ĐGM Bùi Tuần: Đại hội Dân Chúa chắc chắn sẽ không thành công |
Tác Giả: Hải Hà | |||||
Chúa Nhật, 21 Tháng 11 Năm 2010 07:15 | |||||
Là một Giám mục, được tiếng viết nhiều, nói nhiều, hoạt động nhiều nhưng những thông tin trong thời buổi internet đã lan tỏa khắp nơi mà ngài không cập nhật, nên có thể những mặt trái của người cộng sản ngài không thấy được chăng? Vì thế mà vẫn ca ngợi các quan chức chóp bu cộng sản là “lành lắm”. Đã từ lâu, nghe tiếng Đức Cha Bùi Tuần, một giám mục có nhiều “tai tiếng” về “thái độ thân cộng sản” ở Miền Nam và là người có nhiều bài viết cho tờ “Công giáo và dân tộc” – tờ báo của tổ chức cộng sản mà ngài cho là “báo đạo”. Ngài cũng là một trong hai Giám mục đã được nhận Huy Chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”. Một trong hai vị đó là Giám mục F.x Nguyễn Văn Sang chúng tôi đã có dịp gặp gỡ. Chúng tôi hi vọng đuợc diện kiến ngài một lần cho bõ những ngày “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Nhưng chưa đuợc một dịp nào may mắn. Vậy rồi như một sự tình cờ sau khi đến viếng cha giáo Thân Văn Truờng tại nhà thờ Chính Tòa Long Xuyên, chúng tôi có dịp vào thăm Đức Cha Bùi Tuần, nguyên Giám mục Giáo phận Long Xuyên vào những ngày ngài đang ốm. Tiếp chúng tôi, ngài phải nằm nói chuyện. Đòan chúng tôi có mấy anh em, cả nguời Bắc lẫn nguời địa phuơng, trong câu chuyện không dài, ngài cho chúng tôi biết ý kiến ngài về một vài vấn đề có nhiều bàn tán khi nôi nổi, khi âm thầm trên các diễn đàn khác nhau. Sau vài phút hỏi thăm xã giao và giới thiệu, biết chúng tôi là người Bắc, ngài hỏi ngay về Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng GM TGP Hà Nội. Chúng tôi thưa với ngài những điều chúng tôi biết về Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt qua các thông tin chúng tôi nhận được. Ngài nói với chúng tôi: “Tôi biết rất rõ về khả năng cũng như tính tình của Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt: Rất tốt”. Chúng tôi hỏi: - Thưa Đức cha, ngài đánh giá thế nào về “Sự kiện Ngô Quang Kiệt”? Ngài trả lời: - Việc Đức cha Kiệt từ chức là lựa chọn của cá nhân ngài. Cá nhân tôi đánh giá đó là một hành động rất cao thượng. Nếu ngài không từ chức thì không biết Hội Đồng GM Việt Nam hiện nay sẽ ra sao. Tôi biết Đức cha Kiệt hiểu rằng con đường đi của Giáo hội đang còn rất dài. - Vậy khi quyết định ra Hà Nội để thay thế Đức cha Kiệt, ngài có được biết ý kiến từ Đức cha Nhơn hay không? - Không, và tôi rất bất ngờ về việc Đức cha Nhơn đang yên ổn ở Đà Lạt sao lại ra Hà Nội? Thật ra, Đức cha Kiệt chỉ là nạn nhân của cả Giáo hội và xã hội. Thật đáng tiếc. - Thưa Đức cha, qua “Sự kiện Ngô Quang Kiệt” và các sự kiện trong Giáo hội Việt Nam hiện nay, Đức cha có nhận định như thế nào về tình hình GHVN hiện tại? - Tôi ít biết các thông tin trên mạng. Như các anh thấy đó, phòng của tôi không có máy vi tính. Nhưng những gì tôi biết được thì rõ ràng Giáo Hội VN đang bị phân hóa và Đại Hội Dân Chúa tới đây chắc sẽ không thành công. Đề tài về Đức cha Giuse qua đi, chúng tôi hỏi ngài về một số vấn đề khác: -Thưa Đức cha, chúng con thấy có nhiều vị khi còn là Linh mục thì giảng hay và mạnh mẽ lắm… chúng con cứ tưởng ngài hiểu rất rõ thời cuộc và có thái độ rất rõ ràng. Thế nhưng đến khi được tấn phong lên Giám mục thì ăn nói giữ gìn lắm. Thậm chí có vị còn nói rằng mình “không biết ăn nói” nữa… Liệu các vị ấy có bị áp lực gì không ạ? - Riêng tôi chỉ bị áp lực của lời Chúa. Còn một số vị tôi cho rằng chắc cũng có… Một người khác đặt câu hỏi: - Thưa Đức cha, có dư luận cho rằng trong sự kiện Phong Thánh Tử Đạo VN năm 1988, Đức cha là người phản đối quyết liệt nhất phải không ạ? Đức cha có bị áp lực gì không? - Không phải là tôi phản đối, mà tôi chỉ muốn đề nghị Tòa Thánh lùi lại một thời gian, vì tôi thấy một số Cộng đồng Hải ngoại muốn nhân sự kiện này để chống đối… Tôi không muốn giáo dân phải chịu đau khổ… Thực sự đến đó, chúng tôi không hiểu được ngài không muốn giáo dân chịu đau khổ là đau khổ như thế nào? Có phải ngài sợ nhà nước cộng sản sẽ “giận cá chém thớt” vào đầu giáo dân trong nước? Nhưng chúng tôi không dám hỏi tiếp sợ sẽ chùng mất không khí đang cởi mở. Môt người lại hỏi: - Thưa Đức cha: chúng con nghe trong này bà con nói ĐC thân với mấy ông to lắm phải không ạ? Ngài vui vẻ: - Ừ, đúng đấy. Ngài chỉ tay vào tấm ảnh, Đấy ông Nguyễn Minh Triết, hôm qua đi chỉ đạo đại hội đảng ở An Giang có vào đây thăm tôi đấy. Ông Triết và ông Dũng đều là bạn tôi cả. Người kia lại nói: -Con thấy, Đức cha hơn tuổi các ông đó nhiều… Lại hoạt động ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau… thì là bạn thế nào được ạ? - À, các ông ấy thấy mình dễ gần, dễ nói chuyện… thì hay qua lai thăm nhau thôi mà. - Thưa Đức cha, khi gặp nhau, các ông ây nói những chuyện gì ạ? - À, thì thăm hỏi xã giao thôi và đề nghị mình khuyên giáo dân sống hài hòa với xã hội thôi. Các ông ấy lành lắm. Một người lại lên tiếng: - Đức cha cho con hỏi, khi Đức Tổng Kiệt bị người ta bôi nhọ, các ông ấy có trao đổi gì với Đức cha không ạ? - Không. Các ông ấy không trao đổi gì với tôi cả. Câu chuyện đến đó cũng đã khá lâu, mặt khác cũng ngại với ngài khi ngài phải nằm tiếp chuyện vì đang ốm, nên chúng tôi cáo từ. Cuộc nói chuyện không dài, không có tranh luận mà chỉ là những lời trao đổi, thăm hỏi nhưng để lại khá nhiều ấn tượng và tạo ra nhiều câu hỏi mới trong chúng tôi mà không thể tìm ra ngay lời giải đáp. Là một Giám mục, được tiếng viết nhiều, nói nhiều, hoạt động nhiều nhưng những thông tin trong thời buổi internet đã lan tỏa khắp nơi mà ngài không cập nhật, nên có thể những mặt trái của người cộng sản ngài không thấy được chăng? Vì thế mà vẫn ca ngợi các quan chức chóp bu cộng sản là “lành lắm”. Có thể là như vậy, vì có khi nào quan chức cộng sản đến gặp ngài mà nhe nanh giương vuốt ra bao giờ đâu, khi nào cũng ngọt nhạt, khi nào cũng tử tế và thân thiện. Nhưng đằng sau đó các giáo dân, linh mục của ngài được đối xử ra sao nếu trái ý cộng sản hoặc đòi quyền sống cho mình. Có lẽ cũng vì vậy mà ngài vẫn vô tư và hãnh diện khi được quan chức chóp bu cộng sản đến thăm, được tặng huy hiệu, bằng khen và những lời nịnh nọt có cánh? Nhưng chẳng lẽ ngài nhầm? Có phải ngài không hiểu câu nói: “Đừng nghe lời cộng sản nói. Hãy xem việc cộng sản làm”? Có phải ngài đang tự ngụp lặn trong vốn kiến thức luân lý nhà đạo từ xưa của mình và không ghé mắt nhìn ra ngoài xã hội để biết được những mưu đồ và bản chất của người cộng sản đã và đang diễn trên đất nước này và đặc biệt là đối với Giáo hội công giáo?. Hay ngài biết rõ bản chất cộng sản và đương nhiên chấp nhận bản chất đó, đồng thời thấy rằng với bản chất như vậy mà họ dành cho ngài sự “trọng vọng” “kính nể”… thì có nghĩa là ngài được họ coi trọng thật sự và qua đó là họ coi trọng tín ngưỡng, tôn giáo của người dân? Mặt khác, trong cả quá trình nói chuyện chúng tôi thấy sự vô tư, sự hồn nhiên nơi ngài khi nói đến sự trọng vọng mà những người cộng sản đã dành cho ngài… cũng như những suy nghĩ đơn giản khi nói đến những vấn đề của giáo hội. Hình như ở ngài giáo hội đang đối mặt với nguy cơ vô thần là không tồn tại. Có phải bản tính đơn giản của ngài đã tạo nên những cơ hội để những người cộng sản lợi dụng. Chính vì thế, ngài nghiễm nhiên coi tờ báo cộng sản đội lốt tôn giáo như “Công giáo và dân tộc” hay “Người Công giáo Việt Nam” là “báo đạo” và ngài thường xuyên viết bài suy ngẫm Lời chúa trên đó với? Để rồi chính những tờ báo đó đã lợi dụng danh nghĩa Giám mục của ngài để đánh bóng cho tên tuổi mình và che lấp sự mạo danh ẩn giấu đằng sau đó với mục đích luồn sâu và đánh hiểm vào lòng giáo hội. Chắc ngài không biết rằng, nhiều linh mục, tu sĩ thân cộng khác muốn nổi danh và tiến thân, vẫn biện bạch cho sự hợp tác của mình với những thứ đồ dởm đó vì “ngay cả Đức cha Bùi Tuần còn viết cho nó nữa là chúng tôi”. Cũng chính vì thế, ngài dù không hữu ý thì cũng vô tình làm tấm gương xấu cho những người khác noi theo trong vấn đề này. Hay đằng sau đó ẩn giấu những điều gì. Một cuộc nói chuyện, để lại nhiều ấn tượng và nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Và một câu hỏi lớn ngày hôm nay chưa được ngài giải thích: Tại sao ngài khẳng định từ lâu là Đại hội Dân Chúa chắc chắn sẽ không thành công? Hy vọng thời gian sẽ làm sáng tỏ tất cả vì không có sự gì là bí mật mãi mãi. Ngày mở màn Đại hội Dân Chúa 21/11/2010
|