Thinh Lặng |
Tác Giả: Lm Phạm Quang OP | ||||
Thứ Tư, 21 Tháng 7 Năm 2010 13:59 | ||||
Những con người “vĩ đại”, thường họ có sự thinh lặng bên trong rất sâu thẳm. Những nhà kinh doanh thinh lặng để tính toán kế hoạch cung cầu thị trường... Những nhà chính trị thinh lặng để mưu kế chiến lược chiến đấu... Những nhà bác học thinh lặng miệt mài trong phòng nghiên cứu... Những tay trộm cướp cũng thinh lặng trầm ngâm bên ly càphê điếu thuốc để suy tính đường đi nước bước... * Truyền tin cho ông Dacaria, ông bị câm để giữ thinh lặng * Truyền tin cho Đức Maria, Đức Maria giữ thinh lặng mà không cần phải câm. Lý do tại sao câm và không câm thì chúng ta cũng biết khi đọc trong Tin Mừng của Luca. Cả hai trường hợp cần sự thinh lặng vì : - Thinh lặng để biết mình, biết mình là nữ tỳ hèn mọn được Chúa yêu thương. - Thinh lặng để suy đi nghĩ lại những việc kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của mình. - Thinh lặng để can đảm kiên cường đón nhận những khó khăn thử thách sóng gió mà không kêu ca rên rẩm phàn nàn trách cứ. - Thinh lặng để Chúa thực hiện chương trình của Người mà không cần phải lo biện hộ phân bua giải thích đằng tả vì sợ mọi người chung quanh hiểu lầm mình. - Thinh lặng để giữ được lời nói khi đang nóng giận tức tối và chỉ nói khi lòng đang thân thương trìu mến với những người chung quanh. Hôm nay kỷ niệm chín năm tôi đón nhận thừa tác linh mục và tôi đã dành trọn ngày 21 - 12 - 2000 này sống trong thinh lặng bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Cũng như những năm trước, trong thinh lặng, tôi chờ mong khám phá điều kỳ diệu Chúa thực hiện để tâm hồn tôi “hân hoan, hân hoan mừng hát...” Thế nhưng, hôm nay, đến với bầu khí thinh lặng bên ngoài thì tâm hồn lòng trí của tôi nó lại cứ xáo trộn vẩn vơ lang thang đủ thứ để rồi cuối cùng tôi đã nhận ra tôi cần phải trầm lặng hơn nữa trong những ngày sống. Và chính bài học thinh lặng đó giúp cho tôi nhận ra sự thinh lặng là đủ rồi mà không phải háo hức tìm những tâm tình mới. Mỗi ngày, cụ thể, tôi sẽ sống đối diện với Chúa Giêsu trong sự thinh lặng ngay trong môi trường hoàn cảnh sống của mình, như một lời chứng và trước hết là cho chính mình, sau là những người chung quanh nếu họ cảm thấy sự hấp dẫn ở đó. Tôi thầm cám ơn những người liên đới với mình ở khắp nơi. Trong ngày này họ khiêm tốn, nhỏ bé, đơn sơ, không gọi điện thoại, không thiệp mừng, không quà cáp... và họ cũng đang thinh lặng với những lời cầu nguyện âm thầm lặng lẽ hướng về tôi, để tôi cảm thấy sức nặng và sức mạnh trong những tâm tình cầu nguyện của họ đang chuyển tải trong tôi. Và trong âm thầm trầm lắng họ sống yêu thương và thật hạnh phúc thì đó là món quà lớn nhất dành cho tôi, tôi ghi ơn họ. Tôi thầm nghĩ đến tu viện của tôi, anh em có thói quen dâng lễ, tiệc tùng, quà cáp... mừng ngày bổn mạng, nhưng thật ra theo tôi thì ngày khấn hứa, hay ngày chịu chức mới là những ngày trọng đại, ngày đáng mừng vì là ngày Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu nơi thân phận yếu đuối mỏng dòn của con người... Do đó cần tổ chức thật đình đám, to đùng ấy chứ ! ! ! . Đấy là một suy nghĩ, và thật có lý. Thế nhưng niềm vui và hạnh phúc còn lớn hơn nhiều khi biết mừng ngày trọng đại này trong thinh lặng. Chỉ có trong thinh lặng mới cảm thấy được những điều kỳ diệu nơi bàn tay của Chúa thực hiện trong thinh lặng. Chỉ có trong thinh lặng mới hạnh phúc ngập tràn trong Chúa chứ không phải là trong những điều kỳ diệu. Và rồi, rất cám ơn anh em đã mừng trong thinh lặng. Tôi thầm ghi ơn thầy mẹ tôi, chị và các em tôi, đã bao nhiêu năm trời âm thầm sớm tối cầu nguyện, mỏi mòn trông đợi tôi nên thân nên người, nên con cái của Chúa và nên linh mục của Chúa... để rồi sau khi toại nguyện lại tiếp tục âm thầm lặng lẽ chôn vùi... Một ngày hay một đời, dù có bao nhiêu, cũng chỉ là một tình yêu. Tình yêu thì không phải là lên sân khấu gào thét quằn quại ầm ĩ theo kiểu nhạc kẹo kéo, hay một thứ quảng cáo của chiếc loa the thé bán keo dính chuột. Nhưng tình yêu thì nhè nhẹ như sương rơi, như làn gió hiu hiu thổi. Vì thế tình yêu luôn muốn khước từ những rình rang tổ chức, những hình thức vinh quang chói lọi bên ngoài, muốn được lãng quên để được ẩn sâu trong vẻ đẹp và huy hoàng của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa ở mỗi tâm hồn nhẹ nhàng và nhẹ nhàng hơn nữa, thầm lặng và thầm lặng hơn nữa để bước chân Ngài âm thầm bước tới. Lậy Chúa, sự thinh lặng đích thực nhất đó là cái chết. Xin cho con biết chết mỗi ngày để con “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Dom Miquel đã viết : - Con người chiêm niệm thì có một tinh thần tổng hợp : Trước những biến cố, những con người và sự việc, anh đều có cái nhìn tổng thể, cho phép anh nhìn ra chúng dưới những tỉ lệ xác thực. Thành phần đã không ngăn cản anh nhìn thấy toàn bộ. - Người chiêm niệm cũng có một tinh thần quảng đại : Không những anh biết tha thứ, mà còn không nhìn thấy những điều tầm thường. Việc anh lo lắng đến những chuyện vụn vặt vẫn không khiến anh trở thành nhỏ mọn, câu nệ, bối rối. Lòng tín thác khiêm nhu của anh đặt nơi Thiên Chúa khiến cho anh hoàn toàn tự do. - Con người chiêm niệm còn có một tinh thần bền bỉ : Anh kiên nhẫn trong những khó khăn và bách hại, song tính kiên trì của anh không phải là cứng cỏi... Việc anh hối hả đi đến cuối đường vẫn không buộc được anh đốt giai đoạn. Anh chịu đựng những trì hoãn và chậm trễ mà không cay cú. - Người chiêm niệm lại có một cảm thức hài ước : Nghĩa là anh cảm nhận được tính tương đối của tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Anh không bao giờ coi mình là quan trọng... ; anh thích nghi với mọi hoàn cảnh bằng sự mềm dẻo : bởi anh biết rằng việc theo sát những biến cố lại chính là sự suy phục Thánh Ý Thiên Chúa (Être moine, 31-32)
|