Home Đời Sống Tôn Giáo Chứng nhân Hy Vọng: Tôi Tớ của Chúa, HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Chứng nhân Hy Vọng: Tôi Tớ của Chúa, HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận PDF Print E-mail
Tác Giả: Lm. Paul Phạm Văn Tuấn   
Thứ Bảy, 23 Tháng 10 Năm 2010 04:50

 Giây phút ĐHY Thuận giã từ cuộc sống để bước vào cuộc sống mới ngày 16.9.2002 thì một vị trong giáo triều Rôma đã phải thốt lên: "Một vị Thánh đã qua đời.“

ROMA 22.10.2010 - Là người con dân nước Việt, đặc biệt là người Kitô hữu Việt Nam trong giây phút này có cơ hội hiện diện tại thành phố Rôma muôn thuở cổ kính và tham dự vào ngày long trọng sau 3 năm theo tiến trình loan báo phong Chân Phước lúc 2007 (sau 5 năm qua đời), hôm nay Giáo Hội Công Giáo chính thức mở cuộc điều tra ở cấp Giáo Phận về đời sống, các nhân đức và tiếng tăm thánh thiện của bậc đáng kính: HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đó là một niềm hạnh phúc dạt dào ít người hưởng được trong cuộc đời đức tin.

Sáng sớm thứ sáu, 22.10.2010 tại Roma dòng người đủ mọi chủng tộc, mọi quốc gia nơi người VN hải ngoại định cư, thuộc mọi lứa tuồi gồm có thân nhân ruột thịt lẫn con cái thiêng liêng của ĐHY Thuận, nhân viên Tòa Thánh - đặc biệt thuộc bộ Công Lý và Hòa Bình, bạn bè thân hữu, những người mộ mến ĐHY đã tiến về nhà thờ Đức Mẹ Maria Scala tại quảng trường Santa Maria della Scala ở Rôma. Đây là nhà thờ hiệu tòa của Đức Cố Hồng Y và chính tại bàn thờ này cách đây trong 9 năm là nơi ĐHY đã dâng thánh lễ thường ngày.

Đoàn chúng tôi đủ mọi thành phần, khoảng 32 người xuất phát từ nhà Foyer Phát Diệm được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá tại đây hướng dẫn bằng xe buýt đến nhà thờ Đức Mẹ Maria Scala. Ai cũng hân hoan vui sướng và khi nghe chuyện hầu như người nào cũng có những kỷ niệm đẹp với ĐHY Thuận khi còn sinh tiền.

Nhà thờ đã được tụ họp đông đảo từ sớm, đông đến nỗi không đủ ghế ngồi và giáo dân chiếm luôn các hàng ghế dành cho các linh mục đồng tế. Ước lượng hơn 600 giáo dân, phân nửa là Việt và phân nửa là Ý cùng các quốc gia khác. Cộng thêm đoàn đồng tế khoảng 120 linh mục và 12 Hồng Y và Giám Mục. Chúng tôi nhìn thấy Hồng Y Roger Etchegarey dù tuổi già sức yếu vẫn không để vuột mất cơ hội ngàn năm chứng kiến ngày GH tôn vinh cho người bạn đồng hành và cũng là người kế vị của ngài, tiếp đến Hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, HY Miloslav Vlk cũng đứng trong đoàn chủ tế. Từ Giáo Hội VN có sự hiện diện của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể của TGP Huế. Tất nhiên trong dòng tộc của ĐHY Thuận có những thân nhân ruột thịt như người em gái út Elizabeth Nguyễn Thị Thu Hồng (Canada) và các các thân quyến ghi nhận được như Mrs. Anne-Marie Ngô Đình Luyện (Pháp), Maria-Claude Ngô Đình Luyện (Pháp), Mrs. Marie Cecile Luyện (Italia), Mrs. Thérèse Nguyễn (Úc), Ms. Lan Nguyễn Thị Hương (USA).

Nơi đây không thể không nhắc đến những nhân chứng kề cận với ĐHY Thuận trong cảnh ngục tù: người quản tù và hai vị giáo dân từ Giang Xá đã đến Rôma và mặc quốc phục khăn đống áo dài hiện diện giữa đoàn người giáo dân.

Thánh lễ long trọng được cử hành vào lúc 8g30 do ĐHY Peter Turkon, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình - chủ tế cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa, HY Văn Thuận và xin Thiên Chúa chúc lành cho ngày điều tra ở cấp giáo phận để tôn vinh Ngài lên bậc Chân Phước.

ĐHY Thuận đã được bổ nhiệm vào chức vụ phó chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình từ năm 1994. Sau đó Ngài được ĐGH Gioan Phaolô II tín nhiệm vào chức vụ chủ tịch từ ngày 24.6.1988 cho đến lúc Ngài lâm trọng bệnh và qua đời ngày 16.9.2022. Theo cách gọi của cơ quan nhà nước ngoài đời thì Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình chính là Bộ Xã Hội, vị chủ tịch tương đương hàng bộ trưởng. Đây là chức phẩm cao nhất của hàng giáo phẩm Việt Nam phục vụ trong giáo triều Roma từ trước đến nay.

ĐHY Peter Turkon đã có lần viết thư và nhận định về con người của ĐHY Thuận vào đầu tháng 9.2010 như sau: "Ý nghĩa sâu xa trong lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Thuận, vị tiền nhiệm của tôi, đã thúc đẩy tôi khuyến khích anh chị em hãy nhớ đến Ngài như là một vị Tử Đạo trong thời đại chúng ta bằng chính những chứng từ tuyệt vời của ngài. Qua những năm tù đày trên chính quê hương mình, với biết bao khó khăn, lăng nhục, đọa đày Ngài đã trải qua một thời gian dài, Đức Hồng Y Thuận trở nên cho tất cả chúng ta một mẫu mực của niềm vui, hy vọng và tình yêu mến đối với Giáo Hội và với hết thảy anh chị em chúng ta, không phân biệt một ai."

Thánh lễ hôm nay ĐHY Peter Turkon lại có dịp nhắc lại rõ hơn về con người sống trong hy vọng một cách huyền nhiệm và chỉ có ĐHY Thuận mới giúp chúng ta tìm ra được con Đường Hy Vọng.

Cuộc sống đức tin qua phục vụ tha nhân và phát triển các học thuyết xã hội công giáo của ĐHY Thuận đã nêu gương sáng cho những cộng tác viên và những người chung quanh. Những gì ĐHY Thuận còn để lại cho hậu thế chính là tấm gương sáng ngời. ĐHY Peter Turkon viết thêm: "Cuộc đời của ĐHY Thuận, biểu lộ rõ nét bằng một niềm thanh thản an bình sâu xa, kêu gọi chúng ta sống như Ngài, dưới bóng Thập Giá, bởi vì "trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa là chứng tá đích thực của Thập Giá, thực thi Thập Giá trong mỗi người chúng ta.“ Chính khi chúng ta vác thập giá chúng ta mới cảm nhận được ơn bình an mà chúng ta cần có giữa cái thế giới tràn ngập âu lo và hỗn độn."

Cùng với nhận định này, giây phút ĐHY Thuận giã từ cuộc sống để bước vào cuộc sống mới ngày 16.9.2002 thì một vị trong giáo triều Rôma đã phải thốt lên: „Một vị Thánh đã qua đời.“

Quả thực, ngày hôm nay trong thánh lễ này tất cả mọi người hiện diện cảm nghiệm được rõ ràng lời tiên tri đó đang trở thành hiện thực trong Giáo Hội chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi ĐHY Thuận rất nhiều lần, dịp cuối cùng trong thánh lễ an táng của ĐHY Thuận, Ngài phải giã từ một người bạn Việt Nam anh hùng đáng kính: "Trong lúc chào vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng Y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, cho đến độ tử đạo."

Đúng như thế, chỉ có một niềm tin yêu phó thác hoàn toàn tuyệt đối vào lòng thương yêu của Thiên Chúa ĐHY Thuận mới có đủ sức mạnh vượt qua những đêm tăm tối dài đằng đẵng của 13 năm ngục tù và vẫn một lòng tín trung cho dù có những lúc thể xác mong manh với hơi thở tưởng chừng đứt quãng. Cuối cùng Ngài đã biến bóng đêm của lao tù tỏa rạng thành ánh sáng của yêu thương, chia sẻ, hy vọng và kể cả thứ tha cho những người hành hạ Ngài.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, một người đồng hành với ĐHY Thuận trong giáo triều Rôma đã nhận định ngắn gọn và chính xác về Ngài: "Đây là một ngôn sứ của tử đạo và tin yêu hy vọng trong thời đại chúng ta."

Bởi thế, hôm nay người Công Giáo Việt Nam hân hoan và hãnh diện về người đồng hương tuyệt vời của mình. Nếu Giáo Hội và thế giới nhắc đến Mẹ Têrêsa thành Kalkutta và ĐGH Gioan Phaolô II thì Đức HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là người đã sống đồng thời và đang được vinh thăng lên cùng bậc với hai vị vĩ nhân kể trên.

Một điểm son cho Giáo Hội Việt Nam đã thực hành hoàn toàn trái ngược trong quá trình xét án phong Thánh cho 117 Vị Tử Đạo VN vào năm 1988, lúc đó Giáo Hội thầm lặng và như muốn dấu kín, kể cả có thêm các tư tưởng xin dừng việc phong thánh - thì lần này Giáo Hội VN tích cực và công khai hóa việc Tòa Thánh mở án phong Chân Phước cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua thư mục vụ của HĐGM VN gửi đến Cộng Đồng Dân Chúa ngày 07.10.2010: "Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng tôi vui mừng thông báo cho anh chị em biết: ngày 22.10.2010 tới đây giáo phận Rôma chính thức mở án phong Chân Phước cho Tôi Tớ Chúa là Đức Cố HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài từng là một vị chủ chăn nhiệt thành và thành viên đáng kính của HĐGM VN. Sự kiện giáo phận Rôma mở án phong Chân Phước cho thấy Ngài được trân trọng và nhìn nhận như chứng nhân sống động của Tin Mừng yêu thương và hy vọng trong thế giới ngày nay. Vì thế, đây quả là niềm vui lớn và niềm tự hào cho Giáo Hội VN, đồng thời là lời mời gọi tất cả chúng ta tiếp bước theo Ngài, làm chứng cho Tin Mừng yêu thương và hy vọng của Chúa Giêsu trên quê hương đất nước chúng ta."

Ngoài ra Caritas VN qua cha Giám đốc Caritas Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn đã hân hoan và minh nhiên công bố về người con ưu tú của GHVN: "Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam từ năm 1972-1976 và sáng lập ra tổ chức Hội Hợp Tác để Xây dựng lại Việt Nam (COREV). Ngài đã làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình ở Rôma. Ngài đã có sáng kiến biên soạn cuốn Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo. Ngài là người con ưu tú của Giáo hội Công giáo Việt Nam và cũng là gương mẫu cho chúng ta trong hoạt động bác ái xã hội. UBBAXH-Caritas Việt Nam trân trọng mời gọi tất cả các hội viên, các tình nguyện viên của Caritas Việt Nam cầu nguyện và tham gia các hoạt động tinh thần để tưởng nhớ đến Ngài."

Tạm kết với lời thơ của thày chủng sinh J.B. Nguyễn Quốc Tuấn thuộc ĐCV Vinh Thanh ghi ngày 01.10.2010 được đăng trên mạng Vietcatholic:

"Cuộc lữ hành không vương màu bi thán

Con đường đức tin Cha đã đi qua

Để hôm nay nở rộ một mùa hoa

Nơi lòng chúng con đang tìm về Hy Vọng."


Tối qua chúng tôi rảo buớc ra công trường Thánh Phêrô thăm viếng và cầu nguyện. Đền thờ tỏa sáng ánh điện ấm áp và trên bầu trời trong xanh có ánh trăng tỏa sáng xuống công trường. Chúng tôi nhìn lên cao từ nơi đất thánh này cảm thấy như có một vì sao nhỏ trên khung trời hy vọng đang tỏa sáng dần xuống đoàn con. Có thể đấy là vì sao hy vọng của người Tôi Tớ Chúa, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Xin Tôi Tớ của Chúa, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cầu cho chúng con, cho Giáo Hội và cho quê hương tổ quốc chúng con.

(Ghi nhanh tại Giáo Đô Rôma, ngày 22.10.2010)