Tai Hại của Chủ Nghĩa Duy Lợi |
Tác Giả: LM. Nguyễn Thái | |||
Thứ Sáu, 12 Tháng 11 Năm 2010 15:01 | |||
Bài giảng của LM. Jos. Nguyễn Thái trong lễ Giỗ Cố TT. Ngô Đình Diệm tại Nam Cali. Phúc âm: Lc 14, 1. 7-11: “Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ đuợc nhắc lên.” Kính thưa Ðức Cha, Quý Cha, cụ Cao Xuân Vỹ, Quý Vị Quân, Dân, Cán, Chính của VNCH, Quý Vị thân hào nhân sĩ, và toàn thể quý ông bà anh chị em, Khi biến cố đảo chánh và cái chết bi thương của cố TT Gioan Baotixita NÐD xảy ra, tôi mới 9 tuổi, chẳng hiểu gì về tình hình đất nước. Sau này lớn lên trong tình trạng chiến tranh khốc liệt, xã hội miền nam Việt Nam càng trở nên rối loạn với sự hiện diện của các thứ chủ nghĩa từ các nuớc ngoài du nhập vào. Lúc ấy như một thanh niên mới lớn, đang tò mò tìm hiểu, tôi rất thích tìm hiểu về các chủ nghĩa đó, nào là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy lợi nhuận, chủ nghĩa hiện sinh…v.v. Một trong những chủ nghĩa gây thắc mắc cho tôi và làm cho tôi không hiểu đuợc, đó là chủ nghĩa nhân vị được khởi xướng bởi thủ tướng Ngô Ðình Diệm vào năm 1954. Tôi thắc mắc rằng là một nhà lãnh đạo đất nước, thì phải lo làm sao cho có quân đội hùng mạnh, kinh tế giàu có, quốc gia phú cuờng để chống chọi với kẻ thù cộng sản xâm lăng ở phương Bắc. Chứ tại sao lại phải chủ trương và kêu gọi “chủ nghĩa nhân vị” như một con đường để cứu dân tộc như lời kêu gọi của thủ tuớng NÐD đã long trọng tuyên bố vào ngày nhậm chức thủ tuớng vào năm 1954 rằng: “Dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng từ lâu, nay đang tìm lối đi, một đuờng lối chắc chắn dẫn họ đạt tới những lý tưởng nồng nhiệt khát khao từ lâu. Tôi cương quyết vạch đường lối ấy cho dân tộc, bất chấp mọi chông gai gian khổ.” Ðể tìm hiểu tại sao cố tổng thống Gioan Baotixita NÐD đã phải cương quyết mạnh mẽ vạch đuờng lối ấy, tức là con đường của Chủ Nghĩa Nhân Vị, chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống ngắn ngủi, 8 năm trời, của miền nam Việt Nam từ năm 1955-1963 với một xã hội dân chủ, an vui, hạnh phúc, tốt đẹp và đáng mơ uớc nhất cho đến ngày hôm nay, so sánh với thực trạng hiện nay của quê hương Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ câu trả lời. Trong cuốn tạp ghi “Hạnh Phúc Xót Xa”, ông Huy Phương đã kể một câu chuyện xãy ra trên quê hương Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa vừa tổ chức 1000 năm Thăng Long như thế này. “Trong khi chuyến tàu dừng lại ga, một bà hành khách trên tàu đang trả giá mua một con gà luộc của một em bé bán hàng dưới sân ga. Cuộc ngã giá chưa xong thì tàu lại bắt đầu chuyển bánh. Cuối cùng cũng thuận mua vừa bán, khách trả tiền xong, em bé chạy theo con tàu, vội vã đưa con gà lên cho khách. Khách cầm lấy đầu con gà kéo lên, nhưng… tàu đã chạy nhanh, trong tay bà khách chỉ còn cái đầu gà, còn thân gà ở lại trên sân ga trong tay con bé bán hàng. Nguời đàn bà bị lừa giận dữ, chỉ còn cách kêu lên: “Tổ mẹ nó!” Thân phận của một em bé sinh ra không bao giờ được đi vào trường học đã phải đi ngay vào trường đời để vì mưu sinh, vì lợi nhuận mà phải dối trá, lừa đảo thì còn gì là thế hệ tương lai của dân tộc? Vì lợi nhuận của đảng cộng sản cầm quyền hiện nay mà ông Lê Duẫn đã từng nói với Trung Cộng: “Chúng tôi đã hi sinh 10 triệu người rồi, nếu Trung Quốc chi viện cho chúng tôi thì chúng tôi thắng Mỹ với những hi sinh thấp hơn, còn như Trung Quốc không chi viện, chúng tôi dù phải hi sinh vài triệu nguời nữa, chúng tôi vẫn thắng Mỹ!” Vì lợi nhuận kinh tế mà theo báo cáo của UNICEF và Bộ Tư Pháp Việt Nam trong năm 2005 có khoảng 400 trăm ngàn phụ nữ và trẻ em bị bán ra ngoại quốc! Với những chủ trương của những người lãnh đạo như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có “Làng Ðại Hàn”: cả làng, phụ nữ đi lấy Ðại Hàn; “Cù Lao Ðài Loan”: cả cù lao, phụ nữ đi lấy Ðài Loan. Với chủ trương lợi nhuận của nhà cầm quyền, chúng ta thấy sẽ không phải là quá đáng khi có câu vè: “Chiều chiều ra bến Ninh Kiều. Duới chân tuợng bác đĩ nhiều hơn dân!” Chỉ vì lợi nhuận của các nhà kinh doanh tư bản liên kết với các quan chức cầm quyền mà tài sản, đất đai, nhà cửa của dân nghèo bị cuớp đoạt, sang nhượng, trao đổi trong mấy chục năm vừa qua. Nhân quyền của nguời dân đã không đuợc tôn trọng thì làm sao có quyền sỡ hữu để sinh sống, để bảo vệ tài sản, để nói lên tiếng nói của công lý và sự thật. Ðó là điều đã, đang, và tiếp tục xảy ra cho toàn thể những nguời dân nghèo ở khắp nước Việt Nam, cho các tôn giáo, và đặc biệt cho Giáo Hội Công Giáo qua các biến cố tại tòa Khâm Sứ, Thái Hà, và gần đây nhất là Cồn Dầu. Vì lợi nhuận của các cán bộ cao cấp, của chính quyền địa phương, của đảng bộ, của chế độ độc tài, mà xã hội Việt Nam hiện nay bị băng hoại, dân chúng nghèo khổ ở Tây Nguyên sẽ bị nghiền nát vì khai thác Beauxite, dân tộc càng ngày càng rơi vào vòng nô lệ giặc Tàu, nợ nần quốc gia chồng chất vì vay nợ, vì tham nhũng, vì hối lộ… Tại sao đất nuớc Việt Nam lại suy vong đến như thế? Nếu chính quyền cộng sản độc tài hiện nay cứ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa duy vật và duy lợi nhuận, thì đồng bào của chúng ta, nhất là “Khúc Ruột Miền Trung”, hằng năm vẫn có thiên tai, bão lụt, sẽ còn phải tiếp tục hấng chịu bao nhiêu thảm cảnh của tai ương, không chỉ do thiên nhiên, mà còn là hậu quả của lòng tham lam và ích kỷ của con người bóc lột lẫn nhau và làm cho nhau khổ mà thôi! Chúng ta có thể vực dậy một đất nước trong tình trạng nghèo đói, nhưng làm sao có thể lấy lại một đất nuớc mất đạo đức, mất nhân phẩm, và mất nhân vị? Kính thua quý vị, Sau khi nhìn vào hiện trạng đất nước Việt Nam ngày hôm nay, chúng ta sẽ thấy rất rõ câu trả lời cho thắc mắc của tôi, tại sao cố Tổng Thống Gioan Baotixita NÐD đã phải quyết tâm vạch đuờng lối Nhân Vị cho dân tộc. Kính thưa quý vị, Lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay: “Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ đuợc nhắc lên” dạy cho chúng ta biết rằng nhân vị giúp nâng cao con người lên, và địa vị sẽ hạ thấp con người xuống. Chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Ðấng Thủ lãnh tối cao, đã từ bỏ vinh quang thiên quốc để đến với con nguời trong địa vị thấp hèn nhất: sinh ra nơi hang lừa máng cỏ, sống nghèo khó, không có nhà để ở, không có chốn nương thân để rao truyền một Giới Răn Mới. Giới răn của tình yêu thương nhằm phục vụ cho hạnh phúc của con người, nhằm nâng cao nhân vị của con người lên. Thế nhưng, nghịch lý thay, Ngài đã bị chính môn đệ của Ngài phản nghịch vì chủ nghĩa lợi nhuận, bán thầy với 30 đồng bạc. Ngài đã bị bán, bị điều tra, bị hành hạ, và sau cùng bị tử hình, chết một cách vô nhân đạo và tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Trong ơn gọi là môn đệ của Chúa Giêsu, Cố TT Gioan Baotixita NÐD, cũng là một nhà lãnh đạo tài ba, đạo đức, đầy lòng nhân ái và thương nguời, tính tình liêm khiết, khó nghèo, trong sạch và ngay thẳng, trọn cuộc đời hiến dâng để phục vụ cho con người, phục vụ cho quê hương và dân tộc bằng con đường Nhân Vị mà “bất chấp mọi chông gai gian khổ”, bất chấp việc phải hy sinh mạng sống, bất chấp địa vị tổng thống, để sống thì sống phục vụ quê hương đất nuớc, mà chết thì cũng chết anh dũng, can đảm và tử đạo cho con đường Nhân Vị của mình. Tôi gọi cố TT Gioan Baotixita là tử đạo, vì ngài đã vạch ra con đường Nhân Vị và đã chết cho con đường đó theo gương Chúa Giêsu Kitô. Cố TT đã không sống để bảo vệ địa vị của một tổng thống, mà chọn lựa cái chết để bảo vệ nhân vị của một con người. Bài học lịch sử đã một lần đau đớn xảy ra để dẫn đến cái chết của cố TT và bào đệ, cũng như dẫn đưa đất nuớc Việt Nam đến tình trạng mất chủ quyền, mất độc lập, và mất tự do, chỉ vì chủ nghĩa duy lợi nhuận. Nếu bây giờ có thần lực nào cho phép chúng ta vặn nguợc lại kim đồng hồ, quay trở lại dòng lịch sử thì chúng ta vẫn thấy chủ trương của cố TT Gioan Baotixita NÐD là chính đáng và đúng đắn. Và nếu có phải nhìn vào hiện tại để giải quyết các vấn đề cho đất nước Việt Nam hiện nay, và nhìn về tương lai để bắt đầu xây dựng lại dân tộc Việt Nam thì chúng ta cũng rất đồng ý là phải xây dựng lại từ con người Việt Nam với chủ thuyết Nhân Vị như lời cố TT đã kêu gọi: “Dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng từ lâu, nay đang tìm lối đi, một đuờng lối chắc chắn dẫn họ đạt tới những lý tưởng nồng nhiệt khát khao từ lâu. Tôi cương quyết vạch đuờng lối ấy cho dân tộc, bất chấp mọi chông gai gian khổ.” Kính thưa quý vị, Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa duy lợi nhuận đang làm cho con người trở nên ích kỷ, vô đạo đức, vô luân lý, vô lương tâm, vô tổ quốc và đối xử tàn bạo với nhau, với chính người Việt Nam của mình. Cũng thế, chiến tranh khủng bố và bất hòa giữa các sắc tộc, và các quốc gia vẫn cứ tiếp tục tiếp diễn vì các lợi nhuận riêng tư xảy ra trên toàn thế giới. Cũng nhân cơ hội này, chúng ta hãy huớng lòng về quê hương đất nuớc mà cầu nguyện cho những người dân nghèo khổ, những người dân oan khiếu kiện, đang sống bơ vơ không nơi nương tựa, đang sống sợ hãi vì sự đàn áp của chính quyền, đặc biệt là giáo dân của giáo xứ Cồn Dầu, cách riêng 6 giáo dân đang bị xét xử oan trái một cách bất công, và hàng chục nguời đã trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan xin tỵ nạn chính trị đang sống trong cảnh vô định, bất an, lo âu, và sợ hãi. Nói đến nỗi đau khổ của anh chị em đồng bào của chúng ta bên quê nhà thì nó vô cùng. Ðau khổ vì nghèo, đau khổ vì bị đàn áp, lại đau khổ vì thiên tai bão lụt tại Khúc Ruột Miền Trung. Mấy tháng truớc thì bị hạn hán, bây giờ thì đang phải chịu những tai ương do lũ lụt thảm khốc vừa xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tinh, và Quảng Bình. Trận lũ lụt đã đi qua, nhưng dị chứng để lại thật đau đớn. Ðây là lúc chúng ta đặt lại vấn đề phục vụ con người, tôn trọng nhân phẩm của chủ nghĩa Nhân Vị một cách cụ thể. Cái cách làm vui lòng cố TT Gioan Baotixita, bào đệ Giacôbê, cùng các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, mà chúng ta tin rằng các đấng đang ở trên trời, đó là tích cực cứu trợ đồng bào chúng ta. Mọi sự đóng góp cho lũ lụt Miền Trung xin gửi tiền mặt hoặc check thì xin đề Trung Tâm Công Giáo, và ghi rõ chỗ Memo là Cứu Trợ Miền Trung. Xin Thiên Chúa và hương hồn của cố TT Gioan Baotixita Ngô Ðình Diệm, ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, bào đệ Giacôbê Ngô Ðình Nhu và anh linh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phù hộ cho dân tộc Việt Nam chúng con và toàn thể quý vị có mặt trong buổi lễ tuởng niệm và ghi ơn hôm nay. Chúng tôi cũng xin quý vị hiệp ý cầu nguyện cho gia đình của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm: Ðức TGM Phêrô Ngô Ðình Thục. - Gioan Baotixita Ngô Ðình Cẩn - Cụ cố Tađêo và Bà cố Elisabeth Ngô Ðình Thị Hiệp. Xin kính chào và cám ơn quý vị.
|