Đức cha Nguyễn Kim Điền người thắp Đuốc giữa Đêm đen (b) |
Tác Giả: Đỗ Mạnh Tri. | ||||
Thứ Tư, 03 Tháng 11 Năm 2010 08:12 | ||||
Thầy để lại bình an cho anh em, Bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em, Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng, Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ (Ga 14,27).
Thuyết trình cho một cuộc hội thảo trên Paltalk
Thưa Quý vị và các Bạn, "Đêm ấy, bão biển. Đứng thẳng trước ngôi nhà trên bờ biển, bà cụ già giơ cao tay lắc lư chiếc đèn dầu ám khói. Nhưng người đánh cá đương vật lộn với sóng gió ngoài khơi làm sao nhìn ra được ánh đèn mờ nhạt của bà. Bà sớm nhận ra cố gắng vô bổ của mình. Và, lòng đầy quả quyết, bà thu góp hết những thanh củi dành dụm để sưởi ấm còn lại, chất đống, đơm lửa. Đống củi bốc cháy, chiếu sáng cả một vùng những ngọn sóng gần bờ. Nhưng không bao lâu, lửa tàn mà vẫn chẳng thấy bóng dáng con thuyền bà trông ngóng. Hốt hoảng, bà vội lượm thanh củi cuối cùng chưa kịp tắt, châm lên mái tranh. Thoáng chốc, ngôi nhà biến thành khối lửa hồng, hừng hực tỏa sáng ra biển cả. Rồi thuyền có cập bến không? Có nhìn ra không phương hướng thoát hiểm? Đức cha Nguyễn Kim Điền, sau khi kể câu chuyện dụ ngôn này cho các linh mục của ngài, một buổi chiều tâm sự, đã không cho biết đoạn kết. Ngài chỉ nói thêm, vẻ tư lự: "Tôi, giám mục của các bạn, cũng đang đốt nhà đây" [1].
Thưa Quý vị và các Bạn, Nếu người đốt nhà chính là Đức cha Điền, thì ngôi nhà bị châm lửa là Tòa Tổng Giám Huế, ngôi nhà chung của Tgp Huế. Con thuyền vật lộn với sóng to gió lớn ngoài khơi chỉ có thể là Giáo hội Công giáo Việt Nam và thuyền trưởng chính là hàng giáo phẩm Việt Nam. Từ ngọn đèn dầu leo lét đến đống củi và cuối cùng ngôi nhà rực cháy, tín hiệu càng ngày càng mạnh mẽ và khẩn cấp, gần như tuyệt vọng. Từ Thư chung ngày 01.04.1975 đến Thư gửi ông Nguyễn Văn Linh ngày 25.03.1988, mấy tháng trước khi lìa trần, dù là lời phát biểu tại một cuộc họp công cộng, hoặc thư chung, thư riêng, gửi giáo phận, gửi chính quyền, hay gửi cho hai đài truyền thanh Veritas và Vatican; dù nói với chính quyền hay giáo dân, linh mục, tu sĩ, Tgm Nguyễn Kim Điền chủ ý nói với hàng giáo phẩm, với các đồng nghiệp của mình và vì thế đồng trách nhiệm trước vận mệnh của Hội Thánh tại Việt Nam. Tiếng nói ấy bình thản, biểu lộ sự bình an của Đức Tin. Không phải thứ bình an hưởng thụ, yên thân.Càng không phải thứ bình an an ninh trật tự của nghĩa địa, của nhà tù. Mà là sự bình an rực cháy lửa Chúa Thánh Thần luôn tác động trong lòng Giáo hội. Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! (Lc 12,49). Đc Điền đốt nhà, ngài không phá nhà. Đốt nhà để giữ nhà. Đốt lên ngọn lửa của lòng tin để đứng vững trước phong ba và bước đi trong sự bình an của Chúa. Như lời Chúa dạy: Thầy để lại bình an cho anh em, Bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em, Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng, Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ (Ga 14,27).Tiếng nói tín hiệu của Tgm Nguyễn Kim Điền gói ghém trong 20 văn bản và có thể chia thành 2 phần. Phần một với Thư ngày 1.4.1975 rồi Lời Phát biểu ngày 9.4.1975 trong lễ ra mắt của Ủy ban Măt trận Giải phóng Thành phố Huế. Phần hai, từ Lời phát biểu ngày 15 tháng 04 năm 1977 đến Thư gửi ông Nguyễn Văn Linh ngày 25.03.1988. Sống chết với đoàn chiên Khoảng tháng 3 năm 1975, khi Ban Mê Thuột bị tấn công, đang có việc ở Sài Gòn, ngài hối hả ngược dòng người di tản, tìm cách trở về Huế để "sống chết với con chiên" [2]. Ngày 26.03.75 Huế thất thủ. Thư chung gởi Tổng Giáo phận Huế ngày 01-04-1975 hân hoan đón chào hòa bình, kêu gọi thương yêu, đoàn kết, chia cơm sẻ áo, chia cả những thứ mình chỉ có vừa đủ; đặt tin tưởng vào chính quyền mới, nguyện tích cực đóng góp. Đức cha không ảo tưởng đâu. Ngài biết rõ cái gì sẽ xảy ra. Kinh nghiệm Đông Âu sờ sờ ra đó và ngay cận kề là miền Bắc Việt Nam. Nhưng dù sao cũng phải để cửa mở cho thiện chí, vì thế lúc này ngài đối xử với chính quyền theo những điều họ nói. Họ cam đoan tôn trọng nhân quyền và bảo đảm tự do tín ngưỡng, thì mình hãy cứ coi như họ thật lòng và hợp tác trong điều kiện đó. Đồng thời không quên phòng ngừa bằng cách khẳng định minh bạch lập trường bất khả di dịch của mình: lập trường của mọi Kitô hữu và đặc biệt của một Giám mục, người kế vị các Thánh Tông đồ, thầy dạy đức tin. Sống Phúc Âm Chúa Giêsu đến tận cùng. Quan trọng nhất trong Thư Chung ngày 01.04.75 là lời khuyên răn đồng thời là lời tuyên xưng: "Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy sống Phúc Âm của Chúa Giêsu cho đến tận cùng". Cho đến tận cùng, nghĩa là sẵn sàng thí mạng sống mình! Vì “Con người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Matt. 20,28). Thiển nghĩ, đây là hòn đá tảng của cái mà ta đã quen gọi là 'tinh thần Nguyễn Kim Điền', một tinh thần thông suốt con người Nguyễn Kim Điền trong cuộc hành trình trần thế. Đc Điền sinh năm 1921. Thụ phong linh mục năm 1947. Giáo sư, rồi giám đốc Tiểu chủng viện Sài Gòn. Như vậy cũng là theo tiếng Chúa gọi cách đặc biệt. Nhưng linh mục Nguyễn Kim Điền ước nguyện được sống Phúc Âm cách triệt để hơn, nên khi được biết đến "Anh em hèn mọn Charles de Foucauld" thì ngài nhận ngay ra con đường Chúa đã chọn cho mình. Năm 1955, lm Nguyễn Kim Điền xin từ chức và gia nhập tu hội Tiểu đệ Charles de Foucauld. Sau 2 năm thực tập bên sa mạc Sahara, ngài hồi hương như "anh em hèn mọn của Phúc Âm". Từ đây, rong ruổi trên mọi nẻo đường từ thôn quê đến thành thị với chiếc xích lô, hoặc làm thợ hồ, thợ xây, anh em hèn mọn Nguyễn Kim Điền sống và rao giảng Phúc Âm giữa lớp người lao động, nghèo khó. Cuối năm 1960, bị Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm giám mục. Lm NKĐ từ chối, nhưng vì đức vâng lời mà chấp nhận chức giám mục Cần Thơ, rồi Giám quản và cuối cùng Tổng Giám mục Huế. Trong bút ký ghi ngày 8 tháng 12 năm 1960, linh mục Nguyễn Kim Ðiền viết: "Chân thành mà nói, tôi khổ tâm mà không thể hiểu nổi. Ðại diện Toà Thánh nói rằng tôi không có thể khước từ. Tôi xin chấp nhận sứ mệnh này như lời mời đón nhận Thánh Giá..." Và Thánh Giá thực sự chờ giám mục Nguyễn Kim Điền. Đức cha tiếc không được tiếp tục làm anh em hèn mọn của Phúc Âm để đồng hành với người lao động, vời đám dân nghèo. Nhưng đâu Đức cha có ngờ rằng, trong cương vị Tổng Giám mục, ngài sẽ phải/được tiếp tục phục vụ con người nghèo khó, con người bị áp bức trong những điều kiện khắt khe gấp bội. Khắt khe như chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà. Đòi Tự do Tôn giáo Thực sự và quyền bình đẳng công dân. Như mọi người đều biết, chính quyền mới đã sớm lột mặt nạ. Chủ trương trường kỳ kháng chiến, nhưng vừa nắm được chính quyền, đảng CS Việt Nam vội vã thu vét (miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng), áp đặt, đàn áp. Và cũng từ đây, Đc Điền đối xử với họ theo việc họ làm. Hai dịp cho phép ngài lên tiếng. Một cách nhẹ nhàng nhưng đanh thép, bất ngờ, khác nào ngọn lửa bừng lên giữa đêm đen hay nhát búa giáng xuống tảng băng cứng lạnh. Phát biểu ý kiến ngày 15.4.77 [3]. Ngày 15.4.77, một buổi họp do Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên và Tp Huế tổ chức, nói là để thông báo, kỳ thực là để học tập cải tạo tại chỗ, nhân vụ chính quyền bắt giữ 6 nhà sư của Phật giáo Việt Nam Thống nhất hệ phái Ấn Quang tại Tp Hồ Chí Minh. Được mời phát biểu, Đc Điền không đi vào nội dung [4] sự kiện mà người của UBND Tp HCM vừa trình bày : “Cá nhân tôi, tôi không có ý kiến gì cả. Vấn đề quảng bá tin tức, cắt nghĩa lý do là nhiệm vụ của chính phủ. Tôi chỉ muốn san sẻ với các vị lãnh đạo Phật giáo những kinh nghiệm mà trước đây chúng tôi đã phải chịu trong vụ Vinh Sơn”. Rồi Đc Điền lấy giả thuyết tồi tệ nhất cho phía các tôn giáo : “Chúng tôi chắc chắn là không có ai trong buổi họp có thể chấp nhận hành động được diễn tả trong bản thông cáo của chính phủ”. Nói một cách khác, cứ cho là sự việc đã xảy ra đúng như chính quyền thông cáo (mà có ai đủ ngây thơ để tin chính quyền đây ?), cứ cho là có những kẻ dựa vào tôn giáo để xách động này nọ đi, “Sự kiện mà chính phủ vừa giải thích và trình bày cho chúng ta nghe, chỉ là một sự kiện đơn độc”. Như muôn vàn sự kiện tốt xấu xảy ra hàng ngày trong xã hội, có thể chạy tít lớn trên trang 1 của báo chí nhưng chẳng có gì đáng cho chính quyền các cấp phải làm rùm beng ! Và đây, tiếng sấm nổ vào lỗ tai chính quyền : “Nhiều chuyện như vậy đã xảy ra và còn sẽ xảy ra trong tương lai, nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân căn bản của nó. Theo thiển kiến của chúng tôi, nếu thực ra có những cộng đồng tôn giáo gây rối loạn chăng nữa, chỉ vì không có tự do tín ngưỡng. Thẳng thắn mà nói, tôi không thoả mãn với chính phủ về chánh sách tự do tín ngưỡng”. Rồi ngài kể ra một loạt những hạn chế, truy bức, vu khống, mạ lỵ… Riêng người công giáo “có cảm tưởng mình là công dân hạng hai”, “trong giới công nhân, công viên chức, bịnh viện hay giáo viên, thường người công giáo được cho là tiên tiến ; nhưng chắc rồi cũng không tiếp tục làm việc được, vì là công giáo. Đi xin việc làm hoặc bị từ chối, hoặc gặp khó khăn trong việc làm, muốn biết căn do thì được rỉ tai cho biết là bỏ đạo hay đừng đi nhà thờ nữa là êm xuôi”. Phát biểu ý kiến ngày 22.4.1977. Một tuần sau, ngày 22.04.77, có cuộc họp Góp ý kiến vào bản dự thảo “Đề cương báo cáo của Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên”. Đc Điền lấy làm vinh dự được mời tham gia đóng góp ý kiến, cám ơn Ban tổ chức và coi đây là một việc làm có tính cách cởi mở, mới mẻ “vì Đảng và Tôn giáo không đi chung với nhau”. (Cử toạ đột xuất vỗ tay!) Với tư cách là người lãnh đạo tôn giáo, Đức cha góp ý về Chính sách tôn giáo của Đảng. 1) Về cách tiếp cận vấn đề tôn giáo trong bản Đề cương, đức cha thấy tôn giáo chỉ được nhắc tới 2 lần. Một lần, trong mục “phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân” có nói đến “đoàn kết các tầng lớp nhân dân” trong đó có đồng bào các tôn giáo. Một lần nữa khi nói về “củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh, chính trị và trật tự xã hội” sau khi đã kể ra bao nhiêu tội phạm và các âm mưu phá hoại…”. 2) “Để tránh những lo âu và cảm tình không mấy tốt của đồng bào có tôn giáo đối với Đảng”, Đức cha “đề nghị đem chỗ nói về chính sách tôn giáo lên mục B, nơi nói về “phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. Nhận xét của Đc Điền lật tẩy ý đồ của Đảng : khi Đảng nói chính sách tôn giáo, phải hiểu chính sách đàn áp tôn giáo. Nếu không, tại sao đặt tôn giáo vào mục an ninh chính trị, xã hội và xếp hoạt động tôn giáo bên cạnh những âm mưu phá hoại và mọi thứ tội phạm? Thực tế là chính quyền đang đàn áp tôn giáo. Đức cha đơn cử một việc mới xảy ra trước đó mười ngày. Ngày Chúa nhật 10-4-1977 là ngày lễ Phục sinh của Công giáo, một ngày lễ lớn, được chuẩn bị bằng cả một tuần trước. “Xã Hải Trí phải làm thuỷ lợi trong thị xã Quảng Tri. Huyện cho làm trong 10 ngày nhưng xã rút xuống còn năm ngày để thi đua. Mỗi thôn được chia phần của mình và sẽ phát động lao tác vào sáng Chúa nhật. Ngày thứ bảy, thôn Trí Bửu (hầu hết là công giáo) đã đệ đơn xin xét lai cho đồng bào công giáo có giờ đi cử hành nghi lễ đạo, rồi sau đó sẽ đi làm, nếu không kịp thì xin làm đêm nữa. Nhưng xã không cho (…). Có người nói với xã xin xét lại, vì nếu đồng bào họ không tuân lệnh, thì tổn thương phần nào uy tín của chính quyền địa phương. Như hôm lễ Giáng Sinh 76, thôn Trí Bửu cũng đã không đi làm vì họ phải đi lễ. Nhưng xã cương quyết không xét lại… Thì rồi, thôn Trí Bửu lấy quyền nhân dân làm chủ nên không đi làm thuỷ lợi hôm đó, mà đi lễ hết. Ngày hôm sau họ huy động cả thôn ra lảm thuỷ lợi thì thay vì năm ngày, họ làm trong hai ngày rưỡi là xong. Nghe nói xã định tuyên dương họ, nhung họ không nhận vì họ không tuân lệnh đi làm trong ngày lễ Chúa Phục Sinh hôm đó”. Những trường hợp cụ thể như trên cho phép khẳng định một cách khái quát : “Chỉ có tự do tín ngưỡng thực sự thì những người có tín ngưỡng mới sống thoải mái, hạnh phúc trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà thôi” ! Đảng và Nhà nước chủ trương tự do tín ngưỡng bằng văn bản, sắc lệnh. Đã có tới 5 sắc lệnh và thông tư. “Nhưng trong thực tế vẫn có những khẩu lệnh đi ngược lại với chính sách”. Hai bài phát biểu trên mở đầu cho mười năm gian khổ của một công dân giám mục, vốn kín đáo, gần gũi với những con người lao động, những tầng lớp thấp kém trong xã hội hơn là những kẻ có quyền lực, nay bị lịch sử đẩy ra sân khấu của thời cuộc. Chính quyền ra tay Đây là khoảng thời gian chính quyền bắt đầu đặt vấn đề với ngài. Đặt vấn đề vì trước đó ngài đã tỏ thái độ rất tích cực với những lời nói tốt đẹp của chính quyền. Rồi từ đặt vấn đề đến trù dập trong suốt 10 năm trời. Mặt trận Tổ quốc Tp HCM can thiệp bằng cách đi kiện Đc Điền trước Đc Bình. Ngày 06.08.1977, ông Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch UBMTTQVN/Tp HCM, kính gửi "Ông Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo phận Tp HCM" một bản "NHẬN ĐỊNH VỀ HAI BẢN VĂN ghi lại lời phát biểu của TGM Nguyễn Kim Điền. Ông Chì ra bộ ngây thơ. Ông không biết hai phát biểu kia có phải của Đc Điền. Nếu là của Đc Điền, không biết Đức cha có muốn cho phổ biến không? Ông chỉ biết hai bản văn kia đã được phổ biến rộng rãi trong nước, là chẳng những trong giới Thiên Chúa giáo, mà cả Phật giáo nữa. Nếu chỉ có thế, ông cũng chẳng lo, vì còn nằm trong tầm tay đàn áp của ông. Tiếc cho ông, nó lại được phổ biến rộng rãi ở ngoại quốc. Vì húy kỵ, ông nói "một số nơi khác". Điều chắc chắn, đối với ông, đó là một hành động phản bội, bỉ ổi "lợi dụng tự do tín ngưỡng". Sau khi hát đi hát lại bài tự do tôn tín ngưỡng, tự do tôn giáo, lương giáo đoàn kết, toàn dân một lòng v..v… Ông lên án: Chúng tôi cho rằng: người ta không thể nhân danh tự do tín ngưỡng, nhân danh Chúa, nhân danh Phật để cho phép mình làm, hoặc là bênh vực cho những hành động bỉ ổi xấu xa nhất, phi đạo đức nhất. Chúa và Phật cũng như đồng bào các tôn giáo và những hàng giáo phẩm chân chính nhất định sẽ không cho phép làm như thế. Những người làm như thế, bênh vực như thế, không những làm mất phẩm giá của mình, mà còn làm mất phẩm giá của đồng đạo, của đạo lý mà chính tác giả hai bản văn đang tín ngưỡng. Làm như thế là nhân danh tự do tín ngưỡng để khuyến khích mọi hành động phản cách mạng, mọi hành động xấu xa phi đạo đức. Chúng ta tin tưởng đồng bào có đạo cũng như các hàng giáo phâm chân chính trong tôn giáo sẽ kiên quyết chống lại những thái độ và hành động như thế. Đàn áp tôn giáo trắng trợn: Nghị quyết 297/CP Hơn 3 tháng sau, chính sách đàn áp tôn giáo được chính quyền ngang nhiên ghi trên giấy trắng mực đen với Nghị Quyết 297/CP Hội đồng Chính phủ ra ngày 11.11.1977. Từ đây, không còn là không có tự do tôn giáo thực sự nữa. Mà là đàn áp tôn giáo trắng trợn. Nghị quyết 297 áp dụng cho Miền Nam chính sách đàn áp tôn giáo đã thực hiện tại Miền Bắc từ 1955, với Sắc Lệnh 234 khá cởi mở… trên giấy tờ. Bây giờ thì trên giấy tờ cũng không còn nữa. Đánh giá Nghị quyết này, Đc Điền nói: Nghị quyết 297/CP là cái “thòng lọng” để thắt cổ chúng tôi mà thôi Đúng thế: Ngày 16.3.1979, UBND tỉnh ra quyết định tổ chức lại Đại chủng viện Huế: "Trường phải nhằm đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo tốt (…) và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Vì thế trường sẽ "do hệ đại học chuyên nghiệp quản lý", "tổ chức và nội dung giảng dạy" cũng như "quy hoạch đào tạo v.v…" phải được Ủy ban Nhân dân tỉnh xét duyệt. Ngày 13.12.1979, đến lượt Tiểu chủng viện bị công lập hóa. Đức cha trả lời dứt khoát: Ơn thiên triệu làm linh mục hoàn toàn thuộc quyền Thiên Chúa và Hội Thánh có trách nhiệm xét đoán, xác nhận mỗi ơn thiên triệu để truyền chức thánh. Các chủng viện Công giáo được thiết lập trên những nguyên tắc mà Hội Thánh đã quy định trong Giáo luật về Tiểu chủng viện và Đại chủng viện (Giáo luật các số 1358-1371). Hội Thánh phải được tự do trong việc chọn lựa đào tạo chủng sinh, việc truyền chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển các linh mục (Sắc lệnh về đào tạo linh mục). Những nguyên tắc và quy luật trên là kinh nghiệm ngàn năm của Hội Thánh nói chung và của Giáo phận Huế từ mấy trăm năm qua nói riêng. Nhà nước áp dụng Nghị quyết 297. Đc Điền khẳng định quyền và bổn phận của Hội Thánh. Đàn áp là quyền và lực của nhà nước. Giáo hội dù bị đàn áp tới đâu cũng không thể nhượng bộ một phân ly nào về căn tính của mình. Nhưng đây chưa phải là âu lo lớn nhất của Tgm Huế. Mối âu lo lớn nhất của Tgm Nguyễn Kim Điền: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước. Chính quyền thẳng tay đàn áp tôn giáo là chuyện tất yếu nằm trong bản chất của nó. Điều khiến Đức cha lo ngại nhất là chính người trong Giáo hội phá Giáo hội. Những người do chính quyền gài vào bằng nhiều cách, từ lâu, từ lúc còn tấm bé, hoặc bị mắc bẫy cách này hay cách khác (tình, tiền, quyền) nhằm quốc doanh hóa Giáo hội và thành lập Giáo hội tự trị, tách rời khỏi Giáo hội hoàn vũ như bên Trung cộng. Chính trong mối lo âu này mà Đức cha tương đối cô độc. Những người công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình ngoài Bắc. Ở miền Bắc trước 75 đã có “Hội liên lạc những người Công giáo yêu nước và hoà bình” thành lập hồi tháng 3.1955. Đây là công cụ Nhà nước dùng để phá đạo, bách hại đạo từ bên trong. Ai chống lại nhóm đó bị coi là chống lại nhà nước. Người Công giáo chịu bao khốn khó, tù đầy cũng là do nhóm này. Hai linh mục nổi tiếng của nhóm: Nguyễn Thế Vịnh và Võ Thành Trinh. Cũng may nhóm này gồm toàn những linh mục hay giáo dân được lựa chọn ở những thành phần không đạo đức, nên ít ai theo; họ có cái quyền của nhà nước, mà họ lại dốt nát, nên càng dữ tợn, người ta vừa sợ, vừa biết bộ mặt của họ. Vì thế, nhóm đó đã sắp tàn nếu không có miền Nam đến tiếp sức và hồi phục nó dưới nhãn hiệu mới. Ủy ban Đoàn Kết Công giáo Yêu nước Tại miền Nam, ngay sau ngày 30.4, linh mục Nguyễn Đình Thi đã chuyển tờ Công giáo và Dân tộc về cho linh mục Trương Bá Cần. Báo đã ra mắt số đầu tiên tại Sài Gòn với giấy phép của Bộ Văn Hóa Thông tin chính phủ cách mạng Lâm thời ngày 4.7.1975. Đầu năm 1980, có Ủy ban Vận đông Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gọi tắt là Ủy ban Vận động Công giáo (UBVĐCG) Tháng 8.1983, có Hội nghị Ủy ban Liên lạc Công giáo Toàn quốc (UBLLCGTQ) tại Tp HCM quyết định triệu tập Đại hội những người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Hòa bình. Đại hội đã họp tại Hà nội từ ngày 8 đến 10.11.1983 và thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam. Vì thế Đại hội những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Hoà bình cũng được gọi là Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam. Lm Nguyễn Thế Vịnh làm chủ tịch UBLLCGTQ, nhưng đầu não của Ủy ban là 4 linh mục đã được 'đảng xây dựng' như chính họ công nhận: Cần Từ Minh Bích. Là những ngưới trí thức, mấy ông này tế nhị, hiền từ chứ không hung hăng như mấy ông miền Bắc trước kia. Để chính danh, phải gọi là Ủy ban Đoàn kết Linh mục Yêu nước. Còn giáo dân yêu nước thì chính quyền dùng vào việc khác hữu hiệu hơn, chẳng hạn làm trong Ban Tôn giáo chính phủ. Ủy ban tuy lèo tèo nhưng rất mạnh: sức mạnh của ông chủ nó. Ngày 19.10.1983, Đức cha Nguyễn Kim Điền đã gửi thư cho linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc, phản đối ý đồ thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam. Ngài viết: "Ai cũng biết Ủy ban Liên lạc Công giáo ở Trung Quốc đã biến thành Giáo hội Tự trị, tách lìa khỏi Giáo hội tông truyền Rôma. Đương nhiên, Đức cha thừa biết ngài không thể ngăn chặn được việc đó, vì đây là một cơ quan do chính quyền thiết lập. Nhưng bổn phận của ngài và của mọi giám mục là phải ngăn cản. Ngài cấm các linh mục Giáo phận Huế tham dự. Và treo chén linh mục Nguyễn Văn Bính, dưới quyền ngài, vì đã gia nhập UBĐKCGYN. Những lý do khiến Tgm Huế chống lại việc thành lập UB này sẽ được nhắc lại cách chi tiết cho các linh mục quốc doanh trong một dịp gặp linh mục Huỳnh Công Minh. Nói với các linh mục trong UBĐKCG. Linh mục Minh, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBĐKCGYN VN có tới gặp Đc Điền, xin tha vạ cho linh mục Nguyễn Văn Bính. Đức cha trả lời: Người muốn tha phạt linh mục Bính nhất, chính là Tgm Huế. Tuy nhiên, là linh mục, chắc Huỳnh Công Minh dư biết: Giờ phút nào linh mục Bính không theo UBĐKCGVN nữa, thì tức khắc khỏi vạ ngay. Nhân dịp này, Đc Điền nói với linh mục Huỳnh Công Minh để ông về nói lại với các đồng chí của ông: 1)Đảng cộng sản dùng họ để phá Giáo hội. Hãy đọc Bài mười một "Chủ nghĩa Xã hội và Tôn giáo" trong quyển CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC, chương trình trung cấp. Nhà xuất bản sách Giáo khoa Mác-Lênin, Hà Nội 1978, trang 18: “Nhà nước xã hội chủ nghĩa đoàn kết các tổ chức tôn giáo trên cơ sở lợi ích chung, trong một mặt trận dân tộc thống nhất, cùng toàn dân đấu tranh cho độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội, đồng thời xây dựng giáo hội độc lập, thoát ra khỏi sự lệ thuộc của giáo hội nước ngoài". Chính sách là thế. Họ phải đem thực hành, như các nước xã hội chủ nghĩa khắp nơi, điển hình là Trung Quốc. Nếu các linh mục việt nam mình không làm "giáo tầu da… chệc, củi đậu nấu đậu" thì Nhà nước sẽ thành lập cách khác. 2) Thực tế thì UBĐKCGYNVN đã tỏ ra mình độc lập với Giáo Hội rồi: a- Ủy ban Liên lạc Công giáo Yêu nước đã biên thư mời trực tiếp các linh mục họ nhắm để vào UBĐKCGYNVN mà không qua các Giám mục, lại nhờ Nhà nước làm áp lực bảo các giám mục phải tạo điều kiện cho các linh mục kia đi họp tại Hà Nội vào cuối năm 1983. b- Linh mục Nguyễn Văn Bính (Huế) là LM điển hình của LM UBĐKCGYNVN, bất chấp Giáo luật 278c và Tuyên cáo của Thánh bộ Giáo sĩ 8-3-1982, bất kể khuyến cáo của GM mình, còn ngạo ngược xin GM mình cấp cho giấy phạt vạ trước để đi họp thành lập UBĐKCGYNVN nữa; khi bị phạt rồi còn thách thức là mình không bao giờ đổi ý rút tên khỏi UB kia, chỉ chờ GM đổi ý sửa sai thôi. TGM Huế không muốn có một LM như thế trong giáo phận. c- Về mặt tự trị, thì thực tế Nhà nước chỉ xem UBĐKCGYNVN là giáo hội chính thức. Bằng chứng: Tết năm 1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng vào ăn Tết ở Huế, thì chính quyền địa phương chỉ mời LM Nguyễn Văn Ngọc (có cả lòng đi họp UBĐKCGYNVN lần đầu mà khi về thì bị cất chức Quyền Tổng đại diện và Cố vấn của Giáo phận) làm đại diện cho giới Thiên Chúa giáo tỉnh Bình Trị Thiên mà không đếm xỉa gì GM sở tại. Mấy mươi năm qua, các linh mụctrong Ủy ban Liên lạc Công giáo Yêu nước, và chỉ có các ngài, được đi họp quốc tế như là đại diện Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Ngày nay, bổ nhiệm, thuyên chuyển hay phong chức linh mục chẳng hạn… nếu không có “placet” của UBĐKCGYNVN thì không xong. d- Tại sao chính sách Nhà nước là diệt đạo, mà logích là các linh mục đều bị chèn ép mọi mặt, còn linh mục thuộc UBĐKCGYNVN được ưu đãi đủ cách? Nhà nước lại tổn phí hằng mấy triệu bạc để giúp thành lập UBĐKCGYNVN vừa qua? Và GM chống đối việc thành lập Ủy ban đó thì bị thẩm vấn 120 ngày? TGM Huế nói tiếp với linh mục Minh là ngài không tin linh mục sẽ làm những điều chống đối Hội Thánh công khai đâu, nhưng thế hệ sau linh mục Minh hay kế tiếp sau nữa kìa…, vì đã là công cụ cho chính sách Nhà nước rồi. Do đó, TGM Huế thấy, theo lương tâm mình, cần phải báo động công khai, dù chỉ đơn độc một mình. Vì TGM Huế không muốn gián tiếp tham gia vào việc phá Giáo hội. (Thư gửi hai đài Vatican và Veritas ngày 10.5.1985). Nhưng thế hệ sau: một lời báo động đáng cho chúng ta hôm nay phải giật mình. (UBĐKCG hết thời hay ít hiệu quả hơn, thì chính quyền làm cách khác: UBĐK hóa hàng Giáo phẩm: diễn tiến sự việc xảy ra đúng như nhận xét của Đc Điền. Dễ hiểu: lôgích của Đảng). Tương đối cô đơn nhưng được nâng đỡ Đc Điền nói với Huỳnh Công Minh: "TGM Huế thấy, theo lương tâm mình, cần phải báo động công khai, dù chỉ đơn độc một mình". Sự thể ra sao? Đức Giám mục Ban Mê Thuột hoàn toàn ủng hộ lập trường của TGM Huế. Sau khi vài linh mục của ngài đi tham dự cuộc họp thành lập UBĐKCG tại Hà Nội về, thì ngài bảo họ phải rút ra khỏi cho mau. Các linh mục đó làm đơn cho ngài xin vâng phục mà đồng thời chính quyền cũng lại biết điều đó, nên gọi Đức Cha ra công an và cấm Đức Cha không được cản người ta như vậy, và nếu ngài muốn tự do đi kinh lý trong giáo phận thì sẽ được với điều kiện đừng cấm cản việc kia. Đức Cha Xuân Lộc thì nói: các anh đi họp Hà Nội trong lúc tôi nằm bệnh viện. Nhưng bây giờ anh nào ra mặt hoạt động thì sẽ biết tôi! Theo một giáo dân trong UBĐKCG nhận định, thì trong số 142 LM tham dự, nay chỉ có chừng vài LM là theo hẳn Ủy ban ấy thôi, còn lại thì vì sợ không dám công khai rút ra, nên chỉ theo cách tiêu cực. Nhưng phải ghi nhận: trong toàn Hội Thánh tại Việt Nam, chỉ có 1 linh mục bị treo chén vì gia nhập UBĐKCG, linh mục Nguyễn Văn Bính. Thực tế chỉ có Đc Điền cấm ngặt các linh mục dười quyền ngài tham gia UBĐK. Việc chống đối quyết liệt UBĐKCG là nguyên do chính khiến chính quyền trù dập Tgm NKĐ và nhiều người khác. Đặc biệt những người cộng tác gần gũi của ngài như lm Nguyễn Văn Lý, lm Trần Văn Quý, nữ tu Trương Thị Lý bị thẩm vấn, bắt bớ, giam cầm. Nhưng: "Các linh mục bị đi “làm việc” như thế nói các ngài đau khổ cho phần mình thì ít, mà xót xa cho Bề trên thì nhiều. Tất cả an ủi nhau để kiên tâm chịu tử đạo mòn vì Chúa". Các linh mục Huế cho là vì linh mục Nguyễn Văn Bính bị phạt treo chén, nên chính quyền đã trả thù bằng cách tàn phá, bắt bớ Giáo phận Huế. Các ngài e sợ TGM Huế đau lòng trước áp lực, rồi mềm đi chăng, nên hết vị này tới vị kia đến thăm chừng, coi Đức Cha có nao lòng mà nghĩ đến việc đấu dịu hay đầu hàng chăng. Các ngài khẳng định: chúng con vui lòng chịu bắt bớ, xin Đức Cha đừng vì chúng con mà bỏ cuộc. Chúng con cầu nguyện thêm để Đức Cha trung kiên đến cùng". Và Đức cha đã trung kiên đến cùng. Lời trăn trối: Thư Chung gửi Tổng Giáo phận Huế ngày 19-10-1985 Kính gởi các Linh mục, Tu sĩ nam nữ và Anh Chị Em tín hữu Giáo phận Huế Anh Chị Em rất thân mến Năm 1971, tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, tôi có phát biểu: “Đã có những Giám mục chịu chết vì bênh vực quyền lợi của Hội Thánh. Nhưng ngày nay có Giám mục nào dám chịu chết để bênh vực quyền lợi của con người không?” Hạnh phúc thay, hôm nay chính tôi được Chúa gọi để chịu tù ngục, chịu chết vì bênh vực nhân quyền, chân lý và công bình. “Sắc lệnh về Tôn giáo” đã ký tại Hà Nội ngày 14-06-1955 do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh và Chủ tịch Quốc hội Phạm Văn Đồng, chương bốn, điều 13: “Chính quyền dân sự không can thiệp vào nội bộ Tôn giáo. Những liên hệ giữa các Giáo hội Công giáo Việt Nam và Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ”. Điều 14: “Các tổ chức Tôn giáo phải tôn trọng luật pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như mọi tổ chức nhân dân khác”. Tuy nhiên, nếu luật pháp đi ngược với ý Trời, chà đạp các quyền của con người, trong đó có quyền tối thượng là tự do tín ngưỡng, thì như trong biên bản làm với Công an Bình Trị Thiên ngày 15-10-1984, tôi đã khẳng định: “Như các Thánh Tông đồ ngày xưa và các Thánh Tử đạo trải qua các đời, tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn tuân luật pháp của con người”. Dĩ nhiên hậu quả sẽ là tù ngục và chết chóc. Hậu quả đó, chủ chăn của Anh Chị Em hôm nay sẵn sàng và vui lòng đón nhận như phần thưởng Chúa ban sau 25 năm Giám mục mà đã 22 năm được phục vụ Giáo phận Huế. Khi tôi bị bắt rồi, thì xin Anh Chị Em đừng ai tin lời khai nào, dù có kèm theo chữ ký mà người ta kể là của chính tôi. Giờ đây chỉ còn một việc là tôi tha thiết xin Anh Chị Em cám ơn Chúa với tôi, đồng thời tăng thêm và tiếp tục cầu cho tôi được tuyệt đối trung thành với Chúa và Hội Thánh cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi xin phó thác Anh Chị Em trong tay Chúa và Đức Mẹ La Vang. Thân ái chúc lành cho Anh Chị Em. Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. Huế ngày 19 tháng 10 năm 1985 Ph. Nguyễn Kim Điền. Tổng Giám mục Huế. Kết Sau 120 ngày bị thẩm vấn, hồi 1984, mặc dầu là Tổng Giám mục giáo tỉnh miền Trung, ngài không được phép đi thăm viếng các giám mục thuộc giáo tỉnh, các giám mục khác cũng không được tới thăm ngài, ngài không được phép đi họp hội nghị thường niên của HĐGM/VN, không được phép ra khỏi chu vi Tp Huế để thăm các giáo xứ và làm các công tác căn bản của một giám mục. Ngày 08.06.1988, 11 ngày trước lễ Tuyên Hiển thánh của 117 Chân phước Tử đạo Việt Nam, Đức cha đã qua đời tại bênh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Theo những nguồn tin khả tín, Đức cha bị đầu độc. Nếu ngài bị đầu độc thì ngài là một vị tử đạo. Nếu không, thì ngài cũng vẫn là một vị tử đạo, nhưng tử đạo cách đau thương hơn, tử đạo triền miên như bao nhiêu con cái Chúa dù bị hành hạ, chèn ép, lăng nhục, đánh đập, vẫn hiên ngang, vui tươi và kiên vững, tử đạo mòn. Mỏi mòn Tin, Cậy. Hôm nay đây, tiếng nói nóng bỏng của cố Tổng Giám mục NKĐ tiếp tục vang dội trong lòng Giáo hội và Đất nước. Có lẽ vang dội hơn khi nào hết. Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, Hoàng sa, Trường sa, Dân oan... Tôi vui mừng vì một linh mục công dân rất già đã có lúc im hơi sau một đời tranh đấu nay lại gióng lên tiếng nói báo động. Tôi giật mình thấy bên cạnh những người liều mình đấu tranh cho tự do dân chủ, cho chủ quyền đất nước, có hai linh mục già thông thái, đạo hạnh bao nhiêu năm tháng chuyên chú vào khoa Kinh Thánh học, mà nay 'xuống núi', nhập cuộc, như chẳng còn biết dè dặt, khôn ngoan là gì nữa. Lại nói năng thẳng thừng như không biết đến 'bác ái'. Chứng tỏ hoàn cảnh cấp bách đến chừng nào. Đây là thời điểm của Caritas in Veritate. Bác ái trong sự thật, bác ái vì sự thật. Không phải thứ bác ái nhạt thếch, bác ái nước bọt mà là bác ái thí mạng, bác ái nẩy lửa. "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà" (Mt 10, 34-36). Đó là một mẩu tin mà người kitô hữu gọi là Tin Mừng, Tin Lành; một lời mà người công giáo gọi là Lời Chúa. Thì ra bình an của Chúa khác với bình an của thế gian. Bình an gươm giáo. Và Nhà nào? Nhà Chung? Nhà Thờ? Nhà xứ? Nhà Chùa? Nhà Dòng? Nhà Nước? Câu trả lời thuộc trách nhiệm của mỗi chúng ta. Xin cảm ơn Quý vị và các Bạn.
31.10.2010. [1] Lấy lại từ Echange France – Asie, Việt Nam, Janvier 1987. [2] Coi Chứng từ của Trần Đông Phong. [3] Mỗi lần phát biểu về, Đc Điền ghi lại. Ngài viết :“Có thể khi phat biểu ứng khẩu câu văn và nhiều từ không được ‘nguyên văn’ như trong bài ghi lại. Nhưng tôi cam đoan về ý và thứ tự các ý nghĩ thì trung thực”. Đức cha quá biết, mỗi lời phát biểu có thể bị người ta cố ý xuyên tạc. [4] Về nội dung sự kiện, đây là chứng từ của HT Thích Quảng Độ : “Tình hình mỗi ngày một căng thẳng và ngày 3.3.1977 đã đến điểm cao nhất khi cộng sản đến chiếm dụng cô nhi viên Quách Thị Trang ở đường Trần Quốc Toản (phía sau Việt Nam Quốc Tự mà trước đó họ đã chiếm rồi và bây giờ một rạp chiếu bóng rất lớn đã được xây lên tại đó), giật tấm bảng mang danh hiệu GHPGVNTN và liệng xuống lề đường. Ngay 11 giờ hôm ấy, nhân danh Tổng thư ký Viện Hoá Đạo, tôi đã ký một thông tư kêu gọi tăng ni sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đạo pháp và danh dự Giáo hội. Đến ngày 6.4.1977, TT Huyền Quang và tôi cùng một số vị khác bị bắt vào nhà tù Phan Đang Lưu ở Bà Chiểu Gia Định. Ít lâu sau, tôi được biết cố thương toạ Thích Thiện Minh cũng bị bắt và đã chết một cách bí ẩn tại sở Công an Sài Gòn ở đường Trần Hưng Đạo” (Phật giáo Thống nhất/Thống nhất Phật giáo. Nxb Tin, Paris 1994, tr. 26)
|