Home Đời Sống Tôn Giáo Chuyện Của GHCG Hoa Lục Củng Là Chuyện Của GHCGVN Hôm Nay

Chuyện Của GHCG Hoa Lục Củng Là Chuyện Của GHCGVN Hôm Nay PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Phong Vũ   
Thứ Năm, 07 Tháng 10 Năm 2010 10:41

Hóa ra tôn giáo trong chế độ cộng sản, không chỉ một mình Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta mới có cảnh người ta dùng "cành đậu để nấu hạt đậu", dùng chính người Công Giáo –hơn thế, những cấp lãnh đạo đã bị "thuần hóa" để hại ngầm những anh em của mình!!!

*Nhân Bài Viết Của Đức HY Trần Nhật Quân

I.- Vài nét về HY Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun)

 

 
Đức HY Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun)
       Năm nay Đức HY Quân 78 tuổi (13-01-1932), cai quản Tổng Giáo Phận Hồng Kông từ ngày 23-9-2002. Năm 2007 ngài đệ đơn lên Tòa Thánh xin về hưu, nhưng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI yêu cầu ngài ở lại và cho đến năm 2009 mới chấp đơn từ nhiệm của ngài.

        Đức HY Quân từng được dân chúng Trung Hoa, kể cả công luận thế giới, coi là nhà quán quân trong nỗ lực tranh đấu không mệt mỏi cho Nhân Quyền, cho Tự Do Tôn Giáo, Tự Do Chính Trị và luôn là đối tượng chỉ trích của nhà cầm quyền Trung Cộng ở Hoa Lục. Trên thực tế mãi tới năm 2006 ngài mới được ĐTC Bênêđictô XVI chính thức trao mũ Hồng Y, nhưng dư luận thường truyền tụng ngài là một trong những Hồng Y được cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bí mật thăng Hồng Y từ những năm cuối thế kỷ trước.

        Người dân Hồng Kông chưa quên được những đợt xuống đường cầu nguyện cho Tự Do, Dân Chủ sớm phục hồi trên Lục Địa Trung Hoa do Đức HY Trần Nhật Quân chủ xướng trong các ngày 01-7-2003, 03-6 và 01-7-2004 tại công viên Victoria. Các nhà bình luận thời sự trên thế giới coi ngài như biểu tượng của tiếng nói lương tâm, luôn nói thay cho khối giáo dân trung thành với Hội Thánh CG đang sống thầm lặng, khốn khó trong lòng chế độ độc tài cộng sản Bắc Kinh.

        Ngày 08-9-2010 vừa qua, hãng tin Ucan (Ucannews) đã đăng tải bài "Đối Thoại? Đối Đầu? – Dialogue? Confrontation?" của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân. Bài viết do Phạm Hương Sơn chuyển ngữ và được đăng trên mạng Nữ Vương Công Lý sau đó được loan truyền rộng rãi khắp thế giới. (Mời độc giả tìm đọc bản dịch và nguyên văn bài viết của ngài trên DĐ số này.)

II.- Bài viết của Đức Hồng Y nói gì?

        Trước khi đi vào nội dung, Đức HY viết :

        «Tôi ý thức được tôi là một người tội lỗi. Tôi không có mục đích đổ lỗi cho người khác. Nhưng tôi cũng không muốn phạm thêm một tội nữa vào trong số đã nhiều những tội lỗi của tôi, đó là làm một con chó câm khi nó phải sủa.»

        Mục tiêu chính của tác giả khi viết bài này nhằm nói lên quan điểm của mình sau khi đọc bài viết của linh mục Jeroom Heyndrickx với tiêu đề « Một Cuộc Chạm Trán Mới giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Quốc - A New Encounter between Catholic Church and China». Qua bài viết Đức HY Giuse Trần Nhật Quân đã công khai chỉ trích chủ trương đối thoại với nhà nước cộng sản Bắc Kinh của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội CG tự trị được biểu thị qua quan điểm của linh mục Jeroom.

        Sau khi nêu câu hỏi là liệu:

        «Các giám mục của chúng tôi ở Trung Quốc có một mảy may cơ hội nào để đối thoại không ?»

        tác giả tự trả lời:

        «Giữa họ với nhau? Không! Chính phủ đã canh chừng chặt chẽ để ngăn ngừa ho.

        Với chính phủ? Chắc chắn cũng là không! Họ chỉ được lắng nghe và tuân hành. Họ được ra lệnh để đi đến những nơi mà họ không biết. Họ được triệu tập tham gia các cuộc hội họp mà không biết chương trình nghị sự. Họ được đem cho các bài diễn văn để đọc mà họ đã không viết và thậm chí họ không được cho xem qua trước"

        Ngài viết tiếp:

        "Chẳng lẽ Cha Jeroom không biết rằng các giám mục của chúng tôi, tôi muốn nói đến những GM trong cộng đồng chính thức (công khai) –chú thích của người viết: GH Tự Tri - được đối xử như là nô lệ, hoặc thậm chí tệ hơn, như là đàn chó bị dắt bởi một sợi dây xích."

        Bàn về điều cha Jeroom nói tới chuyện "đối đầu" với ý mỉa mai, chỉ trích, sau khi nêu câu hỏi là "ai đang đối đầu ai?", Đức HY họ Trần đặt tiếp một câu hỏi rốt ráo khác:

        "Có thể nào nhìn bất kỳ phản ứng nào của một con chiên trước con sư tử là đối đầu ư? Nếu chúng tôi bảo con chiên: "Escape!" Chạy thoát đi! Thì chúng tôi đã phạm tội kích động để đối đầu ư?"

        Đức Hồng Y Giuse cũng đề cập những mánh lới tinh vi, thâm độc của người cộng sản Trung Quốc ngày nay nhắm vào tập thể công giáo tại Hoa Lục. Chuyện giết chóc hay đàn áp trắng trợn có thể sẽ không còn nữa. Nhưng nó sẽ ẩn giấu dưới những chiêu bài êm ái hơn bằng những đãi ngộ, những ân huệ có tác dụng mê hoặc lòng người. Nhắc tới trường hợp đức GM Julius Jia Zhiguo vừa được nhà nước trả tự do, Đức HY tiên đoán là rồi đây có thể cả Đức GM James Su Zhimin cũng sẽ được chiếu cố như thế. Nhưng theo nhận định của ngài:

        "Trong mọi trường hợp, kết quả cuối cùng sẽ là những gì được thực hiện là những gì đảng muốn. Chúng tôi nói: ‘Điều Đảng muốn không phải là điều Đức Giáo Hoàng muốn.’"

        Nhìn vào thực tế những gì đang xảy ra trong GHCG ở Hoa Lục, Đức HY Giuse đau đớn nhận ra là "những gì đảng cộng sản muốn" ngày nay lại cũng là những gì những giáo sĩ như LM Jeroom muốn. Ngài chua chát kết luận: "Vì vậy, Alleluia! Mọi người nên vui vẻ, hạnh phúc!"

        Đề cập điều LM Jeroom nói về những người Công giáo "trưởng thành", tác giả không ngần ngại nói trắng ra ý nghĩa thật của từ "trưởng thành" này là những thành phần giữ đạo, nhưng không cần can đảm, vì họ chẳng có điều gì để phải thua thiệt, mất mát, vì thái độ khôn lanh, biết điều, biết liệu gió phất cờ! Ngài mỉa mai:

        "Các sứ giả hiện đại của triều đình được hạnh phúc du hành trên các toa xe hoàng gia của Giáo Hội độc lập và thỉnh thoảng họ lại kêu to lên, ‘Vạn tuế Giáo hoàng!’ - The modern courtly prophets are happily traveling on the imperial wagon of the independent Church and from time to time they shout, ‘Long live the Pope!’"

        Nói về trường hợp những tín hữu trong Giáo hội thầm lặng thường bị đảng và nhà nước quy kết tội "đối đầu", có thể bị loại bỏ, hoặc, như cách dùng của cha Jeroom là bị giết, Đức HY Giuse nhận định:

        "Nhưng họ không sợ. Họ sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những người đó, anh em của chúng ta trong cộng đoàn hầm trú, những người đã sống sót lâu như vậy bất chấp những nỗ lực của kẻ thù, giờ đây lại chết bởi bàn tay của anh em của mình."

        Có điều tác giả cho rằng LM Jeroom cũng thẳng thắn đủ để nói rằng: muốn tồn tại, những người anh em của chúng ta tại Trung Quốc phải thực hành đức tin "trong hệ thống hiện tại" của Bắc Kinh, rằng họ bắt buộc phải được "hội nhập tốt vào trong xã hội Trung Quốc xã hội chủ nghĩa của ngày hôm nay".

        Cũng trong bài "Đối Thoại? Đối Đầu – Dialogue ? Confrontation?", giáo sĩ Jeroom đã cầu viện nhiều tới uy tín của đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bằng cách trích dẫn lời ngài, nhưng lại gian ngoan chỉ trích dẫn những phần có lợi cho quan điểm của mình mà cố tình quên đi những đoạn quan trọng khác. Về điểm này, Đức HY Giuse thẳng thắn lên tiếng như sau :

        «Cha Jeroom quả là đạo đức giả, bởi vì ông, với tánh lãnh đạm đáng ngạc nhiên, đã chỉ trích gay gắt tất cả các Giáo Hoàng gần đây trong bài viết dài của mình trong bộ Thắp Một Ngọn Nến. Tôi không nghĩ là ông có một sự kính trọng cao về quyền bính của giáo hoàng.

        Cha Jeroom qủa là bất kính vì ông đã làm như Đức Giáo Hoàng đồng lõa với mình bằng cách chọn lọc những văn từ trong thư của ngài:

        Ông đề cập rằng ĐGH đã để cho cá nhân các giám mục hầm trú tự quyết định có nên tìm kiếm sự công nhận của chính phủ hay không, nhưng ông đã bỏ qua sự khuyến cáo nghiêm trọng khi ngài nói rằng «không chỉ trong một vài trường hợp đặc biệt, tuy nhiên, thật vậy, hầu như luôn luôn, trong quá trình của việc công nhận, sự can thiệp của các cơ quan nhất định buộc những người liên hệ phải chấp nhận những thái độ, hoặc tỏ ra các cử chỉ, và thực hiện các cam kết trái ngược với các đòi buộc lương tâm của người Công Giáo « (số 7).

        Ông trích dẫn từ đoạn cuối cùng của Phần số 4 trong Thư của ĐGH, nơi nói rằng ‘giải pháp cho các vấn đề hiện tại không thể theo đuổi thông qua một cuộc xung đột đang diễn ra với chính quyền hợp pháp dân sự’, nhưng ông bỏ qua những gì sau đó: ‘đồng thời, tuy vậy, tuân thủ với nhà cầm quyền không chấp nhận được khi họ can thiệp một cách vô lối trong các vấn đề về đức tin và kỷ luật của Giáo Hội:

        «Thật là khó hiểu cho tôi là làm cách nào mà Cha Heyndrickx có thể bỏ qua một trích đoạn mang tính chỉ thị từ Bức Thư của ĐGH liên quan sâu sắc đến bạn bè của ông. ĐGH, trong số 8 đoạn 11 Bức Thư của ngài, nói: ‘Thật không may, ... một số giám mục đã được hợp pháp hoá lại đã không cống hiến bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào để chứng minh rằng họ đã được hợp pháp hoá. Vì lý do này, điều không thể thiếu được, và vì lợi ích tinh thần tốt đẹp cho các cộng đồng giáo phận liên quan, là các giám mục đã được hợp pháp hoá phải cống hiến và gia tăng các dấu hiệu hiệp thông đầy đủ không nhầm lẫn được với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô.»

        Kết thúc bài viết, Đức HY Giuse Trần Nhật Quân nêu lên câu hỏi:

        "Phải chăng cái gọi là ‘Chính Sách Cởi Mở - Open Policy’ cũng có nghĩa là có một sự thay đổi thực sự trong chính sách tôn giáo?"

        Ngay sau đó, ngài tự trả lời:

        "Tôi sợ rằng Cha Jeroom có thể nói ‘có’.

        Phần tôi, tôi cảm thấy bắt buộc phải nói ‘không’.

        Thật là rất buồn cho tôi để phải bất đồng ý với người bạn cũ của mình, một người yêu mến Trung Quốc chân thành, trên một điểm quan trọng như vậy.

        Tôi dám cho rằng vấn đề của Cha Jeroom là ông ấy đã quá mực ưu ái với những thành công của ông - và những thành công rất nhiều và tất cả chúng ta đã hoan nghênh vào lúc đó. Nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy là tai hại biết chừng nào các phản ứng phụ của những sáng kiến thành công đó đã ngày càng tạo thêm nhiều uy tín hơn nữa cho ông Lưu Bách Niên (Liu Bainian) và các giám mục của chúng ta lại ngày càng trở thành nô lệ nhiều hơn nữa trong tiến trình này.

        Nhắc lại sự kiện ngày 08-9-1955, chẵn 55 năm về trước, đúng ngày Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Maria, ngày chế độ CS Bắc Kinh đã mở cuộc khủng bố Giáo Hội cách quy mô với hàng ngàn tín hữu bị bắt ở Thượng Hải, ngài viết:

        "Hôm nay, chúng tôi vẫn còn tràn đầy niềm tin rằng Đức Mẹ có một kế hoạch cho sự giải thoát chúng ta. Nhưng trong khi chờ đợi chúng ta phải sẵn sàng để mất tất cả, như Chân Phước Mẹ Teresa nói, ‘Thiên Chúa muốn chúng ta trung thành, chứ không phải thành công,’ và như Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần đến Giáo Hội bị đàn áp, ‘ngay cả khi mà tất cả mọi thứ trong hiện tại có vẻ là một thất bại, sự đau khổ vì đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ mang lại chiến thắng cho Giáo Hội ".

III.- Từ chuyện GHCG Tàu nhìn về GHCG Việt Nam

        Đọc bài viết của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, trong đó ngài công khai biểu lộ những băn khoăn thao thức về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Luc mà người viết tưởng như là ngài đang nói về những hiện tượng xé lòng trong Giáo Hội Việt Nam hôm nay.

        Một điểm dị biệt duy nhất giữa hai Giáo Hội là: ở Hoa Lục bên cạnh một "Giáo Hội Hầm Trú" bao gồm những tín hữu luôn trung thành với Đức Thánh Cha, có một cơ chế gọi là "Giáo Hội Tư Trị", tách rời mọi liên hệ với Vatican, hoàn toàn quy phục nhà nước mà chính LM Jeroom đã "thẳng thắn đủ" (nói theo ngôn từ của Đức HY Giuse) để công khai xác nhận là muốn tồn tại, phải thực hành đức tin "trong hệ thống hiện tại" của Bắc Kinh, rằng họ bắt buộc phải được "hội nhập tốt vào trong xã hội Trung Quốc xã hội chủ nghĩa của ngày hôm nay". Trong khi ở Việt Nam, vì đảng và nhà nước hoàn toàn thất bại trong mưu toan biến GHCG thành một thứ GH biệt lập theo mô thức của quan thày Bắc Kinh nên họ phải chọn con đường quanh co là thiết lập những tổ chức Công Giáo trá hình để xâm nhập và khuynh loát! Và mỉa mai và đau đớn thay

        Qua những bài viết, cá nhân chúng tôi đã hơn một lần lên tiếng nhận định về tính cách nguy hiểm của con đường quanh co này, khi nhìn vào những gì đang xảy ra trong lòng GHVN. Đối chiếu với tình hình GHCG ở Hoa Lục dịp Đức HY Mẫn cầm đầu một phái đoàn của TGP Sàigòn có sự hiện diện của LM Huỳnh Công Minh qua thăm các chức sắc trong Giao Hội tự trị Trung Quốc năm 2009, chúng tôi đã khẳng định một quan điểm nghịch thường có phần tiêu cực: thà có một "GH tự trị" kiểu Bắc Kinh, nhưng ít ra bên cạnh đó còn có được một "GH hầm trú" tinh tuyền, nguyên vẹn, hơn là một Giáo Hội "nửa nạc nử mỡ", trên danh nghĩa được tiếng thống thuộc Hội Thánh, nhưng thực tế luôn bị một thiểu số tìm cách cưỡng chế HĐGM khép mình theo "lề phải" do đảng và nhà nước chỉ đạo. Dĩ nhiên, không ai phủ nhận là trong hàng Giáo Phẩm, Giáo Sĩ và tuyệt đại đa số giáo dân Việt Nam vẫn hiện hữu và kiên định một lối sống niềm tin khác. Nhưng, điều bất hạnh là lối sống niềm tin theo kiểu "thực dụng, du di, thỏa hiệp" hiện nay ở Việt Nam lại nằm trong não trạng của những khuôn mặt có quyền, có thế đang thao túng HĐGM. Điển hình là Đức TGM Nguyễn Văn Nhơn đương kim chủ tịch HĐGM, Đức HY Phạm Minh mẫn, TGM Sàigon, Đức TGM Huế Nguyễn Như Thể, và những khuôn mặt ăn theo như Đức Cha Nguyễn Văn Khảm, GM phụ tá Sàigòn, Đức Cha Vũ Huy Chương GM Hưng Hóa, Đức Cha Châu Ngọc Tri, GM Đà Nẵng, Đức Cha Bùi Văn Đọc, GM Mỹ Tho…

        * Trước hết về chuyện "Đối Thoại".

        Nếu Đức HY Trần Nhật Quân khẳng quyết là chuyện đối thoại trong GHCG Hoa Lục hoàn toàn không có, dù giữa các GM với nhau hay giữa các GM với nhà nước (xin đọc lại phần II tóm lược nội dung bài viết của Đức HY) thì cảnh ngộ Giáo Hội Việt Nam mà tiêu biểu là các chức sắc cao cấp trong lãnh vực này, cũng không khá, nếu không muốn nói là tệ hơn!. Trong suốt hơn ba thập niên qua, từ ngày cộng sản thôn tính được toàn lãnh thổ, với chủ trương thâm độc là chia rẽ để trị, Hànội đã tận dụng cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam (thối thân của Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo ở miền Bắc trước 1975), biến nó thành một thứ trung gian trá hình để lèo lái hàng Giáo Phẩm. Vì thế, trong khi một số vị nắm quyền sinh sát trong HĐGM luôn miệng đề cao chuyện cần phải duy trì những cuộc đối thoại thì trong thực tế, hầu hết những kiến nghị do cơ chế này đệ đạt lên nhà cầm quyền cộng sản đều bị họ vứt bỏ thùng rác! Điển hình là yêu sách trả lại đất đai, tài sản của Giáo Hội bị cướp trắng sau tháng 4-75, chuyện xuất bản sách báo Công Giáo và nhất là chuyện tham gia vào lãnh vực giáo dục vốn được coi là lãnh vực GHCG có thẩm quyền hơn hết. Sự thật đau xót ra sao mọi người đều đã rõ.

        Cuối cùng, lần hồi giữa giáo quyền và thế quyền đã mặc nhiên đi tới một thỏa hiệp ngầm để hình thành một cơ chế bất thành văn, sau này được chính các ngài nhìn nhận. Đó là cơ chế XIN/CHO. Giáo hội muốn gì thì phải XIN (thường thường là phải dựa vào uy thế của cái gọi là UBĐKCG) để được đảng và nhà nước CHO. Dĩ nhiện, có CHO hay không, CHO bao nhiêu, CHO với điều kiện nào lại là chuyện khác. Từ đấy đưa tới muôn vàn tệ trạng, góp phần chia xé thân mình Giáo Hội thành nhiều mảnh. Người ta nói tới những chuyện "xé lẻ" của GM này hoặc GM khác để "đi đêm" với "Ông Nhà Nước" dẫn tới hệ quả tai hại là đã có những vị chủ chăn sẵn sàng hi sinh đại sự của Giáo Hội để đối lấy một vài ân huệ cho giáo phận riêng của mình. Điển hình phải kể tới trường hợp Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, GM Đàlạt đã tỏ ra thờ ơ, tắc trách trong việc đòi lại Giáo Hoàng Học Viện vốn là biểu tượng tinh thần trong lãnh vực giáo dục cao cấp của GHCG để được nhà nước tạo điều kiện cho xây dựng một cơ sở trong giáo phận… xa hơn, không chừng cũng có thể là để được vinh thăng TGM Hànội thay thế Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt!? Bên cạnh đó là chuyện "cò kè bớt một thêm hai" trong vụ hoàn trả đất đai tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Nói tới La Vang, người ta không thể không liên tưởng tới những chuyện ngược đời là trong dịp Đại Hội La Vang hồi tháng 8 vừa qua, TGM Nguyễn Như Thể đã ra lệnh cấm giáo dân, linh mục không được cầu nguyện cho Cồn Dầu! Phải chăng đây là một trong những điều kiện do nhà nước đặt ra khi cho phép tái thiết Trung Tâm này?

        Còn chuyện đối thoại giữa các GM thì sao?

        Ở Trung Hoa Lục Địa, theo Đức HY Quân thì cho dù các GM giữa hai GH có muốn đối thoại với nhau cũng không được vị luôn bị nhà nước canh chừng và ngăn cấm. Nhìn vào nội bộ của cơ cấu HĐGMVN, người ta cũng phát hiện không thiếu những dấu hiệu tiêu cực. Người ta nói tới chương trình nghị sự trong các Hội Nghị thường niên của HĐ luôn phải thông qua với Mặt Trận Tổ Quốc! Dư luận cũng bàn tán nhiều chung quanh sự hiện diện của các đại diện nhà nước trong những buổi khai mạc và bế mạc Hội Nghị cũng như những buổi đi viếng "Lăng Bác", tặng quà hoặc tới yết kiến những khuôn mặt lớn trong cơ cấu cầm quyền của phái đoàn các GM sau khi họp! Được biết nhiều GM đã tỏ ra không đồng ý với những cung cách như vậy nhưng lại dựa vào tinh thần "vâng phục, khiêm tốn, bác ái" nên ngậm miệng làm thinh. Chưa hết, có GM sau khi tham gia Hội Nghị trở về đã than với những người thân cận là có những vị muốn nói lên tiếng nói chân thật của mình cũng không dám, vì kinh nghiệm quá khứ cho thấy nhất cử nhất động trong Hội Nghị của các GM đều lọt tới tai nhà nước, không phải sau này mà ngay khi các cuộc họp bàn đang diễn tiến! Như thế, về một phương diện, mối liên hệ giữa các GMVN hiện nay còn tệ hơn trường hợp các GM trên lãnh thổ Trung Cộng. Theo nhận định của Đức HY Quân thì giữa các GM trong GH Tự Trị và Giáo Hội Hầm Trú luôn có thiện chí muốn nói chuyện thẳng thắn với nhau nhưng hiềm vì sự cấm cản, gây khó dễ của giới cầm quyền. Trong khi ấy, nhìn về GHVN, ngoài sự nhòm ngó, thằng thúc của đảng và nhà nước, tự thân các GM cũng có vấn đề với nhau. Hoặc đã bị nhà nước "thuần hóa" như tiết lộ của Đức cố Giám Mục Bắc Ninh Nguyễn Quang Tuyến. Cũng có thể chỉ vì muốn bảo vệ những quyền lợi riêng tư của giáo phận mình nên mới có cảnh "đồng sàng dị mộng" không ai nói chuyện với ai được!

        Biến cố thay bậc đổi ngôi ở tòa TGM Hànội mới đây có thể coi là trưởng hợp điển hình của mối tình huynh đệ, liên đới (!!!) giữa các Đấng Bậc trong GHVN.

        * Thứ đến là chuyện "Đối Đầu"

        Trong bài viết, Đức HY Trần Nhật Quân đã đề cập chuyện GHCG thầm lặng bị Bắc Kinh quy kết tội "đối đầu". Ngài hết lời ca ngợi tinh thần quả cảm của tập thể tín hữu không quy thuộc nhà nước. Nhưng điều đau đớn là trong khi khối tín hữu thầm lặng kiên cường chấp nhận mọi ngón đòn thâm độc không khoan nhượng của kẻ thù chỉ vì đức tin, thì, theo Đức Hồng Y Giuse: "giờ đây lại chết bởi bàn tay của anh em của mình."

        Hóa ra tôn giáo trong chế độ cộng sản, không chỉ một mình Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta mới có cảnh người ta dùng "cành đậu để nấu hạt đậu", dùng chính người Công Giáo –hơn thế, những cấp lãnh đạo đã bị "thuần hóa" để hại ngầm những anh em của mình!!!

        Ngoài ra, một chi tiết khác trong bài viết của Đức HY Trần Nhật Quân còn cho thấy sự thiếu lương thiện trí thức của LM Jeroom trong khi trích dẫn lá thư của ĐGH Bênêđictô XVI: chỉ trích những đoạn có lợi cho quan điểm của mình mà cố tình loại đi những chi tiết mang tính răn đe, ràng buộc khác của người cầm đầu Giáo Hội hoàn vũ.

        Sự kiện này khiến người đọc không thể không liên tưởng tới trường hợp Đức Cha Bùi Văn Đọc trong bài giảng trước Giám Mục đoàn và đông đảo giáo sĩ, giáo dân trong thánh lễ cử hành tại nhà thờ Ngoại Thành Thánh Phaolô nhân chuyến viếng thăm mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô hồi tháng 6 năm 2009, theo đó ngài đã trắng trợn cắt xén lời Tiên Tri Gêrêmia với mục tiêu duy nhất là để biện minh một cách sống sượng cho thái độ im lặng của các Đấng Bậc làm Thày trước nỗi đau triền miên của GHCG cũng như dân tộc Việt Nam hôm nay. Có cần phải kể thêm luận điệu "cưỡng từ đoạt lý" của Đức Cha Nguyễn Văn Khảm GM phụ tá Sàigòn trong bài viết có nhan để "HĐGMVN: Lên Tiếng hay không Lên Tiếng" và việc Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, GM Vinh với tư cách Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình mời cha Chân Tín viết bài tham luận tại cuộc Tọa Đàm nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của cố TGM Bình, nhưng sau đó đã bịt miệng không cho cha đọc bài tham luận chỉ vì ngài dứt khoát từ chối không chịu cho kiểm duyệt?

IV Thay cho lời kết:

        Đọc lại những giòng cuối trong bài viết của Đức HY Giuse Trần Nhật Quân, người viết không khỏi liên tưởng tới những sự kiện đau đớn phảng phất dư vị đắng cay, thất bại của những buổi cầu nguyện ở Tòa KS, ở Giáo Xứ Thái Hà, ở Tam Tòa, nhất là chuyện Thánh Giá bị đập nát ở Đồng Chiêm, tiếp theo là những bi kịch xảy ra bất ngờ cho Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đầu năm nay. Bên cạnh những hình ảnh khổ đau nhuốm màu thất bại ấy là sự lên ngôi của một thứ "ngụy Giáo Hội" đang manh nha. Cuối tháng 8-2010, "gia đình TGP" Sàigòn đã dựng lên cái gọi là "Tọa Đàm" nhằm đánh bóng lại chủ trương "Hợp Tác", "Đối Thoại", "Sống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc" được gán cho là của cố TGM Nguyễn Văn Bình để mặc tình nắn gân nắn cốt cho những "Linh Mục Quốc Doanh" Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ và những giáo gian cỡ Nguyễn Đình Đầu và cũng để làm "bốc hơi" tinh thần Ngô Quang Kiệt, cùng với việc chuẩn bị dựng lên cái gọi là Đại Hội Dân Chúa cuối năm nay.

        Tuy phải ngụp lặn trong tâm trạng xót xa cháy lòng, nhưng từ thẳm sâu của lòng tin, người viết vẫn chưa nguôi niềm hy vọng. Vì thế xin được mượn lại những lời sau đây của Đức HY Giuse thay cho lời kết luận bài này:

        "Hôm nay, chúng tôi vẫn còn tràn đầy niềm tin rằng Đức Mẹ có một kế hoạch cho sự giải thoát chúng ta. Nhưng trong khi chờ đợi chúng ta phải sẵn sàng để mất tất cả, như Chân Phước Mẹ Teresa nói, ‘Thiên Chúa muốn chúng ta trung thành, chứ không phải thành công,’ và như Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần đến Giáo Hội bị đàn áp, ‘ngay cả khi mà tất cả mọi thứ trong hiện tại có vẻ là một thất bại, sự đau khổ vì đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ mang lại chiến thắng cho Giáo Hội ".