Ý Nghĩa Lịch Sử Và Ý Nghĩa Tôn Giáo Lễ Đản Sinh Ðức Phật Thích Ca |
Tác Giả: Thiện Ý | |||
Thứ Tư, 25 Tháng 5 Năm 2011 05:00 | |||
Gọi là Mùa Lễ Phật Đản mà không gọi là Ngày Lễ Phật Đản, là vì không có một ngày lễ Phật Đản chung trên tòan thề giới như ngày Lễ Chúa Giáng sinh của Thiên Chúa Giáo.
Trong mấy tuần nay và vẫn đang tiếp tục, Phật tử khắp nơi trên thế giới đã long trọng tổ chức mừng kính đản sinh Đức Phật, Phật lịch 2555. Đây là mùa Lễ Phật Đản hàng năm. Gọi là Mùa Lễ Phật Đản mà không gọi là Ngày Lễ Phật Đản, là vì không có một ngày lễ Phật Đản chung trên tòan thề giới như ngày Lễ Chúa Giáng sinh của Thiên Chúa Giáo hay sinh nhật của các đấng khai đạo của nhiều tôn giáo khác, mà tùy theo Giáo Hội địa phương, sẽ chọn ngày thuận tiện để kính mừng Đản Sinh Đức Phật, nên có nhiều Ngày Lễ kính mừng Đản Sinh Đức Phật tổ chức tại các Chùa khác nhau trong mùa Phật Đản, thường là trong vòng tháng 4 âm lịch, rơi vào tháng 5 kéo dài qua đầu Tháng 6 Dương lịch hàng năm. Riêng tại Houston, rất đông thiện nam tín nữ cũng đã đến các chùa chiền tham dự các lễ nghi tôn giáo trang trọng để kính mừng ngày Ðản Sinh của Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật, Ðấng sáng lập Ðạo Phật, Người đã tìm ra con đường cứu khổ, cứu nạn và giải thoát chúng sinh khỏi cảnh khổ trần gian, đạt đến cuộc sống cực lạc vĩnh hằng trong cõi Niết Bàn viên mãn. Theo Phật sử thì Ðức Phật Thích Ca xuất thân là một hoàng tử của tiểu vương Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) miền trung Ấn Ðộ cổ xưa. Lúc nhỏ Ngài có trí tuệ sáng suốt và tài năng phi thường. Trong nhiều lần âm thầm rời khỏi hoàng cung thăm dân cho biết sự tình. Xuất hành cửa Ðông, cưả Tây hay cửa Nam, cửa Bắc, Ngài đều chứng kiến cảnh khổ đau vì đói khát, già lão, bệnh tật và chém giết lẫn nhau của con người để tranh giành sự sống vị kỷ. Vì chứng kiến những cảnh đời nhân sinh thống khổ, thế cuộc vô thường, nên từ vị thế của một hoàng tử sẽ kế nghiệp vua cha trị vì vương quốc, Ðức Phật đã giác ngộ, từ bỏ cuộc sống ấm êm trong nhung lụa và hạnh phúc gia đình, giữa đêm khuya trốn khỏi hoàng cung, phát tâm nguyện quyết đi tìm con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trần gian. Trên đường đi tìm chân lý, Ðức Phật đã tu học kinh qua nhiều đạo giáo thời bấy giờ, song vẫn không giải quyết được vấn nạn:Vì sao con người đau khổ và con đường nào dẫn đưa chúng sinh thoát khổ đau đến hạnh phúc vĩnh cửu? Sau nhiều gian chuân khổ hạnh trên bước đường tầm đạo, cuối cùng sau 49 ngày đêm toạ thiền dưới gốc cây Bồ Ðề, Ðức Phật đã phát tâm nguyện, tìm ra được con đường cứu khổ, cứu nạn và giải thoát chúng sinh. Ngài đã giác ngộ về nguồn gốc của mọi khổ đau nhân thế đều xuất phát từ thân phận con người với tứ đoạn : Sinh, lão, bệnh, tử và tam căn: Tham, Sân, Si, là lòng tham lam ích kỷ, ghen ghét đố kỵ và mê muội. Với thân phận và tam căn này, con người thường bộc lộ qua thất tính: hỷ,nộ, ái, ố, ai, lạc, dục. Muốn hết khổ đau để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu con người phải “Diệt dục và tu thân tích đức”. Có diệt dục và tu thân tích đức đạt thành chánh quả, con người mới thoát khỏi kiếp luân hồi trong bể khổ trần giai, buớc vào Niết Bàn hay Cõi Phật cực lạc vĩnh cửu. Sau thời gian 49 năm tu đạo và truyền đạo, như một vị lương y đại tài, xem bệnh, cho thuốc, Đức Phật đã dẫn dắt chúng sinh vào đường hạnh phuớc và vạch cho mọi người con đường giác ngộ tự giải thoát. Đến 80 tuổi ngài viên tịch nhập Niết Bàn ở thành Câu-thi-na, trong rừng Ta-la. nước Ấn độ Như vậy con đường giải thoát chúng sinh của Ðức Phật Thích Ca, Ðấng sáng lập Ðạo Phật, một tôn giáo lớn vào bậc nhất hiện nay, có thể nói khác với nhiều tôn giáo khác ở chỗ không hệ tại nơi một Ðấng Thần Linh, mà hệ tại nơi chính sự tự giác, tự hành để tự giải thoát của con người. Nghĩa là con người trước hết phải giác ngộ và thực hành con đường cứu khổ, cứu nạn do Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật tìm ra như một phương cách tự giải thoát bằng chính sự tự giác diệt dục và những hành động tu thân tích đức của chính mình. Ðể thành Phật, con người không thể cầu khẩn Ðức Phật hay đấng thần linh nào ban ơn hay làm thay, mà do tự tri và tự hành bằng chính nỗ lực cá nhân chúng sinh. Tự tri và tự hành diệt dục và tu thân tích đức có thể coi như một sự tích lũy năng lượng theo luật nhân quả, giúp cho mỗi nhân sinh thừa đủ năng lực vượt thoát khỏi kiếp luân hồi, buớc vào cõi Niết Bàn cực lạc sau cái chết. Ðến đây, có thể nói được rằng mọi tôn giáo như đã gặp nhau ở một điểm căn bản: muốn có một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu sau cái chết nơi chốn cực lạc như Niết Bàn cuả Phật Giáo hay Thiên Ðàng cuả Thiên Chúa Giáo, các tín đồ ngay trong cuộc sống trần gian phải thiện tâm, làm lành tránh dữ, làm nhiều điều thiện, tránh làm điều ác. Ðiều này mang giá trị của một quy luật siêu hình và cho thấy bản chất của tôn giáo nói chung không mang tính mê hoặc như luận điểm của những người cộng sản vô thần đưa ra để bài xích và tìm cách tiêu diệt tôn giáo. Trái lại, Phật giáo nói riêng, các tôn giáo nói chung, đã có tác dụng cải hoá, hướng thiện con người, góp phần quan trọng vào nền đạo đức và trật tự an bình xã hội. Bởi vì thực tế cho thấy, một xã hội có thần linh như Hoa Kỳ và phần đông các quốc gia trên thế giới, mà tội ác còn gia tăng, thì những xã hội phi thần linh như chế độ cộng sản vô thần hiện nay tại Việt Nam, tội ác ắt phải gia tăng nhiều hơn nữa. Mùa Phật Ðản năm nay đã đến với chúng ta trong bối cảnh một thế giới đã và đang tiếp tục diễn ra những cuộc chiến tranh hận thù và đẫm máu, thiên tai khủng khiếp ở nước Nhật và vài nơi khác đã khiến hàng chục ngàn người bị chết tức tưởi, hàng trăm ngàn người đã và đang sống trong cảnh khổ đau, thiếu thôn trăm bề. Riêng Cộng Đồng Việt Nam Houston và vùng phụ cận tình trạng bất ổn, phân hoá nuôi dưỡng lòng thù hận kéo dài nhiều tháng qua vẫn chưa có cơ may chấm dứt. Tất cả đều có nguồn gốc chung là tam căn (tham, sân, si) và thất dục (hỉ, nộ ái, ố, ai, lạc, dục) của con người. Ước gì con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trần gian của Ðức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, lúc này hơn bao giờ hết, sẽ thấm nhuần nơi những kẻ hiếu chiến, hiếu thắng và soi sáng trí tuệ những nhà lãnh đạo có trách nhiệm trong các cuộc chiến tranh, cũng như trong các tổ chức Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại khắp nơi, để họ hiểu rằng: Những hàng động báo oán, tấn công hận thù qua lại như hiện nay trong các cuộc chiến tranh trên thế giới hay các cuộc xung đột do mâu thuẫn trong các Cộng Đồng Việt Nam, rốt cuộc chỉ gây khổ lụy cho nhau mà thôi. Ðúng như lời dậy của Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật có giá trị vĩnh cửu đối với chúng sinh, rằng “Lấy oán báo oán, oán thù chồng chất”, chỉ có “lấy ân báo oán, oán thù mới tiêu tan”. Trong mọi quan hệ cuộc sống. thiết tưởng con người, cần thấm nhuần và thực hành đức “Từ bi hỉ xả” của đạo Phật để có hoà bình nơi tâm hồn mỗi con người, hoà bình trong môi trường sống và hạnh phúc tương đối cho chính con người trong bể khổ trần gian, để cùng hướng tới cuộc sống hoà bình và hạnh phúc vĩnh cửu nơi cõi Niết Bàn cực lạc mà hơn 2555 trước đây Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ và chỉ dậy cho chúng sinh, qua nhiều thế hệ loài người. Thiện Ý Houston, Mùa Phật Ðản năm 2011
|