỷ-niệm 8 năm ngày Mẹ được phong Á-Thánh. (*) Dựa theo các tài-liệu của UTC-Time Clock, Wikipedia, Veritas Book, Web. of Mother Teresa Calcutta.
|