Công Đồng Vatican II: những định hướng canh tân Giáo Hội |
Tác Giả: Nguyễn Học Tập | ||||
Thứ Ba, 23 Tháng 11 Năm 2010 05:31 | ||||
Không ai có thê chối cải được là từ sau Công Đồng Vatican II đến nay, Giáo Hội đã bước đi một đoạn đường dài. Giáo Hội đã tăng trưởng thêm lên. Cuộc hành trình, một cuộc cuộc hành trình chậm chạp và không phải lúc nào cũng là trên con đường thẳng lối. Cần phải còn thời gian nữa trước khi tư tưỏng của Công Đồng liên can được đến cả cộng đồng dân Chúa, mục tử cũng như giáo dân, được thấu hiểu và áp dụng có được kết quả mong muốn . Ngoài ra nỗi khó khăn để hấp thụ được biến cố Công Đồng, khó khăn bởi cách đọc và chú giải tư tưởng của Công Đồng một cách hời hợt và hẹp hòi, từ đó chuyển lại cho các thế hệ mới một hình ảnh sai lạc về Công Đồng, đối với những ai không sống trong thời Công Đồng đang nhóm hợp. Chính vì lý do đó mà thay vì dính dáng vào tranh cải thuyết lý và thảo luận bất tận, xem Công Đồng đã thành công hay bị phản bội, điều quan trọng là sống trở lại " cuộc hành trình đã vượt qua " thực sự cho đến nay và để phần chi tiếc cho các nhân vật có liên hệ trực tiếp với Công Đồng lúc đó, bằng đời sống và phục vụ của chính mình đã giúp cho Giáo Hội " ra khơi " theo lời khuyên dạy của Chúa Giêsu: " Duc in altum ! " ( Lc 5, 4). Nhưng muốn hiểu được rõ ràng sứ điệp của " những nhân vật cùng đồng hành ra khơi lúc đó " với Công Đồng và giá trị hiện đại nhân chứng của các ngài, trước tiên chúng ta nên nhớ - đâu là con đường định hướng hành trình mà Công Đồng đã phát hoạ ra, - kế đến, duyệt xét qua những giai đoạn mà Giáo Hội đã thực hiện trong các thập niên vừa qua. 1 - Cuôc hành trình được Công Đồng phát họa. Sau năm mươi năm hành trình ngoài biển cả, ngày nay con đường " hải trình " được Giáo Hội của Công Đồng Vatican II vạch ra, chúng ta có thể thấy rõ. Không còn gì có thể nghi ngờ được cảm hứng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII muốn tổ chức một Công Đồng hiệp nhứt Ki Tô giáo là do on trên soi sáng cho. Chỉ có Chúa mới có thể tiên đoán đươc, năm mươi năm qua, những thử thách chưa từng có của một thay đổi cả thế hệ một cách bất thường, mà Giáo Hội của ngàn năm thứ ba phải đương đầu trong tổ chức nội bộ, cũng như đối với thế giới bên ngoài. Dĩ nhiên, tổ chức Công Đồng, là định ý của Chúa Thánh Thần nhằm chuẩn bị cho Giáo Hội kịp thời, qua việc đào sâu thêm nền thần học và canh tân động tác mục vụ, được Công Đồng Vatican II chăm lo dến: - " Tinh thần Ki Tô giáo, công giáo và tông truyền của cả thế giới, đang chờ đợi một bưóc nhảy tiến lên về hướng thấu hiểu sâu xa hơn về tín lý và về một nền giáo dục lương tâm. Muốn vậy, nền tín lý đó phải là tín lý chắc chắn và bất di dịch, phải được trung thành tuân giữ, được học hỏi sâu xa và được trình bày thế nào để đáp ứng lại các nhu cầu của thời đại chúng ta. Thật vậy, kho tồn giữ đức tin là một chuyện, tức là chân lý chứa đựng trong giáo lý của chúng ta, nhưng phương thức mà qua đó đức tin được loan truyền là chuyện khác " ( ĐGH Gioan XXIII, Gaudet Mater Ecclesia, Diễn Văn khai mạc Công Đồng Vatican II ( 11.10.1962), in Enchiridion Vaticanum; Roma - Siena, LEV - Cantagalli, 2005, 63ss). Qua lời nói của ĐGH Gioan XXIII vừa trích dẫn, chúng ta thấy được định hướng mà Chúa Thánh Thần muốn chỉ định cho Giáo Hội của ngàn năm thứ ba là tất cả gồm trong " buớc tiến nhảy về phía trước " - trong việc thấu hiểu sâu xa hơn tín lý, mà Giáo Hội phải thực hiện để vượt ra khỏi thời đại của Công Đồng Trento - và khởi đầu cập nhật hoá sâu đậm cuộc sống nội tại của mình và các mối tương quan của mình với thế giới. Với một cách diễn tả rộng rãi hơn, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội phải học cách nhìn vào lịch sử với đôi mắt mới. Ngày nay, sau năm mươi năm trải qua trong cuộc hải trình, " hãy ra khơi ", chúng ta có thể quả quyết rằng có ba kiến thức thần học thâu thập được bởi Công Đồng Vatican II cấu thành những định hưóng nền tảng của " lộ trình trên biển " cần phải theo và đã cho thấy được kết quả mục vụ sung mãn và được canh tân hoá: - 1) nền Giáo Hội học thông hiệp, giúp cho chúng ta vượt lên trên quan niệm Giáo Hội như là " một xã hội hoàn hảo " và hiểu được Giáo Hội như là " dân Chúa " đang lữ hành trong lich sử; - 2) nền thần học về các thực tại trần thế, hướng dẫn chúng ta nhìn thế gian với cặp mắt khác, bằng cách vượt ra khỏi " mùa Ki Tô giáo ", để đón lấy nhãn quang Phúc Âm của một thế giới là lãnh vực trần thế, hiểu theo ý nghĩa tích cực, được Chúa dựng nên với những lề luật tự nhiên của nó; 3) nền thần học Thánh Kinh, khiến cho chúng ta không còn nhìn Thánh Kinh như là một " quyển sách đóng kín ", chỉ dành cho một số ít có diễm phúc được huấn dạy, mà là quyển sách được mở rộng cho tất cả mọi người. A - Từ " xã hội hoàn hảo " đến " cộng đồng dân Chúa ". Nền thần học của Công Đồng Trento, trước biến cố Cải Cách Tôn Giáo ( Réforme ) không chấp nhận Giáo Hội như là cơ chế thấy được ( institution visible ) , đã đáp lại bằng cách nhấn mạnh đến tính cách hiệp hội ( sociétaire ) của Công Đồng Giáo Hội. Như vậy Giáo Hội được trình bày như là " một xã hội hoàn hảo " với các cơ quan tín lý và các cấu trúc quản trị của mình, giống như hình ảnh của các tổ chức Quốc Gia tân tiến tuyệt đối thời đó. Cả quan niệm về quyền hành Giáo Hội và các phương thức hành xử cũng xao chép theo cơ cấu của xã hội trần thế. Hột giống tiên khởi để canh tân được Công Đồng Vatican II gieo xuống, đó là việc dời đặc tâm chú ý từ Giáo Hội Học " xã hội hoàn hảo " nhấn mạnh trên đặc tính cách pháp lý đến Giáo Hội Học " cộng đồng dân Chúa thông hiệp ". Dĩ nhiên Công Đồng không chối cải là Thiên Chúa Đấng Sáng Lập đã muốn cho Giáo Hội là cấu trúc mà ai cũng thấy được: - " không thể che giấu một thành được xây trên núi " ( Mt 5, 14), nhưng Công Đồng muốn nhấn mạnh nhấn mạnh rằng cơ chế phải tùy thuộc vào sự hiệp thông, đó phải là điều tiên quyết trong Giáo Hội, bời vì - " Giáo Hội Chúa Ki Tô như là một Bí Tích, là một dấu chứng và dụng cụ để thông hiệp thân tình với Chúa và liên kết với cả dòng dõi con người " ( Lumen Gentium, 1964, n. 1). Đây là tư tưởng trung tâm điểm và nền tảng, mà mọi tài liệu Công Đồng đều quy hướng đối chiếu vào đó. Như vậy, Giáo Hội được chuyển hoá từ tư tưởng là một tổ chức " xã hội hoàn hảo " thành " mầu nhiệm thông hiệp giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người ". Trong ánh sáng mới đó, Giáo Hội được coi như là - " cộng đồng dân Chúa đang hành trình trong dòng lịch sử " , " mà thuộc về cộng đồng đó theo phương thức khác nhau người tín hữu công giáo hay các tín hữu khác tin vào Chúa Ki Tô đều tham dự vào hay được ơn Chúa mời gọi để đến được sự cứu rổi " (ibi., n. 13). Giáo Hội mầu nhiệm đó, xác nhận Hiến Chế Lumen Gentium, - " subsistit " ( hiện hữu ) trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng " nhiều yếu tố chân lý " cũng hiện hữu bên ngoài Giáo Hội " ( Lumen Gentium, n. 8), ngay cả trong các tôn giáo không Ki Tô giáo ( Nostra aestate, 1965, n.2 ( Tuyên ngôn về các mối tương quan giữa Giáo Hội và các tôn giáo không Ki Tô giáo ), và ngay cả nơi những người không có lòng tin tôn giáo ( Gaudium et Spes, 1965, n. 92). Điều vừa kể cho thấy thay vì tinh thần " hỏi cung, điều tra, lên án " trong quá khứ, Giáo Hội của Công Đồng Vatican II được mở ra với tinh thần đối thoại, là phương thức cần thiết mới mẻ cho sứ mạng rao giảng Phúc Âm. Hậu quả mục vụ của cuộc canh tân thần học nầy thật là quan trọng. Hậu quả trước tiên, với tinh thần canh tân vừa kể, đó là Giáo Hội đã bứng đi gốc rễ của tinh thần " giáo phẩm trị " clericalismus ): trong Giáo Hội, không có ai là người Ki Tô hữu hạng A ( hàng giáo phẩm) và Ki Tô hữu hạng B ( tín hữu giáo dân), nhưng - " đồng phẩm giá như nhau các thành phần Giáo Hội do việc họ được tái sinh trong Chúa Ki Tô, có đồng ân phước như nhau với tư cách là những đứa con, có ơn gọi như nhau để trở thành trọn hảo...Như vậy không có bất cứ một sự bất bình đẳng nào trong Chúa Ki Tô và trong Giáo Hội, vì lý do chủng tộc hay quốc tịch, điều kiện xã hội hay phái giống...Một vài người do ý muốn của Chúa Ki Tô được thiết định thành tiến sĩ, những người được ban phát mầu nhiệm và mục tử đối với những người khác, nhưng vẫn hiện hành giữa tất cả một nền bình đẳng về phẩm giá và về động tác chung đối với tất cả các tín hữu để xây dựng Thân Thể Chúa Ki Tô " ( Lumen gentium, 1964, n. 32). Kế đến, nền Giáo Hội Học về thông hiệp đã dành cho hàng giáo phẩm một ánh sáng mới. Được đặt vào giữa công đồng dân Chúa, quyền hành trong Giáo Hội không phải là quyền " bàn giấy " hay " quản trị hành chánh ", mà là để phục vụ và nhân chứng. Cả địa vị ưu đẳng tối thưọng của Đức Giáo Hoàng, thoát xuất ra từ quan niệm mới mẻ của Công Đồng, được thêm phong phú, - nhờ Công Đồng , trong khi đề cập đến phận vụ giảng dạy được Chúa Ki Tô ủy nhiêm cho Giáo Hội -, Công Đồng đã nhìn ân sủng của Đấng Kế vị Thánh Phêrô cùng chung với phận vụ của các Giám Mục: - " Các Giám Mục, khi giảng dạy cùng chung với vị Giáo Hoàng Roma, phải được mọi người lắng nghe với lòng kính cẩn...và các tín hữu phải chấp nhận phán đoán của các Giám Mục, được nói lên nhân danh Chúa Ki Tô trong các vấn đề thuộc về đức tin và luân lý, và tuân theo với lòng kính cẩn tôn giáo. Nhưng lòng kính cẩn tôn giáo đối với ý muốn và hiểu biết đó, các tín hữu phải dành đặc biệt (singulari ratione) đối với quyền giảng dạy chính thức của vị Giáo Hoàng Roma, ngay cả khi ngài không tuyên bố nhân danh tông toà ( ex cathedra ) " ( Lumen Gentium, n. 25). Đấng Kế Vị Thánh Phêrô không phải là " người thần thánh " , " gần như chúa tể càng khôn " ( semi - dieu ), đứng trên Giáo Hội, mà là " người đầy tớ của các tôi tớ Chúa ", được đặt trong Thân Thể mầu nhiệm Chúa Ki Tô. Trong nhãn quang thông hiệp vừa kể, chúng ta phải kể cả lời can thiệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II trong Thông Điệp Ut unum sint, khi ngài mời gọi các Giám Mục và các nhà thần học hãy cùng nhau đối thoại để " tìm ra được " một phương thức hành xử quyền tối thượng để, - " mặc dầu không khước từ bằng mọi cách nào cũng vậy về những gì liên quan thiết yếu đến sứ mạng của mình, để mở ra một vị thế mới " ( ĐGH Gioan Phaolồ II, Ut unum sint, 1995, n.95), " thích hợp với tinh thần đoàn thể " hơn của Công Đồng. Tinh thần đoàn thể công đoàn vừa kể được hiểu rộng hơn những gì chỉ giới hạn hẹp hòi trong lãnh vực theo định chế luật pháp, để mở rộng ra cho tinh thần hợp tác dưới nhiều hình thức khác nhau, như Thượng Hội Đồng Giám Mục, Hội Đồng Giám Mục, Toà Thánh Roma, Viếng Thăm Mộ Thánh Phêrô ( visita ad limina). Đàng khác tinh thần công đồng tập thể của các Giám Mục với Phêrô và dưới Phêrô ( cum Petro et sub Petro ) thoát xuất từ đó, được trở nên phong phú hơn, nhờ vào việc chuẩn định lại giá trị sứ mạng của chính các Giám Mục. Các Giám Mục không phải là những thống đốc đô trưởng của Đức Giáo Hoàng, như Bismarck có thói quen gọi các ngài trong quá khứ, mà là những vị kế vị các Thánh Tông Đồ: - "Mỗi Giám Mục là khởi điểm thấy được và là đơn vị nền tảng trong các Giáo Hội cá biệt, được thiết lập theo hình ảnh Giáo Hội hoàn vũ, trong các Giáo Hội và nhờ các Giáo Hội đó, Giáo Hội Công Giáo là một và thông hiệp nhau được thiết lập " ( Lumen Gentium, n. 23). Sau cùng dưới ánh sáng Giáo Hội Học hiệp thông, ơn gọi và sứ mạng của các tín hữu giáo dân giữa trần thế cũng được xác định lại giá trị. Từ nay trở đi, người tín hữu giáo dân không còn được coi là còn trong tuổi thiếu thời, hay là những người " hụt làm linh mục " hoặc chỉ là những kẻ có liên hệ với hàng giáo phẩm. Người tíin hữu giáo dân là những người đã lãnh nhận trực tiếp từ Chúa Ki Tô, trong Phép Rửa và Phép Thêm Sức sứ mạng duy nhứt, chính danh của toàn dân Chúa bằng cách tham dự, tùy theo tầm mức của họ, vào phận vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki Tô ( Lumen gentium, n. 31). Thật là một khúc quanh đầy ý nghĩa, nếu chúng ta nghĩ đến vai trò hoàn toàn thụ động của họ trong nền thần học sau Công Đồng Trento, giao cho các tín hữu giáo dân: - " Chỉ trong tổ chức mục vụ họ có được quyền và uy thế cần thiết để phát huy và định hướng mọi thành phần về cùng đích xã hội chung; và số đông của họ không có phận vụ nào khác hơn là để được hướng dẫn và ngoan ngoản tuân theo các chỉ thị của các vị mục tử " ( Pio X, Thông Điệp Vehementer nos, 1906, Enchiridion delle Encicliche, EDB, Bologna 1998, iv, n. 142, p. 157). B - Từ " cộng đồng Ki Tô giáo" đến " đặc tính trần thế tích cực " của thế giới. Định hướng thứ hai của Công Đồng Vatican II, mà trong năm mươi năm canh tân đã hướng dẫn Giáo Hội đạt được nhiều kết quả mỹ mãn, đó là đưa ra ánh sáng chiều hướng lịch sử của chương trình cứu rổi. Thật vậy, để chống lại khuynh hướng chủ thể tính và tương đối chủ nghĩa của Phong Trào Cải Cách trong lãnh vực thần học và tín lý, Công Đồng Trento đã cảm nhận lúc đó cần phải nhấn mạnh đến chân lý khách quan của các tín điều. Nhưng hành động như vậy, vô tình Công Đồng Trento đã dành đặc quyền cho quan niệm " vô thời gian tính " ( a-temporalis ) của việc mạc khải. Công Đồng lo lắng phải trung thành chuyển đạt " kho tàng tồn trử đức tin " ( depositum fidei ), mà không lưu tâm đến biến chuyển văn hoá và lịch sử của thế giới. Trái lại Công Đồng Vatican II đã định chuẩn lại giá trị của tầm quan trọng lịch sử trong chương trình cứu rổi. Chúa Giêsu Ki Tô là Thiên Chúa đã hội nhập vào lịch sử thế giới, đảm nhận lấy thế giới và chung quy thế giới về với mình (Gaudium et spes, n. 38). Cộng cuộc Nhập Thể được thực hiện trong lịch sử loài người, trải qua tất cả các thời đại và các nền văn hoá. Bởi đó không có hai dòng lịch sử, một thiên thánh và một thế tục. Lịch sử chỉ có một dòng duy nhứt. Đó chính là lý do tại sao Giáo Hội tiếp tục và thực hiện công cuộc Nhập Thể, sống và bước đi trong lịch sử thế giới: nhận nơi mình - " các nỗi vui mừng và hy vọng, các phiền nảo và lo âu của con người ngày nay ", " Giáo Hội thực sự cảm nhận và liên đới với giòng giống nhân loại và với lịch sử " ( Gaudium et spes, id.) Bởi đó - việc trung thành chuyển đạt một cách trung thành " kho tàng tồn trử đức tin " ( depositum fidei ) không những không phải là điều không cần thiết, bị cấm cản, mà còn ngược lại , - nhưng hơn nữa còn đòi buộc Giáo Hội hãy ý thức đến các hoàn cảnh lịch sử và văn hoá khác biệt, cũng như đòi buộc lòng kính trọng phải có đối với tự do lương tâm của những ai mà Phúc Âm được rao giảng cho ( Dignitatis humanae, 1965, Tuyên Ngôn về quyền tự do tôn giáo của Công Đồng Vatican II). Việc hiểu biết sâu đậm về chiều hướng lịch sử của chương trình cứu rổi tìm gặp được sự thể hiện hoàn hảo của mình trong nền thần học về các thực tại trần thế: chương trình cứu rổi của Phúc Âm và thăng tiến con người, mặc dầu khác biệt nhau, nhưng không gì xa lạ nhau, lãnh vực nầy đối với lãnh vực kia; giữa hai lãnh vực không có gì phân tách chia đôi ( dichotomie) hay " lưỡng đầu phân cực " ( dualisme) mà là bổ khuyết và hoàn hảo hoá cho nhau. Dưới ánh sáng của sự hiểu biết mới nầy về giáo lý, trên phương diện mục vụ, các mối tương quan giữa đức tin và lịch sử, giữa Giáo Hội và thế giới đã thay đổi sâu đậm. Thật vậy, nếu các thực tại trần thế ( chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỷ thuật ) có mục đích, giá trị và phương tiện chính xác khác nhau của mình để thực hiện, tức là theo ý muốn của Thiên Chúa, thì đặc tính trần thế của chúng cần phải được tôn trọng. Hiểu như vậy, từ đức tin, chúng ta không thể diễn dịch trực tiếp để có được một khuôn mẫu " công giáo " về chính trị, xã hội, văn hoá, nhưng đúng hơn đức tin phải " gợi ý " ( inspirer ) cho nhiều chương trình, khuôn mẫu khác nhau, qua tiến trình " trung gian điều giải " ( mediation ) . Điều đó cho thấy Giáo Hội không thể đặt mình cùng trên một bình diện với các tổ chức cơ chế Quốc Gia, mà - " vì lý do phận vụ, thẩm quyền và khả năng của mình, Giáo Hội không thể nào lẫn lộn với cộng đồng chính trị và không liên hệ với bất cứ một hệ thống chính trị nào, bởi vì Giáo Hội là dấu chứng và bảo chứng cho đặc tính thượng đẳng của phẩm giá con người " ( Gaudium et spes, n. 76), Nói cách khác, Công Đồng Vatican II đã phát hiện được đặc tính trần thế tích cực, đặc tính trần thế có giá trị Ki Tô giáo và Phúc Âm. Thật vậy Công Đồng xác nhận rõ: - " Chính nhờ năng tính của công cuộc sáng tạo mà các vật thể nhận được thực tại của chính mình, hiện thực, tốt đẹp, theo luật lệ và thứ bậc của mình. Con người phải tôn trọng tất cả những điều đó, bằng cách nhận biết các đòi buộc của phương thế chinh yếu của mỗi bghệ thuật và khoa học " ( Gaudium et spes, n. 36). Bởi đó đặc tính trần thế không phải là những gì xảy ra bất thần trong lịch sử, mà có cả một nền tảng thần học trong đó. C - Thánh Kinh, từ quyển sách " đóng kín ", trở thành quyển sách " được mở ra " cho mọi người. Sau cùng, định hướng thứ ba, có lẽ là định hướng mà Công đồng Vatican II gặt hái được nhiều kết quả nhứt, đó là nhận biết quyền tối thượng tuyệt đối của Lời Chúa, như là nguyên cội mạc khải và nguồn mạch đời sống thiêng liêng cho các tín hữu ( cfr. Dei Verbum). Trong khi phản ứng lại Phong Trào Canh Tân ( Réforme ), chối bỏ Truyền Thống như là nguồn mạch mạc khải và chỉ cấp nhận Thánh Kinh và tự do hiểu biết của con người ( mỗi người tùy theo lương tâm của mình, tự do hiểu biết Lời Chúa như những gì mỗi cá nhân được Chúa soi sáng cho), nền thần học sau Công Đồng Trento đã phản ứng đến độ đặt trên cùng trên một bình diện Thánh Kinh, Truyền Thống và quyền Huấn Dạy của Giáo Hội. Như vậy Thánh Kinh - " là Lời Chúa được viết thành văn bản dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần ". Trong khi đó thì Truyền Thống ( Tradition) - " gìn giữ Lời Chúa, được Chúa Ki Tô và Chúa Thánh Thần ủy thác các Thánh Tông Đồ ". Và Quyền Huấn Dạy trong Giáo Hội ( Magister ) - " là Lời Chúa được các Thánh Tông Đồ truyền đạt lại cho những ai tiếp nối mình, để các vị, được Thánh Thần chân lý soi sáng qua lời giảng dạy của các vị trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến Lời Chúa " ( Catechismo della Chiesa Cattolica, n. 81( Sách Giáo Lý trước Công Đồng Vatican II). Ai trong chúng ta cũng còn nhớ cho đến thời Công Đồng Vatican II, trong các phân khoa thần học công giáo, Thánh Kinh được xem như là một kho tàng vô tận, từ đó có thể rút ra được những luận cứ và lý chứng để xác thực các luận cứ thần học. Chớ không ngược lại. Công Đồng Vatican II đã hoàn trả lại cho Thánh Kinh là nguồn mạch khởi thủy, từ đó phát xuất ra nền thần học, bằng cách đặt mối liên hệ hết sức chặt chẻ giữa Thánh Kinh và Truyền Thống: - " bởi vì cả hai đều thoát xuất từ chính cội nguồn Thiên Chúa, Thánh Kinh và Truyền Thống một cách nào đó, cấu trúc thành một thực thể duy nhứt và cùng hướng về một cùng đích...như vậy Giáo Hội múc lấy được sự chắc chắn về tất cả những gì được mạc khải không phải chỉ từ Thánh Kinh thôi. Bởi đó, Thánh Kinh và Truyền Thống đều phải được đón nhận với cùng một tâm hồn mến chuộng và tôn kính. Truyền Thống và Thánh Kinh kiến tạo thành một kho tàng chứa đựng duy nhứt Lời Chúa được ủy thác cho Giáo Hôi " ( Công Đồng Vatican II, Dei Verbum, 1965, n.9s). Và mặc dầu - " phận vụ giải thích chính đáng Lời Chúa được viết ra hay được lưu truyền, được ủy thác cho Quyền Huấn Dạy ( Magister) sống động trong Giáo Hội ", nhưng chúng ta cần biết rằng - " Quyền Huấn Dạy của Giáo Hội không trổi thượng hơn Lời Chúa, mà để phục vụ, bằng cách huấn dạy những gì đã được chuyển giao cho " ( ibi., n. 10). Cùng với việc khám phá ra trở lại địa vị tối thượng của Lời Chúa, khiến cho trong Giáo Hội thời hậu Công Đồng Vatican II phát sinh trở lại một cuộc sống thiêng liêng phi thường đối với Thánh Kinh. Nguồn năng lực đó khiến cho từ nay Thánh Kinh không còn chỉ là lãnh vực dành riêng cho những người có kinh nghiệm, mà Lời Chúa được đặt vào tay mọi tín hữu. Điều vừa kể đã tạo ra kết quả việc canh tân kinh nguyện, trong phụng vụ cũng như trong lãnh vực riêng tư. Lắng nghe Lời Chúa và phổ biến việc đọc Thánh Kinh ( lectio divina) đã hướng dẫn giới trẻ vào việc chiêm ngắm và thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng. Có lẽ không phải là một quả quyết quá đáng, khi chúng ta xác nhận rằng có lẽ đây là hoa trái quan trọng nhứt của Công Đồng Vatican II. Bởi lẽ nếu Công Đồng Vatican II chỉ tạo được gia tăng uy tính xã hội của Giáo Hội, một hình thức phụng vụ hấp dẫn hơn và đại chúng hơn, một sự tăng trưởng hơn về tự do và dân chủ trong guồng máy quản trị của Giáo Hội và nhân nhượng hơn đối với thế giới bên ngoài - nhà thần học Karl Rahner bình luận - có lẽ Giáo Hội không đạt được chính mục đích của mình: - " đó là làm cho con người yêu mến Thiên Chúa hơn, trở nên vững tin, đầy hy vọng và tình yêu thương đối với Chúa và đối với người khác, tôn thờ Chúa một cách tốt đẹp hơn " trong chân lý và sự thật ", hiểu biết bằng lòng đón nhận các bóng tối của cuộc đời và cái chết, một cách tự do hơn đón nhận lấy những điều đó nơi mình và biết định giá sự tự do của chính mình " ( Karl Rahner, Pietà in passato e oggi, in Nuovi saggi, Ed. Paoline, Roma 1968, vol II, p. 11ss). Bởi đó trong việc canh tân Phụng Vụ, Ủy Ban Canh Tân đã phá vở đi thái độ " im lìm, án binh bất động" kéo dài hàng bao thế kỷ, bằng cách thay thế tiếng La Tinh bằng các ngôn ngữ địa phương và dành chỗ rộng rãi cho phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ, trong các giờ kinh nhật tụng và trong cử hành các Phép Bí Tích. Thể thức phụng vụ ngày nay là biểu tượng ý nghĩa nhứt của Công Đồng Vatican II. Đó là chưa kể các phân khoa thần học được phát hiện khắp đó đây, cho cả người tín hữu giáo dân, để học hỏi quảng bác và sâu đậm lời Chúa, Ở Tây Phương không thiếu gì những tín hữu giáo dân có cả băng tiến sĩ thần học. Nói tóm lại, những định hướng chính cuộc hải trình " ra khơi " của Giáo Hội được Công Đồng Vatican II thiết định, nhằm canh tân thần học và mục vụ. Trong năm mươi năm qua, các định hướng đó được đón nhận và thực hành như thế nào và với những kết quả nào? Hy vọng chúng ta sẽ có dịp gặp lại nhau trong nhũng bài viết tới, với những nhân vật liên hệ trực tiếp với biến cố hành trình canh tân Giáo Hội của Công Đồng với * ĐGH Phaolo VI,
|