Home Đời Sống Tôn Giáo Thánh Inhaxiô Lôyôla (1491 - 1556)

Thánh Inhaxiô Lôyôla (1491 - 1556) PDF Print E-mail
Tác Giả: DongTen.net   
Thứ Bảy, 31 Tháng 7 Năm 2010 08:27

Vị sáng lập dòng Tên nổi danh Inhaxiô Lôyôla sinh năm 1491. Ngài xuất thân trong một gia đình quý tộc Tây Ban Nha.

Ngày 31 tháng 7
Thánh Inhaxiô Lôyôla

Vị sáng lập dòng Tên nổi danh Inhaxiô Lôyôla sinh năm 1491. Ngài xuất thân trong một gia đình quý tộc Tây Ban Nha. Khi còn nhỏ, Inhaxiô được gởi vào giúp việc trong hoàng cung. Ở đó, Inhaxiô nuôi dưỡng khát vọng một ngày nào đó sẽ trở nên một binh sĩ vĩ đại và sẽ kết hôn với một phụ nữ xinh đẹp. Về sau, Inhaxiô đã đạt được vinh dự này vì lòng can đảm chiến đấu trong trận đánh Pamplôna. Tuy nhiên, vết thương từ viên đạn đại bác đã buộc Inhaxiô phải trải qua nhiều tháng trời nằm bệnh tại lâu đài Lôyôla.

 
       Thánh Inhaxiô Lôyôla
Rồi, Inhaxiô Lôyôla đã xin mượn một ít sách để đọc. Thánh nhân thích đọc truyện các hiệp sĩ hơn nhưng người ta chỉ có sẵn những truyện về Chúa Giêsu và gương các thánh. Vì không có gì để làm, Inhaxiô Lôyôla bèn đọc đỡ các sách truyện này. Dần dần, các sách này đã gây ấn tượng trên Inhaxiô và đời sống của Inhaxiô bắt đầu thay đổi. Ngài tự nhủ: “Các vị thánh nam và thánh nữ này cũng giống như tôi, vậy sao tôi không thể làm được những gì họ đã làm nhỉ?” Tất cả những vinh quang mà Inhaxiô Lôyôla ao ước trước kia thì giờ đây dường như chẳng còn giá trị gì. Inhaxiô Lôyôla bắt đầu noi gương các vị thánh cầu nguyện, đền tội và làm việc bác ái.

Khi lành bệnh, Inhaxiô Lôyôla hành hương tới Monsơrat. Ngài đặt thanh gươm của mình trước một bàn thờ và bố thí bộ đồ sang trọng của ngài cho một người hành khất nghèo khó. Inhaxiô tiếp tục tới Monsơrat và ngài đã lưu lại đó hai năm (1522-1523) để tĩnh tâm và cầu nguyện. Vì mơ ước làm linh mục, Inhaxiô bắt đầu ghi danh học văn phạm tại Barxêlôna. Hầu hết các sinh viên đều trẻ hơn Inhaxiô rất nhiều tuổi. Inhaxiô Lôyôla lúc ấy đã 33! Tuy vậy, Inhaxiô Lôyôla vẫn quyết tâm đến trường vì ngài biết ngài cần kiến thức này để thi hành sứ vụ linh mục. Với lòng kiên nhẫn và đôi khi thích thú, Inhaxiô chấp nhận những lời chế nhạo cũng như mắng nhiếc của bọn trẻ. Suốt thời gian này, Inhaxiô đã cố gắng dạy bảo và khuyến khích người ta cầu nguyện. Vì lý do đó, Inhaxiô đã bị nghi là lạc giáo, và đã bị giam tù một thời gian. Nhưng điều ấy cũng không ngăn cản nổi Inhaxiô. “Cả thành phố này không chứa nổi nhiều dây xích như tôi ao ước được đeo mang vì tình yêu Chúa Giêsu!” Inhaxiô nói. Sau đó, Inhaxiô Lôyôla được xử vô tội và được phóng thích.
Inhaxiô Lôyôla tiếp tục tới Paris để trau dồi thêm Latinh và học môn triết. Tốt nghiệp đại học Paris, Inhaxiô lúc ấy đã 43 tuổi. Vào năm 1534, Inhaxiô tuyên các lời khấn dòng cùng với sáu anh em sinh viên khác. Inhaxiô Lôyôla và các anh em chưa làm linh mục được thụ phong năm 1539. Các ngài đoan hứa sẽ phục vụ Thiên Chúa qua việc vâng phục đức thánh cha cách trọn hảo. Năm 1540, đức thánh cha chính thức ký sắc lệnh châu phê hiến pháp của hội dòng. Trước lúc Inhaxiô Lôyôla qua đời, số tu sĩ dòng Tên (hay còn gọi là dòng Chúa Giêsu) đã lên tới 1000. Các ngài đảm nhận công tác dạy học và truyền giáo. Inhaxiô thường hay cầu nguyện với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Ngài, và như thế là đủ cho con!” Thánh Inhaxiô qua đời tại Rôma hôm 31 tháng Bảy năm 1556. Đức thánh cha Grêgôriô XV đã tôn ngài lên bậc hiển thánh năm 1622.

Đôi nét về khuôn mặt thánh Inhaxiô Loyola

1. I-NHÃ CON NGƯỜI QUẢNG ĐẠI

Quảng đại để từ bỏ một quá khứ.
Bỏ những tham vọng của mình về chức tước, tiếng tăm.
Bỏ giấc mơ chinh phục một tiểu thư quý phái.
Bỏ việc phụng sự cho một vị vua ở trần gian.
Bỏ lâu đài, gia đình và sự nghiệp….
Bỏ là điều kiện để theo.

Trong cuộc tử thủ chống quân Pháp ở Pamplona,
mảnh đạn đại bác đã làm I-nhã gãy chân,
nhưng không đổi được hướng đi của ngài.
Phải có khuôn mặt của Đức Kitô thu hút,
I-nhã mới dám bỏ và dám theo.

Quảng đại là thái độ ta thường thiếu.
Chúng ta dè sẻn, tính toán so đo khi sống cho Chúa,
bởi lẽ chúng ta không tin Chúa quảng đại hơn mình.
Chúng ta còn có quá nhiều nỗi sợ.
Thánh I-nhã đã định nghĩa quảng đại là:
“Dâng trọn cả ý muốn và tự do của mình cho Chúa, để mặc Ngài sử
dụng bản thân mình, cũng như mọi sự mình theo ý Ngài” (LT.5)
Chúng ta có nên thử một lần quảng đại với Chúa không?

2. I-NHÃ, CON NGƯỜI SAY MÊ GIÊSU

Giêsu là vị thủ lãnh mới mà I-nhã khám phá được
trong thời gian nằm trên dường bệnh.
I-nhã chỉ mong mau khỏi bệnh để đi Đất Thánh.
Ngài muốn ở lại và rao giảng trên vùng đất thân thương,
nơi Đức Giêsu đã sống, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.
Một ơn lớn phải xin trong Linh thao Tuần hai,
đó là ơn “Hiểu biết thâm sâu về Chúa Giêsu,
Đấng đã làm người vì tôi, để yêu mến Ngài hơn và theo Ngài hơn” (LT. 104).

Tình yêu Chúa Giêsu đã chi phối cuộc đời I-nhã.
Một tình yêu vừa rất riêng tư, tha thiết,
vừa đầy tính hành động cụ thể.
Giêsu là một vị vua mà I-nhã muốn hiến thân phục vụ,
muốn chia sẻ với Ngài sứ mạng chinh phục thế giới.
Tình yêu đòi nên giống người mình yêu,
chọn sự nghèo khó sỉ nhục, bị coi là ngu dại, để nên giống Đức Kitô,
Đấng đã chịu như thế vì tôi.

Chúng ta hãy để cho Đức Kitô thu hút mình
và gọi mình làm bạn đường của Ngài.
Hãy cùng Ngài đồng cam cộng khổ
để đưa cả thế giới này về cho Cha.

3. I-NHÃ, CON NGƯỜI CỦA TÌNH BẠN

I-nhã không độc quyền yêu Chúa Giêsu
Ngài muốn tất cả trở nên bạn với Chúa.
Chính vì thế, đi đâu ngài cũng có bạn.
Ngài có khả năng tìm được những người cùng chí hướng,
và quy tụ họ lại thành một nhóm thân thương.
Ở Barcelona, Alcala, Salamanca, Paris,
đâu đâu cũng có những người bạn như thế.

Có những nhóm bạn không bền,
nhưng cũng có nhóm bạn đã đi vào lịch sử.
Ở Paris, I-nhã đã giúp sáu bạn sinh viên làm Linh thao,
thuyết phục họ quyết tâm phục vụ Thiên Chúa,
trong số đó có Phanxicô Xavier.
Dù quốc tịch, tuổi tác, tính khí khác nhau
nhưng họ có chung một lý tưởng, một ước mơ.
Ước mơ chịu chức linh mục để phục vụ con người.
Ước mơ đi Đất Thánh để giúp người Hồi trở lại.
Ước mơ đi Rôma để đặt mình dưới quyền Đức Thánh Cha.
Ước mơ sống khó nghèo và khiết tịnh.
Hẳn I-nhã đã góp phần khơi lên những ước mơ,
tiềm ẩn nơi những tâm hồn quảng đại.

Chúng ta cần xây dựng tình bạn trên nền Giêsu,
cần mở rộng vòng tay đón những bạn mới.
Ước gì tình bạn làm bật dậy những ước mơ
và làm cho ước mơ thành sự thật.

4. I-NHÃ VÀ VIỆC HỌC

Sau khi không được ở Đất Thánh,
I-nhã thấy mình cần học một thời gian,
để có khả năng giúp các linh hồn.
Như thế, việc tông đồ là lý do khiến ngài đi học trở lại.
Bằng cấp chỉ là phương tiện để phục vụ.
Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy I-nhã đi học ở tuổi 33,
can đảm ngồi học chung với những chú nhỏ!
Trong thời gian học ở Alcala và Salamanca,
I-nhã lo dạy giáo lý và giảng Linh thao hơn là lo học.
Chính vì thế, ngài gặp rắc rối với giáo quyền,
và việc học chẳng tiến bộ mấy.
Cuối cùng, I-nhã quyết định học tập nghiêm túc,
kiếm tiền trợ cấp để khỏi phải đi xin ăn hàng ngày.
Đến năm 44 tuổi, I-nhã mới tốt nghiệp Đại học.
Với mảnh bằng, ngài không còn bị làm khó dễ như xưa.

Mảnh bằng là giấy phép để tôi làm việc.
Kiến thức là chiếc cầu để tôi gặp gỡ tha nhân.
Ước gì tôi có khả năng đưa Chúa vào ngành chuyên môn,
và đưa con người khoa học hôm nay đến với Chúa.

5. I-NHÃ, CON NGƯỜI YÊU MẾN HỘI THÁNH

Hội Thánh thời I-nhã có nhiều vết nhơ.
Có những vị chủ chăn sa ngã nặng nề.
Nhiều linh mục, tu sĩ cũng sa sút và bất xứng.
Ông Luther đã đoạn tuyệt với Hội Thánh công giáo,
sau khi phản đối việc bán ân xá một cách mạnh mẽ.
I-nhã không phải không thấy những bất toàn,
nhưng ngài đã không chỉ trích Hội Thánh.
Ngài ở lại trong Hội Thánh để cải tổ, canh tân.
Dù Đức Thánh Cha có nhiều khiếm khuyết,
nhưng I-nhã vẫn coi Người là đại diện Đức Kitô,
và chấp nhận được Người sai đi bất cứ đâu, để làm bất cứ việc gì
xét thấy cần cho vinh danh Chúa và lợi ích cho con người.

Chúng ta cần có lòng yêu mến Hội Thánh,
và kiên nhẫn trước những thay đổi chậm chạp.
Hãy bắt tay vào việc xây dựng Hội Thánh
bằng những đóng góp nhỏ bẻ, vừa tầm của mình,
để Hội Thánh đáp ứng được những nhu cầu thời đại,
Hãy canh tân Hội Thánh từ bên trong
bằng việc canh tân chính bản thân mình.

6. I-NHÃ, CON NGƯỜI BIẾT NHẬN ĐỊNH

Lúc còn trên giường bệnh, I-nhã đã có kinh nghiệm sau:
Khi nghĩ đến chuyện thế gian, ngài cảm thấy vui thú,
nhưng sau đó lại thấy khô khan trống rỗng;
còn khi nghĩ đến chuyện sống hết mình cho Chúa
ngài cảm thấy niềm vui kéo dài.
Từ đó ngài khám phá ra tác động của Thiên Chúa và ma quỉ trong đời mình.
Lúc ở Manresa, I-nhã còn trải qua nhiều thử thách khác:
chán chường, khô khan, bối rối đến độ muốn tự tử.

Trong thời đi học,
I-nhã cũng bị lôi cuốn bởi những tư tưởng đạo đức mới mẻ
khiến ngài say mê đến nỗi không tập trung vào việc học được.
Dần dần ngài biết cách nhận định để khám phá ra
đâu là tác động thực sự của Chúa.

Chúng ta rất muốn biết ý Chúa khi phải chọn lựa.
Có một vài tiêu chuẩn để chọn việc phải làm:
nên chọn điều gì có ích lợi phổ quát hơn và lâu bền hơn,
chọn chỗ nào có nhu cầu lớn hơn và khẩn cấp hơn,
chọn chỗ nào có hy vọng sinh nhiều hoa trái hơn.
Ước gì chúng ta nhạy cảm với tác động của Chúa và không bị mắc
mưu của ma quỉ xuất hiện dạng thiên thần sáng láng.

7. I-NHÃ, CON NGƯỜI CỦA CÁI HƠN

“Nhằm vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa”
đó là điều tâm niệm của I-nhã.
Tình yêu làm người say mê cái hơn.
I-nhã chẳng chịu ngừng lại và mãn nguyện.
Hoàn cảnh đổi thay, con người cũng biến đổi.
Điều hôm nay là tốt nhất cho vinh danh Chúa
thì ngày mai lại không như thế nữa.
Chính vì thế, cứ phải suy nghĩ, tìm kiếm,
cứ phải trăn trở, thích nghi…
Cái hơn đưa ta đi vào một chuyển động
Đó là khao khát khôn nguôi của I-nhã.
Làm sao để mọi người nhận biết Chúa,
và nhận ra nhau là anh em?
Làm sao để vinh quang Thiên Chúa tràn lan trên mặt đất này.
Chúng ta đừng để mình rơi vào sự dễ dãi,
yên tâm với cái tầm thường.
Làm sao để hôm nay của tôi hơn hôm qua
và ngày mai hơn hôm nay?