Lế Bế mạc Năm Thánh 2010: “Câu chuyện Nhà nước và Nhà thờ” |
Tác Giả: Nữ Vương Công Lý | ||||||
Thứ Sáu, 07 Tháng 1 Năm 2011 22:22 | ||||||
Câu trả lời là Nhà Thờ luôn tìm cách đối thoại một cách nhu nhược và nhịn nhục, đi gần hơn với Nhà Nước hầu mong né tránh, giảm thiểu những tổn thất, mất mát do chính sách độc tài vô thần của Nhà Nước Cộng Sản đem lại. Nhà Nước Cộng Sản cũng không từ bỏ một cơ hội nào có thể để đi sâu vào Giáo Hội Công Giáo,quốc doanh hóa Giáo Hội, biến Giáo Hội thành một đoàn thể nằm dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng Sản như như mô hình hiện có của của Giáo Hội Trung Quốc . Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 đang đi vào hồi kết thúc với thánh lễ Bế mạc vào lúc 8giờ00 ngày 6/1/2011. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, nhất là với sự kiện phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới phát biểu tại lễ bế mạc chiều 5/1/2011, bằng một bài diễn được soạn sẵn, giống y như những bài phát biểu mà các quan chức cộng sản vẫn thường phát biểu mỗi dịp nói về người công giáo, thì ai cũng hiểu rằng có một câu chuyện sẽ không biết bao giờ mới tới hồi kết thúc: đó là câu chuyện giữa “Nhà nước và Nhà thờ”. Việc chính quyền Hà Nội buộc phải cử Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tới La vang dịp này cũng là điều đáng nói. Trong chương trình đã được soạn thảo trước và đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, thì người được chính quyền cử đến phát biểu trong lễ Bế mạc không phải là ông Nguyễn Thiện Nhân mà là Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết. Tuy nhiên, chương trình ấy đã bị thay đổi vào giờ chót do sự phản ứng mạnh mẽ của giáo dân Việt Nam “không muốn một kẻ vô thần tới diễn hề cho Giáo hội Việt Nam vào dịp trọng đại này”. Ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, chính quyền Hà Nội vào phút chót đã muốn thay Nguyễn Minh Triết bằng bà Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan, nhưng HĐGMVN đã không đồng ý với lý do: “Không thể để một phụ nữ lên chốn linh thiêng, hơn nữa không mấy đức hạnh gì, như thế sẽ khiến dân chúng càng nổi giận hơn” và giải pháp cuối cùng được đôi bên tạm chấp nhận là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Không biết có phải vì lý do đó không mà người ta có cảm tưởng ông phó thủ tướng đã không diễn tròn vai của mình. Ở đây, khoan nói tới bài phát biểu mà nội dung vẫn là những bài ca muôn thuở: Nhà nước luôn tạo điều kiện, rồi quan tâm này nọ… người công giáo cũng đã đóng góp này kia trong công cuộc xây dựng đất nước…và những câu chúc mừng cho có lệ, thì hành động bước đi vội vã như ma đuổi khiến các Giám mục không theo kịp, những cử chỉ xã giao vụng về, khập khiễng đã diễn ra trước cả vạn con mắt làm cho người ta cảm thấy vẫn có một khoảng cách rất lớn giữa Nhà nước và Nhà thờ, giữa hữu thần và vô thần.
Bỏ qua những chi tiết khá lạ lùng trong bài diễn từ của ông Phó Thủ Tướng như lần đầu tiên lãnh đạo chóp bu nhà nước gọi các Đức Giám Mục là “Cụ”, hay gọi “thư chung” của HĐGMVN là “chung thư”, gọi “TIN MỪNG” là “tin vui”… Thì Có một thực tế là cả ba bài phát biểu trong lễ Bế mạc Năm thánh của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN, của Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc và của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, dù có cố gò ép, thì người ta vẫn cứ thấy một sự bất đồng rất lớn giữa Nhà Nước và Nhà Thờ. Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng y Đặc sứ của Đức Thánh cha, có nói tới một mong ước của Hội thánh, đó là mong ước “ước chi trên đất nước Việt Nam, nhà nước trở nên như người cha và Giáo hội như người mẹ, để cùng nhau chăm sóc con cái mình phục vụ đất nước”. Mong ước thì tức là chưa có. Vì thế, phải hiểu rằng trên đất nước Việt Nam này, quyền tự do tôn giáo chưa được thực thi. Thế nhưng trong bài phát biểu của Ông phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì “…Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện cho tôn giáo nói chung và Đạo Công Giáo nói riêng… năm vừa qua chính quyền tỉnh Quảng trị đã “giao cho Xứ La Vang” 15 héc ta đất để mở rộng linh địa LaVang…” Nghĩa là nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã là xong chức trách người cha của mình, cái còn lại là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cần phải nhanh chóng quốc doanh hóa để trở thành người mẹ đồng hành cùng người cha độc tài vô thần cuối cùng của lịch sử. Một người Cha đã giam cầm “Mẹ Sầu Bi”, triệt hạ “Đức Mẹ Bầu Sen” đập nát “Thánh Giá Đồng Chiêm”… Trở lại với toàn cảnh của năm thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với 3 hoạt động lớn: Lễ Khai Mạc, Đại Hội Dân Chúa, và Lễ Bế Mạc. Trong Lễ Khai Mạc hoành tráng, chặt chẽ ngập tràn niềm tin, sự hiệp thông của hàng vạn giáo dân diễn ra ở Sở Kiện người ta thấy nổi lên hình ảnh, vai trò đĩnh đạc, tự tin và đầy minh mẫn của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Trong Lễ Khai Mạc không có sự xuất hiện, đọc diễn văn của lãnh đạo chóp bu Nhà Nước Cộng Sản. Nhưng đến Đại Hội Dân Chúa thì lại được tổ chức như ở trên “thiên đàng” vì nội dung thảo luận trong Đại Hội không liên quan dính dáng gì đến những nỗi thống khổ của giáo dân và cả Giáo Hội dưới chế độ độc tài đảng trị vô thần. Và hôm nay trong Lễ Bế Mạc năm thánh, sự vụng về khập khiễng trong lễ đón tiếp ông phó thủ tướng Nhà Nước Cộng Sản đã cho chúng ta thấy bất đồng trong“câu chuyện nhà nước và nhà thờ” chưa thể chấm dứt. Những người có mặt đã rất lấy làm lạ khi tất cả các Đức Giám Mục mũ áo, phẩm phục chỉnh tề kiễn nhẫn ngồi ngoài hành lang phòng tiếp khách, dưới gầm cầu thang chỉ để dài cổ đợi chờ đón ông Phó Thủ Tướng Chính Phủ.. Và khi ông ta đến, vào phòng khách khá nhanh khiến chủ nhà không thể giới thiệu được các Đức Giám Mục đã đón ông theo thông lệ xã giao. Câu trả lời là Nhà Thờ luôn tìm cách đối thoại một cách nhu nhược và nhịn nhục, đi gần hơn với Nhà Nước hầu mong né tránh, giảm thiểu những tổn thất, mất mát do chính sách độc tài vô thần của Nhà Nước Cộng Sản đem lại. Nhà Nước Cộng Sản cũng không từ bỏ một cơ hội nào có thể để đi sâu vào Giáo Hội Công Giáo,quốc doanh hóa Giáo Hội, biến Giáo Hội thành một đoàn thể nằm dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng Sản như như mô hình hiện có của của Giáo Hội Trung Quốc . Câu chuyện Nhà Nước và Nhà Thờ sẽ ra sao sau năm thánh không thể quên này?
|