Lịch Sử Giáo Xứ Cồn Dầu |
Tác Giả: Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng | |||||||||||||||||||
Thứ Bảy, 30 Tháng 10 Năm 2010 09:22 | |||||||||||||||||||
Vào thời bao cấp, hợp tác xã nông nghiệp Hòa Xuân, nơi có thôn Cồn Dầu, luôn đi đầu về nhiều phong trào sản xuất và văn hóa. Vậy mà giờ đây, họ đang bị buộc phải lìa quê cha đất tổ để đi vào một tương lai bất định, nhường chỗ cho những người giàu có và quyền thế.
Vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã thống nhất được đất nước nhưng con cháu ngài lại không có khả năng an dân : đối ngoại thì áp dụng chính sách “bế quan toả cảng”, làm ngơ trước bao bản Điều Trần đầy tâm huyết của những người thức thời như Nguyễn Trường Tộ xin canh tân đất nước, tiếp thu văn minh khoa học năm châu ; đối nội thì đàn áp và bách hại tín hữu công giáo, coi họ như thù địch. Giáo dân cả nước phải lao đao trong vòng tù tội vì các sắc chỉ cấm đạo, các chính sách tàn ác như “phân tháp”, chia để trị. Vào thời Champa, khu vực Đò Xu là một bến cảng quan trọng. Di tích Chăm đã được người Pháp phát hiện tại vùng bắc Cẩm Lệ. Nhưng trong kế hoạch đô thị hóa vừa qua, tiếng báo động về văn hóa không át nổi tiếng xe ủi, máy xúc. Tất cả bị vùi lấp, san bằng, chia lô.
Vài trăm năm trước, ở mạn Nam dòng Đại Giang (sông Cái Đò Xu hiện nay) có một vùng cát bồi hoang dã khô cằn dài độ 800 mét theo chiều Đông Tây, rộng chừng 600 mét ở đỉnh phía Tây và nhọn hẹp dần về hướng Đông, có hình như chữ V với nét bên phải kéo vẹt mạnh ra. Vùng cát bồi này, do dòng nước nguồn sông Cái Đò Xu chảy xiết trong bao mùa mưa lũ tạo nên, đã lấp dần một vũng cạn. Vùng đất này cùng với vũng cạn chưa có người khai phá và đứng nghiệp chủ sở hữu. Trên bãi cát bồi này mọc toàn các loại cây dại như giuỗi, sậy, lau lách…, vũng cạn tràn ngập cây bần, vẹt, đước, ô rô, lát…, những loại cây thích hợp với thổ nhưỡng phèn mặn. Từ xa, người ta có thể thấy sừng sững một cây Dầu Lai đại thụ cao ngất nổi bật trên bãi cát bồi (Cồn) về hướng Tây Nam. Đó là giả thuyết thứ nhất về lai lịch Cồn Dầu, cồn Giu hội. Giả thuyết thứ hai : nơi đây tập trung nhiều ghe thuyền họp chợ bán dầu rái, dùng trét thuyền khỏi thấm nước. I. Buổi sơ khai với những người lánh cư Vào thời vua Tự Đức cấm cách, có hai gia đình ngư dân công giáo Bắc Kỳ tên Phan Văn Đô và Hồ Văn Bạn xuôi thuyền vào Nam lánh cơn bách hại. Họ đã dừng chân ở đây, sinh sống bằng nghề bắt cá ven sông Cái Đò Xu Cẩm Lệ và vũng cạn nói trên, họ thường ghé thuyền vào cồn cát bồi giặt giũ phơi lưới trên khu đất cao cạnh sông Cái nay là đất thổ Soạn, thổ Lói. Dần dà tiện thể hai gia đình đã phát quang khẩn hoang một khu vực để che chái làm nơi tạm cư và trồng tỉa các giống hoa màu ngắn ngày như khoai, sắn, đậu, mè… nhưng chủ yếu vẫn sống bằng ngư nghiệp. Sau đó, một cậu trai trẻ người lương tên Đoàn Đào gốc Điện Bàn đến ở giúp việc cho hai ông Phan Văn Đô, Hồ Văn Bạn. Lúc này cồn cát bồi được khẩn hoang rộng thêm ra để trồng tỉa hoa màu kiếm thêm miếng ăn sinh sống. Khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội và kinh đô Huế vào năm 1884, phong trào Cần Vương do các Văn Thân chủ xướng với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả” nổi lên. Bình Tây thì ít mà Sát Tả thì nhiều, làm điêu đứng giáo dân địa phận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam, hai địa sở Phú Thượng và Trà Kiệu cương quyết tự vệ để tồn tại. Giáo dân từ các nơi lánh nạn về rất nhiều, trong đó có giáo dân Trung Tín và các họ đạo khác thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam…
KIẾN TẠO THÔN ẤP Dải đất Cồn Giu Hội và việc trưng khai sở hữu Sau khi vua Đồng Khánh “bình định” xong, giáo dân tiếp tục sống khổ sở vì tan gia bại sản. Nhiều người không thể trở về cố hương. Ở giáo xứ Phú Thượng, thấy dân không thể sống nổi với đất gò đồi, cha sở lúc ấy là Jean Maillard (cố Thiên) đã làm đơn xin chính quyền cho phép khai hoang vỡ hóa khu đất nhiễm phèn ở cồn Giu Hội. Những giáo dân đang gặp cảnh hoạn nạn nói trên đã tình nguyện đến khai canh vùng đất này. Từ nay dưới sự che chở của Giáo hội, họ an tâm làm ăn, chỉ nộp lúa theo thỏa thuận vừa phải để Giáo hội lo việc thuế má và các sinh hoạt khác thuộc phạm vi tôn giáo. Năm 1893, cố Thiên đã mua một dải đất 20 ha, chiều dài chừng 800 mét từ Nam ra Bắc và rộng chừng 200 mét ở phía Nam, 600 mét ở phía Bắc. Lô đất này thuộc sở hữu của làng Khuê Trung, trải dài từ Cồn Ba Đổi ra đến con đường làng chạy dọc từ Cống Vỗ Khổ kéo dài tới giáp giới làng Trung Lương ngày nay. Trong Bản án chế độ thực dân, tác giả Nguyễn Ai Quốc đã dành một chương công kích chủ nghĩa Giáo hội, trong đó lên án việc Giáo hội thủ đắc nhiều đất đai. Thực ra, việc thủ đắc không phải do chiếm đoạt mà do khai hoang vỡ hóa rồi giao cho dân nghèo đang sống trong chế độ phong kiến, nhằm bảo vệ họ khỏi bọn tham quan, cường hào ác bá, những họ tộc lớn đàn áp kẻ cô thế… Giáo hội lo những việc lớn như đắp đê, dẫn thủy nhập điền, thuế má, hỗ trợ khi mất mùa, thiên tai… Việc người dân có bổn phận đóng góp là chuyện công bằng. Đấy cũng là hình thức hợp tác hóa mà đất nước ta rầm rộ triển khai trong thế kỷ 20. Cuối cùng đất đai đang thuộc về ai ? Cồn Dầu là một điển hình.
Tuy vũng cạn là nơi có ưu thế cho việc canh tác nông nghiệp, nhưng nước mặn cứ vào ra theo triều cường thì không thể trồng tỉa gì được. Cố Thiên đã huy động đắp một bờ đập (chạy dài từ hướng Tây Nam đến Đông Bắc, dài chừng 1000 mét) và bờ đập Xem (hướng Đông Tây) để ngăn nước mặn. Công việc nầy sau đó được cha Tađêô Nguyễn Hữu Mừng tiếp tục với Cống Vổ Khổ. Kể từ đó, giáo dân Cồn Dầu làm được hai vụ lúa mỗi năm. Sau Tết âm lịch, nguồn nước ngọt còn dồi dào trên sông Hàn, người ta chọn ngày xả phèn rồi những nông dân kinh nghiệm sẽ thử độ ngọt và cho nước tràn vào đồng. Đây là một ngày hội, các loại cá, nhất là cá chép, “ức nước” tràn vào ruộng. Dân làng bắt được rất nhiều. Sau đó hai cống được đóng lại để ngâm rửa phèn. Rồi lại chọn ngày triều xuống để xả nước phèn lần nữa và chuẩn bị cày cấy. Sau năm 1975, một nữ ký giả từ miền Bắc vào đã viết vô tư rằng “hàng trăm mẫu đất được giao cho những người (ám chỉ các linh mục) không biết gì về nông nghiệp” ! Các bô lão thuộc thế hệ thứ hai, được sinh ra tại Cồn Dầu gốc (tức Cồn Giu Hội, xóm Nghĩa Địa hiện nay) như ông Nguyễn Năng (biện Quá) cho biết cố Thiên đã xin trưng khai toàn bộ bãi cát bồi Cồn Giu Hội cùng với vũng cạn bao quanh để lập làng quy dân định cư. Việc xin trưng khai này phải qua tỉnh Quảng Nam, thông qua Khâm Sứ Trung Kỳ (Résident Supérieur) và chính phủ Hoàng Gia An Nam duyệt khán. Tiến trình xin khẩn hoang lập làng phải mất nhiều năm mới hoàn tất. Các bô lão kể lại rằng cố Thiên đã phái người từ Phú Thượng xuống giúp canh giữ hoa màu và tiếp tục việc phát hoang khai phá thêm khu vực Cồn Cát Bồi. Theo lời cha Nguyễn Hữu Mừng, cựu quản xứ Cồn Dầu, chính ông ngoại của cha cũng từng đi canh giữ tại Cồn Giu Hội trong giai đoạn này. Năm 1885, cố Thiên được phép trưng khai lập ấp quy dân mở làng trên toàn bộ bãi cát Cồn Giu Hội và vũng cạn bao bọc chung quanh. Đồng thời tỉnh Quảng Nam công nhận quyền sở hữu 2,6 mẫu trung bộ của ông Đoàn Đào. II. CƠ SỞ THỜ TỰ 1. Thánh Đường tiên khởi
Năm 1895, sau khi mua được dải đất cựu điền Khuê Trung, ngôi thánh đường bé nhỏ ấy được dời về khuôn viên vườn nhà thờ hiện nay, cũng làm bằng tranh tre, cửa chính nhìn ra hướng Bắc. 2. Năm 1930 Thánh đường Cồn Dầu bằng tranh tre được thay thế bằng thánh đường mới do linh mục quản xứ Pierre Gallioz, tên việt là cố Thiết. Ngài đã mua lại khung sườn gỗ nhà thờ Nước Ngọt (Thừa Thiên), chở bằng xe lửa về ga chợ Hàn tại bờ sông Hàn (Đà Nẵng), rồi kết bè dưới sông, dùng ca-nô kéo về tận Cổng Vổ Khổ, thả dọc theo mương trong cánh đồng, đến gần sân nhà thờ thì vớt lên lắp ráp. Nhà thờ này xây bằng vôi, gạch, lợp ngói âm dương, khung sườn bằng gỗ lim đứng trên đá hoa cương chạm. Bên trong nhà thờ trải chiếu cói cho giáo dân ngồi, phía sau cung thánh tận trên cao đặt tượng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Vì thế trong suốt giai đoạn này, bổn mạng giáo xứ là lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Thánh đường mới được đổi hướng, mặt tiền nay quay ra cánh đồng về phía tây. Sau nầy, có lẽ do việc đức giáo hoàng Piô XII công bố tín điều Đức Maria Mông Triệu Thăng Thiên năm 1950, và sự kiện cha Tađêô Mừng đến nhận địa sở Cồn Dầu trong dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nên vào thập niên 60 của thế kỷ XX, cha Mừng đã đổi ngày bổn mạng giáo xứ sang ngày lễ này. Ngoài ra còn có hai công trình khác được xúc tiến dưới thời cố Thiết làm quản xứ : nhà xứ và lẫm nhà chung. 3. Năm 1960
4. Năm 2004 Hơn 100 năm qua, theo đà phát triển dân số, giáo dân Cồn Dầu cũng ngày càng thêm đông. Số tín hữu hơn 1.500 người đã trở thành quá tải cho ngôi thánh đường vừa chật lại vừa xuống cấp. Cha quản xứ Giuse Nguyễn Kinh đã huy động sức người sức của trong toàn giáo xứ, kể cả những người con ly hương, để xây dựng một ngôi thánh đường mới với dự kiến ban đầu là tân tạo từng phần. Song lòng nhiệt thành và tinh thần đoàn kết không cho phép giáo xứ dừng lại như dự kiến mà đã hoàn tất ngôi thánh đường vượt sức tưởng tượng. Trong ngày khánh thành mọi người có mặt đều phải thốt lên : Chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi ! III. Một số công trình nổi bật 1. Cô nhi viện Cố Thiên đã lập một cô nhi viện tại khu vực nay là nhà ông Nguyễn Thức (con ông Huấn) để nuôi nấng và dạy dỗ những trẻ mồ côi hoặc cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng. Trên trăm năm về trước, những khu vực lân cận Cồn Dầu vì phèn mặn, khô hạn, nên kinh tế rất khó khăn, thuốc men không có. Số trẻ em không cha mẹ, không nơi nương tựa rất nhiều. Cô nhi viện hay còn gọi là nhà mồ côi tại Cồn Dầu là một cơ sở từ thiện nhằm cung cấp nơi ăn ở học hành cho những trẻ em kém may mắn này. Khốn thay, cơn bão lớn năm 1915 và trận lụt khủng khiếp năm 1917 đã làm cho hầu hết trẻ em nhà mồ côi bị tử vong, cơ sở bị sụp đổ không tái lập được nữa. 2. Giao thông Bờ Họ : Con đường băng ngang cánh đồng nối liền Cồn Giu Hội và khu vực thánh đường. Từ ngày thành lập cho đến năm 1955, việc qua lại giữa hai khu vực đều bó buộc phải đi giữa cánh đồng. Con đường này chật hẹp và lầy lội, ngập nước quanh năm. Nó chỉ là một lối mòn giữa những đám ruộng nước. Khi cha Mừng được bổ nhiệm quản xứ, công tác đầu tiên ngài trù hoạch là kiến tạo con đường Bờ Họ cho khang trang đẹp đẽ : mở rộng thêm, cắm tiêu ngay thẳng, giáo dân gánh đất thổ canh nơi cao đổ dồn lại làm nên con đường cao ráo, rộng rãi và thẳng tắp nối liền hai xóm, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển, canh tác v.v.. Năm 1973, với dự án tự túc phát triển nông thôn (dân chúng đóng góp công sức cùng với sự tài trợ vật liệu của chính quyền), con đường Bờ Họ được tráng một lớp xi măng sạn đúc sạch sẽ, chạy dài giữa cánh đồng xanh tươi, rất đẹp mắt. Quả thật một con đường như thế rất hiếm thấy nơi nông thôn vào thời buổi đó. Bờ Đập : Con đường bắt đầu từ cầu Cẩm Lệ, xuyên qua xóm Cẩm Nam, chạy dài suốt bờ đập Cồn Dầu, băng qua xóm A, thẳng đến sân nhà thờ. Năm 1972, cha Mừng đã xin chính quyền trung ương Sàigòn và ty Giao Thông Công Chánh tỉnh Quảng Nam tại Hội An để củng cố, lát đá và tráng nhựa con đường đất liên thôn này. Dự án con đường được chấp thuận thi hành tức khắc và hoàn thành như ước muốn. Nhưng tiếc thay vì lụt lội hằng năm và không được chăm sóc tu sửa kịp thời, con đường này ngày càng xuống cấp. Khoảng năm 2003, với chủ trương “Nhà Nước và nhân dân cùng làm”, các con đường huyết mạch trong xứ đều được “bê tông hoá”. Vì thế việc đi lại hiện nay không còn vất vả như trước đây nắng bụi mưa lầy nữa. 3. Nghĩa trang Tại trung tâm Cồn Giu Hội có một gò đất cao phẳng, nếu đào sâu xuống một ít người ta chỉ gặp loại cát hạt lớn không thuận tiện cho việc trồng trọt canh tác. Vì lẽ đó, ngay từ buổi đầu lập làng, cố Thiên và các cha sở kế tiếp đã chọn nơi này làm nghĩa trang mai táng con dân Cồn Dầu qua đời. Nhiều người tạ thế nơi xa cũng được đưa về đây an táng. Việc chôn cất hoàn toàn tùy tiện, các gia đình chọn bất cứ chỗ nào trong nghĩa địa đều được. Vì vậy nghĩa trang bị lâm vào tình trạng mất trật tự, thiếu mỹ quan và vô tổ chức. Sau khi làm xong Bờ Họ, vào năm 1958, cha quản xứ Nguyễn Hữu Mừng đã nghĩ ngay đến việc chỉnh trang nghĩa địa Cồn Dầu. Mỗi tộc họ chọn một khu vực trong nghĩa địa, bốc dời toàn bộ mồ mả tổ tiên thân nhân của mình đã qua đời đem cải táng vào khu vực đó, mọi phần mộ đều thẳng hàng ngay lối, xây theo một kiểu đồng nhất. Chung quanh nghĩa địa rào dây thép gai với trụ xi măng. Thường ngày cổng được khóa lại. Cấm thả trâu bò ăn cỏ làm hư hại các bia mộ. Cấm canh tác làm dơ bẩn nghĩa địa. Chung quanh trồng dương liễu, các lối đi hình chữ thập giữa nghĩa địa được trồng hoa trúc đào và hoa lan đất… Trước năm 1975, nghĩa trang Cồn Dầu được xếp vào loại nghĩa trang đẹp nhất tỉnh Quảng Nam, hơn hẳn nghĩa trang Đà Nẵng, nhờ sự quy hoạch trật tự đồng nhất và nhiều cây cỏ thiên nhiên. Từ 1984 đến 1989, sân phơi lúa hợp tác xã được dời vào nghĩa địa và người ta phơi rơm rạ, lúa thóc quanh năm tại đây. Năm 1990, sân phơi lúa không còn hoạt động nữa. Với sự đóng góp của giáo dân Cồn Dầu xa gần, cũng như sở nhánh Cẩm Lệ, nghĩa trang được tái thiết : cổng ngõ có cửa sắt khoá, hàng rào chung quanh làm bằng tre khô. Cha sở cùng giáo dân lợi dụng tiết mưa để trồng cây xanh chung quanh và trong Nghĩa Địa. Khoảng năm 2000, hàng rào tre được thay bằng tường xây chắc chắn, xứng đáng là nơi yên nghỉ của các bậc tiền nhân. 4. Hang đá Đức Mẹ Cũng trong năm 1960 là năm xây lại nhà thờ, cha sở và giáo dân Cồn Dầu đã dựng một hang đá Đức Mẹ Lộ Đức trong khuôn viên nhà thờ. Hang đá tọa lạc bên trái lối đi vào thánh đường. Với ngoại cảnh xinh tươi mang màu sắc thiên nhiên và thiết kế hài hòa, hang đá Đức Mẹ Cồn Dầu được kể là một trong những hang đá đẹp của giáo phận Đà Nẵng. 5. Nhà Xứ Trước khi làm nhà thờ, cha Nguyễn Hữu Mừng đã xây dựng nhà xứ. Nhà được tái thiết trên nền móng của ngôi nhà xứ cũ đã bị đốt cháy năm 1946. Từ đó cho đến khi làm được nhà xứ mới, các cha sở phải ở tạm trong phòng áo nhà thờ. Đồng thời, cha cũng làm một tháp chuông, còn gọi là lầu chuông, để đặt chuông nhà thờ. Trước đó, giáo xứ chỉ sử dụng trống chiêng mà thôi. 6. Họ đạo Cẩm Lệ Trong những năm dài làm quản xứ Cồn Dầu, cha Mừng không bỏ quên các giáo dân định cư tại Cẩm Lệ. Đây là họ nhánh của Cồn Dầu với vài chục gia đình giáo dân trước năm 1975. Nhà nguyện Cẩm Lệ được xây cất trên khu đất vào thời Pháp thuộc là đồn canh Cẩm Lệ (Tour de Cam Le). Đồn bót, nơi “đất dữ” đầy kinh hoàng được xóa đi, thay vào đó là ngôi nhà nguyện bé nhỏ nhằm rao giảng Tin Mừng. Sau năm 1975, nhiều giáo dân Cẩm Lệ đi kinh tế mới, và do khó khăn trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ, nên theo yêu cầu của chính quyền lúc ấy, cha Mừng đã cho chính quyền mượn khu đất này để dựng một xưởng cưa quốc doanh ; tuy nhiên ngôi nhà nguyện vẫn tồn tại nguyên vẹn, trên mặt tiền người ta có thể nhìn thấy bóng Thánh Giá bé nhỏ trong đám rêu phong. Họ đạo Cẩm Lệ nay đã là một giáo xứ, có cha quản xứ riêng, và một ngôi nhà thờ xinh xắn soi bóng bên giòng sông được xây dựng năm 2002. IV. Những vị chủ chăn Như đã trình bày ở phần lai lịch, ngay từ đầu cố Thiên xin trưng khai đất Cồn Giu Hội với vũng cạn bọc quanh và sau đó mua thêm phần Cựu Điền Khuê Trung đều nhằm mục đích khẩn hoang quy dân lập một xứ đạo công giáo. Trong số dân đến định cư buổi ban đầu ngoại trừ ông Nguyễn Sáng, nội tổ của tộc Nguyễn tại Cồn Giu Hội là người công giáo đạo gốc từ Lạng Sơn vào, còn lại là những người lương từ vùng lân cận nhập cư, rồi dần dà theo đạo. Đến nay, Cồn Dầu là một làng toàn tòng công giáo. Họ làm thành một đàn chiên dưới sự lãnh đạo tinh thần của linh mục chủ chăn do Giám Mục giáo phận bổ nhiệm đến hoặc được chỉ định kiêm nhiệm. Tính từ ngày thành lập cho đến nay, giáo xứ Cồn Dầu đã lần lượt ở dưới sự chăm sóc mục vụ của các linh mục quản xứ sau đây :
¨ Cố Yên (Guillaume David), từ 1907-1911. ¨ Cố Ngân (Louis Vallet), từ 1911-1920. (Cố Ngân sau này đã xây nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng và nhà thờ Chính Tòa Nha Trang). ¨ Cố Khâm (Jean Sion), từ 1920-1922. ¨ Cố Ân (Bertrand Etchéberry). Sổ Rửa Tội của giáo xứ Cồn Dầu còn lưu lại bút ký đầu tiên của ngài ngày 08/12/1922. ¨ Phaolô Cần, linh mục người Việt đầu tiên đến phục vụ tại Cồn Dầu vào năm 1923. ¨ Phaolô Nguyễn Văn Chánh, quản xứ Cồn Dầu từ 1924-1930. Trong 6 năm này, ngài đã rửa tội được 120 người. ¨ Cố Thiết, (Pierre Gallioz), từ 1930-1934. Cố đã dựng ngôi thánh đường cũ, nhà xứ, kho lẫm nhà chung. Ngài rửa tội được 87 người. Trong thời gian cố Thiết làm quản xứ, những lúc ngài vắng mặt, các linh mục sau đây đến cử hành bí tích giúp : ¨ Tađêô Tưởng, năm 1931. ¨ Phanxicô Xavie Sinh, năm 1931. ¨ Phanxicô Xavie Nguyễn Toàn Chung đến thay thế cho Cố Thiết từ tháng 4 năm 1934 đến cuối năm 1934. ¨ Phaolô Nguyễn Văn Chánh, được chỉ định đến quản xứ Cồn Dầu lần thứ hai từ cuối năm 1934 đến giữa năm 1943. Trong thời gian này ngài rửa tội 177 người. Vì làm quản xứ hai lần và trong thời gian dài, nên cha Chánh rất quen thuộc với giáo dân Cồn Dầu nay thuộc giới lão ông lão bà. ¨ Anrê Nguyễn Hoàng Nhu, từ tháng 8/1943 đến tháng 9/1945. Trong giai đoạn này nhiều lúc Cha Nhu vắng mặt khỏi giáo xứ và được các linh mục đến cử hành bí tích giúp như : - Cố Hảo (Laborier), quản xứ An Ngãi đến năm 1943, - Gioan Tô Đình Sơn, năm 1944. Cuối năm 1945, cha Sơn lại đến cử hành các phép thay cha Nhu và ngài còn kiêm nhiệm giáo xứ Cồn Dầu cho đến cuối năm 1946. - Cha Châu, năm 1946, chỉ một thời gian ngắn. Sau cha Châu, thỉnh thoảng có các linh mục khác đến, nhưng thời gian ngắn ngủi, không lưu ngụ lại và cũng không ghi lại bút tích trong sổ sách. ¨ Cha Lê Văn An, quản xứ từ năm 1947-1948. Ngài là bào huynh của đức cha Lê Văn Ấn, quê quán Thác Đá Hạ, Bình Định. ¨ Cố Mỹ (Paul Espie), năm 1948-1952. Trong 4 năm làm quản xứ, ngài đã rửa tội 186 người. Ngài lập trường tiểu học Cồn Dầu đầu tiên trong khuôn viên nhà thờ. Sau này cha Mừng xây trường mới trên nền trường cũ. Năm 1951, cố Mỹ đi chữa bệnh, Bề Trên giáo phận cử cha Matthêu Trịnh Hòa Đại thay thế trong 3 tháng ngài vắng mặt. Cha Đại rửa tội 10 trẻ em. ¨ Cha Châu, Cha Sinh, Cha Cần đã đến làm các bí tích tại Cồn Dầu trong năm 1953 khi cố Mỹ đổi đi. ¨ Cố Phước (Donatus Béliard), trong các tháng cuối năm 1953 và đầu năm 1954. ¨ Cố Vị (Pierre Jeanningros), quản xứ Đà Nẵng kiêm Cồn Dầu từ tháng 3.1954 đến ngày cha Mừng nhận nhiệm sở Cồn Dầu. (BC. Có thể tìm đọc tiểu sử các linh mục Hội Thừa Sai Paris tại trang web của hội : mepasie.org).
¨ Từ 2001-2005, cha Giuse Nguyễn Kinh làm quản xứ, xây dựng nhà thờ mới hiện nay. ¨ Từ 2005, cha Emmauel Nguyễn Tấn Lục làm quản xứ và hiện nay đang gặp khó khăn vì chủ trương xóa hẳn đoàn chiên xứ đạo nầy. V. Đời sống kinh tế 1. Nông nghiệp Từ trăm năm qua, đại đa số dân cư Cồn Dầu sống chuyên về nông nghiệp. Cày cấy mỗi năm hai vụ mùa bằng các giống lúa địa phương như lúa Đúc, lúa Nước Mặn, lúa Sói, nếp Hương… trên cánh đồng nước. Vào mùa mưa bấc sau lụt lội, nông dân gieo lúa Trì trong một ít thửa ruộng ở cánh đồng Trì. Những chỗ không gieo lúa được thì trồng hoa màu phụ như khoai lang, sắn, đậu, mè. Rau muống cũng là nguồn lợi cho nhiều gia đình trong mùa nắng, do trước kia đã gánh bớt đất đắp nền nhà, nên đất thấp im nước. Vào mùa mưa lạnh, người dân trồng đậu tây (haricot vert), còn rau cải thì được trồng trên các nền đất cao nước lụt không tới. Ngoài ra nhằm cải thiện đời sống, đa số gia đình tăng gia sản xuất bằng việc chăn nuôi. 2. Các nghề khác Từ năm 1967-1973, nhiều dân cư Cồn Dầu đã ra Đà Nẵng hằng ngày để làm việc cho các công ty, nhà thầu, hãng, sở của ngoại quốc. Do thu nhập cao nên đời sống kinh tế đạt mức cao nhất kể từ ngày thành lập làng cho đến nay. Nhưng đây chỉ là giai đoạn nhất thời mà thôi. Ngày nay, nông nghiệp có phần thuận lợi hơn trước nhờ thủy lợi, nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác mới với giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, nhưng vì dân số ngày càng tăng, nhu cầu cuộc sống ngày càng đòi hỏi, nên nếu chỉ dựa vào nông nghiệp thì không thể đáp ứng. Vì vậy tại Cồn Dầu cũng như hầu hết các vùng lân cận, nhiều trai tráng đổ xô đi làm thợ nề, thợ mộc, chủ thầu xây dựng tại Đà Nẵng hay ở những tỉnh xa. Trung bình mỗi gia đình có 1-2 người đi làm ăn xa. Ngoài ra, một ít gia đình phất lên nhờ dựa vào các cơ quan xí nghiệp nhà nước, khai thác lâm sản, cũng như vận tải đất cho các khu qui hoạch của thành phố hiện nay. VI. Giáo dục Có thể nói là hầu hết thế hệ thứ nhất gồm con em Cồn Giu Hội và khu mua lại, những người dân định cư tiên khởi đều mù chữ. Đại đa số di dân thời ấy đều ở lứa tuổi vừa trưởng thành, không có trường học và vất vả vật lộn với cuộc sống. Thế hệ thứ hai có một số ít người tinh thông hán học và chữ quốc ngữ, như các ông xã Học, hương Quản, xã Khoa, xã Kính, xã Ký… Thế hệ thứ ba, theo tây học do phong trào Đông Du và Duy Tân khởi xướng, chú trọng chữ quốc ngữ và khoa học thực nghiệm. Phần lớn nhờ được đào tạo tại các tiểu chủng viện, tu viện. Thế hệ thứ tư, tất cả con em Cồn Dầu đều theo học tại ngôi trường bằng tranh tre trên đám đất thổ canh cạnh nhà thờ, bên ngoài khu vực hang đá ngày nay. Năm 1950, cố Mỹ xây một trường tiểu học trong khuôn viên nhà thờ. Năm 1970, vì nhu cầu phát triển, cha Mừng đã xây lại và nới rộng một trường mới trên nền cũ, trường gồm 5 lớp tiểu học, lấy tên là Phaolô VI, đặt trong hệ thống hành chính giáo dục của trường trung tiểu học Sao Mai Đà Nẵng, thu hút rất đông con em trong làng và các thôn phụ cận đến học.
Từ năm 1955 trở về sau, nhiều mầm non Cồn Dầu theo học tại chủng viện Quy Nhơn, Kontum, Đà Nẵng, các tu viện và các trường trung học tại Cẩm Lệ, Sao Mai Đà Nẵng v.v…, rồi theo học các phân khoa đại học Huế, Sàigòn, Đà Lạt v.v… Tinh hoa của thế hệ thứ tư rất đông và có địa vị xã hội lúc bấy giờ. Nhìn chung đây là giai đoạn mà con em Cồn Dầu đạt được trình độ giáo dục cao nhất kể từ ngày sáng lập họ đạo cho đến nay. Rất tiếc vì hoàn cảnh khó khăn, các thế hệ thứ năm và thứ sáu của những năm 1975-1995, vì thời bao cấp, vì quá vất vả lo miếng cơm manh áo, hơn nữa, vì mang nhãn hiệu con cái “ngụy quân, ngụy quyền” và “công giáo”, nên các em không thể học cao, không có cơ hội trong việc thi cử vào đại học, không thể chuyên tâm vào việc chiếm lĩnh tri thức khoa học như các thế hệ đàn anh thứ ba và thứ tư trước đây. Chỉ một trường hợp duy nhất tại Cồn Dầu tốt nghiệp đại học mà thôi : Huỳnh Ngọc Tuấn con ông Huỳnh Lịnh (thi đậu hạng ưu nên không có lý do để loại). Từ năm 1990 Nhà Nước có chính sách mở rộng, nhưng không ai chú tâm đến việc học, đa số có cái nhìn ấu trĩ và sai lầm : “học cho lắm cũng bấy nhiêu sự ” ! Chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn này là lấy được bằng tú tài. Cho đến năm 1995 mới có 3 em thi đậu đại học. Những năm tiếp theo chỉ lác đác vài trường hợp. Nhìn chung, những năm trở lại đây, tình trạng kinh tế đã khá ổn định, nhưng vì ảnh hưởng lối sống thực dụng mà đa số con em bỏ học giữa chừng để đi làm hầu kiếm tiền thỏa mãn nhu cầu cuộc sống. Mặt khác, sự xuống cấp trầm trọng của ngành giáo dục cũng là một nguyên nhân. Thêm vào đó chương trình học quá nặng, trong khi phụ huynh lại ít quan tâm, dẫn đến tình trạng các em theo không kịp chương trình đem ra chán học. Mặc dù cha sở và các vị trong ban chức việc đã thấy nguy cơ này, nhưng hoàn cảnh không cho phép, lực bất tòng tâm ! VII. Ơn gọi Số người dấn bước vào đời sống tu trì cũng lệ thuộc khá nhiều từ lãnh vực giáo dục. Cũng dễ hiểu, bởi muốn đi tu thì phải được ăn học. Vì thế, những thăng trầm của giáo dục dẫn đến biến chuyển về con số ơn gọi dấn thân phục vụ Nước Chúa. Cho đến nay, giáo xứ Cồn Dầu đã cống hiến cho Giáo Hội những hoa trái như sau : - Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Kontum. - Cha Gioakim Trần Kim Thượng, quản hạt Hòa Khánh, nguyên quản xứ An Ngãi, nay là quản xứ Cẩm Lệ. - Cha Simon Huỳnh Ngọc Quý, phục vụ tại Saarlouis-Beaumarais, Đức Quốc ( sao cha im lặng thế ?) - Dòng thánh Phaolô Đà Nẵng : 5 soeurs. - Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn : 3 dì + 1 thanh tuyển. - Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế : 2 nữ tu. - Dòng Nữ Biển Đức : 1 chị. - Dòng Nữ Tử Bác Ái : 1 chị. - Đại Chủng Sinh : 2 thầy. ( Lưu ý : Đoạn nầy cần cập nhật hóa. Năm 2009, có ba phó tế triều và dòng ) Mặc dù con số không nhiều, nhưng hoa trái Chúa chọn trong giáo xứ Cồn Dầu cũng là khởi sắc, đa dạng, nói lên được phần nào đời sống đạo của giáo dân trong giáo xứ, bởi “cây lành ắt sinh trái tốt”. VIII. NGƯỜI CỒN DẦU HÔM QUA VÀ HÔM NAY Suốt thời Cách Mạng Tháng Tám 1945 cho đến năm 1954, Cồn Dầu ủng hộ phong trào Việt Minh. Nhiều người con Cồn Dầu, Trung Lương tập kết ra Bắc. Linh mục Nguyễn Trường Thăng, lúc đó còn là một chú bé, nhớ lại vào tháng 8 năm 1954, khi qua Cồn Dầu dự lễ nhậm chức cha sở của cậu là cha Tađêô Mừng thấy trong làng đầy cờ đỏ sao vàng. Các chức việc họ đạo nhắc cha sở mới : “Cha phải đi theo tụi con, không thì sâp hầm chông”. Năm Mậu Thân 1968, cánh quân tiến đánh Quân Đoàn I ở Đà Nẵng đã đi qua Trung Lương, Cồn Dầu. Sau năm 1975, nhiều giáo dân nghèo phải đi lập nghiệp ở vùng đất mới Trà Cổ, Ea Súp…, họ hy sinh cho giáo xứ Cồn Dầu được tồn tại. Một số sang định cư ở Úc, Hoa Kỳ, nhiều nhất tại tiểu bang North Carolina. Từ một nhóm nhỏ, nay Cồn Dầu có gần 6.000 người sống trên khắp miền đất nước và hải ngoại. Vào thời bao cấp, hợp tác xã nông nghiệp Hòa Xuân, nơi có thôn Cồn Dầu, luôn đi đầu về nhiều phong trào sản xuất và văn hóa. Vậy mà giờ đây, họ đang bị buộc phải lìa quê cha đất tổ để đi vào một tương lai bất định, nhường chỗ cho những người giàu có và quyền thế. Không lẽ đất nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa áp dụng chính sách “ lấy của dân nghèo cho người giàu’’ ???? Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng (Tổng hợp từ các bài viết của ban Lịch sử giáo xứ Cồn Dầu (1980) ; luận văn của chủng sinh NCT) Đăng trong: Lm. NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG, Viêt Nam | Thẻ: Giáo phận Đà Nẵng
|